Ứng xử với 2 di tích nổi tiếng quốc gia: Càng sửa càng sai, càng trông càng mất

Thứ Hai, 04/11/2013, 14:20

Ngày 29/10 vừa qua, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám có cuộc thi tìm hiểu về Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám và lịch sử Thăng Long - Hà Nội do Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch tổ chức. Cuộc thi này thu hút hàng nghìn học sinh, sinh viên khắp nơi tham gia. Hằng ngày, có hàng trăm lượt người từ khắp mọi miền đất nước và các du khách nước ngoài đến đây tham quan.

Có một điều căn bản nhất, Giáo sư - nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền (Cục Di sản - Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch) cho biết: Kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội, khu di tích lịch sử Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã được trùng tu, tôn tạo lại đứng ở khía cạnh truyền thống và nho học, cuộc trùng tu này hoàn toàn thất bại. Cục Di sản đã có nhiều kiến nghị nhưng không ai chịu nghe.

Một di sản khác là chùa Một Cột hay còn có tên khác là Diên Hựu tự, một ngôi chùa nằm giữa lòng thủ đô Hà Nội. Đây là ngôi chùa có kiến trúc độc đáo bậc nhất ở nước ta, có từ thời Vua Lý Thái Tông. Xung quanh ngôi chùa cũng quá nhiều chuyện ì xèo cần phải giải quyết.  Nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền đã có cuộc trao đổi với phóng viên Chuyên đề ANTG về 2 di tích này.

“Di tích lịch sử Văn Miếu - Quốc Tử Giám tu bổ sai, Cục Di sản góp ý nhưng không ai nghe”

“Thật khó có thể tưởng tượng nổi, sau khi tốn hàng tỉ đồng, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, 1 trong  23 Di tích quốc gia đặc biệt được trùng tu, tôn tạo lại và dịp kỷ niệm 990 năm lại sai những lỗi cơ bản về kiến trúc mà cụ thể Cục Di sản đã phải ra công văn nhưng không ai chịu nghe. Và cho đến nay, người ta vẫn cứ mặc nhiên để vậy”.

PV: Văn Miếu - Quốc Tử Giám ở thế kỷ trước đã được trùng tu, tôn tạo lại với một kinh phí và quy mô lớn, dưới góc độ di sản văn hóa, ông thấy cuộc “đại phẫu” này thực sự đã thành công?

GS - Nhà nghiên cứu di sản Trần Lâm Biền: Muốn tu bổ Văn Miếu - Quốc Tử Giám, chúng ta phải hiểu một yếu tố căn bản là nơi đây gắn với Nho giáo, và khi gắn với Nho giáo thì các kiến trúc ở đây phải mang tính Nho giáo và mang tính truyền thống. Khi tu bổ Văn Miếu, đặc biệt là nhà Thái học tạo lên được một kiến trúc lớn làm cho người nào ít hiểu biết về truyền thống thích thú. Song, rõ ràng đứng ở lĩnh vực truyền thống và Nho học thì Văn Miếu - Quốc Tử Giám tu sửa sai hoàn toàn.

Du khách náo nức tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

- Một di tích lớn được coi là Di tích đặc biệt bậc nhất cấp quốc gia mà tu sửa sai hoàn toàn như theo lời ông nói. Ông có thể nói rõ sai ở đâu? Và sai cái gì?

GS - Nhà nghiên cứu di sản Trần Lâm Biền: Thứ nhất ở lĩnh vực truyền thống, đứng về mặt kiến trúc sau khi trùng tu, tôn tạo cái người ta gọi là "nhà Thái học" chứ thực chất đấy không đạt yêu cầu để được gọi là "nhà Thái học". Nhà Thái học được làm theo kiểu chữ "Công" (phiên âm tiếng Việt), mà chữ "Công" ở nước ta thì tòa đằng trước bao giờ cũng lớn hơn tòa đằng sau. Hiện nay chữ "Công" ấy tòa đằng sau lớn hơn tòa đằng trước. Đấy là tu sửa sai hoàn toàn.

