Tường Long, danh lam đệ nhất tháp

Thứ Tư, 04/09/2019, 14:40
Trong sách Phật giáo, tháp Tường Long là ngọn tháp đầu tiên được xây dựng ở nước ta khi các nhà tu hành Ấn Độ sang Việt Nam truyền đạo Phật. Còn theo sách “Đại Nam nhất thống chí” thì đây là ngọn tháp cao nhất so với các tháp khác như tháp Phổ Minh (Nam Định), Tháp Bình Sơn (Vĩnh Phúc), Tháp Bút (Bắc Ninh)...

Và một điều vô cùng đặc biệt, các nhà nghiên cứu lịch sử sau khi khai quật, căn cứ vào những hiện vật thu được đã phát hiện tháp Tường Long (Đồ Sơn) và tháp Báo Thiên (Hà Nội) được xây dựng thời vua Lý Thánh Tông và gần như cùng một thời điểm. Tháp Tường Long được coi là đệ nhất danh lam tháp thời Lý và ngày nay, sau 10 năm trùng tu tôn tạo, công trình tháp Tường Long hoàn thành vào năm 2017 được coi là một kì quan trong nghệ thuật kiến trúc điêu khắc và là một nét đẹp văn hóa tâm linh sáng ngời của người Việt.

Chùa Tháp thờ Tam Bảo trên núi Ngọc.

Tháp Tường Long và Tháp Báo Thiên được xây dựng cùng một thời điểm

Nằm trên đỉnh núi Ngọc, ngọn núi đầu tiên trong dãy 9 quả núi liền nhau ở quận Đồ Sơn, đất Cảng, Hải Phòng, tháp Tường Long sừng sững, hiên ngang, cao vút giữa bao la xanh thẳm của rừng cây mênh mông được ví như ngòi bút viết lên nền trời mây bồng bềnh. Đứng bất kì đâu ở Đồ Sơn, ta cũng thấy ngọn tháp cao lồng lộng giữa đất trời và những mái chùa cong nằm nép bên cạnh tháp khiến cho ta thật khó cưỡng lại vẻ đẹp đến mê hoặc lòng người.

Con đường đi từ chân lên đỉnh núi, nơi cụm chùa, tháp Tường Long có tổng chiều dài là 3km. Trước đây, UBND quận Đồ Sơn và cụm nhà chùa, tháp Tường Long đã làm đường ô tô chạy và bắt buộc phải đi bộ một đoạn qua những bậc đá lên cụm chùa tháp. Năm 2018, một con đường mới, rộng và thoáng hơn đã được hoàn thiện, đưa vào sử dụng khiến cho việc đi lại trở nên dễ dàng.

Cụm chùa, tháp Tường Long bề thế nguy nga hiện ra giữa khoảng rộng trên đỉnh núi Ngọc. Phía trước mặt xa xa là Cát Bà, Cát Hải. Chiều dần buông khiến cho khung cảnh nơi đây càng trở nên trầm tĩnh, linh thiêng, gió mát từ biển thổi vào lồng lộng. Người bảo vệ già ngạc nhiên khi nhìn thấy có người đến vào lúc chiều muộn, vì theo bác, để tham quan cụm chùa tháp này cũng mất ít nhất hơn 1 tiếng đồng hồ, điều đấy cùng đồng nghĩa với việc đường về sẽ tối đen như mực, không có một ánh đèn. Có nghĩa là bạn sẽ phải rất “cứng vía” mới dám đi qua khu nghĩa địa trải dài từ chân núi lên đến đây. Nhưng đổi lại, để được hít hà bầu không khí linh thiêng với quang cảnh huyền diệu này thì quả thật chuyến đi hoàn toàn không hề uổng phí.

Quang cảnh bên ngoài chùa Tháp.

Sử cũ có chép, vua Lý Thánh Tông một lần đi ngang qua khu cửa biển Ba Lộ, trong đêm nằm mộng thấy rồng bay lên, sáng sau tỉnh dậy, vua nghĩ là điềm lành nên đã cho quân lính xây tháp, lấy tên là Tường Long (con rồng cát tường).

