Ứng dụng hệ thống robot định vị chính xác vào phẫu thuật cột sống

Thứ Sáu, 14/12/2012, 05:45

Ngày 3/12, Khoa Phẫu thuật cột sống Bệnh viện Việt - Đức đã tiến hành thành công ca phẫu thuật cột sống cho bệnh nhân Thân Thị Thanh, 64 tuổi ở Hà Tĩnh, bị trượt đốt sống L4- L5, bằng kỹ thuật sử dụng robot định vị chính xác. Với thành công này, Bệnh viện Việt - Đức trở thành cơ sở y tế đầu tiên ở châu Á áp dụng kỹ thuật robot định vị chính xác vào phẫu thuật cột sống (dành cho mổ ít xâm lấn và mổ vẹo), một kỹ thuật hiện đại với rất nhiều ưu điểm hỗ trợ tích cực cho cả bác sĩ phẫu thuật và bệnh nhân đang được áp dụng tại nhiều nước trên thế giới...

Sau hơn 1 giờ phẫu thuật với sự giúp đỡ của các bác sĩ đến từ CHLB Đức, ca mổ đã thành công. Bước ra từ phòng mổ, PGS-TS Nguyễn Văn Thạch, Phó giám đốc Bệnh viện Việt-Đức, Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật cột sống, không giấu được vui mừng nói rằng: "Với thành công này, chúng tôi có thể tự tin khẳng định rằng hiện nay Bệnh viện Việt - Đức đã làm chủ tất cả các kỹ thuật tiên tiến nhất trên thế giới vào phẫu thuật cột sống".

Là một trong những chuyên gia hàng đầu về phẫu thuật cột sống, nhưng PGS-TS Nguyễn Văn Thạch cho biết các bác sĩ phẫu thuật cột sống luôn phải đối mặt với những thách thức. Người bệnh khi tìm đến bác sĩ luôn hy vọng sẽ được phẫu thuật an toàn, chính xác, thời gian nằm viện ngắn và thời gian phục hồi nhanh. Đây là mong muốn hoàn toàn chính đáng nhưng cũng là thử thách của bác sĩ vì mỗi ca mổ luôn tiềm ẩn những rủi ro.

Trước kia, các bác sĩ phẫu thuật thường áp dụng phương pháp mổ mở. Với phương pháp này, để quan sát được vùng cần mổ, bác sĩ phải tạo vết mổ lớn. Hệ lụy của phương pháp này với người bệnh khá nặng nề khi tạo ra sẹo lớn, các tế bào bị tổn thương nhiều nên sẽ mất nhiều thời gian để phục hồi, không những thế nguy cơ nhiễm trùng và mất nhiều máu.

Để khắc phục, những năm gần đây, phương pháp mổ ít xâm lấn được áp dụng. Với phương pháp này, vết mổ sẽ nhỏ hơn rất nhiều so với mổ mở nên bệnh nhân sẽ ít đau đớn, ít sẹo hơn, ít di chứng và thời gian phục hồi sẽ nhanh hơn. Tuy nhiên, khi áp dụng phương pháp này, bác sĩ sẽ gặp phải khó khăn bởi do vết mổ nhỏ nên bị giới hạn khoảng nhìn trong vùng cần thao tác. Vì thế sẽ phải chụp nhiều ảnh X-quang để quan sát khiến cho thời gian phẫu thuật lâu hơn.

Việc phát nhiều tia X trong quá trình chụp nhiều phim X-quang chính là nguy cơ về các bệnh ung thư cho bác sĩ và cả bệnh nhân. Không những thế, những rủi ro trong phẫu thuật như bị tổn thương dây thần kinh vĩnh viễn luôn là nguy cơ có thể xảy ra.   

Robot phân tích dữ liệu trước khi phẫu thuật.

Việc áp dụng robot định vị chính xác đã khắc phục được tất cả những hạn chế này. Bởi hệ thống robot sẽ thay đổi kỹ thuật mổ cột sống ít xâm lấn từ phương pháp hoàn toàn dùng tay của bác sĩ trước đây sang dùng phương pháp hỗ trợ của robot, do đó giúp các bác sĩ định vị và tiến hành thao tác chính xác nhất trên xương sống của bệnh nhân trong khi lượng tia X phát ra được giảm tối đa để tránh gây ảnh hưởng  cho cả bác sĩ và bệnh nhân. Vì thế, những năm gần đây, nhiều bệnh viện ở Mỹ, Đức, Anh, Israel... đã áp dụng phương pháp này vào phẫu thuật cột sống.

Cách đây 2 năm, trong một lần sang Đức, PGS-TS Nguyễn Văn Thạch  được các đồng nghiệp giới thiệu kỹ thuật này và ông đã lập tức có ý định phải đưa được kỹ thuật này về Bệnh viện Việt - Đức. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là... lấy đâu ra tiền để nhập thiết bị? Bởi lẽ để nhập được hệ thống máy móc này sẽ phải có vài triệu USD.

"Về Việt Nam, tôi đã thử vận động một số ngân hàng tài trợ, lúc đặt vấn đề thì họ đồng ý nhưng khi lập dự án xong gửi cho họ thì chẳng thấy hồi âm" - bác sĩ Thạch nhớ lại. Thấy cách này không có kết quả, loay hoay mất khoảng một năm, PGS-TS Nguyễn Văn Thạch quyết định nhờ các mối quan hệ ở Đức giới thiệu gặp trực tiếp hãng sản xuất máy để thuyết phục họ cung cấp máy theo chương trình quảng bá sản phẩm bởi như vậy chi phí sẽ được giảm tối đa. Và thật may với tài "thuyết khách" của ông, cuối cùng họ đồng ý.