Thứ hai trong mặt Nho giáo có hai mặt nhân sinh quan và vũ trụ quan. Nhân sinh quan nói đến tề gia trị quốc bình thiên hạ. Nhưng vũ trụ quan là quan tâm đến Kinh dịch. Trong tứ thư ngũ kinh, có 4 kinh gắn với đời, nhưng duy chỉ có Kinh dịch gắn với vũ trụ quan. Vũ trụ quan của Kinh dịch. Mà nội dung của Kinh dịch là nói đến phát sinh, phát triển bắt nguồn từ kinh tế nông nghiệp.

Trong Kinh dịch nói đến dịch học. Dịch là chuyển động. Dịch học là một hệ triết học bàn về sự hình thành vũ trụ và thế giới nhân sinh thông qua quy luật vận động thường hằng của tạo hóa. Khởi đầu của dịch là vô cực, tức là cốt lõi  cái khởi nguyên, bản thể chung của muôn loài. Vô cực chuyển hóa thành thái cực. Thái cực động sinh dương. Tĩnh sinh âm. Âm dương là lưỡng nghi đối đãi mà sinh tứ tượng. Đó là thái âm, thái dương, thiếu âm, thiếu dương. Tứ tượng đắp đổi mà sinh ra bát quái. Nghĩa là 8 thể khởi đầu của vật chất. 8 thể khởi đầu của vật chất đắp đổi mà sinh ra muôn loài.

Như vậy kiến trúc gắn với dịch học thường người ta nhận thấy có 2 tầng 8 mái. Mái trên là dương, dưới là âm. Dương nhẹ là ở trên, 4 phía mái là tứ tượng. 8 lá mái là bát quái. Vậy thì những tòa nhà này chỉ đứng riêng một mình mà không nối kết với bất kể tòa nhà nào khác. Bởi vì như thế mới phản ánh về dịch học. Mới phản ánh ở khía cạnh nào đó của tư tưởng Nho học. Nhưng khi người ta làm cái tòa 2 tầng, 8 mái lại nối với chuôi vồ của tòa tiền bái ở phía trước.

Vậy thì cả khối này cùng chung một kiến trúc, khiến cho người ta thấy rằng, lưỡng nghi, tứ tượng nhưng lại là thập tứ quái, thì điều đó không đúng với dịch học. Và đã không đúng với dịch học truyền thống thì không đúng với Nho giáo. Cho nên tòa nhà ấy đặt ở trong Văn Miếu là một sự bài bác Nho giáo.

Một cái sai nữa, trong nhận thức người ta nhận thức về âm và dương. Mà âm dương là khởi đầu của dịch học. Khi để chuông và để trống trong khu di tích người ta cũng phải hết sức cẩn thận. Mọi thứ gắn với nghi lễ của Nho giáo phải cực kỳ cẩn thận. Bên tả là bên trái thuộc âm phải đi với các thần với các vật thuộc dương. Bên hữu là bên phải là thuộc dương thì phải đi với các thần và các vật thuộc âm.

Người xưa đã quy định "tả dương hữu âm" và "tả chinh thì hữu cổ". Tức là chuông thì đặt ở bên trái của thần. Trống đặt ở bên phải của thần. Thế nhưng kết quả sau khi trùng tu, hai cái gác chuông, gác trống người ta đã đặt lộn. Kiến trúc, hiện vật đặt lộn ở nơi mà khách nước ngoài, trong nước đến đây thì không biết họ sẽ nhìn nhận tri thức của người Việt ra sao?! Đó là điều chúng tôi những người làm nghiên cứu di sản văn hóa thấy đau xót.

- Tất cả các di tích lịch sử cấp quốc gia, đặc biệt hơn là các di tích lịch sử đặc biệt cấp quốc gia chắc chắn sẽ phải có Cục Di sản giám sát. Tại sao lại để ra sai sót lớn vậy, thưa ông?

GS - Nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền: Cục Di sản tham gia nhưng người phụ trách tu bổ có chủ quan riêng của người ta. Họ không chịu nghe ai thì làm thế nào? Mặc dù vấn đề này Cục Di sản đã nói từ lâu rồi nhưng không ai nghe cả.--PageBreak--

Chùa Một Cột: May mà 2 con sư tử đá đã được mang đi!