Sử cũng chép, vì đây là vị trí trọng yếu của cửa biển, là một đồn phòng vệ nên đứng ở đây có thể coi là một đài quan sát lí tưởng nhất đến 4 phương 8 hướng, phòng khi có quân giặc thì đốt lửa làm hiệu lên kinh thành. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bộ đội, dân quân Đồ Sơn đào giao thông hào, xây dựng trận địa pháo phòng không đã chạm vào nền tháp cổ làm lộ ra những viên gạch quý lạ, một mặt có dòng chữ Hán in nổi trong một khung hình chữ nhật: “Lý gia đệ tam đế, Long Thụy Thái Bình tứ niên tạo”. Dịch nghĩa: thời vua thứ ba triều Lý trị vì có niên hiệu Long Thụy Thái Bình làm ra viên gạch này, cũng có nghĩa làm ra công trình này.

Và, điều đó cũng trùng khớp với tháp Báo Thiên, khu vực Nhà Chung, gần Hồ Hoàn Kiếm (được coi là một trong An Nam tứ đại khí, 4 báu vật của đất nước, cùng với tượng Phật chùa Quỳnh Lâm, vạc Phổ Minh, chuông Quy Điền) khi các nhà khảo cổ khai quật ở đây đã thấy bút tích, thân tháp được xây bằng những viên gạch hoa khắc những chữ: “Lý gia đệ tam đế, Long Thụy Thái Bình thiên niên tạo”.

Vậy là tháp Báo Thiên và Tường Long đều được xây trong cùng một thời điểm vua Lý Thánh Tông. Trong “Đại Việt Sử kí toàn thư”, sử thần Hậu Lê, Ngô Sĩ Liên viết về Lý Thánh Tông: “Vua khéo kế thừa, thực lòng thương dân, trọng việc làm ruộng, thương kẻ bị hình, vỗ về thu phục người xa, đặt khoa bác sĩ, hậu lễ dưỡng liêm, sửa sang việc văn, phòng bị việc võ, trong nước yên tĩnh, đáng gọi là bậc vua tốt”.

Danh lam đệ nhất tháp

Trải qua binh biến liên miên, tháp Tường Long cũ đã chỉ còn vết tích. Bà Lưu Thị Thu Huyền, Phó Giám đốc phụ trách Ban quản lý Đồ Sơn cho biết: “Năm 1972, khi đế quốc Mỹ bắn phá, chiến tranh đang ngày càng ác liệt, ông Đinh Văn Kiền và Nguyễn Minh Thế là hai cán bộ của Bảo tàng Hải Phòng đã đến xã Vạn Sơn, thị xã Đồ Sơn, sưu tầm những viên gạch vỡ, họa tiết trang trí của ngôi tháp...

Đầu năm 1978, Viện Khảo cổ học kết hợp với Sở Văn hóa - Thông tin Hải Phòng tiến hành khai quật tháp Tường Long để tìm hiểu về kiến trúc thời Lý ở Hải Phòng. Năm 2007, dự án trùng tu tôn tạo tháp Tường Long được phê duyệt. Năm 2017, khánh thành công trình tháp Tường Long. Đồng thời Ban quản lý di tích quận đã phối hợp với Bảo tàng Hải Phòng hoàn thiện xong khu trưng bày hố khảo cổ”.

Công trình tháp mới Tường Long được xây dựng cách nền tháp cũ chừng hơn 10m. Theo “Đại Nam nhất thống chí”, tháp cũ Đồ Sơn, huyện Nghi Dương cao 100 thước, dựng trên khu đất rộng 1.000 m có độ cao cách mặt biển 100m. Tháp có 9 tầng, cửa mở ra hướng Tây. Ngày nay, tính theo đơn vị đo lường thì 1 thước tương đương với 1m.

Tháp Tường Long có 9 tầng được khánh thành vào năm 2017.

Còn tính theo đơn vị đo lường thời nhà Nguyễn, 1 thước khoảng 40 cm. Đồng nghĩa với việc tháp Tường Long cao 40m. Nếu so với tháp Bình Sơn (Vĩnh Phúc) cao 16 thước - 15,5m; tháp Bút (Bắc Ninh) cao 13,05m; tháp Phổ Minh (Nam Hà) cao 17m; tháp Hòa Phong (Bắc Ninh) cao 17m... thì quả thật tháp Tường Long được coi là đệ nhất tháp.

