UNESCO, di sản và bài toán đổi mới

Thứ Sáu, 13/07/2018, 14:39
Di sản thế giới có tính phổ quát cao, đại diện cho những giá trị đặc trưng của từng giai đoạn phát triển trong lịch sử nhân loại và dường như đang mang lại lợi ích rất lớn cho các quốc gia. Tuy nhiên, việc công nhận và bảo tồn Di sản thế giới hiện là bài toán mà Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) và các quốc gia tham gia Công ước Di sản thế giới đang loay hoay đi tìm lời giải.

Lợi ích và bảo tồn

Việc di sản của một nước được công nhận là Di sản thế giới có ý nghĩa giá trị to lớn, đem lại lợi ích kinh tế cho nước đó. Những Di sản thế giới nổi tiếng là điểm đến hấp dẫn, thu hút du khách, mang lại nguồn thu rất lớn cho các nước có di sản. Lợi ích kinh tế từ các Di sản thế giới là điều có thể nhìn thấy rõ.

Vì vậy, cũng không quá khó hiểu khi số lượng các Di sản thế giới được UNESCO công nhận hằng năm gia tăng mạnh mẽ. Năm 1978 mới chỉ có 16 Di sản thế giới, đến năm 2018 con số này đã tăng vọt lên 1.073.

Các phân tích cho rằng, chính vì những lợi ích có được từ thương hiệu “Di sản thế giới” mang lại, nhiều nước trên thế giới tích cực trong các hoạt động vận động đề cử các di sản quốc gia cho danh hiệu “Di sản thế giới”. Và để đạt được mục đích đề ra, các nước sẵn sàng sử dụng các cách thức, biện pháp, thậm chí là sử dụng cả yếu tố chính trị để can thiệp, tác động đến UNESCO và các nước để công nhận di sản của nước mình.

Điều này đang là vấn đề gai góc, đòi hỏi UNESCO sớm giải quyết để cho các di sản được công nhận là Di sản thế giới trở nên về đúng giá trị thực của nó, để được nhân loại tôn vinh.

Di sản thế giới Vịnh Hạ Long.

Đáng chú ý, các nước dành sự quan tâm nhiều cho thương hiệu “Di sản thế giới” chú yếu là các nước kinh tế - xã hội phát triển. Trong năm 2018, có 29 trong 32 đề cử di sản đến từ các nước có thu nhập trung bình và cao. Các Di sản thế giới cũng tập trung ở các khu vực, nước phát triển.

Trong khi châu Phi có 102 Di sản thế giới thì con số này ở châu Âu là 506. Ở khu vực châu Âu, nước Ý dẫn đầu thế giới với 53 di sản, tiếp theo là Tây Ban Nha với 46 và Pháp 43.

Theo UNESCO, một di sản quốc gia đề cử để xem xét, công nhận là Di sản thế giới phải hội tụ đầy đủ các điều kiện như tính phổ quát, nổi bật... và nhất là nước có di sản đề cử đó phải đưa ra được kế hoạch bảo tồn, quản lý có tính thuyết phục cao đối với UNESCO một khi di sản đó được công nhận là Di sản thế giới. Đặc biệt, UNESCO luôn nhấn mạnh đến yếu tố giữ gìn, bảo tồn các Di sản thế giới cho các thế hệ tương lai.

Trên thực tế, di sản văn hóa và di sản tự nhiên ngày càng có nguy cơ bị phá hoại không chỉ bởi nguyên nhân xuống cấp mà còn bởi sự phát triển của đời sống xã hội và kinh tế. Trong đó, các yếu tố như chiến tranh, biến đổi khí hậu hay sự can thiệp quá mức của con người và du lịch đang khiến nhiều di sản thế giới có giá trị đứng trước nguy cơ biến mất mãi mãi. Điển hình trong số này là nhà thờ Giáng sinh Bethlehem (Palestine); di tích thời trung cổ ở Kosovo; trung tâm lịch sử của Shakhrisyabz (Uzbekistan)...

Do vậy, việc bảo vệ, bảo tồn và tôn tạo các Di sản thế giới được xem là ưu tiên hàng đầu đối với UNESCO cũng như đối với các nước có di sản được công nhận. Tuy nhiên, để cho các Di sản thế giới giữ được những nét đặc trưng và giá trị nổi bật của nó là không hề dễ, bởi điều này tùy thuộc vào nguồn kinh phí của UNESCO và các khoản đóng góp của các nước.

Nhà thờ Giáng sinh, Bethlehem, Palestine.

Năm 1996, UNESCO cấp trung bình 6.900 USD cho mỗi Di sản thế giới để phục vụ công tác bảo tồn và bảo vệ các di sản. Tuy nhiên, con số này trong năm 2018 đã giảm xuống còn 2.008 USD. Sự giảm sút về kinh phí hỗ trợ của UNESCO cho các Di sản thế giới chủ yếu là do sự gia tăng mạnh mẽ về số lượng, trong khi đóng góp tài chính của các nước tham gia ký kết Công ước Di sản thế giới không tăng.

Điều này sẽ ảnh hưởng đến việc bảo vệ, giữ gìn và bảo tồn các di sản văn hóa và tự nhiên độc đáo tại các nước đang phát triển vốn khó khăn về kinh tế, thiếu hụt ngân sách đầu tư vào các Di sản thế giới được UNESCO công nhận.

