Và anh đã hóa thành ngọn lửa…

Thứ Tư, 13/09/2017, 09:14
Trong vụ chữa cháy đêm 7-9-2017, tại căn nhà số 9, đường 10A, khu phố 3, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh, một sỹ quan chữa cháy chuyên nghiệp đã vĩnh viễn ra đi để lại nhiều thương tiếc cho người thân, đồng đội. Nghe tin dữ, nhiều đồng nghiệp ở khắp mọi miền đất nước, vượt hàng ngàn cây số đến tiễn biệt anh về cõi vĩnh hằng. Nhiều giọt nước mắt buồn đã thấm đẫm tang lễ...

Giây phút sinh tử

Vào lúc 23 giờ 15 phút ngày 7-9-2017, Trung tâm Thông tin 114 Cảnh sát PC&CC TP Hồ Chí Minh nhận được tin một nhà dân tại địa chỉ số 9, đường 10A, khu phố 3, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân phát cháy. Chỉ 6 phút sau, Đại tá Huỳnh Văn Quyền - Trưởng phòng Cảnh sát PC&CC quận Bình Tân cùng 68 cán bộ chiến sỹ và 11 xe chữa cháy chuyên dụng đã có mặt tại hỏa trường.

Đó là một ngôi nhà 2 tầng, diện tích toàn bộ khoảng 500 m2, chứa 4-5 tấn quần áo đã qua sử dụng. Số quần áo này đóng thành kiện nên sinh ra nhiều khói, khí độc ảnh hưởng công tác triển khai chữa cháy. Tầng trệt có một nửa sân thượng lộ thiên và một nửa được xây 1 tầng lầu. Vách tầng lầu, phía sân thượng lộ thiên có trổ 2 cửa sổ.

Đại tá Đoàn Văn Chón - Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PC&CC TP Hồ Chí Minh - thừa ủy quyền của Lãnh đạo Bộ Công an trao quyết định thăng hàm Đại úy trước hạn cho đồng chí Phạm Phi Long tại lễ tang.

Khi đó bên trong căn nhà đã phát cháy dữ dội, khói lửa bùng ra ngùn ngụt nhưng cửa bị khóa kín. Không ai trông thấy chủ nhân căn nhà ở đâu.

Đại tá Huỳnh Văn Quyền cho triển khai đội hình chữa cháy gồm 3 mũi tấn công trực tiếp. Vừa tấn công vừa tìm nạn nhân trong đám cháy. Phương án tác chiến đưa ra như sau: 1 mũi phá cửa chính, 2 mũi bắc thang lên sân thượng tầng 1 tiếp cận cửa sổ tầng lầu để phun nước. Cũng cần nói thêm rằng, trước khi quyết định cho chiến sĩ lên tầng thượng, công tác trinh sát đã được xác nhận căn nhà có kết cấu bê tông bền vững.

Người chỉ huy dẫn đội hình tấn công nước vào cửa sổ tầng lầu là Đại úy Võ Thành Nam - Đội phó Đội chữa cháy chuyên nghiệp Khu vực II (thuộc Phòng Cảnh sát PC&CC quận Bình Tân).

Thượng úy Phạm Phi Long - Tiểu đội phó (thuộc Đội chữa cháy chuyên nghiệp Khu vực II) là người ở vị trí 1 cầm mũi lăng (tạm hiểu là vòi phun nước chữa cháy), cùng 2 hạ sỹ quan thuộc quyền theo thang số 3 tiến lên sân thượng để tiếp cận cửa sổ tầng lầu. Chỉ sau vài phút phun nước, ngọn lửa đã bị khống chế tạm thời, các chiến sĩ chữa cháy chuyển sang giai đoạn triệt tiêu những mầm lửa âm ỉ.