Ngọn tháp mới cao 9 tầng, gạch bao quanh bằng gốm màu đất nung đỏ, họa tiết hoa văn hết sức tinh xảo với những hình, bông hoa sen, hoa cúc, lá đề, dây leo, mây... Trong lòng tháp là tượng Phật A Di Đà bằng đá xanh nguyên khối dáng vẻ ung dung ngồi kiết già trên tòa sen, khuôn mặt tỏa ra ánh sáng của từ bi và trí tuệ, đem đến sự an lạc, thư thái cho những người hành hương đến chốn linh thiêng này. Công trình tháp mới vừa lộng lẫy vừa nguy nga, bề thế giữa đất trời, lại mang dáng vẻ hoài cổ như nhớ tới đời xưa. Những họa tiết, hoa văn trang trí sắc nét, đậm dấu ấn thời Lý. 

Giáo sư Hoàng Xuân Hãn trong sách “Lý Thường Kiệt, lịch sử ngoại giao triều Lý” viết: “Các biểu hiện thương dân của vua Lý Thánh Tông xuất phát từ sự thấm nhuần tinh thần từ bi của Phật pháp, chứ không phải từ động cơ tuyên truyền chính trị”.

Tiến sĩ Phật học, Đại đức Thích Quảng Tiếp (Giáo hội Phật giáo Việt Nam) lý giải: Tháp thường được để thờ Phật, Bồ tát, hay những thiền sư tu hành đắc đạo. Hoa sen trong đạo Phật tượng trưng cho sự tinh khiết, thanh sạch, giải thoát, giác ngộ, sự tu hành chứng đắc, vì thế trong chùa hay trong tháp thường thấy tượng các chư vị Phật, Bồ tát tọa trên tòa sen.

Những hình mây, lá đề được trang trí trên gạch bao xung quanh tháp với ý nghĩa sâu xa, khởi nguồn từ câu chuyện về thời đức Phật Thích Ca Mâu Ni còn tại thế ở Ấn Độ, ngài đã ngồi dưới cội cây 49 ngày nhập định đến khi chứng đắc nhập Niết bàn. Cội cây ấy trước khi đức Phật nhập Niết bàn có tên khác nhưng sau khi đức Phật nhập Niết bàn mới có tên là cây bồ đề (dịch nghĩa giải thoát, giác ngộ).

Vì vậy, tại các nơi thờ tự tôn nghiêm, người ta hay có hình lá đề, dây leo với ý nghĩa con người hướng đem ngọn đuốc trí tuệ của mình với ánh sáng của Phật pháp để được sự giải thoát, giác ngộ, hạnh phúc và an lạc, đó là mục đích tối thượng, tột cùng của giới tu hành.

Trải qua bao mưa nắng thời gian, những chiến trận liên miên, tháp Tường Long nhiều lần được tôn tạo, khôi phục dưới triều Trần và triều Lê. Nhưng, dường như hai ngôi tháp Báo Thiên và Tường Long đều có chung số phận.

Trong sách “Tang thương ngẫu lục”, hai danh sĩ Phạm Đình Hồ và Nguyên Án đã viết về tháp Báo Thiên: “Cây tháp Đại Thắng Tự Thiên tại chùa Báo Thiên dựng từ đời Lý Thánh Tông... Khoảng năm Tuyên Đức, nhà Minh, đức Thái Tổ Hoàng đế tiên triều Lê Lợi tiến binh vây Đông Đô, viên quan giữ thành là Thành Vương hầu Vương Thông phá hủy cây tháp lấy vật liệu chế ra súng đồng để giữ thành (1414)... Năm Giáp Dần (1791) lại cho đào những gạch đá ở nền tháp cũ để tu bổ thành lũy Thăng Long”.

Hiện vật trưng bày có niên đại hàng trăm năm tuổi.

Còn với tháp Tường Long, sách sử chép rằng: Đến năm Gia Long thứ ba triều Nguyễn (1804) đã cho phá tháp để lấy gạch xây thành Hải Dương.

