Từ sự kiện thổi phồng đại dịch cúm A/H1N1: Đạo đức và thông tin y học

Thứ Ba, 19/01/2010, 18:40
"Còn tin ai được nữa!" - nhiều người đã thốt lên như vậy khi có tin ban cố vấn Tổ chức y tế thế giới (WHO) ăn chia với các đại gia dược phẩm để hù thiên hạ mua vắcxin cúm A/H1N1! Trong thực tế, đây chẳng phải lần đầu tiên và vụ duy nhất mà một số nhân vật đạo mạo đại diện ngành y "đàn đúm kiếm chác" với những ông bự trong ngành dược phẩm thế giới.

Thông tin y học và ảnh hưởng cộng đồng

Nghiên cứu của Đại học New York năm 2008 cho biết, ngành công nghiệp dược Mỹ thậm chí chi cho quảng cáo gấp đôi so với ngân sách cho nghiên cứu - phát triển (với 57,5 tỉ USD chỉ trong năm 2004!). Bản thân một số nhà khoa học đã trở thành một phần của bộ máy truyền thông. Bệnh viện và đại học liên tiếp gửi ấn bản và xuất bản tạp chí mới về những tiến bộ khoa học để phổ biến cho người dân.

Công ty dược thuê bác sĩ như là tư vấn viên, sau đó nâng họ lên làm chuyên gia, và trao họ trách nhiệm trao đổi với báo chí về sự phát triển của một căn bệnh nào đó. Việc đưa tin sẽ tốt, có lẽ là còn rất có ích, nếu tiến trình y học đúng chính xác như thường được báo cáo. Rủi thay, nó lại không như vậy. Các tiêu đề trên mặt báo thường không bao quát hết tính phức tạp của tiến trình nghiên cứu.

Giáo sư Elias Zerhouni - nguyên Giám đốc Viện sức khỏe quốc gia Hoa Kỳ (NHI) - cho biết: "Phương tiện truyền thông báo cáo tất cả nghiên cứu như thể chúng có cùng độ chắc chắn. Thực sự không có nhãn hiệu nào có chất lượng". Tại Mỹ, Chính phủ chi nhiều kinh phí cho khoa học cơ bản nhưng tự bản thân các ngành phải vận động để xin tài trợ từ nhiều nguồn khác, do đó, một số công bố nghiên cứu thực chất lại là trò quảng cáo trá hình!

Những năm trước, tạp chí y khoa phải sàng lọc nghiên cứu những bài báo mới và bác sĩ phải đọc qua nhiều cũng như thảo luận với đồng nghiệp rồi hình dung việc chuyển dịch dữ liệu thế nào theo thường thức y học trước khi cung cấp cho công chúng. Ngày nay, thậm chí một số tạp chí uy tín nhất cũng phải thích ứng với nhu cầu gia tăng về thông tin sức khỏe. Khi chuyên san The Journal of the American Medical Association (JAMA) và The New England Journal of Medicine ra đời vào thế kỷ thứ XIX, không có khái niệm bộ phận quảng cáo trong tờ báo.

Thượng nghị sĩ Mỹ Charles E. Grassley, người đang tuyên chiến với tình trạng viết thuê trong truyền thông y học Mỹ.

Ngày nay, JAMA dành 1 triệu USD/năm cho chương trình truyền thông trong đó phân nửa dành cho phỏng vấn video thu sẵn để lúc nào cũng có thể cung cấp tức thì cho nhà báo! Và nửa còn lại họ dùng cho việc điều hành văn phòng thông tin liên lạc, tổ chức họp báo và chuẩn bị công bố tin tức về các nghiên cứu sắp tới. Cách đây không lâu, bệnh nhân tiếp nhận kiến thức y khoa từ bác sĩ.

Ngày nay, sự bùng nổ truyền thông đã chuyển hóa mối tương quan mật thiết ấy thành niềm ham mê các trang web chuyên biệt về sức khỏe, báo cáo y khoa trên truyền hình, tin tức báo chí với khả năng dự báo trước về sự đột phá. Người tiêu dùng bây giờ đôi khi thích nghe điểm tin về cách điều trị ung thư từ các "bác sĩ truyền thông" (được thuê để đảm nhận chuyên mục y học trên các hãng truyền hình) hơn là từ bác sĩ chuyên khoa ung thư!

