Từ tầng lớp tiện dân trở thành siêu triệu phú

Thứ Sáu, 12/07/2013, 01:35

Cuộc sống và sự nghiệp của ông Hari Kishan Pippal (60 tuổi), một cư dân thuộc giai tầng xã hội thấp kém nhất ở Ấn Độ, phảng phất dư âm của bộ phim nổi tiếng "Slumdog Millionaire" (Triệu phú ổ chuột) từng đoạt 8 giải Oscar 4 năm trước, trở thành tấm gương phấn đấu cho sự thành đạt để người đời khỏi coi khinh.

Vốn là con của một thợ đóng giày mù chữ thuộc tầng lớp tiện dân hạ đẳng, trong một ngôi làng heo hút ở bang Punjab phía tây bắc Ấn Độ, nơi có gần 1/3 dân số là người có cùng cảnh ngộ như gia đình Pippal. Xã hội Ấn Độ chia thành 5 giai tầng cách biệt, đứng đầu là người Brahman (Bà la môn) "cao quý nhất", còn ở thang bậc cuối cùng là người Dalit (Baria) "thấp hèn nhất". Đó là lớp tiện dân cùng khổ sống ngoài lề xã hội, bị những người thuộc các tầng lớp trên đối xử như súc vật.

Tuổi trẻ của Hari lớn lên trong cảnh khổ nhục đầy tăm tối. Ông không có quyền ngồi ăn cùng người khác đẳng cấp trong các dịp hội hè của làng, cũng như không được uống chung nguồn nước giếng với họ…

Thậm chí, khi thi đậu và theo học đại học ở thành phố Chandigarh thủ phủ bang Punjab, vị giáo sư "khả kính" người Brahman cương quyết yêu cầu Hari và những sinh viên gốc Dalit khác phải ra ngoài hành lang ngồi nghe giảng, bất chấp luật pháp Ấn Độ đã nghiêm cấm từ lâu việc phân biệt đối xử giữa các tầng lớp dân cư. Rồi khi tốt nghiệp đại học, viên giám đốc thuộc đẳng cấp Vaisya (Vệ-xa) cố tình… "quên" không trả lương cho tân cử nhân H. Pippal trong thời gian tập sự như những người khác.

"Triệu phú ổ chuột" H. Pippal cùng đại gia đình.

Hơn 170 triệu người Dalit chiếm 16,2%  tổng số dân Ấn Độ, với phân nửa sống trong cảnh nghèo khó cùng mức thu nhập dưới 2 USD/ngày, và tỉ lệ thất học, mù chữ chiếm tới 1/3 dân số trong cộng đồng này. Mặc dù sự chia rẽ đẳng cấp đã bị xóa bỏ ngay từ khi Cộng hòa Ấn Độ tuyên bố độc lập hơn 6 thập niên trước, thậm chí danh từ "tiện dân" đầy miệt thị cũng bị cấm sử dụng.

Nhưng trong thực tế mỗi năm có hàng nghìn cuộc tấn công người Dalit trên khắp đất nước, với hàng trăm nạn nhân bị đày đọa mất hết tính người. Truyền thông Ấn Độ thường đăng nhan nhản những nguồn tin hành hạ người Dalit, như một cậu bé 14 tuổi bị bóp cổ đến chết do mang tên thật giống bạn học có đẳng cấp cao hơn, hay cha con một cụ ông 70 tuổi bị thiêu sống vì "dám" để chó sủa khi một nhóm người Vaisya đi ngang qua nhà, hoặc một tài xế đã bị xe cán nát bét bởi không chịu nhường chỗ khi xếp hàng đổ xăng...

"Tập tục truyền đời dường như là vĩnh cửu và rất khó thay đổi, tạo thành thứ luật bất thành văn vô hình khiến ai cũng phải tuân thủ", một nhà xã hội học giấu tên ở New Delhi lên tiếng bình phẩm.

Nhưng những nỗi ê chề cay đắng thường gặp không làm Hari nản chí, anh quyết tâm nỗ lực hết mình để mưu sinh, dành dụm. Vận dụng những kiến thức đã học từ nhà trường kết hợp với kinh nghiệm của người cha, H. Pippal thành lập một xưởng may giày da xuất khẩu theo xu hướng thịnh hành lúc ấy là giày thủ công khâu tay chất lượng cao.

Theo thời gian, xưởng may nhỏ bé ngày nào đã phát triển thành một xí nghiệp với hơn 300 công nhân lành nghề, cùng 500 đôi giày sản phẩm mỗi ngày xuất sang các thị trường đầy tiềm năng như Anh, Nga, Đức... với giá bán sỉ là 500 USD/đôi.

Để thuận tiện trong việc giao dịch trực tiếp với khách hàng, ngoài tiếng mẹ đẻ Hindi ra, ông chủ H. Pippal còn sử sụng thông thạo 4 ngoại ngữ khác là tiếng Anh, tiếng Tamil, tiếng Nga và tiếng Đức. Với vốn liếng tích lũy được từ cơ sở đóng giày đang ăn nên làm ra, H. Pippal mở mang sang các ngành nghề khác như nhập khẩu xe máy Honda của Nhật Bản, cũng như xe Vespa chính hãng từ Italia vốn được thị trường Ấn Độ rất ưa chuộng. Rồi đại lý độc quyền phân phối xe hơi hạng sang, hay mở nhà xuất bản kèm xưởng in chuyên phát hành sách giáo khoa cho người nghèo...

Đặc biệt hơn cả là vào năm 2006, H. Pippal đã đứng ra thành lập Bệnh viện Đa khoa Heritage, một trong những cơ sở y tế tư nhân hàng đầu Ấn Độ, tọa lạc phía bắc thành phố Agra, đô thị đông dân nhất ở bang Uttar Pradesh. Bệnh viện có quy mô 150 giường, cùng đội ngũ y, bác sĩ là 187 người có thể thực hiện tất cả các dịch vụ y tế từ chữa trị ung thư đến phẫu thuật thẩm mỹ, với doanh thu hằng năm xấp xỉ 12 triệu USD.

Đóng góp có ý nghĩa nhất của H. Pippal là chia sẻ gánh nặng cho hệ thống bệnh viện công luôn trong tình trạng quá tải, nhất là nhắm tới tầng lớp trung lưu mới nổi tại vùng trọng điểm về kinh tế và công nghiệp này.

Tổng Giám đốc H. Pippal tại bệnh viện Heritage do ông sở hữu.

"Tôi là một trong những tiện dân Dalit ô uế, đồng thời cũng là một doanh nhân thành đạt - siêu triệu phú H. Pippal chia sẻ với báo giới - Hiển nhiên các giai tầng xã hội bên trên rất đỗi khó chịu, nhưng trong thực tế tôi sống không đến nỗi chật vật lắm so với những người Brahman khác". Hiện ông H. Pippal sống cùng đại gia đình trong tòa biệt thự lộng lẫy giống như một "mê cung Arập", thường xuyên đi lại bằng 6 chiếc xe hơi đắt tiền có tài xế riêng, trở thành "niềm mơ ước cháy bỏng" của nhiều người Ấn Độ ở bất cứ đẳng cấp xã hội nào.

"Trong công việc kinh doanh có lợi nhuận, các đối tác đồng hương luôn tỏ ra tử tế, nhưng ngay lúc tôi vừa quay lưng thì họ đã xì xào với nhau rằng tôi là... đồ Dalit - tiện dân!", siêu triệu phú H. Pippal chua chát nhận xét

Trần Hồng (theo The National)
.
.