Theo cơ cấu tổ chức chữa cháy thì mỗi tiểu đội chữa cháy có 6 người đảm nhiệm 6 vị trí trên đường vòi. Những chiến sĩ mới, ít có kinh nghiệm nhất sẽ ở vị trí số 6. Những người có kinh nghiệm hơn sẽ đảm nhiệm những vị trí mang số thứ tự nhỏ dần. Vị trí số 1 và số 2 (là người cầm mũi lăng phun chất chữa cháy trực tiếp vào lửa) luôn là người có kinh nghiệm “trận mạc” nhất, thường là tiểu đội trưởng hoặc tiểu đội phó. Trong kíp chữa cháy này, Thượng úy Phạm Phi Long là sỹ quan trực chiến nên cầm lăng ở vị trí số 1.

Đồng chí Phạm Phi Long.

Đúng lúc Thượng úy Phạm Phi Long cùng 2 hạ sĩ quan là Hạ sỹ Phan Tấn Quốc và Hạ sỹ Bùi Văn Dũng ôm lăng tiếp cận cửa sổ thì bất ngờ, toàn bộ sân thượng và tầng lầu sụp xuống. Đại úy Võ Thành Nam may mắn chụp được đầu thang, treo người lơ lửng trên đầu vách tường tầng trệt. Ngay sau đó, Đại úy Võ Thành Nam vừa phát đèn tín hiệu cấp cứu, vừa tự thoát được ra ngoài.

Riêng Thượng úy Phạm Phi Long, Hạ sỹ Phan Tấn Quốc và Hạ sỹ Bùi Văn Dũng rơi xuống đất và bị bê tông, gạch nóng vùi lấp.

Trong tình huống nguy cấp đó, toàn bộ lực lượng chữa cháy có mặt đều tập trung mọi nỗ lực cứu hộ 3 đồng đội. Hạ sỹ Bùi Văn Dũng được cứu đầu tiên.

Hạ sỹ Phan Tấn Quốc bị thanh đà bê tông đè lên người, lực lượng cứu hộ phải dùng thiết bị chuyên dụng cưa phá mới đưa được ra ngoài. Cả hai được cấp cứu ở Bệnh viện Chợ Rẫy. Hạ sĩ Phan Tấn Quốc bị chấn thương cột sống cổ và  vùng thắt lưng. Hạ sĩ Bùi Văn Dũng thương gối phần mềm cẳng chân bên phải, tổn thương ngoài da nhiều nơi.

Hình ảnh Đại úy Phạm Phi Long và đồng đội (trong dấu tròn) đang thi hành nhiệm vụ trước thời điểm bị nạn.

Thượng úy Phạm Phi Long bị bê tông vùi lấp, phải mất 20 phút sau mới đưa được ra ngoài.

Lúc 0 giờ 10 phút ngày 8-9-2017, đám cháy được dập tắt hoàn toàn. Đó cũng là giây phút Thượng úy Phạm Phi Long trút hơi thở cuối cùng.

Dang dở những ước nguyện

Theo ước nguyện của gia đình, Cảnh sát PC&CC đã tổ chức tang lễ cho Thượng úy Phạm Phi Long tại nhà riêng ở xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh.

Nhận được tin buồn, lãnh đạo Cục Cảnh sát PC&CC, đại diện các cơ quan trực thuộc Bộ Công an, Cảnh sát PC&CC các tỉnh thành, UBND các cấp của TP Hồ Chí Minh và hàng trăm đồng đội thuộc lực lượng Cảnh sát PC&CC trên khắp đất nước đã đến tận nơi chào vĩnh biệt. Nhiều vị tướng lĩnh Công an cũng đến mặc niệm trước linh cữu Thượng úy Phạm Phi Long, đồng thời chia buồn cũng gia đình.

Ngày 8-9-2017 Đảng ủy - Ban Giám đốc Cảnh sát PC&CC TP Hồ Chí Minh đã báo cáo, xin ý kiến lãnh đạo Bộ Công an và được đồng ý xét thăng cấp bậc hàm Đại úy trước niên hạn đối với Thượng úy Phạm Phi Long, kể từ ngày 1-9-2017.

