Từ bỏ thói quen ép uống rượu bia

Thứ Hai, 06/05/2019, 16:12
2 giờ sáng 1-5, tôi tỉnh ngủ và cầm điện thoại lướt facebook như một thói quen. Dòng trạng thái đầy đau đớn của những người bạn trong nhóm Cấp 3 khoá 91-94 toàn Hà Nội (tập hợp hơn 10.000 thành viên) dần hiện lên: "Cùng lúc chúng ta mất 2 người bạn…".

Bàng hoàng, xót xa. Đó là một vụ tai nạn khủng khiếp cướp đi sinh mạng của 2 thành viên trong nhóm vào lúc hơn 0 giờ tại hầm chui Kim Liên, Hà Nội. Đối tượng gây ra vụ tai nạn sau đó được xác định là có uống rượu bia trước khi lái xe. Lại là rượu bia. Lại là “ma men” đằng sau tay lái.

Uống rượu bia lái xe - người tốt đã thành kẻ giết người

Hình ảnh hiện trường vụ tai nạn tại hầm chui Kim Liên thật ám ảnh. Nạn nhân là hai người bạn cùng học: Đinh Thị Hải Yến và Trần Thị Quỳnh cùng sinh năm 1976 và cùng ở quận Đống Đa, Hà Nội. Nơi xảy ra tai nạn ở rất gần nhà của Yến. Vậy mà, họ đã mãi mãi không về được nhà. 

Hiện trường vụ tai nạn giao thông tại hầm Kim Liên rạng sáng 1-5.

Vào lúc 0h10' ngày 1-5, cả hai đang đi xe máy trong hầm chui Kim Liên thì bất ngờ bị một ô tô hiệu Mercedes màu trắng, BKS 30F-154.78 đi phía sau lao tới đâm mạnh. Cú va chạm khiến hai người ngã xuống đường bất tỉnh và không qua khỏi. Tài xế Lê Trung Hiếu bỏ chạy nhưng đã bị công an bắt giữ. Tại thời điểm kiểm tra, nồng độ cồn đo được của lái xe là 0,751mg/lít khí thở.

Ngày 2-5, Cơ quan CSĐT Công an quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ" để điều tra vụ tai nạn này. 

Trước đó, chiều 1-5 Cơ quan CSĐT đã ra quyết định tạm giữ hình sự đối với Lê Trung Hiếu, sinh năm 1980 trú tại phố Văn Cao, quận Ba Đình, Hà Nội, tài xế điều khiển xe Mercedes gây tai nạn. Lê Trung Hiếu sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi của mình. 

Quả là đau xót như lời đánh giá của ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban an toàn giao thông quốc gia: "Tôi biết tài xế gây ra vụ tai nạn giao thông khiến 2 người tử vong hôm 1-5 là người tốt, nhưng anh ấy đã giết người".

Trên dòng thời gian facebook của nạn nhân Đinh Thị Hải Yến, dòng trạng thái mới nhất vào ngày 1-5 lại là lời đau đớn của cô con gái "Con là con gái mẹ Yến, con xin kính báo" kèm theo bức ảnh thông báo tin buồn và ngày giờ đưa tang mẹ. 

Dõi lại facebook của Yến, ai cũng nghẹn lòng khi đọc những dòng sẻ chia của chị: "Cuộc sống mà, có những người chỉ đi qua cuộc đời như một vệt sáng rồi biến mất, vĩnh viễn", "Nếu bạn thật sự quan tâm đến một ai đó, hãy nói ra ngay ngày hôm nay. Vì ngày mai chẳng biết sẽ thế nào".

Những rủi ro xảy ra trong cuộc sống hàng ngày khiến con người ta cảm thấy cuộc sống thật mong manh. Và, ai ngờ rằng, điều mà Yến lo lắng lại ập đến với chị vào giờ đầu tiên, ngày đầu tiên của tháng 5, sau gần 1 tháng Yến viết ra điều đó.

Chỉ sau một chầu nhậu, sau những chén rượu, cốc bia, mọi sự đã thay đổi, cuộc sống của nhiều con người bỗng chốc rẽ sang một bước ngoặt mới, bước ngoặt đầy đau đớn, chia ly và mất mát. Sau vụ tai nạn rạng sáng 1-5, có hai gia đình mất mẹ, mất vợ, mất con, có một gia đình đau khổ vì người thân gây ra tội lỗi, có những người bạn ân hận vì đã không biết cùng nhau kiềm chế cuộc vui… 

Đối tượng gây tai nạn tước đi mạng sống của chị Yến và chị Quỳnh.

Hãy nhìn vào khuôn mặt thất thần của người lái xe gây tai nạn. Trước và trong cuộc nhậu, chắc hẳn anh ta mang một khuôn mặt khác, với thần thái khác. Hẳn anh ta cũng không ngờ tới, chỉ một thời khắc ngắn, rất ngắn sau đó, chính anh ta đã gây ra tội ác. Nhưng, mọi sự đã muộn. 

Cách đây một tuần, một kẻ say rượu cũng đã tước đoạt tính mạng của nữ công nhân môi trường có hoàn cảnh khốn khó. 

