Từ vụ CQĐT bắt giữ các nhà ngoại cảm rởm: Xoa dịu những nỗi đau

Thứ Ba, 19/11/2013, 14:25

Phải kinh qua nhiều cuộc chiến tranh trong thế kỷ XX, hầu như gia đình Việt Nam nào cũng có người thân hy sinh vì độc lập, tự do và thống nhất đất nước, và cũng rất nhiều gia đình có người thân thiệt mạng vì chiến tranh, loạn lạc mà đến nay hài cốt vẫn bị thất lạc. Vì vậy, nhu cầu tìm lại hài cốt người thân là rất lớn và là nguyện vọng chính đáng. Khoảng 20 năm trở lại đây, ngoại cảm nổi lên như một hiện tượng của đời sống xã hội và được cho là đã có nhiều ứng dụng thực tế trong việc tìm mộ…
>> Từ vụ CQĐT bắt giữ các nhà ngoại cảm rởm: Giải mật một hồ sơ

Bí mật trong 7 chiếc phong bì chứa đựng thông tin mộ nhà văn Nam Cao

Nam Cao là nhà văn nổi tiếng mà tên tuổi của ông gắn với những nhân vật cũng "nổi tiếng" còn sống mãi trong văn học Việt Nam như Chí Phèo, Thị Nở, Bá Kiến, Lão Hạc… Nam Cao hy sinh năm 1951 tại Ninh Bình do sa vào ổ phục kích của giặc Pháp. Phần mộ của ông đã nhiều lần được di dời, quy tập và cuối cùng thì bị… thất lạc trong số 800 ngôi mộ tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Gia Viễn (tỉnh Ninh Bình).

Chương trình "Tìm lại Nam Cao" do UNESCO Việt Nam và Hội Nhà văn Việt Nam khởi xướng đầu năm 1996, đúng lúc thông tin tìm mộ bằng ngoại cảm đã bắt đầu được xã hội quan tâm. Được mời tham gia chương trình, TS Vũ Thế Khanh, Tổng giám đốc Liên hiệp UIA đã tập hợp 7 nhà ngoại cảm được mang ký hiệu từ NC 01 đến NC 07.

Tư liệu duy nhất cung cấp cho mỗi nhà ngoại cảm là tấm ảnh chân dung Nam Cao, sau ảnh có ghi rõ ngày tháng năm hy sinh, quê quán. Các nhà ngoại cảm sẽ đồng thời ghi lại dữ liệu và cho vào phong bì dán kín lại. Ngày 24/11/1996 tại Hội trường UBND huyện Gia Viễn, các nhà ngoại cảm đã giao nộp bản viết tay cho Liên hiệp UIA.

Chân dung liệt sĩ Nam Cao và phần xương sọ của ông.

Tiến hành mở phong bì ký hiệu NC 01, có được thông tin: "Hiện tại, mộ phần của liệt sĩ Nam Cao được quy tụ về nghĩa trang liệt sĩ của địa phương, nơi ông đã hy sinh. Nơi ông nằm là một cánh đồng ven đường là trục liên huyện, đi qua một cái cầu xi măng nhỏ… Số mộ của ông trùng lặp với số tuổi đời của ông khi ông hy sinh, chỉ khác là số mộ có thêm số 0 ở giữa. Tiếc rằng trong mộ đó có thêm vài cái xương của người bạn xấu số của ông, nhưng chỉ là vài cái rất nhỏ, không đáng kể"…

Trong số 6 phong bì còn lại, đều có những thông tin khá trùng với NC 01. Có nhà ngoại cảm còn khẳng định "Tìm 1 được 3". Một nhà ngoại cảm còn cho biết: Nam Cao bị giặc bắn 2 phát đạn. Một phát vào đầu, một phát vào sườn làm gãy hai giẻ sườn. Hiện trong bộ hài cốt bị lẫn một chân, hai xương đùi đều là bên phải".

Viện Khoa học hình sự Bộ Công an tiến hành giám định hài cốt liệt sĩ, nhà văn Nam Cao.

Từ kết quả này, sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, Ban tổ chức và gia đình quyết định khai quật ngôi mộ số 306, trùng với số tuổi đời của Nam Cao nếu bỏ số 0. Lúc 3h45 sáng 9/1/1998, nắp tiểu được mở ra, có một hộp sọ còn nguyên vẹn hai hàm răng. Hai mảnh đầu đạn vẫn còn găm trong hộp sọ. Khi chắp hai hàm răng vào nhau, thì thấy chiếc răng nanh bị gãy một nửa. Người em ruột của nhà văn Nam Cao khóc nấc lên.

