Ứng dụng của nọc rắn trong y khoa

Thứ Bảy, 27/04/2013, 04:20

"Không có chất độc mà chỉ có liều thuốc độc" - đó là câu nói của Paracelsus, nhà y học nổi tiếng của Thụy Sĩ. Chất độc trong thực vật, như cây mao địa hoàng, từ lâu được làm thuốc chữa bệnh. Và, nọc độc từ các loài bò sát (rắn, thằn lằn hay bò cạp) cũng được các nhà nghiên cứu phân tích để ứng dụng trong y khoa. Ý tưởng bào chế thuốc chữa bệnh từ nọc rắn độc cũng hoàn toàn không mới. Nếu được sử dụng đúng liều lượng thì nọc độc không gây hại mà còn có lợi cho sức khỏe con người.

Trong nhiều thập niên qua, nọc rắn độc được tiêm cho động vật có vú như cừu và ngựa để thu thập các kháng thể tạo ra nhằm chế tạo kháng huyết thanh cho vết rắn cắn. Mới đây, nhà khoa học Stefan Hailey ở Đại học Delaware và đồng nghiệp báo cáo trên tạp chí Toxicon về một protein gọi là eristostatin chiết xuất từ nọc rắn mào châu Á giúp hệ miễn dịch con người chống lại khối u ác tính.

Các nghiên cứu trước đó đã chứng minh eristostatin ngăn chặn các tế bào hắc tố xâm nhập gan và phổi chuột thí nghiệm và người ta hy vọng quy trình này có thể áp dụng ở con người. Nếu như eristostatin chứng minh được hiệu quả trong điều trị bệnh ung thư thì protein này sẽ được xếp vào danh mục đang tăng về các loại thuốc được bào chế từ nọc rắn độc trên thế giới.

Ví dụ, Tirofiban là chất chống đông máu mới được chiết xuất từ nọc loài rắn hổ nhỏ cực độc châu Phi (có tên khoa học là Echis carinaus) và cũng có tác dụng đối với những người bị chứng đau thắt ngực hay đau tim. Hay, Exenatide là dạng tổng hợp của một hormone gọi là "exendin-4" có trong nước bọt của một loài thằn lằn độc Bắc Mỹ gọi là quái vật Gila. Exenatide được dùng để điều trị bệnh đái tháo đường type-2 do nó làm tăng sản xuất insulin ở những người có lượng đường huyết cao.

Còn captopril - dựa trên teprotide chiết xuất từ nọc rắn đầu nhọn ở Brazil - là thuốc làm giãn mạch máu được sử dụng rộng rãi để điều trị chứng tăng huyết áp. Ngoài ra, captopril được dùng cho bệnh nhân cao huyết áp song ít ai biết rằng thuốc được bào chế từ nọc độc rắn lục (Bothrops jararaca).

Ngoài ra, cũng còn có một số loại thuốc dựa vào nọc rắn độc đang được nghiên cứu. Crotoxin, một loại protein từ loài rắn chuông Nam Mỹ vào một ngày nào đó có thể được phê chuẩn để sử dụng trong điều trị các dạng bệnh ung thư. Các tế bào ung thư dường như đặc biệt hấp dẫn crotoxin - một phần phân tử nhận ra protein trên các tế bào ung thư và liên kết với nó trong khi phần phân tử khác gây tổn thương màng tế bào ung thư và từ đó tạo ra một "cơ chế tự sát của tế bào" (apoptosis) dẫn việc việc tế bào ung thư tự tiêu diệt chính nó.

Công ty Celtic Biotech ở thủ đô Dublin của Ireland đang tiến hành một loạt các test sử dụng crotoxin trên các bệnh nhân ung thư đang điều trị tại Bệnh viện châu Âu George Pompidou ở thủ đô Paris của Pháp. Năm 2013, Celtic Biotech có kế hoạch thử nghiệm đối với mọi dạng ung thư khác nhau và các nhà nghiên cứu của công ty tin rằng crotoxin có thể hiệu quả với mọi khối u rắn. Nếu cuộc thử nghiệm thành công, Celtic Biotech sẽ tập trung vào ung thư phổi tức thị trường lớn nhất.