Đầu năm 2012, Bệnh viện Việt - Đức cử 2 kíp bác sĩ và kỹ thuật viên sang Đức học kỹ thuật. Sau khi trở về, chính những bác sĩ, kỹ thuật viên này lại trở thành giáo viên để dạy lại cho những người "ở nhà".

Theo PGS-TS Nguyễn Văn Thạch, trong phẫu thuật cột sống, việc xác định đúng vị trí cần bắt vít là rất quan trọng, bởi mục đích là tránh gây ra tổn thương đến các dây thần kinh và đạt hiệu quả tối đa trong việc kết hợp cứng khớp đốt sống.  

Cánh tay robot hướng dẫn bác sĩ đến vị trí chính xác để phẫu thuật.

Vì vậy ưu điểm lớn nhất khi sử dụng hệ thống robot định vị chính xác trong phẫu thuật cột sống là đảm bảo độ an toàn cao nhất cho bệnh nhân với độ chính xác tới 1mm (1/25 inch). Bởi loại robot mini gắn trên xương sống bệnh nhân có khả năng định vị chính xác vị trí cần bắt vít trong khi mổ  đồng thời giảm tối đa lượng bức xạ bệnh nhân và bác sĩ.

Bởi lẽ trước khi phẫu thuật, căn cứ vào các kết quả từ ảnh chụp cắt lớp CT, bác sĩ phẫu thuật và kỹ thuật viên sẽ lên kế hoạch mổ phù hợp nhất cho bệnh nhân. Việc lên kế hoạch được thực hiện trên phần mềm 3D từ trạm điều khiển của robot hoặc từ máy tính cá nhân của bác sĩ. Bản kế hoạch chi tiết về quy trình mổ sẽ được hoàn thành trước khi vào phòng mổ.

Việc định vị được chính xác như vậy vì trước khi mổ, các bác sĩ và kỹ thuật viên phải chuẩn bị rất chu đáo gồm 4 bước.

Đầu tiên, bác sĩ phải lên kế hoạch mổ phù hợp nhất cho bệnh nhân dựa trên ảnh chụp CT. Việc lên kế hoạch được thực hiện trên phần mềm 3D từ trạm điều khiển của robot hoặc từ máy tính cá nhân của bác sĩ.

Trước khi phẫu thuật, một khung định vị sẽ được gắn cố định lên xương sống bệnh nhân.

Công đoạn thứ 3 là đồng bộ hóa hình ảnh 3D. Hai hình ảnh X-quang sẽ được chụp từ xương sống bệnh nhân theo hướng thẳng đứng và hướng xiên 600. Hai hình ảnh này sau đó được đồng bộ hóa với ảnh CT của bệnh nhân đã được chụp trước khi phẫu thuật. Từ những dữ liệu này, robot lập tức phân tích và định vị chính xác vị trí cần phẫu thuật.

Vì vậy khi phẫu thuật, cánh tay robot sẽ dẫn dụng cụ của bác sĩ đến vị trí chính xác để phẫu thuật. Với sự hỗ trợ tối đa của công nghệ như vậy đã giúp thời gian mổ được giảm tối đa, nếu một ca mổ thông thường có thể kéo dài 3- 4 giờ thì với kỹ thuật này chỉ còn khoảng 1 giờ.

Theo PGS-TS Nguyễn Văn Thạch, kỹ thuật này giúp tăng khả năng cho bác sĩ vì độ chính xác cao, dễ dàng tích hợp trong hệ thống phòng mổ; còn với bệnh nhân do vết mổ nhỏ, thời gian mổ nhanh nên an toàn hơn cho bệnh nhân, giảm rủi ro trong phẫu thuật, giảm nguy cơ phải mổ lại, giảm đau, ít gây sẹo và đặc biệt là thời gian phục hồi nhanh, bệnh nhân có thể sinh hoạt bình thường sau khi mổ vài tuần. Vì vậy, sau 5 ca mổ có sự hỗ trợ của các bác sĩ Đức, kỹ thuật này sẽ được Bệnh viện Việt - Đức áp dụng vào phẫu thuật vẹo cột sống và mổ ít xâm lấn.

PGS-TS Nguyễn Văn Thạch cho biết, do thiết bị được hãng sản xuất hỗ trợ nên bệnh nhân sẽ chỉ phải trả những vật tư tiêu hao trong quá trình phẫu thuật nên giá cho một ca phẫu thuật bằng kỹ thuật này chỉ như những ca phẫu thuật bình thường khác.

Theo PGS-TS Nguyễn Văn Thạch, sau 8 năm triển khai kỹ thuật phẫu thuật cột sống, đến nay Khoa Phẫu thuật cột sống - Viện Chấn thương Chỉnh hình - Bệnh viện Việt - Đức đã triển khai hiệu quả hàng loạt kỹ thuật hiện đại nhất của thế giới để chữa các bệnh về cột sống như điều trị thoát vị đĩa đệm bằng sóng cao tần; mổ lấy nhân thoát vị đĩa đệm ít xâm lấn; phẫu thuật bắt vít qua da; bơm xi măng sinh học có bóng và không bóng... Hơn 20.000 trường hợp đã được phẫu thuật mà không để xảy ra một biến chứng nào

Nguyễn Thiêm
.
.