Những "con ma" xào nấu thông tin

Ngày 10/9/2009, JAMA tiết lộ: 6 trong số các chuyên san y học hàng đầu thế giới với các bài báo ấn hành năm 2008 đều được thủ bút bởi dân viết thuê (tức "tác giả ma", ghostwriter - người chấp bút viết nhưng bài được ký tên người khác). Tỉ lệ các bài viết thuê trong thời gian trên xuất hiện nhiều nhất trên chuyên san New England Journal of Medicine, với 10,9% (7,9% trên JAMA, 7,6% trên The Lancet, 7,6% trên PLoS Medicine, 4,9% trên The Annals of Internal Medicine và 2% trên Nature Medicine).

Bản chất sự việc đã thể hiện sự gian trá khi người viết thật, được mướn viết theo nội dung cung cấp sẵn từ hãng dược, lại ẩn danh trong khi tác giả đứng tên thường là bác sĩ có uy tín cốt để tạo trọng lượng cho bài viết nhằm lừa người tiêu dùng.

Hoạt động viết thuê thật ra là một tiểu xảo tiếp thị (khi chuẩn bị tung ra một nhãn thuốc) quen thuộc của nhiều hãng dược phẩm lớn nhiều năm qua, có điều nó ngày càng bành trướng. GlaxoSmithKline, Pfizer, Wyeth, AstraZeneca, Merck... đều từng (hoặc đang) bị cáo buộc về sử dụng viết thuê để quảng bá sản phẩm trá hình. Trong bài báo cuối năm 2008, New York Times cho biết, GlaxoSmithKline đã tung ra 50 bài (viết thuê) trong năm 2000 để quảng cáo nhãn thuốc Paxil, ở thời điểm mà sản phẩm của họ đụng độ với sự cạnh tranh từ thuốc Zoloft của Pfizer và Prozac của Eli Lilly.

Tại hầu hết các hãng bị cáo buộc sử dụng viết thuê, việc thuê người viết với nội dung tích cực cho sản phẩm luôn được lên kế hoạch cụ thể như một phần của chương trình tiếp thị. Điều tra mới nhất liên quan đến Hãng dược Wyeth (vụ việc hiện tiếp tục được xem xét và truy tố) cho thấy hãng này đã chi đậm cho một công ty dược khác để "chế biến" 26 bài báo (từ năm 1998-2005, đăng trên các chuyên san uy tín trong đó có American Journal of Obstetrics and Gynecology và International Journal of Cardiology), với nội dung ủng hộ việc sử dụng liệu pháp hormone đối với phụ nữ (khẳng định rằng liệu pháp hormone giúp phụ nữ tránh được tình trạng lão hóa da, bệnh tim mạch và mất trí nhớ). Nhờ những bài "nghiên cứu" trên, doanh thu hai sản phẩm Premarin và Prempro của Wyeth đã vọt lên gần 2 tỉ USD trong năm 2001.

Hiện Wyeth đang đối mặt với 8.400 đơn kiện từ các bệnh nhân nữ, cáo buộc rằng thuốc hormone của Wyeth khiến họ mắc thêm nhiều căn bệnh khác! Cần nói thêm, Wyeth là một trong những hãng dược vốn thành thạo kỹ năng sử dụng viết thuê. Năm 1997, họ từng thuê DesignWrite, Công ty Truyền thông y học ở Princeton (New Jersey), để lập kế hoạch hai năm viết thuê khoảng 30 bài báo nói tốt cho sản phẩm Wyeth. Những phi vụ móc ngoặc giữa Wyeth và DesignWrite tiếp tục phát triển sau này.

Năm 2003, một "chuyên gia nghiên cứu y học" của DesignWrite đã soạn đề cương và nội dung 14 trang cho một bài báo rồi gửi cho bác sĩ Gloria Bachmann (Giáo sư Trường y Robert Wood Johnson) để nhờ hiệu chỉnh chuyên môn. Cuối cùng, bài viết - ký dưới tên Gloria Bachmann - xuất hiện trên tờ Journal of Reproductive Medicine năm 2005. Chưa biết Wyeth trả cho Bachmann bao nhiêu nhưng họ đã chi cho DesignWrite 25.000 USD cho việc soạn "công trình nghiên cứu" (liên quan "tính tích cực của liệu pháp hormone" nói trên).

Sau khi vụ việc bị đổ bể, cùng những phát hiện nghiêm túc cho thấy liệu pháp hormone không phải là giải pháp ưu việt cho bệnh nhân nữ như được thổi phồng, doanh số Wyeth tụt mạnh. Đó là cái giá phải trả  cho sự kinh doanh bịp bợm. Liên quan đến thông tin y học, còn xảy ra nhiều chuyện "táng tận lương tâm" khác.