Khoảng 0h ngày 23-4, xe ô tô Hyundai Santafe Veracuz mang BKS 29A-784.09 do tài xế Đỗ Xuân Tuyên điều khiển, lưu thông từ phố Vĩnh Hồ, quận Đống Đa, Hà Nội tới đối diện cây xăng đường Láng thì cuốn xe rác và chị Lê Thị Thu Hà sinh năm 1977 vào gầm, kéo lê hàng chục mét. Tài xế Tuyên khai nhận trước khi gây tai nạn đã uống bia. Nồng độ cồn của Tuyên đo được là 1,055mg/lít khí thở.

Phát động phong trào "nói không với rượu bia khi lái xe"

Ngày 3-5, đám tang của chị Trần Thị Quỳnh diễn ra trong niềm đau xót tột cùng của người thân, bạn bè. Trước đó một ngày, ngày 2-5, hàng nghìn người cũng đã đến tiễn biệt chị Đinh Thị Hải Yến lần cuối. Chồng và hai đứa con chị Yến (trong đó đứa con thứ 2 mắc chứng tự kỷ) dường như không chịu nổi nỗi đau này. Họ đã mất người thân yêu nhất của mình chỉ trong phút chốc. 

Và, nếu để ý, mọi người sẽ thấy, trong đám tang ấy có một điều đặc biệt, đó là rất đông những người bạn của chị Yến đều đeo một logo giống nhau trên áo mang dòng chữ: "Đã uống rượu bia không được lái xe". Phù hiệu đó được đăng đi đăng lại trên nhóm facebook Cấp 3 khoá 91-94 toàn Hà Nội và trên rất nhiều trang cá nhân của các bạn đồng tuổi với Yến và Quỳnh trong mấy ngày qua.

Ngay sau khi xảy ra vụ tai nạn thương tâm, những người bạn trong nhóm Cấp 3 khoá 91-94 toàn Hà Nội đã cùng nhau phát động một phong trào nói không với rượu bia khi lái xe. 

Đà Trang - đồng nghiệp của tôi ở Báo Tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh là thành viên trong nhóm Cấp 3 khoá 91-94 toàn Hà Nội đã viết những dòng tâm sự đầy đau xót và kêu gọi: "Kịch bản" cướp đi tính mạng của hai bạn Yến và Quỳnh cũng giống "kịch bản" ít ngày trước cướp đi tính mạng của chị Hà lao công: Lái xe uống rượu bia trước khi cầm lái, đâm chết người còn bỏ chạy. Đừng đánh tráo khái niệm gọi đó là "xe điên". 

Chỉ có tài xế "điên" chứ nào có phương tiện "điên". Những cái chết oan nghiệt tức tưởi như chị Hà, bạn Yến, bạn Quỳnh vẫn hằng ngày diễn ra nếu chúng ta không hành động. Hôm nay nạn nhân là bạn của chúng tôi. Ngày mai có thể là bất kỳ ai trong số chúng ta. 

Trong đám tang chị Yến, những người bạn cùng đeo logo "Đã uống rượu không được lái xe".

Chúng tôi, những người bạn của Yến và Quỳnh đang bàn sẽ cùng nhau làm điều gì đó để góp phần ngăn chặn điều tồi tệ cứ lặp đi lặp lại, bớt đi nạn nhân xấu số như hai cô bạn của chúng tôi. Chí ít cũng là góp một tiếng nói. Hãy uống một cách có trách nhiệm. Trách nhiệm với bản thân. Trách nhiệm với cộng đồng".

Facebook Vũ Lan Phương cũng hưởng ứng và kêu gọi: "Cùng nhau phát động phong trào không lái xe khi đã uống rượu bia. Không cần nói mà chỉ cần hành động. Ít nhất hãy là tấm gương cho chính con em mình vì một thế hệ văn minh hơn. Tập tục và thói quen là những thứ con người tự tạo ra thì chính con người có thể từ bỏ khi nó lạc hậu và xấu xa. Từ bỏ việc ép bạn mình thêm một ly. Từ bỏ việc để người khác ép mình uống thêm ly nữa. Từ bỏ việc cầm vô lăng khi có chất men trong người…".

Anh Nguyễn Đức Hiệp, Chủ tịch Hội cựu học sinh PTTH khoá 91-94 toàn Hà Nội kêu gọi: "Hãy để sự ra đi của 2 bạn chúng ta ý nghĩa hơn. Hãy nói không lái xe khi đã uống rượu bia. Hãy kiềm chế để không quá chén, không kiểm soát được bản thân. Hãy vì một môi trường sống, một Hà Nội an toàn với cộng đồng và chính chúng ta"… Cũng sau vụ việc này, rất nhiều địa chỉ facebook đã thay ảnh đại diện bằng logo mang khẩu hiệu: "Đã uống rượu bia không được lái xe", "Không lái xe khi đã uống rượu bia".

Thực tế trong nhiều năm qua, tình trạng uống rượu bia đã được cảnh báo và đáng báo động. Trớ trêu thay, trên bàn nhậu người ta vô tư uống, vô tư ép nhau và cùng chúc… sức khoẻ. Ngay cả khi có người nhắc nhở dừng lại đúng lúc thì những "ma men" vẫn gạt phắt đi, cho rằng sẽ không có chuyện gì xảy ra với mình. 

