VNCA và ANTG từ "ra sân phải đá ngoại hạng" đến những cải tiến phù hợp với xu thế báo chí hiện đại”

Thứ Hai, 15/08/2016, 17:05
20 năm, VNCA và ANTG đã qua một chặng đường dài, đã ghi dấu ấn tốt đẹp trong lòng bạn đọc, đã là thương hiệu uy tín trong làng báo. Nhân kỷ niệm 71 năm ngày truyền thống lực lượng CAND, 20 năm văn hóa văn nghệ Công an - An ninh thế giới, bạn đọc hãy cùng chúng tôi nhớ về "cái thuở ban đầu lưu luyến ấy", với "vạn sự khởi đầu nan", "đã ra sân là phải đá ngoại hạng" và những cải tiến đột phá phù hợp với xu thế phát triển của báo chí hiện đại qua cuộc trò chuyện với 3 Tổng biên tập qua các thời kỳ của 2 ấn phẩm này...

Thiếu tướng Phạm Văn Dần, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Văn hóa - Văn nghệ Công an, ANTG: Vạn sự khởi đầu nan…

Khi chuẩn bị ra tờ Văn hóa - Văn nghệ Công an, chúng tôi có tổ chức một cuộc trao đổi, dưới hình thức hội thảo, nhằm tham khảo ý kiến các nơi. Thành phần tham gia còn bao gồm đội ngũ các nhà văn, nhà báo trong lực lượng, có bên NXB CAND, Báo CAND. Khi đặt vấn đề thì ai cũng thấy là cần thiết, nên cho tạp chí ra đời sớm. Khi thống nhất như vậy rồi, thì bàn đến việc ai sẽ là Tổng Biên tập.

Các ý kiến đưa ra cũng nhiều, và cuối cùng thống nhất tôi sẽ làm Tổng Biên tập, quy tụ các anh em khác cùng làm. Lúc ấy tôi vẫn đang là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục XDLL CAND (cũ, bây giờ là Tổng cục Chính trị CAND) kiêm luôn Tổng Biên tập Tạp chí Văn hóa - Văn nghệ Công an. Mọi người đồng ý ngay. Và tờ báo ra đời.

Trong số những cán bộ để thành lập tờ tạp chí tôi lựa chọn lúc bấy giờ, có Hữu Ước (Trung tướng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục XDLL CAND, nguyên Tổng Biên tập Báo CAND), sau này là Tổng Biên tập. Và phải nói tôi chọn Hữu Ước là rất đúng. Đó là người có tài, có tâm, và là người mang quyết tâm làm báo. Nếu chọn người khác, có thể tờ báo vẫn sẽ ra, nhưng khó mạnh và phát triển như mọi người đều thấy. Và từ sự lựa chọn đúng đắn ấy nên sau này tờ báo phát triển rất nhanh. Cho nên có thể nói công của Hữu Ước rất lớn.

Tờ Văn hóa - Văn nghệ Công an lúc ấy có một điểm rất hay, đó là tuy mới ra đời nhưng nó lại tập hợp được một đội ngũ phóng viên, cộng tác viên rất mạnh và hiệu quả. Nhiều đơn vị, cá nhân giúp đỡ, hỗ trợ rất nhiệt tình. Có nơi giúp về nhân lực. Có nơi giúp về phát hành... Chứ tờ báo ban đầu ra nghèo vô cùng. Làm gì có gì đâu.

Trụ sở là một phòng hơn chục mét vuông trong khuôn viên CLB hưu trí CAND. Phòng cũng dài ngoẵng ra, chứ không được vuông vắn, đẹp như bây giờ. Bàn ghế thì cũ kỹ hết cả...

In lúc bấy giờ cũng khác. Không in hai đầu (Bắc - Nam) như hiện nay. Phải cử người mang vào trong Nam để in rồi vận chuyển ra ngoài này. Hồi ấy có cậu Hà Phi Long (nguyên Tổng Biên tập Báo CATP HCM) giúp báo rất nhiều. Rồi nhiều anh em khác trong lực lượng nữa...