Nhiều đơn vị đã đến viếng tang lễ Đại úy Phạm Phi Long và hỗ trợ các gia đình chiến sĩ bị nạn.

Chiều tối 8-9, thay mặt Báo CAND, Thượng tá Đặng Ngọc Như - Phó trưởng Cơ quan đại diện Báo CAND tại TP Hồ Chí Minh đã đến viếng, chia buồn, động viên gia đình Đại úy Phạm Phi Long và đến Bệnh viện Chợ Rẫy thăm hỏi, động viên 2 chiến sĩ bị thương là Hạ sĩ Phạm Tấn Quốc và Bùi Văn Dũng.

Thượng tá Như trao số tiền 5 triệu đồng đến gia đình Đại úy Long, chia sẻ, mong gia đình đồng chí vượt qua nỗi đau; trao cho 2 hạ sĩ Quốc và Dũng mỗi chiến sĩ 3 triệu đồng. Đây là số tiền được trích từ Quỹ nghĩa tình đồng đội của Báo CAND do Công ty Motorola Solutions tài trợ hằng năm để Báo sử dụng vào việc thăm hỏi, tặng quà cán bộ, chiến sĩ Công an bị thương khi làm nhiệm vụ.

Sáng 10-9-2017, Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hà - Phó Giáo sư, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng trường Đại học PC&CC cùng một số giáo viên từ Hà Nội vào dự lễ tang, chia buồn cùng gia đình và chào tiễn biệt Đại úy Phạm Phi Long.

Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hà rưng rưng cho biết, Đại úy Phạm Phi Long vừa học hoàn tất chương trình Đại học PC&CC, tháng sau sẽ thi tốt nghiệp. Ông chia sẻ: “Khí chất vì nước quên thân, vì dân phục vụ của người chiến sỹ PC&CC được đồng chí Phạm Phi Long thể hiện bằng sự hy sinh anh dũng trong khi thực hiện nhiệm vụ. Sự hy sinh của đồng chí Long là tấm gương anh dũng, tự hào cho các thế hệ sinh viên trường Đại học PC&CC. Tôi sẽ xin ý kiến cấp trên để xét đặc cách cho đồng chí được tốt nghiệp đại học”.

Có mặt tại buổi tang lễ vào ngày 10-9-2017, Đại tá Dương Văn Phóng - Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PC&CC TP Hồ Chí Minh cho biết, Đại úy Phạm Phi Long đã tốt nghiệp cử nhân luật nhưng vẫn tiếp tục học Đại học PC&CC hệ tại chức để hoàn thiện chuyên môn.

Với 11 năm kinh nghiệm chiến đấu với lửa, Đại úy Phạm Phi Long luôn được đánh giá là sỹ quan triển vọng của ngành, luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Trong nhiều năm liền, anh nhận được rất nhiều bằng khen, giấy khen của ngành. Hiện, Ban Giám đốc Sở Cảnh sát PC&CC TP Hồ Chí Minh đang làm thủ tục đề xuất cơ quan thẩm quyền công nhận liệt sỹ và truy tặng Huân chương Dũng cảm cho Đại úy Phạm Phi Long.

Đại úy Phạm Phi Long ra đi, để lại người vợ trẻ mang thai 8 tháng và đứa con 2 tuổi.

Kể từ năm 1975 đến nay, lực lượng Cảnh sát PC&CC TP Hồ Chí Minh đã có 6 cán bộ chiến sỹ hy sinh và 44 cán bộ chiến sỹ bị thương khi làm nhiệm vụ.

Sáng 11-9 những cặp mắt đỏ hoe trào tuôn lệ trong giây phút đưa người chiến sĩ Cảnh sát PC&CC quả cảm hy sinh khi tham gia dập lửa, Đại úy Phạm Phi Long. Hàng trăm cán bộ chiến sĩ Cảnh sát PC&CC đứng chật khoảng sân căn nhà cấp 4 ở ấp 6, Vĩnh Lộc A, Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh ai cũng muốn thắp cho Đại úy Long nén nhang tiễn biệt.

