Từ vụ Sơn Tùng M-TP: Âm nhạc chuyên nghiệp về đâu?

Thứ Sáu, 26/12/2014, 14:45
Cuối cùng nghi án Sơn Tùng M-TP “đạo nhạc” gây tranh cãi hơn một tháng qua cũng chính thức khép lại. Hội đồng thẩm định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH- TT&DL) đã xem xét và kết luận: Ca khúc “Chắc ai đó sẽ về” của Sơn Tùng M-TP “chịu ảnh hưởng lớn” từ ca khúc “Because I miss you” của Jung Yong Hwa - trưởng nhóm CN Blue, Hàn Quốc. Và để được lưu hành, ca khúc này buộc phải thay lại bản phối (beat) mới. Vụ việc kết thúc không đồng nghĩa với việc khép lại hàng loạt vấn đề nhức nhối đang tồn tại trong nền âm nhạc đại chúng chuyên nghiệp của nước ta hiện nay…

Đạo hay không đạo - ranh giới mong manh

Những tranh cãi nảy sinh trong giới chuyên môn, cơ quan chức năng và dư luận hơn một tháng qua khi đi tìm lời đáp cho câu hỏi “Chắc ai đó sẽ về" của Sơn Tùng có đạo nhạc hay không?" đang cho thấy những lỗ hổng lớn trong nền âm nhạc chuyên nghiệp từ phía người sáng tác, người quản lý lẫn người thưởng thức bởi sự lúng túng, bất nhất. Kết luận đầu tiên của Hội đồng thẩm định cũ gồm các thành viên trong Hội Âm nhạc Việt Nam, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đã cho thấy tác phẩm của Sơn Tùng giống bài "Because I miss you" đến 70% và đề nghị cấm lưu hành.

Sơn Tùng M-TP bị nghi là đạo nhạc.

Sau đó, phía Hàn Quốc gửi bức email phản hồi, trong đó ông Kwon Woo Min - đại diện của FNC Entertainment (Công ty quản lý nghệ sĩ có trụ sở tại Hàn Quốc, trong đó có Jung Yong Hwa) -  khẳng định: "Chúng tôi nhận thấy tuy có sự tương đồng như về quy trình lập trình, giai điệu… nhưng chúng tôi không xem đây là vấn đề "ăn cắp bản quyền" đối với bản thu âm này". Từ bằng chứng này, phía Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) cho rằng, ca khúc "Chắc ai đó sẽ về" không vi phạm luật và không có cơ sở để cấm phổ biến.

Các nhạc sĩ nghi ngờ tính pháp lý của bức email vì nó không hề được công bố rõ ràng bằng hình ảnh mà chỉ được... nghe nói và trích dẫn lại nội dung trên báo chí. Nhạc sĩ Phó Đức Phương cho rằng, văn bản của phía Hàn Quốc không có tính pháp lý vì kết luận của phía FNC Entertainment do người đại diện đưa ra chứ không phải là của tác giả ca khúc "Because I miss you". Hơn nữa, người đứng ra xin kết luận chính thức từ phía FNC Entertainment là nhạc sĩ Quang Huy, đạo diễn kiêm nhà sản xuất bộ phim "Chàng trai năm ấy", người có liên quan trong vụ Sơn Tùng, nên không thể đảm bảo tính khách quan của kết luận.

Có được bức thư như người chết đuối vớ được phao, fan của Sơn Tùng vội vã đốp chát các nhà chuyên môn. Ngay lập tức, rất nhiều tờ báo mạng, trong đó có những tờ báo uy tín cũng "té nước theo mưa", yêu cầu phải có người đứng ra xin lỗi Sơn Tùng, đền bù thiệt hại. 

