Uẩn khúc đằng sau vụ án cha ruột phóng hỏa đốt vợ chồng con

Thứ Sáu, 17/02/2012, 03:35

Khoa Bỏng, Bệnh viện Chợ Rẫy, TP HCM đầu giờ chiều ngày 9/2/2012, thời tiết đang rất nóng. Người phụ nữ tên Trần Thị Mai, 59 tuổi, nét mặt khắc khổ, tóc nhiều sợi bạc, vừa kể về nỗi đau của mình vừa tấm tức khóc. Bên trong phòng bệnh, là cậu con trai út và chồng bà đang cần đến bàn tay chăm sóc của bà. Cô con dâu bà, cũng là nạn nhân của một vụ phóng hỏa đốt người đã xuất viện từ lâu. Chiều vào chăm chồng, sáng tất bật đi bán trái cây ngoài chợ. Bi kịch bắt nguồn từ đâu(?!).

1. Rạng sáng ngày 29/1/2012, tức mùng 7 Tết Nguyên đán, những người ở trọ cùng dãy phòng trọ của vợ chồng anh Lê Văn Sinh (37 tuổi) và chị Ngô Thị Hải Nguyệt (29 tuổi) ở đường số 10, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP HCM bừng tỉnh bởi ánh lửa phừng phực bốc lên lẫn tiếng nổ phát ra từ căn phòng trọ của vợ chồng anh Sinh.

Biết chuyện chẳng lành, họ nhanh chóng ùa vào dập lửa. Sau khi khống chế được ngọn lửa, hàng xóm đưa vợ chồng anh Sinh đi cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TP HCM. Đồng thời, trình báo sự việc đến Cơ quan Công an.

Nhận được tin báo, lực lượng Công an lập tức có mặt để khám nghiệm hiện trường. Tại đây, lực lượng Công an thu giữ một can nhựa loại 20 lít, bên trong còn một ít dung dịch xăng.

Tiến hành rà soát các mối quan hệ của nạn nhân, không quá khó để Cơ quan Công an xác định ai là hung thủ của vụ việc trên.

Ngày 1/2/2012, ông Lê Văn Chắn, cha ruột của anh Sinh và là cha chồng của chị Nguyệt bị bắt giữ tại huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai. Tại Cơ quan điều tra, ông Chắn thừa nhận mình chính là hung thủ tưới xăng phóng hỏa căn nhà trọ của vợ chồng anh Sinh. Nguyên nhân khiến ông hành động là trước đó, ông có mâu thuẫn với chị Nguyệt.

Sau khi phóng hỏa, ông cũng bị bỏng do lửa táp. Nhưng hoảng sợ, nên ông bỏ chạy, đón xe đò về quê ở Định Quán, Đồng Nai. Đang nằm điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Định Quán thì ông bị bắt giữ.

Hoàn tất quy trình lấy lời khai, ông được chuyển vào Bệnh viện Chợ Rẫy để tiếp tục điều trị. Ông nằm trên giường bệnh, ngay sát giường của con trai mình. Anh Sinh bị bỏng toàn thân, chị Nguyệt bị bỏng một bên chân.

Ông Chắn nằm lặng im trên giường, nghe lời trách móc của vợ. Thi thoảng, ông đưa mắt liếc xem cậu con trai út của ông có đang nhìn về phía ông không. Còn cô con dâu, đã không nói chuyện với ông từ lâu lắm rồi.

Bà Mai nói với ông Chắn: "Ông không ở được với vợ chồng thằng Sinh, ông không ở Sài Gòn thì về quê chăn vịt, làm ruộng. Mắc mớ gì mà ông lại hành động như vậy. Giờ ông thấy đó, ông khổ, vợ chồng con khổ, tui cũng khổ… Ông nghĩ sao mà làm vậy, ông Chắn ơi?". Bà nói, bà trách, bà than thân than phận, rồi bà lại khóc. Nói, than, khóc cho mỗi mình bà nghe thôi, lòng bà đang rối như tơ vò.

