Ung thư da có thể chữa lành - cắm lại râu đi nhoãi

Thứ Sáu, 11/10/2013, 23:35

Ngày 28/9 vừa qua, trong hội nghị về bệnh ung thư ở châu Âu, tổ chức tại Amsterdam, Hà Lan, Giáo sư Alexander Eggermont thuộc Viện Nghiên cứu ung thư Gustave Roussy, Pháp, đã công bố một công trình khoa học, trong đó chứng minh bệnh ưng thư da hoàn toàn có thể chữa lành bằng cách kết hợp 2 loại thuốc để khởi động lại hệ miễn dịch của cơ thể người.

Một trong 2 loại thuốc này là Ipilimumab (IPI) có tác dụng kích thích hệ miễn dịch. Bệnh nhân ung thư da nếu chỉ dùng thuốc này, thì 17% khỏi bệnh. Loại thuốc thứ hai là anti-PD1s - có tác dụng phân hủy tế bào ung thư và nếu người bệnh cũng chỉ dùng một loại thuốc này thì có 41% khỏi bệnh. Nhưng nếu phối hợp cả hai loại thuốc, con số người khỏi bệnh lên đến 83%, chưa kể nó còn có khả năng tiêu diệt nhiều loại tế bào ung thư khác, như ung thư phổi chẳng hạn.

Da người gồm hai lớp. Lớp ngoài cùng là tế bào sừng. Lớp bên trong là tế bào đáy và tế bào hắc tố (melanocyte). Tế bào hắc tố sản xuất ra chất melanin, tạo thành màu da. Khi da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, melanin xuất hiện nhiều hơn khiến da đen sạm. Nếu các tế bào hắc tố tập trung thành cụm, chúng tạo ra nốt ruồi. Bình thường, tế bào da phát triển theo một trình tự rất chặt chẽ: Những tế bào mới còn non đẩy những tế bào trưởng thành lên bề mặt da. Khi lên đến lớp trên cùng, chúng chết và tróc ra khi kỳ cọ, tắm rửa.

Ung thư da là kết quả của sự phát triển bất thường của các tế bào da. Nguyên nhân chính là do da bị tổn thương bởi tia cực tím. Đây là một loại sóng ánh sáng phát ra từ mặt trời và thường được sử dụng trong các kỹ thuật làm sạm da (giường tắm nắng nhân tạo,…). Tia cực tím có thể xuyên qua da, làm tổn thương các tế bào, gây ung thư da cũng như các vết nhăn và nốt tàn nhang.

Có 2 loại tia cực tím là A (UVA) và B (UVB). Tia UVA xuyên qua da sâu hơn tia UVB, do vậy sau một thời gian phơi nhiễm tia này, khả năng chống ung thư của da sẽ bị suy yếu. Tia UVB, do xuyên qua da kém hơn, nên thường gây bỏng nắng, gây ung thư lớp nông, chẳng hạn như ung thư tế bào sừng hoặc tế bào đáy.

Ung thư tế bào hắc tố cũng có liên quan với tia cực tím. Các chuyên gia nhận thấy rằng những người thỉnh thoảng tiếp xúc với nắng gắt trong một khoảng thời gian ngắn hạn - như những người làm việc trong văn phòng đi tắm nắng trên bãi biển vào các ngày nghỉ - có nguy cơ bị ung thư tế bào hắc tố rất cao so với nông dân, công nhân, thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng.

Công bố của Giáo sư Alexander Eggermont được các nhà khoa học đánh giá là tuyệt vời. Việc điều trị đã có tác dụng ngoạn mục với những bệnh nhân bị ung thư da ác tính. Họ tin rằng phương pháp này sẽ nhanh chóng được đưa vào sử dụng để đánh bại các loại ung thư khác. Giáo sư Alexander Eggermont cho biết: "Hơn 50% bệnh nhân bị u ác tính có thể chữa khỏi. Hiện chúng ta đã kiểm soát được khối u cho dù nó đã tiến triển".