Một văn hoá nhậu, văn hóa ép rượu, ép bia đã trở thành phong trào xấu xí, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh trật tự và an toàn giao thông. Rượu bia tác động đến sức khoẻ. Rượu bia kích động tâm thần khiến con người trở nên hung hãn hơn, dễ mâu thuẫn, gây sự, rồi đánh chửi, hành hung, thậm chí là giết người…

Thống kê cho thấy, trong 5 ngày nghỉ vừa qua, cả nước đã xảy ra 137 vụ tai nạn khiến 96 người chết và 96 người bị thương. Chỉ riêng ngày cuối cùng của kỳ nghỉ  lễ 1-5 có tới 26 vụ tai nạn, làm chết 26 người, trong đó có nhiều trường hợp nguyên nhân tai nạn có xuất phát từ bia rượu.

Sau những vụ tai nạn do bia rượu và biết được hoàn cảnh của các nạn nhân, đông đảo bạn bè của nạn nhân và cả người không quen biết đã cùng kêu gọi, giúp đỡ ủng hộ gia đình nạn nhân. Đó là sự đồng cảm, sẻ chia của cộng đồng, và tôi thiết nghĩ, nghĩa cử tốt đẹp đó đã lan toả được tới số đông thì không có lý gì mà lời kêu gọi của các thành viên Nhóm cấp 3 khoá 91-94 toàn Hà Nội lại không được hưởng ứng. Ngay từ bây giờ, hãy cùng nhau thực hiện một chiến dịch "Không lái xe khi đã uống rượu bia".

Mới đây, tại kỳ họp thứ 6 ngày 1-4, bàn về dự án Luật phòng chống tác hại của rượu bia, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu phải thay đổi "văn hóa ép uống". 

Hy vọng Luật phòng chống tác hại của rượu bia sẽ sớm được thông qua để người thực thi pháp luật có thêm công cụ xử lý nghiêm khắc, xây dựng một xã hội văn minh hơn, ngăn chặn tối đa hậu quả do bia rượu gây ra.

Lái xe uống rượu gây tai nạn có thể bị phạt tù tới 10 năm

Đã và đang có nhiều người có sở thích uống rượu - bia và thói quen tự lái xe máy hoặc lái ô tô về nhà sau mỗi cuộc nhậu.

Và hầu như những người sau khi uống rượu - bia đều tự cho rằng mình chưa say, vẫn còn đủ tỉnh táo để lái xe về nhà, thậm chí còn đi xa hơn nữa. Nhiều quốc gia trên thế giới đều xác định người có hành vi điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu, bia là tội phạm mà không cần quan tâm người lái xe uống bao nhiêu rượu, bia và đã gây ra hậu quả hay không.

Chế tài xử lý đối với những tội phạm như thế này cũng không hề nhẹ, bên cạnh việc bị xử lý bằng hình thức treo giấy phép lái xe có thời hạn từ 3 tháng trở lên và bị phạt tiền thì hầu như đều bị giam giữ có thời hạn từ vài tuần cho đến vài năm.

Pháp luật Việt Nam hiện hành cũng đã quy định một số biện pháp xử lý đối với người lái xe có nồng độ cồn vượt ngưỡng cho phép.

Cụ thể: tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP, điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50-80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25-0,4 mg/1 lít khí thở thì phạt tiền từ 7-8 triệu đồng hoặc điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/1 lít khí thở thì phạt tiền từ 16-18 triệu đồng, bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 4-6 tháng.

Ngoài ra, người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ trong tình trạng nồng độ cồn vượt quá quy định mà gây thiệt hại cho tính mạng, sức khoẻ, tài sản của người khác thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự về Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.

Mức phạt cao nhất là phạt tù từ 3 năm đến 10 năm, người gây tai nạn còn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại về dân sự.

Thực tế cho thấy, chế tài xử lý hiện hành chưa đủ sức răn đe đối với người điều khiển phương tiện giao thông nói chung cũng như những người đang có thói quen lái xe sau khi uống rượu, bia nói riêng.

Các cơ quan chức năng cần có những nghiên cứu cụ thể để sớm ban hành các quy định mới theo hướng xử lý thật nghiêm, không nương tay đối với người điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu, bia.

Cụ thể: tước giấy phép lái xe vĩnh viễn hoặc xác định có hành vi cố ý hoặc vô ý giết người đối với những người điều khiển phương tiện giao thông có sử dụng rượu bia, chất kích thích khác mà gây hậu quả nghiêm trọng.

Tôi cho rằng tất cả chúng ta đều là người bị hại trong một tư duy lạc hậu cứ phải có rượu, bia thì những cuộc giao lưu mới được cho là vui cũng như sự coi thường pháp luật, coi rẻ sức khỏe mạng sống của cả mình và của những người xung quanh.

Luật sư Nguyễn Tiến Trung - GĐ Công ty Luật Trung Nguyễn


Việt Hà
.
.