Từ vụ sát hại người tình rồi tự vẫn ở Đồng Nai: Yêu đương tủi phận

Thứ Hai, 22/04/2013, 16:45

Năm nay 28 tuổi, là dân gốc Lâm Đồng dạt về thành phố Biên Hòa mưu sinh, Trần Anh Quang đem lòng yêu thương người phụ nữ lớn hơn mình… 13 tuổi. Chị dang dở một lần đò, gã chồng vũ phu đẩy chị ra đường khi đã có với nhau hai mặt con. Ban đầu, chị từ chối tình cảm của Quang, chị nghĩ (theo cái cách khắc nghiệt mà nhiều người vẫn nghĩ), “trai tơ lấy gái nạ dòng…”.
Thế nhưng, biết làm sao khi yêu đương thường có những lý lẽ của riêng nó. Và bi kịch rủi xui lại luôn hiện hữu không hề có điềm báo.

Bi kịch mối tình đũa lệch

Ba năm trước, chị mang hai con về ở với cha mẹ ruột tại phường Tân Hòa, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Người chị gái thương hoàn cảnh của em, giao cho chị quán xuyến vài cái phòng trọ cho khuây khỏa tinh thần. Những dãy nhà trọ này dành cho công nhân, xây dựng liền kề nhau, sơ sài và ẩm thấp. Trần Anh Quang thời điểm đó là khách của dãy nhà trọ này.

Tiếp xúc một thời gian, Quang tỏ tình với chị. Chị gạt ngang, bởi chị ý thức rất rõ về sự đàm tiếu của người xung quanh nếu như chị chấp nhận tình cảm của Quang. Tỏ tình một lần không được, Quang tỏ tình lần hai… Cứ như mưa dầm thấm đất, cuối cùng chị cũng trở thành bạn gái của Quang.

Yêu được hôm trước, hôm sau cả Quang và chị đã vấp phải sự phản đối quyết liệt từ gia đình cả hai. Cha mẹ Quang ở Lâm Đồng, nghe bạn của con trai báo tin, con trai mình đang yêu một phụ nữ lớn hơn 13 tuổi, đã có hai con riêng thì không giữ được bình tĩnh. Cha mẹ của chị hay tin chị yêu Quang, thì cũng làm ầm ĩ cả lên. Không chỉ hai bên gia đình, mà láng giềng và cả những người quen biết chị cũng cất tiếng dè bỉu.

Chịu không được cảnh này, Quang dời nhà trọ sang chỗ khác. Chị ở lì trong nhà, ít bước chân ra đường hơn. Chắc là, phụ nữ ở tuổi nào, khi yêu cũng thường ẩn chứa những cảm xúc bên trong như nhau, chị không là một ngoại lệ. Dường như yêu đương bị ngăn cản từ phía gia đình, lại càng bền chặt. Sự phản kháng nhân danh tình cảm của cả hai cá nhân mạnh mẽ hơn những trạng thái bực dọc của người thân. Được mươi hôm tạm chia tay, Quang lại tìm đến chị. Mà có lẽ, nếu Quang không tìm đến chị thì chị cũng biết cách tìm Quang.

Quang có yêu thương chị thật lòng không(?). Chắc chắn là có. Phải yêu thương chị thật lòng, thì Quang mới bỏ mặc những lời nhiếc móc từ gia đình chị dành cho Quang. Và chị cũng phải yêu thương Quang thật lòng, thì chị mới vượt qua được sức ép từ phía gia đình chị lẫn gia đình của Quang.

Vậy đó, cấm thì cứ cấm, gièm pha cứ gièm pha, còn yêu thì cứ yêu.

Sáng ngày 2/4/2013, về nhà trọ sau giờ tăng ca, người bạn cùng phòng với Quang gọi cửa mãi mà không thấy Quang cất tiếng. Nghĩ là Quang ngủ say, anh ngồi ngoài đợi.

Tự dưng, linh tính mách anh biết có chuyện chẳng lành. Đưa mắt nhìn qua khe cửa sổ căn phòng trọ, anh điếng người phát hiện có hai người bất động trong căn nhà trọ. Một trên nệm, một treo cổ giữa nhà.