Ngày nay, UBND quận Đồ Sơn cùng chư tăng phật tử chùa tháp Tường Long đã trùng tu, tôn tạo, phục dựng công trình cụm chùa, tháp. Cách ngôi tháp mới độ mươi bước chân là nền tháp cũ đã được xây dựng thành nhà mái che khu khảo cổ. Tại đây vẫn còn nguyên dấu tích chân tháp trên nền đất cũ. Những tủ kính trưng bày hiện vật có từ khi các nhà khảo cổ tiến hành khai quật cả một quá trình dài từ thời trước ngày giải phóng, thống nhất đất nước cho đến mãi sau này. Vẫn còn đó những viên gạch, hoa văn, họa tiết mang dấu ấn lưu lạc màu thời gian.

Gần ngay đó là ngôi chùa 5 gian, mái cong thờ Tam Bảo với khuôn viên rộng thênh thang, là nơi lý tưởng để ngắm nhìn toàn cảnh Đồ Sơn. Đứng trên đây, vào mùa hè mát lộng, cảm giác như tay với đến trời xanh, mắt chạm vào những vì sao sáng. Bà cụ ngoài 70, nét mặt hiền từ là một trong 3 bà vãi trông chùa bảo: “Vào mùa đông, ở trên này dù mặc nhiều áo ấm vẫn cứ rét run, lạnh chả kém gì chùa Đồng, Yên Tử”.

Chùa Tháp nằm trên đỉnh núi Ngọc nên nhà chùa ít khi có khách vào lúc chiều muộn, trừ những hôm làm đại lễ. Vì người ta ngại đi con đường tối om mù mịt từ dưới chân núi lên đây, nhà chùa đóng cửa từ sớm, khi tiếng chuông chùa được các vãi già ngân lên lúc 17 giờ rồi đi đóng các gian cửa chùa ban Tam Bảo. Nếu có khách gọi cửa thì các vãi mới mở.

Sư trụ trì, Thượng tọa Thích Quảng Tùng tuổi đã cao vẫn đi đi về về vì ông còn trụ trì một số chùa khác ở Hải Phòng. Thỉnh thoảng, chùa cử hành lễ thường có một số tăng là “con” của sư phụ Thượng tọa Thích Quảng Tùng về để hành lễ, công việc hằng ngày ở đây giao cho 3 bà vãi trông nom, cai quản. Bà quét sân, người bao sái tượng Phật, người thỉnh chuông.

Trong gian thờ Tam Bảo, những pho tượng đúc đồng nguyên khối, tượng đức Phật A Di Đà, tượng Thích Ca Mâu Ni và Tam Thế Phật cùng với tượng Dược Sư, Địa Tạng Vương Bồ tát...  đều toát lên vẻ uy nghiêm, thanh tịnh, nhiệm mầu quện với mùi nhang khói, bảng lảng sương đêm khi trời về tối càng tôn thêm phần linh thiêng, ấm áp.

Bà vãi già đã trông nom cụm chùa tháp được 3 năm bảo: “Sắp tới đây, loạt công trình sẽ được khởi công xây dựng: Lắp nhà vàng, thờ Phật Thích Ca, được đúc bằng đồng từng khuôn phun mạ vàng bên ngoài. Vì nơi đây là vùng biển nên quần thể này sẽ làm các gian phòng thờ mẹ Âu Cơ và 50 người con xuống biển, nhà thờ Mẫu, nhà thờ vua Hùng, nhà thờ Hồ Chủ tịch. Tất cả khoản tiền này đều từ nguồn xã hội hóa”.

Bà bảo: Như cái cây cột trong chùa là mấy người chung tiền nhau cúng. Hoặc là một nhóm người nhận cúng tiền để đúc một pho tượng. Bà cũng cho biết, hiện nay công nhân đang làm đường từ tháp sang chùa, nếu con đường hoàn thiện chở được vật liệu thì sẽ tiến hành xây dựng ngay các công trình tâm linh, tín ngưỡng.

Chia tay cụm chùa tháp nghìn năm tuổi, 20 giờ, màn đêm buông xuống, con đường xuống núi heo hút tối om, chỉ có ánh đèn của chiếc xe vừa đủ sáng để rọi đường nhưng dường như hồn tôi còn vấn vương ở lại nơi ngọn tháp trên núi Ngọc linh thiêng.

Trần Mỹ Hiền
.
.