Sau đó Viện Khoa học hình sự đã tiến hành giám định và kết quả chính là hài cốt của Nam Cao. Với sự giúp đỡ của các nhà ngoại cảm, các cơ quan chức năng cũng xác định được hài cốt của 2 liệt sĩ hy sinh cùng với Nam Cao là liệt sĩ Nguyễn Văn Yêng và liệt sĩ Nguyễn Văn Thao.--PageBreak--

Nỗi niềm của thân nhân liệt sĩ Phùng Chí Kiên

Phùng Chí Kiên (tên thật là Nguyễn Vỹ) là một nhà cách mạng tiền bối nổi tiếng, sinh năm 1901 tại Diễn Châu, Nghệ An. Năm 1941, khi đang là Thường vụ Trung ương Đảng, Phùng Chí Kiên chỉ huy một trận đánh phá vòng vây địch và anh dũng hy sinh. Giặc Pháp đã hèn hạ chặt đầu ông bêu trên cầu Ngân Sơn (huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn) để khủng bố, uy hiếp phong trào cách mạng; phần thân mình ông chúng vứt ở một bìa rừng, sau đó được người dân bí mật mai táng. Đồng chí Phùng Chí Kiên hy sinh ở tuổi 40 và không có vợ con.

Theo ông Nguyễn Văn Quang (có ông nội là anh trai của liệt sĩ Phùng Chí Kiên, là người thờ tự và đại diện gia đình liệt sĩ), năm 1964, phần mộ (không có đầu) của liệt sĩ Phùng Chí Kiên được cải táng, thì chỉ còn là nắm đất đen (sau 25 năm liệt sĩ hy sinh), cho vào chiếc tiểu sành và đưa về Nghĩa trang liệt sĩ huyện Ngân Sơn. Đến năm 1990, thể theo nguyện vọng của gia đình liệt sĩ, phần mộ này được di dời về Nghĩa trang Mai Dịch (Hà Nội).

Ngày 18/12/2007, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết thư gửi Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và Bộ Quốc phòng đề nghị một số nội dung, trong đó có việc tìm hài cốt, truy tặng Huân chương Sao Vàng và tổ chức Hội thảo đánh giá, tôn vinh công lao của đồng chí Phùng Chí Kiên… Đại tướng cũng đề nghị: "Nên sử dụng nhà ngoại cảm để đi tìm đầu đồng chí Phùng Chí Kiên như đã tổ chức đi tìm được thi hài đồng chí Trung tướng Nguyễn Bình, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh…". 

Quá trình tìm kiếm hài cốt của liệt sĩ Phùng Chí Kiên đã nhận được sự quan tâm, giúp đỡ tận tình của các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Kạn. Tham gia đoàn tìm kiếm, ngoài thân nhân của liệt sĩ và một số cơ quan của tỉnh Bắc Kạn còn có ông Võ Điện Biên (con trai Đại tướng Võ Nguyên Giáp); Đại tá Nguyễn Huyên, Thư ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp; ông Nguyễn Huy Văn, Trưởng ban Liên lạc Giải phóng quân Việt Nam và nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng cùng một số nhà báo.

Căn cứ thông tin của một số nhân chứng, đặc biệt là thông tin của nhà ngoại cảm, đã xác định được nơi an táng thủ cấp của liệt sĩ Phùng Chí Kiên tại một triền đồi ngay gần bức tường rào của Công an huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn… Là người trực tiếp tham gia việc khai quật, ông Nguyễn Văn Quang (59 tuổi) và bà Trương Thị Đông (69 tuổi, cháu dâu của liệt sĩ, ông Quang gọi là mợ) kể: Việc khai quật được tiến hành bởi cán bộ, chiến sĩ Ban chỉ huy Quân sự huyện Ngân Sơn, có sự tham gia của Công an huyện và một số ban, ngành tỉnh Bắc Kạn.

Chân dung và Bằng Tổ quốc ghi công liệt sĩ Phùng Chí Kiên.

Trước đó, cô Hằng vì lý do đột xuất phải trở về Hà Nội nhưng đã hướng dẫn, vẽ sơ đồ cẩn thận. Rạng sáng ngày 8/5/2008, khi đào sâu chừng 40 - 50 cm, thì thấy hình một sọ người bị rễ cỏ tranh quấn xung quanh. Phần sọ đã mủn đen nhưng còn rõ hai hốc mắt, miệng; ngoài ra còn một số mảnh sành… Bằng cảm quan, tôi tin đây chính là thủ cấp của ông tôi, đã hóa. Phần mảnh sành có lẽ là của một chiếc bát bị vỡ, được người dân địa phương cho biết: Theo phong tục mai táng, khi tìm thấy đầu ông tôi thì người dân đã để đầu lên chiếc bát yêu (loại bát miệng rộng, trôn nhỏ) và đem đi mai táng.