Về mặt chuyên môn hồi ấy, với tư cách là Tổng Biên tập, tôi là người duyệt bài. Còn sắp xếp thì giao cho bên dưới, chủ yếu Hữu Ước là người quyết định. Thế nhưng cũng có bài Tổng Biên tập không duyệt mà bên dưới vẫn “chui” cho in đi đấy. (Cười).

Tôi còn nhớ mãi cái bài của tác giả Lý Biên Cương, có tiêu đề là “Xe pháo mã cọc cạch”. Viết rất hay. Nhưng có chỗ lại mô tả quá tỉ mỉ một vài chi tiết không phù hợp. Thế là tôi không duyệt. Nhưng khi đi công tác phía Nam, giở báo ra lại thấy bài ấy in rồi. Tôi gọi ra mắng cho một trận thì anh em bên dưới thanh minh rằng bài này đã có tới 6 nhà văn đọc duyệt qua rồi nên cho in được. (Cười). Cho dù có là 6 nhà văn thì cũng không phải tiêu chí của Tổng Biên tập. Cố nhiên, bài đó cũng chẳng phải phản động gì, chỉ là không phù hợp...

Tôi làm Tổng Biên tập Văn hóa - Văn nghệ Công an khoảng 2 năm. Thời điểm thành lập, tổ chức bộ máy rất gọn nhẹ. Chỉ có tôi là Tổng Biên tập. Bên dưới có Hữu Ước, Nguyễn Như Phong và một vài người nữa. Chẳng có ban bệ gì cả. Giao việc cụ thể cho từng người cụ thể thế thôi. Về sau đề bạt Hữu Ước làm Phó Tổng Biên tập thì mới dần có ban bệ nọ kia. Nhưng cũng ít người lắm.

Ra được tờ ANTG là công lớn của Hữu Ước. Ban đầu cũng có nhiều người thắc mắc bởi hai cái măng-sét (manchette) đó hoàn toàn chẳng liên quan gì đến nhau. Nhưng báo chí là phải thế. Lấy cái này để nuôi cái kia. Nếu chỉ Văn hóa - Văn nghệ Công an thì lấy kinh phí đâu mà hoạt động.

Rồi còn tính thị trường của báo chí nữa. Miền Bắc đọc khác, miền Nam đọc khác. Thế nên phải có tờ ANTG để bán báo. Và khi ANTG ra được ít lâu thì nó trở thành hiện tượng của báo chí như mọi người đều biết.

Trung tướng, nhà văn Hữu Ước – nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND, nguyên Tổng Biên tập: “Đã ra sân là phải đá ngoại hạng”

Năm 1995, ngay từ khi Văn hóa - Văn nghệ Công an ra sạp, qua thăm dò bạn đọc, tôi được biết, mảng bài tư liệu về những nhân vật - sự kiện ghi dấu ấn trong lịch sử Việt Nam và thế giới được công chúng quan tâm. Nó giống như một mảnh đất mới chưa có người vỡ hoang. Ý tưởng cho ra đời một tờ chuyên đề với điểm nhấn là tư liệu nhân vật - sự kiện, đặc biệt trong lĩnh vực tình báo - an ninh thế giới và trong nước bắt nguồn từ ý tưởng đó.

Tên gọi ban đầu của ấn phẩm “Chuyên đề ANTG” cũng phải bám sát với nội dung chủ lực của ấn phẩm. Bởi vì bố trí một ấn phẩm báo chí như một trận đánh, phải khoa học, mới, lạ và hấp dẫn. Nó phải có những con bài chủ lực là xe tăng, đại bác.

Sau đó, để xây dựng hình hài cho tờ ANTG, tôi còn quan tâm đến một yếu tố nữa là hệ thống báo chí thời điểm này chỉ mới quan tâm đến các vấn đề thời sự dưới dạng thông tin báo chí một cách trực diện. Tức là, mới chỉ đi được bề nổi của sự kiện còn tảng băng chìm của nó thì chưa được chú ý khai thác. Bạn đọc vẫn khát thông tin sâu hơn, kỹ hơn các bản tin thời sự hằng ngày.

ANTG ra đời trong bối cảnh đã có rất nhiều tờ báo thuộc hàng “cây đa cây đề” sừng sững, nếu chỉ chạy theo thông tin thời sự tức là phần nổi của tảng băng thì một là không chạy kịp (vì là tuần báo), hai là tờ báo cũng sẽ chỉ như một phép cộng của những thông tin mà các báo hằng ngày đã đưa.