Sự tin tưởng vội vàng này của công chúng và truyền thông bắt nguồn từ sự mù mờ trong việc xác định một tác phẩm đạo hay không đạo,  từ quan điểm bất nhất của giới chuyên môn trong nước. Trong âm nhạc nói riêng và nghệ thuật nói chung, việc xác định một tác phẩm này có sao chép tác phẩm kia hay không chẳng hề dễ dàng. "Đầu tiên cảm giác (ambience, feeling) giống nhau không có nghĩa là hai bài hát sao chép nhau. Cảm giác đó rất dễ nhận thấy nhất ở những bài cùng thể loại hoặc phong cách âm nhạc bởi do đặc trưng của chúng mang đến.

Ví dụ, nhạc rock thì có ambience gần nhau, nhạc jazz có feeling tương đồng…" - nhạc sĩ Trần Minh Phi cho hay. Ngoài ra, theo anh, hai tác phẩm na ná nhau còn vì ảnh hưởng lẫn nhau. "Trong nghệ thuật cũng như âm nhạc, sự ảnh hưởng lẫn nhau là tất yếu. Ngay cả thiên tài như Beethoven trong thời kỳ đầu sáng tác cũng chịu ảnh hưởng của Mozart. Nhưng sự ảnh hưởng mang tính phổ quát và với một liều lượng hợp lý tạo nên giá trị sáng tạo của người bị ảnh hưởng. Còn sự ảnh hưởng mang tính chi tiết và đậm đặc thì tạo nên sự vô giá trị của người chịu ảnh hưởng" - anh lý giải. Bên cạnh đó, có nhiều tác phẩm mà nhạc sĩ lấy cảm hứng từ một bài hát, tác phẩm khác. Tất nhiên họ phải xin phép tác giả và ghi rõ nguồn gốc bài hát mình lấy cảm hứng.

Ngay cả sao chép cũng có hai dạng, vô thức và hữu thức. Nhạc sĩ Trần Minh Phi phân tích: "Sao chép vô thức là sự nhập tâm thụ động khi người ta nghe bản nhạc nào đó một cách bị động ở một nơi nào đó, khi nào đó mà không thể nhớ và kiểm soát bằng sự nhận thức rõ ràng về nó, nó âm thầm len vào và ở lại trong tiềm thức cho đến một hôm bị đánh thức bởi hoạt động sáng tác âm nhạc của người nghe rồi tự nhiên phun trào lên trong dòng cảm hứng của họ mà họ cứ tưởng là của mình. Dĩ nhiên, dòng âm nhạc này trỗi lên trong cảm giác nhớ nhớ quên quên của tiềm thức thì sẽ khó lòng cho ra một giai điệu 100% giống như giai điệu nguồn ban đầu mà sẽ có những nốt hay chùm nốt dị biệt. Tôi cho rằng rất nhiều người "đạo nhạc" là nạn nhân thật sự của tiềm thức âm nhạc. Chỉ có số ít người "đạo nhạc" là cố tình thôi. Và thiểu số này rất khôn ngoan, tinh vi và đầy kinh nghiệm biết cách núp bóng của tiềm thức âm nhạc để tạo nên giá trị ảo của mình và đồng thời chối tội khi cùng đường”. Về việc bản phối (beat) có phải là yếu tố quan trọng trong việc xác định bản quyền tác phẩm âm nhạc hay không cũng có hai luồng ý kiến trái ngược khi đại diện  Cục NTBD và một số luật sư nói không trong khi các nhạc sĩ và đại diện của Bộ VH -TT&DL khẳng định là có. Quá nhiều tranh cãi, buộc các nhà chuyên môn, cơ quan có thẩm quyền phải ngồi lại một lần nữa để tìm câu trả lời đích xác cho dư luận.

Đạo đức và chuyên môn âm nhạc xuống cấp?