Chùa Một Cột được Vua Lý Thái Tông cho khởi công xây dựng vào mùa đông, tháng 10 (âm lịch) năm Kỷ Sửu 1094. Cách đây vài năm, nhà chùa cho dựng hai con sư tử đá vô cùng hoành tráng ở ngoài sân, sự việc này đã bị các nhà nghiên cứu văn hóa phản đối và truyền thông đưa tin. Cách đây vài tháng, nhà chùa đã đem gửi hai con sư tử đá đi. Nhưng, chùa Một Cột vẫn tồn đọng rất nhiều vướng mắc chưa được giải quyết, sự việc này trì trệ kéo dài nhiều năm nay.

Còn nhớ, vào dịp 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, chùa Một Cột được mang ra làm các cuộc hội thảo bàn luận sôi nổi về cách trùng tu tôn tạo cho nhà chùa. Dự án này được ước tính là 31 tỉ đồng. Khi con số này được công bố, báo giới được phen ầm ĩ. Và cho đến nay, tất cả những bàn luận vẫn đang được triển khai trên giấy.

Cách đây 3 năm, tôi đến chùa vào ngày trời mưa, sư trụ trì đưa tôi đi xem Ban Tam Bảo, và nhà Mẫu đã bị hư hại nặng, cứ trời mưa là mái dột. Nhà chùa phải mang chậu ra hứng. Cứ trời mưa to là nước dềnh lên khắp sân chùa.

Lần này trở lại ngôi chùa vào một ngày cuối tháng 10, bác Đặng Thị Bình có 40 năm gắn bó với ngôi chùa, hiện nay làm chắp táp cho chùa không khỏi xót xa vì mọi thứ vẫn nguyên như cũ, bác bảo: "Vẫn dột, vẫn nước mưa dềnh lên khắp, mãi chưa thấy động tĩnh gì". Được biết, giữa tháng 10 âm lịch này, sẽ có cuộc trùng tu, tôn tạo lại ngôi chùa được xem là một biểu tượng của thủ đô Hà Nội.

- Tháng 10 âm lịch năm nay sẽ có cuộc trùng tu tôn tạo lại chùa Một Cột, theo ông liệu ngôi chùa có giẫm vào vết xe đổ của cuộc trùng tu Văn Miếu - Quốc Tử Giám?

GS - Nhà nghiên cứu di sản Trần Lâm Biền: Chùa Một Cột có đề án kỹ lưỡng được đem ra nhiều cuộc hội thảo khoa học, và rất may là chùa có được sự tu bổ trong thời gian này. Mọi tu bổ dính dáng đến chùa Một Cột người ta làm hết sức thận trọng.

PV: Trước đây nhà chùa đã tự ý đưa hai con sư tử đá trước cổng chùa và sau khi án ngự ở đây vài năm thì hai con sư tử đá này đã phải mang đi. Hiện tượng tự phát vẫn thường xảy ra trong các chùa…

GS - Nhà nghiên cứu di sản Trần Lâm Biền: Chùa Một Cột là một địa điểm nhạy cảm đòi hỏi người có kiến thức Phật học tương đối sâu, như cụ Thích Tâm Cẩn mới đủ tư cách ngồi ở địa điểm này. Địa điểm này không thể có những người thiếu sự hiểu biết. Chùa Một Cột gốc là của thời Lý. Thời Lý tư tưởng giải Hoa (không lệ thuộc vào văn hóa Trung Hoa) cực kỳ mạnh để khẳng định tư tưởng độc lập của dân tộc. Nếu không có tư tưởng đó thì người Việt không lập quốc được.

Nhưng trong thời gian vừa qua, không chỉ chùa Một Cột mà ở nhiều chùa, đền đã đưa đôi sư tử đá (hoàn toàn của nghệ thuật Trung Hoa) đặt ở trước cửa, bậc của di tích. Hai con sư tử đá ngồi đấy, như khẳng định về vấn đề "lệ Hoa" của di sản văn hóa ta. 