Bà cả đời chỉ biết lo cho chồng, cho con. Con có gia đình thì bồng bế cháu, bà có dành cái gì cho riêng bà đâu. Ngay cả khi, con dâu bà không hợp với gia đình chồng, bà giận anh con trai út bạc nhược hay đứng về phía vợ, nhưng bà cũng chặc lưỡi: "Nó có gia đình riêng của nó. Vợ chồng nó hạnh phúc là đã mừng rồi".

Vậy mà, tai họa lại ập đến.

Anh Sinh trên giường bệnh.

2. Bà với ông thành vợ thành chồng ở Huế, rồi dắt díu nhau vào huyện Định Quán lần hồi mưu sinh. Của nả để dành được cho đến giờ là 5 công ruộng và một bầy vịt. Anh con trai đầu của ông bà tên Lê Văn Hóa, lớn lên lấy vợ, sinh con ở cùng với ông bà. Anh con trai út tên Lê Văn Sinh.

Sinh học đến lớp 9 thì thôi học, nằng nặc xin cha mẹ cho lên Sài Gòn học nghề cơ điện. Thương con, bà cũng chiều. Ba năm ở thành phố về, Sinh hoàn toàn không biết gì về cái mà mình từng xin đi học. Bà không biết trong chừng ấy năm ở thành phố, Sinh có học hay không. Nhưng không sao, chỉ cần Sinh về là bà cảm thấy vui. Trong thâm tâm, bà chỉ muốn Sinh ở gần bà.

Sinh về nhà được vài năm thì lại xin bà cho lên phố theo học nghề cũ. Thêm lần nữa, bà lại chiều lòng con. Lần lên phố này, Sinh thật sự đã có cho mình được một cái nghề.

Bà nói với Sinh: "Con học nghề cơ điện, ráng kiếm cái mặt bằng nào rẻ rẻ mở tiệm. Có gì, mỗi tháng mẹ phụ thêm cho con trả tiền mặt bằng. Ráng ở lại Sài Gòn cho đỡ cực, nghen con". Bà kể với tôi rằng, chắc trời cũng thương Sinh, nên công việc tàm tạm. Thi thoảng, Sinh mới xin thêm tiền bà để trả tiền mặt bằng… Sinh mở tiệm trên đường Lạc Long Quân, quận 11 rồi thuê nhà trọ ở luôn trên Sài Gòn từ đó.

Năm 2004, trong lần về quê thăm nhà, Sinh gặp và yêu cô gái nhỏ hơn mình nhiều tuổi, tên Hải Nguyệt. Nhà Hải Nguyệt cũng gần nhà Sinh, băng qua con lộ trải nhựa là đến.

"Chắc là cái duyên cái phận của tụi nó đến, chú ạ. Chứ thằng Sinh gần 30 tuổi đầu, đi khắp xứ không có mối tình vắt vai. Tự dưng về nhà, ngay lần đầu gặp con Nguyệt là thương luôn, cứ nằng nặc đòi một hai phải cưới con Nguyệt làm vợ", bà Mai hồi tưởng.

Đám cưới diễn ra vui vẻ, làm dâu được ít ngày, Nguyệt theo chồng về phố. Mẹ Nguyệt có quầy trái cây ở chợ gần nơi nhà trọ của vợ chồng Nguyệt. Quầy trái cây được thuê theo kiểu cũng ngộ. Cứ ngày rằm và cuối tháng, mẹ Nguyệt mang trái cây từ quê lên ngồi bán cho những người mua trái cây về thắp nhang. Tháng bán tối đa là 4 buổi, nhưng vẫn phải trả tiền cả tháng. Tiếc tiền bỏ ra, Nguyệt hằng ngày ra chỗ bán của mẹ "giữ chỗ", buôn bán lặt vặt thêm. Sinh sáng ra tiệm, chiều về nhà. Sòng phẳng thì không phải gia đình trẻ nào của người nhập cư tại TP HCM đều có thể ổn định cuộc sống nhanh chóng như vợ chồng Sinh.

Năm 2006, cậu con trai đầu lòng của vợ chồng Sinh ra đời. Khi nhóc được khoảng 9 tháng, do bậu bịu con nhỏ, vợ chồng Sinh gửi con về cho nội chăm sóc. Hơn hai năm sau, vợ chồng Sinh có thêm cậu nhóc thứ hai.