Mà tôi thì muốn, sự xuất hiện của ANTG phải thực sự khác biệt, phải là món ăn đặc sản mà bạn đọc yêu thích. Nó giống như cầu thủ đã ra sân là phải đá ngoại hạng.

Muốn thế, ANTG phải tìm ra được đường đi riêng. Con đường ấy chính là khai thác tảng băng chìm mà các báo thời kỳ đó hoặc là không quan tâm hoặc là không đủ sức khai phá.

Vì thế, khi cấu trúc tờ ANTG, tôi quyết định để 4 trang đầu tiên (trang 2-3-4-5) dày đặc toàn chữ, đăng những bài dài trên 2 nghìn chữ, vốn là điều mà các báo “kiêng kỵ” bởi sợ bạn đọc mệt. Nội dung của 4 trang đầu tiên hướng tới các vấn đề thời sự về an ninh trật tự, về đời sống xã hội được quan tâm nhưng viết sâu, kỹ dưới dạng phóng sự bằng bút pháp văn học. Tôi tin rằng bạn đọc sẽ không mệt nếu đó là những bài viết hay và độc đáo. Vì thế, tôi xác định, 4 trang đầu tiên phải là 4 trang dài nhất nhưng hay nhất số báo.

Mảng tư liệu là bài viết về những nhân vật, sự kiện được công chúng quan tâm, ghi dấu trong lịch sử Việt Nam và thế giới. Mảng bài này cũng phải viết bằng bút pháp văn học và tôi khuyến khích các bài viết dài kỳ.

Tương tự, mảng giải trí không đơn thuần chỉ là thông tin như các báo mà là cuộc đời, số phận của các ngôi sao, các nhà văn, các nghệ sỹ nói chung đã và đang có ảnh hưởng tới công chúng ở Việt Nam và thế giới.

Tôi xác định làm một số báo cũng như nấu một bữa cỗ. Người đầu bếp tài năng là người phải biết khéo léo sắp xếp sao cho có món chính, món phụ, có thịt, có rau, có gia vị chứ toàn thịt không, toàn món chính không thôi thì ăn rất mệt.

ANTG đã ra sạp với tất cả sự khác biệt ấy về nội dung.

Nhưng giống như một huấn luyện viên giỏi, tôi cần những cầu thủ giỏi để biến các ý tưởng khác biệt của tôi thành hiện thực. Và, tôi tự hào bởi ANTG ngay từ những số đầu tiên đã quy tụ được những cây bút xuất sắc thời bấy giờ. Họ là những nhà báo giỏi hoặc là những nhà văn nổi tiếng viết báo.

ANTG là tờ báo đầu tiên trong làng báo đạt đến con số phát hành gần 1 triệu bản mỗi kỳ. Và, tôi luôn tin rằng, chất lượng tờ báo chứ không phải là bạn đọc, sẽ là yếu tố quyết định số lượng bản in. Tôi tự hào vì tôi là tác giả của ANTG. Chắc những người bên cạnh tôi để làm ANTG cũng tự hào về điều này...

Thiếu tướng, TS Phạm Văn Miên – Tổng Biên tập: “VNCA và ANTG đã có những bước cải tiến cho phù hợp với xu thế báo chí hiện đại”

Khi tôi làm Tổng Biên tập, 3 ấn phẩm VNCA, ANTG Tuần và ANTG Cuối tháng - Giữa tháng (CT - GT) đã trải qua thời kỳ phát triển mạnh mẽ và có chỗ đứng quan trọng trong làng báo, được công chúng yêu mến, tin cậy. Là người kế nhiệm, việc giữ gìn và phát triển thương hiệu ANTG, với tôi, là áp lực. Tôi từng gặp khá nhiều khó khăn trong thời gian đầu giữ trọng trách Tổng Biên tập đối với các ấn phẩm này.