Hai con sư tử đá ngồi đấy là bôi nhọ tư tưởng của nhà Lý, đồng thời trong cái sân nhỏ bé như thế, người ta lại đưa một tượng Quan Âm trắng, đứng vào đấy. Trong nghiên cứu của chúng tôi chắc chắn trong tạo hình của người Việt, A Di Đà đứng lên là để cứu độ chúng sinh một cách gấp gáp. Tượng Di Lặc là để biểu hiện ý thức để cầu mong cho xã hội yên bình. Tượng Quan Âm trắng (Quan Âm bạch y) cũng mang tính chất tương tự.

Trước đây, nước ta không có tượng đặt ở ngoài trời. Khi đã đi đến việc cứu độ chúng sinh một cách gấp gáp, chúng ta suy ngược lại khi có tượng ấy sẽ phản ánh xã hội đang nhiễu nhương hoặc đang đầy những sự tiêu cực. Vậy đưa tượng ấy vào di sản văn hóa hiện nay mà trước đó tiền nhân không làm vậy thì chúng ta cần phải suy nghĩ hết sức cẩn thận.

Mọi tượng ở trong chùa, tổ tiên ta để lại đủ sức để cho con người sinh hoạt về tâm linh không cần phải tượng ngoài trời. Ba bức tượng A Di Đà đứng, Phật Di Lặc, Quan Âm bạch y không được đưa vào di sản bởi đưa vào di sản sẽ làm nhòe đi truyền thống của tổ tiên.

Hai con sư tử đá ở Chùa Một Cột đã được mang đi.

- Hiện tượng thờ Quan Âm bạch y hiện nay người ta bắt gặp ngày càng được phổ biến ở rất nhiều chùa, đền… Ngay tại chùa Một Cột cũng không nằm ngoài ngoại lệ đó.

GS - Nhà nghiên cứu di sản Trần Lâm Biền: Những tượng đấy đúng ra không phải là tượng Quan Âm. Bởi vì "Quan Âm trắng" tay sẽ khép lại, chỉ xuống đất để cứu độ chúng sinh, hoặc giơ lên kết ấn gia trì bổn tôn hoặc thuyết pháp, còn tay trái phải duỗi các ngón ra đặt ở ngang bụng để kết ấn cam lồ và khi kết ấn cam lồ thì có tịnh bình để phẩy nước cam lồ xuống cứu độ chúng sinh. Nhưng hiện nay toàn bộ các tượng đều cong các ngón để giữ lọ, như vậy mất ấn cam lồ thì không còn tượng Quan Âm cứu độ nữa. Đó là điều rất sai trong cách thể hiện tượng.

Xong rõ ràng rằng những cái tượng cô gái mỹ miều bị gán cho là Quan Âm bạch y. Đối với xã hội là sai và đối với nhà Phật cũng hoàn toàn sai. Bởi vì cách để tay thế hoàn toàn không còn là ấn cam lồ thì làm sao lọ nước trở thành thiêng được.

- Hiện tượng kiến trúc sai trong di tích lịch sử như vậy, có thịnh hành ở nhiều nơi không, thưa ông?

GS - Nhà nghiên cứu di sản Trần Lâm Biền: Rất nhiều chùa, gần như chùa nào cũng có tượng sai như vậy, mà cứ đưa ngầm vào thôi. Đấy là sản phẩm của thời hiện nay.

- Nhiều hiện tượng sai trong di sản như vậy, mà Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch, cụ thể là Cục Di sản không có động thái gì hay sao, thưa ông?

GS - Nhà nghiên cứu di sản Trần Lâm Biền: Nhiều di tích lịch sử đền chùa làm nhiều như thế, Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch) đã có chỉ thị là không được đưa tượng Quan Âm trắng vào chùa từ lâu rồi. Nhưng Bộ chỉ đưa ra chỉ thị thế thôi, chứ không dùng quyền lực, pháp luật để thực hiện và bảo vệ ý kiến của mình

Trần Mỹ Hiền (thực hiện)
.
.