Lần này, Sinh gọi điện thoại về quê, yêu cầu mẹ lên Sài Gòn để phụ chăm con cho mình. Bà Mai tính đi, thì ông Chắn cản. Ông bảo: "Thôi, mẹ mày cứ ở dưới này. Lên đó ở với dâu con, biết có được hay không? Chẳng may, sứt mẻ tình cảm thì lại phiền". Nghe lời ông, bà nói Sinh gửi con về cho bà chăm, như bà đã từng chăm cậu con trai đầu lòng của Sinh.

Sinh không đồng ý, Sinh dỗi mẹ. "Mẹ cái gì cũng chỉ biết anh Hóa, con anh Hóa. Chứ mẹ có thương con của con đâu". Sinh nói dứt câu thì bà mất ngủ cả đêm hôm đó. Sáng hôm sau, mặc cho ông cản, bà kiên quyết lên Sài Gòn ở với vợ chồng Sinh.

Có bà ở nhà, cuộc sống của vợ chồng Sinh thoải mái hơn hẳn. Một tay bà cáng đáng hết việc nhà, từ quét dọn, nấu ăn, chăm cháu cho đến cả giặt giũ quần áo. Bà làm hết, đơn giản vì bà nghĩ đỡ đần cho con được bao nhiêu thì cố mà đỡ đần, chứ mai này sức yếu, muốn giúp con cũng có giúp được đâu.

Cảnh yên ấm đó diễn ra hơn một năm thì bắt đầu có chuyện.

Ông ở quê gọi điện thoại lên cho bà, nói: "Bà rảnh, thì về Huế coi xây mộ ông cố với mấy cậu, mấy chú. Tui đang bận làm ruộng với đàn vịt mới mua, không đi được. Mình về phụ cho có tình thôi, chứ không phải lo tiền bạc gì đâu".

Chuyện mồ mả bao giờ cũng quan trọng, đặc biệt là ở vùng quê. Bà bảo với Sinh là, cha bận không về quê được. Anh Hóa thì cũng khó khăn, nên hai vợ chồng ở nhà coi cháu, mẹ tranh thủ về quê vài tuần mẹ lên.

"Thôi, mẹ cứ ở nhà để con về. Con về ngoài đó còn bưng bê gạch đá được, chứ mẹ về thì làm gì. Con đi khoảng 2 tuần con vô, để tối con về nói chuyện với vợ con", Sinh bảo bà vậy. Bà nghe mà ấm lòng vô cùng.

Nhưng, những gã đàn ông đã có gia đình thường phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác. "Không nói lôi thôi gì hết, anh về Huế, thì tôi ẵm con về nhà mẹ tui ở quê. Quyết định vậy đi", Nguyệt trả lời khi nghe Sinh nói mình sắp đi Huế. Trước đó, hai vợ chồng cứ hục hặc nhau vì chuyện này. Bà Mai nghe hết, nhưng bà không can thiệp. Bởi bà nghĩ, mỗi gia đình luôn có câu chuyện riêng.

Ngày hôm sau Sinh đi Huế, thì trước một ngày, Nguyệt ẵm con về Định Quán, Đồng Nai.

Sinh về Huế, kể chuyện vợ con cho bà con nghe. Nghe xong, họ nhanh chóng yêu cầu Sinh quay ngược lại Sài Gòn để gia đình khỏi lấn cấn. Sinh về, đón mẹ con Nguyệt lên lại nhà trọ. Bà Mai buồn, lẳng lặng bỏ về quê.

Nhìn thấy bà về vậy, rồi nghe mọi chuyện, ông Chắn nói bà cũng nhiều, bà không đáp từ. Nỗi buồn của bà chỉ mình bà hiểu.

Bà Trần Thị Mai với nét mặt u uất.

3. "Thôi, mẹ mày không ở được với vợ chồng thằng Sinh thì ta lên Sài Gòn ta ở với vợ chồng hắn. Coi vợ chồng hắn làm gì ta", ông Chắn kiên quyết. "Ông lên đó thì sống làm sao?", bà hỏi. "Ta đi phụ hồ sống. Ta quyết định rồi, mẹ mày đừng nói nữa", ông trả lời.