Dù việc xử lý vi phạm của Sơn Tùng lần này chỉ dừng lại ở mức nhắc nhở và buộc thay beat nhưng động thái kiên quyết của cơ quan quản lý cũng đủ làm thỏa mãn những người làm nghề. Bởi nếu không có động thái răn đe  và không khẳng định beat là một trong những yếu tố quan trọng xác định tác quyền âm nhạc thì nói như nhạc sĩ Dương Khắc Linh, nền âm nhạc chuyên nghiệp Việt Nam sẽ lâm vào một vấn nạn lịch sử. Những tác phẩm tồi tệ,  nhạc sĩ vô tư lấy beat nhạc của người khác để sáng tác mà vẫn ung dung như không thì mọi chuyện sẽ sinh sôi nảy nở đến mức khó kiểm soát. Các tác phẩm của lao động nghệ thuật đích thực phải nhường chỗ cho ca khúc "ăn xổi" na ná nhạc ngoại quốc đang ăn khách. Thị hiếu khán giả cứ thế xuống tận đáy. Tài năng và đạo đức người nghệ sĩ bị tha hóa trong cơn lốc chạy theo hình thức, dễ dãi trong sáng tạo nghệ thuật.

Tour xuyên Việt của Hồ Ngọc Hà đầu tư công phu về nghệ thuật nhưng công chúng hầu như chỉ quan tâm đến chuyện đời tư của cô.

Với nhạc sĩ có tự trọng nghề nghiệp, phát hiện bài hát của mình na ná một ca khúc khác, dù là sao chép vô thức hay chịu ảnh hưởng  họ cũng sẵn sàng vứt bỏ bài hát đó khi nó không tạo nên được một giá trị riêng biệt. Cho nên, việc sáng tác dựa trên beat có sẵn không được giới làm nhạc chuyên nghiệp chấp nhận. Đáng buồn là nó đang thành trào lưu trong đội ngũ sáng tác trẻ. Nghiệp dư, ham danh vọng và tiền bạc, hoặc có thể do bước ra từ giới underground (giới hoạt động ngầm, không chính thống) họ quen kiểu sáng tác vay mượn, chắp vá dù đã dấn thân vào giới sáng tác chuyên nghiệp. Việc làm nghề thực sự ngoài tính chất thương mại, thì yếu tố quan trọng nhất chính là chất lượng nghệ thuật. Điều đó đồng nghĩa với sự sáng tạo thực thụ mang dấu ấn cá nhân, mới mẻ và đột phá.

Những năm gần đây, nạn nhạc rác, nhạc bẩn của giới underground đàng hoàng bước ra đời sống chuyên nghiệp và khiến nền âm nhạc đại chúng ngày càng ô tạp. Rất nhiều các chương trình ca nhạc, cuộc thi ca hát và các liveshow tầm cỡ diễn ra rầm rộ nhưng thay vì bàn về chất lượng nghệ thuật, câu chuyện thị phi xung quanh nó lại được quan tâm triệt để như: Hồ Ngọc Hà sắp ly dị Cường “Đôla” khi cô thực hiện show miễn phí xuyên Việt, liveshow Mỹ Tâm có mấy nghìn người đến xem… Công chúng háo hức với các ca khúc dễ nghe, bắt chước nền nhạc ngoại thịnh hành khi lượt xem số ca khúc này trên Youtube tăng vọt. Và khi đụng đến chuyên môn lại có ngay lùm xùm, giới chuyên môn bất nhất, kẻ bênh người phê, kể cả nhạc sĩ lão làng cũng có người lúng túng còn công chúng thậm chí có người còn không biết đạo nhạc là trộm cắp nhạc!

Qua vụ việc của Sơn Tùng M-TP, giới chuyên môn hy vọng các cơ quan quản lý sớm xây dựng quy định, chế tài đủ sức răn đe và ngăn chặn các vấn đề vi phạm đạo đức liên quan đến chuyên môn trong hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp. Bởi ngoài việc trông chờ vào lương tâm nhạc sĩ thì sự lúng túng trong việc phân xử các vấn đề liên quan đến chuyên môn đang đòi hỏi những quy định rạch ròi, hợp lý hợp tình nếu không muốn nền âm nhạc chuyên nghiệp, ít nhất trong giới sáng tác, ngày càng chắp vá và "nghiệp dư hóa".

Phan Thi Uyên
.
.