Vết cắn của rắn chuông có thể gây tê liệt toàn thân và xuất huyết nội trong phạm vi rộng chỉ trong vòng vài phút! Nhưng, nọc độc của rắn chuông rất hữu ích trong điều trị bệnh cao huyết áp, bệnh tim và đột quị. Năm 1998, hai loại thuốc ngăn ngừa bệnh tim ra đời từ nọc độc của rắn chuông và rắn hổ lục được phê chuẩn lưu hành trên thị trường dược phẩm.

Kể từ đó, nhiều thành phần nọc độc khác được chứng minh có hiệu quả điều trị một số dạng ung thư khác nhau cũng như các bệnh rối loạn não như là Alzheimer hay Parkinson, nhưng để được phê chuẩn các nhà khoa học phải đối phó với nhiều quy định rắc rối.

Nhà nghiên cứu Tony Woods ở Đại học South Australia phát hiện một hợp chất từ nọc rắn có thể phá hủy các mạch máu nuôi khối u ung thư, bằng cách phá vỡ mối liên kết giữa các tế bào ở niêm mạc của mạch máu dẫn đến rối loạn chức năng của mạch máu và ngăn cản dòng máu nuôi khối u. Có lẽ nổi bật nhất trong mọi loại thuốc dựa trên nọc rắn là hannalgesin được làm từ nọc độc của rắn hổ mang. Giáo sư Kini Manjunatha ở Đại học Quốc gia Singapore đang nỗ lực phát triển chất hannalgesin như là tác nhân giảm đau.

Giáo sư Kini tuyên bố hannalgesin hiệu quả hơn morphine gấp 20 đến 200 lần! Hơn nữa, không giống như morphine thường được tiêm, hannalgesin có thể sử dụng qua đường miệng. Morphine và các hợp chất thuốc phiện khác giảm đau hiệu quả song nó gây tác dụng phụ và có thể gây nghiện nếu sử dụng không có kiểm soát. Nếu như morphine đi vào não và gây nghiện thì trái lại nọc rắn có tác dụng ức chế ASICs của hệ thần kinh trung ương và ngoại biên để ngăn chặn cảm giác đau nơi bệnh nhân.

Kini Manjunatha dự kiến sẽ tiến hành những cuộc thử nghiệm lâm sàng đầu tiên vào cuối năm nay hay đầu năm 2014. Không giống như liệu pháp hóa trị và một số loại thuốc chữa ung thư, ưu điểm của độc tố trong nọc rắn là tấn công thẳng vào tế bào hắc tố và không gây các phản ứng phụ. Giáo sư Tony Woods cho biết ông sẽ tiến hành các cuộc thử nghiệm nọc rắn này trên động vật trong năm nay và sau đó là trên cơ thể người. Tony Woods chưa thể tiết lộ về loại nọc rắn đang nghiên cứu vì hợp chất này chưa đăng ký bản quyền.

Nọc độc của rắn vô cùng phức tạp, bao gồm hàng trăm peptide (chuỗi acid amin), men và độc tố. Trong gần 3.000 loài rắn trên thế giới có hơn 600 loài có nọc độc và phần lớn sống ở Australia. Nọc độc của rắn được chia làm 3 nhóm chính: cytotoxin (độc tố tế bào, tức phong bế enzyme hô hấp tế bào), neurotoxin (độc tố làm tê liệt thần kinh) và hemotoxin (độc tố phá hủy tế bào hồng cầu). Chính sự phong phú của nọc rắn đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà nghiên cứu phát triển thuốc trị bệnh, đặc biệt là các loại thuốc đặc trị ung thư

Thiên Minh (tổng hợp)
.
.