Ông lên Sài Gòn thiệt, làm thợ hồ thiệt. Sáng, ông ăn sáng vỉa hè. Trưa, ăn cơm bụi, chỉ có tối là ăn cơm cùng với vợ chồng con và cháu nội. Vài tháng trôi qua, ông nghe loáng thoáng chuyện nuôi ông tốn cơm, tốn tiền điện, tiền nước… Ông giận tím người. Ông để dành được 1,5 triệu, định cho bà ra Huế đám cưới người thân, thì nay, ông quẳng xuống nền nhà, nói: "Lấy đi, tao chỉ còn nhiêu đó. Tao ra chỗ khác ở".

Sinh gọi điện thoại cho mẹ lên Sài Gòn, đưa cho mẹ 1,5 triệu ông Chắn quẳng lại và thêm 1 triệu nữa. Sinh thưa: "Mẹ cầm tiền này mà về Huế. Vợ con nó nói vậy thôi, chứ ai lại đi lấy tiền này nọ của cha. Con lo cho cha bữa ăn, chỗ ở cũng được mà. Giờ cha giận, cha đi mướn nhà khác ở rồi, mẹ ạ".

Bà Mai kể với tôi, cái giận không chỉ nằm ở chuyện cơm ăn, chỗ ngủ. Cái giận còn lan ra nhanh như lửa cháy đồng khô, khi mà Nguyệt mang con về nhà thăm mẹ ruột lại cấm cửa, không cho hai đứa cháu sang nhà thăm ông bà nội.

Duy có cái tết vừa rồi, không hiểu sao vợ chồng Sinh đưa hai con về thăm ông bà. Chưa kịp mừng, thì xảy ra chuyện buồn bã ấy.

"Tui thương con Nguyệt như con vậy, chú ạ. Tui nghĩ là con gái người ta nuôi lớn lên, về làm dâu sinh cháu nối dõi cho mình, mình không thương nó thì thương ai. Nhưng mà, nhiều khi con dâu quá quắt, tui buồn con dâu một, tui giận thằng Sinh cả trăm lần. Nếu nó biết bảo ban vợ nó, thì có xảy ra cớ sự này đâu. Chú biết không, mỗi lần nó định dạy vợ, vợ nó quẳng cái đơn ly dị trên bàn, nó lại sợ", bà kể vậy.

Tôi hỏi nguyên do vì sao ông Chắn làm chuyện phóng hỏa đốt con tàn nhẫn vậy. Bà trả lời, nghe ông kể lại là do ông về nhà vợ chồng Sinh lấy một ít quần áo mà ông còn gửi lại, đứng ở cửa gọi hoài không có ai mở, nên ông giận ông làm cái chuyện dại dột ấy.

Hỏi tiếp là, liệu Sinh và Nguyệt có định làm đơn bãi nại cho ông Chắn không? Bà bảo rất buồn: "Tui cũng không biết ý vợ chồng nó làm sao. Nguyệt thì lâu rồi, nó không nói chuyện với tôi. Chiều nó vô chăm chồng đến sáng lại đi bán, không hỏi han tui hay ông Chắn câu nào. Còn thằng Sinh thì nói, giờ nó không biết gì hết. Chị dâu nó nghe vậy, giận quá gọi điện ra Huế méc mấy cô, mấy cậu. Mấy cô cậu gọi điện thoại, mắng nó xa xả. Xong, nó quay qua bảo tui: "Mẹ muốn làm đơn bãi nại thì mẹ làm đi". Tui đáp: "Mày nói gì hay vậy Sinh. Tao biết gì mà làm, mày làm đi chứ". Nó nghe tui nói, lại im".

Theo lời hẹn của bác sĩ thì sáng ngày 10/2/2012, Sinh sẽ được ra viện. Bà Mai sẽ theo Sinh về nhà trọ để chăm sóc Sinh và lo cho hai đứa cháu nội của mình. Còn ông Chắn, bà để cho vợ chồng anh Hóa thay bà vào bệnh viện chăm sóc.

Cái may lớn nhất trong chuyện này chính là, khi ông Chắn giải tỏa sự u uất của mình, hai đứa cháu nội của ông đang đón tết ở Định Quán, Đồng Nai.

Chứ nếu không, thì đã có thêm thảm kịch xảy ra(!)

Kinh Hữu
.
.