Gia đình tôi khi đó đã mừng lắm, vì sau gần 70 năm nằm trong lòng đất đồi, thủ cấp của ông tôi dù chỉ còn dúm đất nhưng bấy nhiêu cũng thỏa tâm nguyện lắm rồi. Tôi cũng từng bốc mộ một số người thân ở quê, tôi biết khi xương sọ đã hóa thì hình dạng cũng giống như thủ cấp của ông tôi lúc đó, chỉ còn thấy rõ hốc mắt và miệng thôi… Đến sáng, mợ tôi (bà Đông) tiếp tục tìm kỹ, thì thấy thêm một vài mủn xương. Sau khi hoàn tất việc cất bốc, Ban tổ chức đã lập một biên bản ghi rõ những mẫu tìm được, gồm 1 nắm đất đen, 1 chiếc răng hàm, 2 vật thể nghi là răng và 13 mảnh sành.

Phần hài cốt của liệt sĩ Phùng Chí Kiên khi được khai quật (năm 2008).

Đến khi Viện Pháp y Quân đội có kết luận mẫu vật không phải là thủ cấp của đồng chí Phùng Chí Kiên, gia đình ông Quang rất buồn. Ông Quang cho rằng, lẽ ra khi mở niêm phong mẫu vật để giám định thì phải có sự hiện diện của đại diện gia đình mình.

"Hơn nữa sau 67 năm nằm trong lòng đất đồi, không có quan, quách gì, thì hài cốt của ông tôi chỉ còn là nắm đất đen thôi. Những mẫu vật khác không phải xương cốt, cũng đã được lập biên bản rõ ràng chứ không có gì mờ ám cả. Chúng tôi đã viết đơn gửi các cơ quan chức năng, đề nghị sớm được hoàn táng phần thủ cấp của ông tôi" - ông Quang bùi ngùi.

Việc tìm kiếm, giám định phần xương thu được để xác định có phải hài cốt của đồng chí Phùng Chí Kiên hay không đã được thực hiện và công bố công khai. Chúng ta phải có niềm tin vào kết quả giám định trên cơ sở khoa học. Song tình cảm, nguyện vọng của thân nhân đồng chí Phùng Chí Kiên cũng là điều bình thường, dễ hiểu.

Trong bài báo này, chúng tôi muốn cung cấp tới bạn đọc về bản chất của câu chuyện đi tìm mộ đồng chí Phùng Chí Kiên và mong xã hội có cái nhìn công bằng, khách quan về ngoại cảm; phân biệt rõ những người lợi dụng ngoại cảm để trục lợi và những nhà ngoại cảm tâm huyết đã và đang có đóng góp cho xã hội.

Trao đổi với PV Báo CAND, TS Vũ Thế Khanh, Tổng giám đốc Liên hiệp UIA cho biết: Trong số 7 nhà ngoại cảm tham gia chương trình “Tìm lại Nam Cao”, Phan Thị Bích Hằng có thông tin rất chính xác, trong đó chi tiết "số mộ của ông trùng với tuổi đời của ông khi ông hy sinh, chỉ khác là có số 0 ở giữa" và "liệt sĩ bị bắn 2 phát đạn, trong đó có 1 phát vào đầu"… Đây là thông tin quan trọng giúp xác định ngôi mộ số 306 là của Nam Cao và thực tế đã chứng minh thông tin này là chính xác.

Bên lề Hội thảo "Tìm hài cốt liệt sĩ bằng khả năng đặc biệt và phần hài cốt còn lại của liệt sĩ Phùng Chí Kiên", tổ chức tại Hà Nội ngày 6/11, PV ANTG được biết: Từ tháng 10/2010, Phan Thị Bích Hằng đã tuyên bố dừng tìm mộ. Hiện chị đang tập trung cùng Đại tá Hàn Thụy Vũ viết tổng kết 20 năm tìm mộ và làm đề tài nghiên cứu 76 trường hợp chị tìm chưa thành công.

Bà Trương Thị Đông (cháu dâu của đồng chí Phùng Chí Kiên) cho biết: "Một số tờ báo nói gia đình tôi oán trách các cơ quan, oán trách cô Phan Thị Bích Hằng là không đúng. Có nhà báo đã suy diễn những điều tôi trao đổi, rồi viết như vậy. Gia đình tôi rất biết ơn Đảng, Nhà nước và bác Giáp cũng như trân trọng tấm lòng của cô Hằng". Bà Đông mếu máo khi biết Phan Thị Bích Hằng bị quy chụp gian dối, làm giả hài cốt liệt sĩ Phùng Chí Kiên.

Thân nhân liệt sĩ Phùng Chí Kiên trước ngôi nhà cổ nơi liệt sĩ Phùng Chí Kiên đã sinh ra, lớn lên.

Trần Huy Hiển
.
.