Nghe tiếng anh kêu thất thanh, láng giềng đổ lại để tìm hiểu vụ việc. Tin báo nhanh chóng được chuyển đến Cơ quan Công an. Nhận được tin, Cơ quan điều tra Công an TP Biên Hòa  kết hợp cùng các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh Đồng Nai và bộ phận pháp y đến hiện trường, tiến hành điều tra làm rõ nguyên nhân. Qua kết quả ban đầu khám nghiệm hiện trường cho thấy không có sự mất mát về tài sản. Ngoài ra, Cơ quan điều tra đã tìm thấy một bức thư tuyệt mệnh dài chỉ khoảng chục dòng được cho là của Quang viết với nội dung, "Tôi yêu cô ấy và chúng tôi nguyện chết với nhau".

Hiện trường vụ án nơi Trần Anh Quang giết bạn gái rồi tự vẫn.

Có thể hình dung vụ việc như sau, Quang hẹn chị đến  nhà tâm sự. Sau đó, Quang dùng dây siết cổ chị tử vong. Quang treo cổ tự vẫn. Gia đình Quang nói là, khuya ấy, họ nhận được tin nhắn từ số điện thoại của Quang, tin nhắn vỏn vẹn vài dòng: "Mong mọi người đừng buồn và đừng làm phiền con nữa". Cũng theo những người ở cùng dãy nhà trọ với Quang, thì trước khi xảy ra vụ án hai ngày, giữa Quang và chị có xảy ra mâu thuẫn.

Cha chị xót con gái bao nhiêu thì hận Quang bấy nhiêu. Ông vừa khóc vừa bảo, ông sợ con gái mình phải khổ thêm lần nữa, nên ông không muốn chị đến với Quang. Bao lâu nay ông cấm cản không được, ông đau lòng lắm. Có lúc, tưởng chị đã đoạn tuyệt được với Quang rồi, ông vừa nhấp nhổm hy vọng thì cả hai lại bập vào nhau.

Người dân hiếu kỳ bàn tán vụ việc vào sáng 2/4/2013.

Vẫn câu hỏi cũ: Tại sao?

Một năm trước, cũng ở địa phận TP Biên Hòa (Đồng Nai) đã xảy ra vụ việc tương tự. Anh thanh niên 22 tuổi, làm công nhân. Yêu người phụ nữ 43 tuổi, có thể gọi là đồng nghiệp. Chị đã ly dị chồng, có 4 người con. Con đầu của chị đã gần 20 tuổi. Vì vậy, mối quan hệ giữa chị và anh thanh niên ấy vấp phải sự phản ứng quyết liệt. Bế tắc, tuyệt vọng, không lối thoát, chị và anh thanh niên cùng tìm đến cái chết bằng cách treo cổ trong căn phòng trọ. Người phát hiện vụ việc đầu tiên là con lớn của chị, con chị đến căn phòng trọ này để tìm gọi chị về.

Trước khi tự tử cùng nhau, cả hai đã cho bạn bè hết những gì mà mình đang sở hữu. Thư tuyệt mệnh để lại có vài câu, cũng không khác gì lá thư tuyệt mệnh mà Trần Anh Quang đã để lại: "Chúng con chết cùng ngày cùng tháng cùng năm, mọi người đừng đau lòng. Thương mà bỏ quá...".

Chuyện tình cảm của Trần Anh Quang hay của anh thanh niên 22 tuổi với người phụ nữ lớn tuổi hơn, có gì là sai không(?). Chắc chắn là không có gì sai. Người ly dị chồng, người độc thân chưa vợ… thì lý do gì để ngăn cản một tình duyên.

Phụ nữ nước mình, bao nhiêu năm nay cứ nói cứ bàn bình đẳng này kia, nhưng họ vẫn đang phải chịu đựng quá nhiều sự bất bình đẳng. Lạ lùng là, sự bất bình đẳng ấy lại do ý thức hệ gây ra. Một ông già khú đế 70 tuổi, yêu một cô em 18 tuổi, bụp phát cưới luôn. Người ta xì xầm vài hôm rồi thôi. Còn một bà cụ 70 tuổi, yêu anh chàng 20 tuổi thì sẽ thế nào nhỉ(?!). Tôi để mở mệnh đề gợi sự suy tưởng này, tùy theo bạn đọc hình dung. (Ở đây, tôi không bàn đến thể loại đong đưa với các nữ triệu phú già, suốt ngày mang nhau ra khoe như những cá nhân thuộc làng giải trí Việt - PV).

