Từ vụ 3 trẻ tử vong khi phẫu thuật hở hàm ếch: Những nguy cơ từ gây mê

Thứ Bảy, 13/09/2014, 14:45

Cho tới thời điểm này, nguyên nhân khiến 3 trẻ em ở Khánh Hòa tử vong khi tham gia chương trình phẫu thuật nhân đạo hở hàm ếch do Trung tâm OSCA thực hiện đã bước đầu được các cơ quan chuyên môn xác định là có liên quan đến quá trình gây mê. Ngoài ra, việc khám tiền phẫu và xét nghiệm tiền phẫu chưa đầy đủ; không có chuyên Khoa Nhi tham gia vào quá trình khám sàng lọc và chỉ định phẫu thuật; không theo dõi huyết áp trong quá trình gây mê, phẫu thuật; không kịp thời ngừng ngay các hoạt động phẫu thuật khi có tai biến đầu tiên xảy ra.

Theo tìm hiểu của chúng tôi thì việc gây mê để phẫu thuật với trẻ em bị sứt môi, hở hàm ếch là công đoạn không hề đơn giản và đòi hỏi bác sĩ gây mê phải có trình độ chuyên môn cao…

Sứt môi, hở hàm ếch: Một dị tật thường gặp

Sứt môi, hở hàm ếch là một trong những dị tật vùng mặt thường gặp ở trẻ sơ sinh. Sứt môi là dị tật bẩm sinh khi trẻ sinh ra có một khe hở ở một bên hay cả hai bên đường giữa môi trên. Hở hàm ếch là khe hở giữa vòm miệng và khoang mũi. Dị tật này có 3 dạng khác nhau: sứt môi mà không bị hở hàm ếch; hở hàm ếch mà không sứt môi; sứt môi và hở hàm ếch.

Dị tật sứt môi, hở hàm ếch có thể xuất hiện từ khi bà mẹ mang thai đứa trẻ được 3 - 4 tháng. Nguyên nhân dẫn tới dị tật này có thể do người mẹ khi mang thai bị thiếu dinh dưỡng, vitamin, sử dụng thuốc tùy tiện, đặc biệt nếu bị cảm cúm hay Rubella trong 3 tháng đầu thai kỳ hoặc cũng có thể do các yếu tố như gien di truyền trong gia đình, môi trường sống bị ô nhiễm hay nhiễm hóa chất độc hại, chất độc da cam… Trung bình ở Việt Nam cứ khoảng 500 trẻ em thì lại có một ca bị sứt môi hoặc hở hàm ếch, vì vậy ước tính mỗi năm có hàng ngàn trẻ em sinh ra bị mắc dị tật này.

Tuy không ảnh hưởng đến hệ thần kinh nhưng dị tật này khiến khuôn mặt của trẻ bị biến dạng, ảnh hưởng tới thẩm mỹ cũng như quá trình ăn uống và phát âm của trẻ. Đặc biệt do ăn uống, bú mẹ khó khăn nên ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ, bởi trẻ bị sứt môi, hở hàm ếch thường bị viêm đường hô hấp trên, viêm mũi họng, ho, sốt, sổ mũi, thiếu cân, suy dinh dưỡng…

Hiện nay, nhiều bệnh viện đã thực hiện phẫu thuật cho trẻ sứt môi, hở hàm ếch. Đối với trẻ sứt môi, từ 6 tháng tuổi và cân nặng 6kg trở lên là có thể tiến hành phẫu thuật. Trẻ hở hàm ếch thì từ 12 tháng tuổi và cân nặng tối thiểu 10kg. Sau phẫu thuật, việc chỉnh hình sứt môi, hở hàm ếch là cả quá trình dài theo dõi cho đến khi 18 tuổi và thêm vài lần phẫu thuật nữa để bác sĩ chỉnh sửa, hoàn chỉnh cấu trúc giải phẫu, cấu trúc hàm ếch và chức năng phát âm.

Di tật sứt môi, hở hàm ếch không chỉ ảnh hưởng tới thẩm mỹ mà còn ảnh hưởng nặng tới sức khỏe của trẻ.

Phẫu thuật sứt môi, hở hàm ếch là một phẫu thuật lớn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Vì vậy quá trình phẫu thuật đòi hỏi cơ sở y tế phải đảm bảo về cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc đồng bộ và đặc biệt là bác sĩ phải có trình độ tay nghề cao, bởi nếu không có thể xảy ra tai biến ngay khi phẫu thuật, hoặc ảnh hưởng tới giọng nói vì môi bị kéo lên, vòm mũi biến dạng…

Gây mê để phẫu thuật cho trẻ sứt môi, hở hàm ếch: Việc không đơn giản

Đã có hàng chục năm kinh nghiệm, Thạc sĩ - Bác sĩ Đặng Hanh Tiệp - Quyền Trưởng khoa Phẫu thuật - Gây mê - Hồi sức Bệnh viện Nhi Trung ương, nơi thường xuyên gây mê hồi sức cho bệnh nhi từ 0 - 15 tuổi, cho biết trẻ sứt môi hở hàm ếch dễ gặp nguy hiểm khi gây mê. Vì vậy tất cả các công đoạn: tiền mê, khởi mê, truyền dịch, hồi sức, kháng sinh giảm đau, khám lại đều phải được tiến hành chặt chẽ.