Đứa con trai 2 tuổi trên tay mẹ giơ tay chỉ về hướng quan tài của Đại úy Long kêu khóc. Dường như bé linh cảm người cha quả cảm của mình sẽ không còn ở cạnh bên, nên kêu khóc gọi tên cha “Đừng, đừng đưa ba đi!”. Bà Mến, mẹ của Đại úy Long trong phút tiễn biệt đứa con trai yêu dấu đã không thể đứng vững mà phải có người dìu.

Bên đường, hàng trăm người dân đứng nghẹn ngào tiễn người con quả cảm về với đất mẹ lần cuối. Không ai cầm được nước mắt khi nhìn hình ảnh chị Phượng, vợ Đại úy Long, đã sắp đến ngày sinh nở, bồng con trai, đau đớn vật vã trong đám tang.

Những đám cháy kinh hoàng đang nuốt đi bao nhiêu tài sản, đó là công sức gầy dựng của người dân, của doanh nghiệp trong thời gian dài. Những tiếng kêu cứu vô vọng trong đám cháy mà mỗi ai chứng kiến chỉ mong sao lực lượng chữa cháy đến thật nhanh để cứu. Và đáp lại niềm tin yêu của người dân, những chiến sĩ PC&CC luôn có mặt kịp thời.

Tiễn biệt Đại úy Phạm Phi Long về với đất mẹ.

Tay cầm chắc mũi lăng, gương mặt đen đúa vì bị ám khói, toàn thân đẫm mồ hôi, đối mặt với những nguy hiểm tại hiện trường. Giữa cái sống và cái chết cách nhau trong gang tấc nhưng khi đối mặt với đám cháy, nơi người khác tìm cách thoát ra, lực lượng PC&CC xông vào, lúc đó mới thấy tinh thần chiến đấu của cán bộ chiến sĩ PC&CC anh dũng đến dường nào.

Nhiều vụ cháy mà chúng tôi chứng kiến, những chiến sĩ bị các vết thương cắt đầy mặt, đầy tay chân nhưng sau khi được sơ cứu lại xông vào dập lửa.

Chữa cháy cũng là một nghề nhưng đó là nghề nguy hiểm. Nhìn hiện trường vụ cháy ngổn ngang, nhìn những sàn bê tông nứt nẻ, lòi khung sắt, chúng tôi chợt rùng mình. Bởi sức nóng của ngọn lửa có thể làm sàn bê tông nứt, kết cấu sắt thép bị gãy vụn, và bên dưới, những chiến sĩ chữa cháy đang dập lửa phải đối mặt với nguy cơ bị vùi lấp.

Như vụ cháy mà Đại úy Phạm Phi Long hy sinh, sàn bê tông, cốt B40 bị lửa nung chảy đã đổ sập khiến anh phải mãi mãi rời xa gia đình, bỏ lại người vợ trẻ, đứa con thơ và đứa con gái chưa chào đời, sẽ mãi mãi không bao giờ được thấy mặt cha. Còn nhiều tình huống nguy hiểm khác mà các chiến sỹ chữa cháy phải đối mặt, như sập nhà, nổ gas, điện giật và có cả việc thiếu oxy để thở.

Lao vào lửa, gạt đi nỗi sợ hãi, luôn tâm niệm đặt sự an toàn về tính mạng của người dân lên hàng đầu, đó là chân dung của những người lính PC&CC và cứu nạn cứu hộ. Họ có thể hy sinh bản thân, chịu đau đớn bởi những vết thương trong quá trình chữa lửa. Nhưng khi thấy người dân được yên bình, tài sản của người dân không bị “bà hỏa” cướp đi, nhận được sự tin yêu của người dân, họ đã vượt qua được nổi đau của bản thân.

Thắp nén nhang tiễn người Đại úy PC&CC quả cảm, chúng tôi nghiêng mình kính phục sự hy sinh trong công cuộc bảo vệ tài sản, tính mạng người dân của các anh.

M.Đ.

Hoàng Kiệt
.
.