Năm 2000, khi có nhiều nguồn tin bày tỏ lo ngại về nguy cơ tim mạch gây ra bởi thuốc an thần Vioxx, Hãng Merck (nhà sản xuất Vioxx, công ty dược lớn thứ ba tại Mỹ) đã tìm cách bịt mồm một nhà nghiên cứu kinh nghiệm của họ khi ông báo cáo về một ca tử vong (bệnh nhân nữ 73 tuổi) bởi dùng Vioxx! Trong báo cáo gửi Cơ quan Quản lý dược-thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) và trong bài báo năm 2003, Merck nói rằng, nguyên nhân xảy ra cái chết trong trường hợp trên là "không rõ". Tuy nhiên, khi bị phanh phui, Merck buộc phải rút Vioxx ra khỏi thị trường vào tháng 9/2004. Trước đó, từ 1999-2004, hơn 25 triệu người Mỹ đã dùng Vioxx!

Vấn đề viết thuê trong thông tin nghiên cứu y học đang trở thành đề tài thời sự tại Mỹ cũng như nhiều nước châu Âu. Hiện Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Charles E. Grassley (thành viên Ủy ban tài chính Thượng viện Mỹ) tiếp tục thực hiện cuộc chiến xóa sổ tình trạng "đâm thuê chém mướn" trên các chuyên san y học của giới bào chế tân dược, gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi và thậm chí sinh mạng người tiêu dùng.

Vài năm gần đây, các hiệp hội chuyên san y học quốc tế đã quy định một số điều luật nghiêm ngặt hơn trong việc công bố danh tính công khai người viết cũng như các cộng tác viên đối với bài báo y học. Ủy ban Các tổng biên tập chuyên san y khoa quốc tế chẳng hạn, họ định nghĩa tác giả phải là người đóng góp chính vào nội dung bài báo với nghiên cứu và phân tích cá nhân; hoặc là người chịu trách nhiệm cho bản thảo cuối cùng. Tác giả cũng phải biết rõ danh tính các cộng tác viên cho bài báo, nắm vững nguồn dữ liệu cung cấp từ họ đến từ đâu và có khả năng xác minh - đối chiếu với cơ sở nguồn...

Cần nói thêm, Thượng nghị sĩ Grassley là một trong những người tiên phong trong việc chống tham nhũng trong ngành y học Mỹ. Từ chiến dịch điều tra của ông, người ta mới biết chuyện vị Chủ tịch khoa Tâm thần Đại học Stanford quản lý ngân sách nghiên cứu từ Chính phủ liên bang lại có một hãng dược riêng và còn vận động FDA chuẩn y một loại thuốc do mình sản xuất bằng... tiền nhà nước!

Thượng nghị sĩ Grassley còn phát hiện thêm đài phát thanh vệ tinh National Public Radio từng nhận hơn 1 triệu USD từ một số hãng dược để đưa thông tin quảng cáo trá hình lên chương trình phát sóng. Dưới sức ép từ Grassley, hơn 40 đại học Mỹ đang rà soát xem ai trong những giáo sư y học của họ có ăn chia với giới dược phẩm... 

Nói một cách rộng hơn, tham nhũng trong y học đang là một trong những vấn đề lớn vốn không được mổ xẻ tận gốc lâu nay. Không chỉ những bài báo viết thuê, còn là trường hợp các tổ chức những tưởng được thành lập với mục tiêu vì quyền lợi người tiêu dùng, cuối cùng lại đã rơi vào cái bẫy tiền của các hãng dược (như trường hợp Liên minh bệnh tâm thần quốc gia - một trong những tổ chức y học cộng đồng lớn nhất nước Mỹ - đang bị Quốc hội Hoa Kỳ điều tra tham nhũng với cáo buộc đút túi gần 23 triệu USD từ năm 2006 đến 2008 được các hãng dược dúi cho!).

Và không chỉ Mỹ, nhiều nước trên thế giới cũng phải đối mặt với tình trạng tham nhũng trong y học nói chung. Đó là chuyện một hãng dược hối lộ một bộ y tế địa phương để được dễ dàng cấp phép lưu hành một nhãn thuốc, chuyện một phóng viên y tế được đút phong bì để viết về một "khuynh hướng" trị liệu nào đó, chuyện một đài truyền hình thực hiện một "phóng sự chuyên đề" về sự "đột phá" của một liệu pháp đặc trị...

Tất cả những điều đó người ta vẫn tiếp tục thấy nhan nhản, vẫn đập vào mắt xã hội hàng ngày, vẫn lì lợm thách thức trước cái gọi là đạo đức trong ngành y, lương tâm của bác sĩ và giới hạn cũng như chuẩn mực của những bài báo "nghiên cứu y khoa"...

Mạnh Kim
.
.