Trước đây, khi phát hiện ung thư da, phương pháp thường được áp dụng là phẫu thuật cắt bỏ triệt để. Nhưng nếu nó đã di căn thì cơ hội sống sót rất ít. Theo Giáo sư Eggermont, hai loại thuốc trên sẽ được đưa vào phác đồ điều trị - không chỉ cho các trường hợp ung thư da, mà còn cho cả ung thư phổi, thận. Ông nói: "Báo cáo từ các thử nghiệm lâm sàng với những bệnh nhân ung thư phổi, ung thư tế bào thận, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư ruột và ung thư vú là rất thú vị". Giáo sư Stephen Hodi, thuộc Viện Ung thư Dana Farber ở Boston, Mỹ, cho biết gần 5 nghìn người bệnh bị u ác tính đã đáp ứng tốt với phương pháp của Giáo sư Eggermont.

Trong nhiều thập niên, các chuyên gia về ung thư đã cố gắng tạo ra những loại thuốc giúp hệ miễn dịch của cơ thể chống lại căn bệnh quái ác này, nhưng dường như tất cả đều đi vào ngõ cụt bởi lẽ hệ miễn dịch là mạng lưới vô cùng phức tạp, bảo vệ cơ thể bằng cách xác định các kháng nguyên lạ, giết chết các vi sinh vật lạ, tế bào bất thường. Nó ngăn chặn con người khỏi các tác nhân xâm nhập như vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, cũng như điều chỉnh lại những rối loạn của tế bào.

Giáo sư Eggermont cho biết, ông đã bỏ ra 24 năm để nghiên cứu cách kích hoạt tế bào T - là tế bào có khả năng chống lại ung thư. Tuy nhiên, ông nói: Cũng như các chuyên gia khác, tôi chỉ tập trung vào việc kích hoạt tế bào T chứ không tìm cách phá vỡ cấu trúc của khối u. Cho đến khi tôi đập tan bức tường phòng thủ của nó bằng cách kết hợp hai thứ thuốc IPI và anti-PD1s, tôi biết mình đã thành công".

Giáo sư Peter Johnson, Viện trưởng Viện Nghiên cứu ung thư Anh, cho biết: "Nếu hệ thống miễn dịch của bạn tốt, cơ thể bạn có khả năng đánh bại được khối u bởi lẽ nó là thiết kế đầu tiên để bảo vệ sự sống. Vì vậy, rất thú vị khi chúng ta nhìn thấy nó làm việc nhờ vào IPI và anti-PD1s".

Tiến sĩ James Larkin, thuộc Bệnh viện Royal Marsden ở London, nói: "IPI và anti-PD1s là một cải tiến rất lớn trong  điều trị. Trước đó, theo truyền thống, khi khối u ác tính đã di căn, nó được coi là không thể chữa khỏi. Vì vậy, đây là một thành công vĩ đại, không chỉ cho ngành Y mà cho cả hàng triệu bệnh nhân ung thư trên toàn cầu".

Hiện tại, tiến sĩ Larkin đang tiến hành điều trị cho các bệnh nhân ung thư tại Bệnh viện Royal Marsden ở London bằng phương pháp trên. Kết quả ban đầu cho thấy khối u co nhỏ lại một cách ngoạn mục trên 53 bệnh nhân bị ung thư da đã 5 năm hoặc lâu hơn. Giáo sư Paul Workman, thuộc Viện Nghiên cứu ung thư quốc gia, Mỹ, mô tả IPI và anti- PD1s là một bước đột phá thực sự. Theo ông, dù đây mới chỉ là bước khởi đầu, nhưng nó đã mở ra một hướng mới cho các nghiên cứu về hệ miễn dịch.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm trên thế giới có khoảng 4 triệu người chết vì bệnh ung thư hoặc những căn bệnh có liên quan đến ung thư. Y học hiện đại mới chỉ có thể chữa lành một số ung thư như ung thư vú, ung thư tuyến giáp, ung thư da nếu phát hiện sớm - nghĩa là khi tổ chức ung thư vẫn còn rất nhỏ, chưa xâm lấn các mô chung quanh và chưa di căn. Nay với phương pháp điều trị này bệnh nhân ung thư da - dù đã mắc 5 năm, 10 năm, vẫn có quyền hy vọng

Hòa Cao (theo Daily News)
.
.