Bất đồng từ bên trong

Bên cạnh những tồn tại liên quan đến việc công nhận và bảo tồn Di sản thế giới, một trong những vấn đề nổi cộm hiện nay mà UNESCO cần sớm giải quyết dứt điểm đó là sự khác biệt giữa Hội đồng quốc tế về Di tích và Di chỉ (ICOMOS), Hiệp hội quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (IUCN) và Ủy ban Di sản thế giới. Theo quy định của UNESCO, các chuyên gia của ICOMOS và IUCN có vai trò xem xét, thẩm định để đưa ra đánh giá về kế hoạch quản lý, bảo vệ đối với các di sản quốc gia được đề cử. Tuy nhiên, trên thực tế, ý kiến tham vấn của họ không được Ủy ban Di sản thế giới tôn trọng.

Tại cuộc họp gần đây nhất diễn ra vào cuối tháng 7-2017, trong số các trường hợp di sản quốc gia được đề cử thì có đến 90% phán quyết của Ủy ban Di sản thế giới là ngược lại với ý kiến của các chuyên gia và Ủy ban này đã quyết định công nhận một số trường hợp là Di sản thế giới trong khi các chuyên gia cho rằng kế hoạch quản lý và bảo vệ các di sản của các nước này không có có tính thuyết phục.

Di tích thời trung cổ ở Kosovo.

Những bất đồng tồn tại giữa Ủy ban Di sản thế giới và các chuyên gia của IUCN và ICOMOS trong việc xem xét, công nhận các di sản đề cử đã có ảnh hưởng nhất định, làm giảm giá trị của Di sản thế giới. Ngoài ra, cũng không ngoại trừ việc xem xét, đánh giá các di sản đề cử không có tính thống nhất giữa các cơ quan có thẩm quyền của UNESCO sẽ là nguyên nhân khiến cho nhiều trường hơp được công nhận là Di sản thế giới, song giá trị không được đảm bảo.

Đứng trước những vấn đề bất cập, có nguy cơ ảnh hưởng đến uy tín của thương hiệu “Di sản thế giới”, yêu cầu cấp thết đặt ra đối với Ủy ban UNESCO là sửa đổi các quy định thủ tục hành chính để các nước có thu nhập cao và trung bình - những quốc gia không đủ điều kiện để nhận hỗ trợ phát triển theo các tiêu chí của Ủy ban Hỗ trợ phát triển (DAC), tài trợ cho công tác đánh giá, thẩm định danh sách đề cử Di sản thế giới.

Theo cách này, khoản kinh phí của Quỹ Di sản thế giới sẽ được chuyển cho các nước kém phát triển để phục vụ công tác bảo vệ, bảo tồn các di sản đề cử của nước họ. Theo ước tính, thay đổi này sẽ giúp tiết kiệm khoảng 638.000 USD.

Đồng thời, các quốc gia đã tham gia ký kết Công ước Di sản thế giới cần tôn trọng các nguyên tắc của Công ước Di sản thế giới và khuyến nghị của các quốc gia. Hơn nữa, khuyến khích các nước giàu hỗ trợ việc bảo vệ di sản văn hóa và tự nhiên trên toàn thế giới bằng cách tăng khoản đóng góp tài chính vào Quỹ Di sản thế giới.

Các nước như Thụy Điển, Úc đã quyết định tự nguyện gia tăng khoản đóng góp của mình vào Quỹ Di sản thế giới. Thụy Điển đã tăng gấp đôi khoản đóng góp vào năm 2017, trong khi Na Uy đang làm điều tương tự.

Khu dự trữ sinh quyển Pimachiowin Aki, Canada.

Di sản văn hóa và tự nhiên có vai trò, vị trí quan trọng trong quá trình phát triển của lịch sử nhân loại. Do đó, công tác bảo tồn và quản lý các Di tích lịch sử đã được UNESCO công nhận cần được quan tâm đặc biệt với sự tham gia có trách nhiệm của các quốc gia tham gia Công ước Di sản thế giới. Trong đó chú trọng đến việc phân bổ nguồn kinh phí hợp lý từ Quỹ Di sản thế giới cũng như kêu gọi các nước phát triển đóng góp tích cực hơn nữa cho Quỹ Di sản thế giới để hỗ trợ các nước nghèo trong công tác bảo tồn, quản lý các di tích lịch sử.

Ngoài ra, để cho những di sản được đề cử mang đúng ý nghĩa, giá trị của Di sản thế giới, Ủy ban Di sản thế giới của UNESCO có thể sẽ có những lưu ý về việc xem xét, thẩm định và đánh giá các di sản được đề cử một cách khách quan, chính xác trước khi ra quyết định công nhận là Di sản thế giới.

Bên cạnh đó, các nước cũng cần nhìn nhận rằng, Di sản thế giới sẽ mang lại những lợi ích kinh tế cho các nước có di sản được công nhận, song không vì thế mà để yếu tố chính trị can thiệp quá sâu, sử dụng mọi cách thức, biện pháp để theo đuổi thương hiệu “Di sản thế giới”.

Kông Anh
.
.