Thông thường, trước khi quyết định mổ, các bác sĩ sẽ phải khám tổng thể để phát hiện các tình trạng viêm nhiễm đường hô hấp, bệnh lý về tâm thần vận động… sau đó bác sĩ sẽ cho bệnh nhi làm các chỉ định cận lâm sàng phù hợp.

Theo bác sĩ Tiệp, gây mê cho trẻ em là kỹ thuật khó nên đòi hỏi bác sĩ gây mê phải có trình độ chuyên môn tốt, kinh nghiệm và đặc biệt là có "năng khiếu". Ở Bệnh viện Nhi Trung ương, thông thường một bác sĩ gây mê sau khi ra trường về bệnh viện sẽ phải mất thêm 1 năm học cơ bản và 2 năm có bác sĩ giàu kinh nghiệm kèm cặp thì mới được trực chính, thậm chí có trường hợp sau 4 năm vẫn chưa được giao trực chính.

"Trẻ con không phải người lớn thu nhỏ, vì vậy toàn bộ quy trình từ thăm khám đến phẫu thuật đều phải làm rất nghiêm ngặt. Không những thế những trẻ bị sứt môi, hở hàm ếch do khó khăn trong việc ăn uống nên thường bị suy dinh dưỡng, sức khỏe kém, mắc các bệnh về đường hô hấp và thường bị viêm nhiễm. Những trẻ bị dị tật này thường dị dạng đường miệng và hô hấp nên việc đặt nội khí quản cũng khó hơn. Do đó khi đặt nội khí quản với những bệnh nhi này cũng phải chọn loại đặc biệt có độ cong, có lò xo để tránh bị gập làm hẹp đường thở. Ngay cả kỹ thuật đặt nội khí quản cũng phải làm rất cẩn thận bởi nếu đặt nội khí quản hơi nông thôi cũng có thể xảy ra biến chứng do thiếu ôxy".         

Nhịn ăn trước khi mổ là quy định nghiêm ngặt để đảm bảo an toàn khi mổ. Trẻ sẽ phải nhịn ăn trước mổ 6 - 8 tiếng; nếu uống nước cũng phải trước 2 tiếng và chỉ uống nước đường chứ không được uống sữa, nếu không khi mổ bệnh nhi rất dễ bị biến chứng trào ngược dẫn tới viêm phổi hít, co thắt thanh quản và có thể tử vong. 

Một điểm khác biệt khi phẫu thuật cho trẻ là bác sĩ phải làm sao để đứa trẻ không bị căng thẳng. Nếu để trẻ sợ, khóc sẽ gây nấc, tăng tiết nước bọt và gây sặc.

Khác với gây mê cho người lớn, khi gây mê cho trẻ em, do thuốc mê khiến trẻ lâu tỉnh nên các bác sĩ phải theo dõi sát bệnh nhân, bác sĩ sẽ phải tính liều lượng thuốc chính xác tới từng ml/ 1 kg cân nặng của trẻ. Ưu tiên với các bệnh nhi là gây tê và gây mê, nồng độ thuốc mê chỉ đủ để ngủ trong khi phẫu thuật, sau phẫu thuật là tỉnh. Ngay cả truyền dịch cũng phải tính toán để làm sao có độ ngọt không quá 30%, nếu độ ngọt quá cao cũng có thể khiến cho bệnh nhân bị tử vong.

Khi truyền dịch cũng phải tính toán đủ lượng dịch cần thiết, bởi nếu thừa dịch cũng gây ra phù phổi. Khác với người lớn, tai biến với bệnh nhi thường xảy ra rất nhanh vì vậy bác sĩ luôn phải chủ động để có biện pháp cấp cứu kịp thời.

Theo bác sĩ Tiệp, một nguy cơ có thể xảy ra ngay từ khi gây mê là sốc phản vệ. Thuốc gây mê cũng có loại gây sốc, vì vậy có trường hợp vừa tiêm xong thuốc đã thấy trẻ có biểu hiện nổi mề đay, đỏ da, ngứa, mạch nhanh, tụt huyết áp, tím tái, khó thở. Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ phải cấp cứu kịp thời bởi chỉ sau 3-5 phút nếu không cấp cứu kịp, não bị thiếu ôxy là gây ra chết lâm sàng; khi ấy dù có cứu được bệnh nhân thì sau đó cũng trong tình trạng sống thực vật.

Do những phức tạp về mọi mặt như vậy nên để thực hiện một ca phẫu thuật an toàn, cần phải do những bác sĩ chuyên khoa gây mê hồi sức thực hiện.

"Thực tế, tại Bệnh viện Nhi Trung ương, từ những năm 1997- 1998, chúng tôi đã kết hợp với một tổ chức của Hà Lan đi phẫu thuật từ thiện cho trẻ sứt môi, hở hàm ếch ở 6 tỉnh biên giới phía Bắc; kết quả đã mổ cho hơn 3.000 cháu nhưng không hề có ca nào bị tai biến hay tử vong. Sở dĩ có được kết quả như vậy bởi các ca mổ đều thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt. Một kíp mổ bao gồm 1 bác sĩ gây mê, 1 bác sĩ hồi sức, 2 bác sĩ phụ mê và 5 kỹ thuật viên" - bác sĩ Tiệp cho biết

Tân Lương
.
.