Tất nhiên, mỗi người có một quan điểm riêng. Nhưng đa phần, như tôi vẫn thường nói, người Việt vẫn mắc phải thói quen "xét chuyện mình thì dễ, xét chuyện người thì khó".

Tâm lý thông thường, các bậc làm cha mẹ đều có chung nỗi e ngại khi thấy con trai mình yêu một phụ nữ lớn tuổi hơn, hay chính gia đình của người phụ nữ ấy cũng không muốn mối quan hệ đó xảy ra. Chắc là họ ngại nhiều thứ. Ngại tuổi tác chênh lệch, ngại cả cái chuyện tình cảm đang lúc bốc đồng, cảm xúc đang khi thăng hoa… thì "đôi lứa nguyền thề sống chết". Chứ vài năm nữa, khi mà chiếu chăn bắt đầu nhạt dần thì biết đâu, những mâu thuẫn khác lại xảy đến. Khi đó, mọi sự còn ê chề hơn.

Vậy đó, họ cấm cản là vì sợ xảy ra một tương lai không tốt đẹp dành cho con trai (hoặc con gái) của chính họ. Tương lai được xây dựng bền vững từ hành động của hiện tại, rất ít người nhớ được điều này. Hơn nữa, sòng phẳng mà thừa nhận, thì một cá nhân trên 18 tuổi đủ năng lực điều khiển hành vi, tương lai của cá nhân ấy nên để cá nhân tự quyết định. Chỉ nên định hướng, tuyệt đối không nên ép buộc.

Tôi chưa thấy có yêu thương nào bị cấm cản dài lâu mà không nảy sinh bi kịch. Cô gái mới 20 yêu anh chàng bằng tuổi ở Tây Ninh. Cả hai đã tính đến chuyện cưới xin thì đột ngột, mẹ anh chàng này đi coi bói về, thầy bói phán "Cưới nhau làm ăn không nên, chết bất đắc kỳ tử". Nghe thầy phán xong, bà mẹ hoảng quá về nhà đùng đùng đòi con trai phải "bỏ cái con nhỏ mang điều xúi quẩy ấy ngay lập tức".

Chuyện trò với hàng xóm, bà cũng nhắc lại lời thầy bói. Gia đình cô bé hay tin, giận lắm. Nghĩ, con gái mình với con trai bà ấy chưa thành vợ chồng, bà đã gieo tiếng ác, sau này về làm dâu bà còn đối xử đến mức độ nào nữa. Vậy là, gia đình cô gái cũng cản ngăn.

Đang yêu thương nhau đằm thắm, hết bị cha mẹ ruột nhiếc móc đến cha mẹ người yêu cạnh khóe. Mà tuổi hai mươi, thì có gì quan trọng hơn tình yêu(?). Vậy là, cả hai dùng dây cột chặt tay nhau, nhảy xuống con sông gần nhà tự vẫn. Đến khi thi thể được vớt lên, nhìn thấy sợi dây đang quấn chặt vào cổ tay họ, gia đình hai bên khóc ngất, đớn đau khi ấy mới vỡ òa.

Tiền nhân đã dạy: "Ép dầu ép mỡ, ai nỡ ép duyên". Ngạn ngữ cổ còn có câu rất đáng sợ liên quan đến chuyện ngăn cản đôi lứa yêu nhau: "Thù cha không bằng ngăn duyên".

Cũng phải cảm thông cho nỗi sợ hãi mơ hồ của những bậc làm cha làm mẹ, họ có cái khổ tâm của riêng họ. Thế nhưng, ngăn cấm một chuyện tình, chỉ vì tuổi tác để dẫn đến bi kịch, thì liệu có đáng hay không? Hoặc giả, nghe lời ông thầy bói nào đó phán lung tung, về ngăn duyên con để xảy ra một vụ việc cực kỳ đau lòng, thì có đích xác không?

K.Hữu
.
.