Thứ nhất, đó là vào thời điểm trước năm 2013, trên thị trường báo chí đã có những tờ báo có cách đi y chang ANTG. Những chuyên mục được coi là độc quyền và thế mạnh của ANTG như phóng sự, tư liệu thì một số tờ báo cũng đã đầu tư để có mảng bài này khá tốt do các cây bút giỏi thực hiện. Cuộc lấn sân của hệ thống báo mạng với rất nhiều tiện ích cũng là một yếu tố bất lợi cho ANTG vốn là tờ báo in, lại là báo tuần, báo tháng. Thứ hai, trước khi làm Tổng Biên tập, tôi đã có thời gian rất dài làm Phó Tổng biên tập nhưng lại không phụ trách nội dung của 3 ấn phẩm này.

Bên cạnh khó khăn, lại có những thuận lợi. Đó là, định hướng cho mỗi ấn phẩm, cách tổ chức, thiết kế, tổ chức bài vở cho mỗi ấn phẩm đã được những người đi trước hoạch định một cách khá rõ ràng. Tôi có bề dày hoạt động báo chí ở Tòa soạn lâu nên khá am hiểu cách đi của từng ấn phẩm. Thêm vào đó, đội ngũ phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên của các ấn phẩm này đều đã có kinh nghiệm làm việc và tâm huyết. Đội ngũ cộng tác viên cũng rất yêu quý tờ báo và tích cực hợp tác.

Có thuận lợi, có khó khăn nhưng khi tiếp quản 3 ấn phẩm từ những người tiền nhiệm, tôi xác định rằng, việc vừa phải giữ bản sắc tờ báo, vừa phải đổi mới, phát triển nó cho phù hợp với những bước đi mới của báo chí hiện đại trong kỷ nguyên kỹ thuật số là một nhiệm vụ khá nặng nề.

Ấn phẩm ANTG, đặc biệt là ANTG CT - GT đã có những bước cải tiến đáng kể ở các trang 8-9, 16-17. Khách mời của những cuộc “Trò chuyện cuối tháng” (trang 8-9 của ANTG CT - GT) giờ đây không chỉ là các văn nghệ sỹ với nội dung xoay quanh các vấn đề văn học, nghệ thuật mà mở rộng sang các chính trị gia, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu. Họ trò chuyện với ANTG CT - GT về các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội nổi cộm, đang được công chúng quan tâm. Một số chuyên mục khác cũng được thay đổi theo xu hướng gia tăng tính tương tác với bạn đọc.

Với ấn phẩm VNCA, từ tháng 10-2015, Ban Biên tập đã quyết định nâng kỳ phát hành - từ 1 tháng/2 kỳ thành tuần báo. Mục đích là nhằm cập nhật nhanh hơn, sâu hơn, kỹ hơn các vấn đề thời sự văn hóa, nghệ thuật trong nước và quốc tế. Hơn nữa, cũng là để “mở rộng đất đai” cho những sáng tác của các cây bút văn chương, đặc biệt là cây bút trong Lực lượng công an có cơ hội đăng tải nhiều hơn.

Một số chuyên mục cũng được thay đổi cách thể hiện. Đặc biệt là hai trang giữa, Ban Biên tập quyết định dành để đăng tải các ý kiến bàn luận về chủ đề thời sự văn học, nghệ thuật nổi bật trong tuần. Khi các sự kiện được đem ra bàn luận, soi chiếu dưới nhiều chiều, công chúng sẽ cảm thấy thú vị hơn bởi họ được tiếp cận cùng lúc với nhiều góc nhìn về cùng một sự kiện. Điều này là phù hợp với xu thế của truyền thông hiện đại. Bởi vậy, qua các ý kiến thu nhận được từ bạn đọc, chúng tôi thấy việc cải tiến này là đúng hướng.

Sau gần 1 năm trở thành tuần báo, mừng là số lượng của ấn phẩm VNCA vẫn ổn định và vẫn nằm trong top đầu của nhóm các tờ báo, tạp chí văn chương trên cả nước.

20 năm, VNCA và ANTG đã qua một chặng đường dài, đã ghi dấu ấn tốt đẹp trong lòng bạn đọc, đã là thương hiệu uy tín trong làng báo. Đánh dấu chặng đường đã qua, Ban Biên tập chúng tôi cùng đội ngũ đang thực hiện các ấn phẩm này đã, đang và sẽ cố gắng để tờ báo tiếp tục phát triển.

Đặng Huyền – Việt Ba (ghi)
.
.