Văn miếu Nam Bộ - Dấu xưa còn đó

Thứ Sáu, 12/02/2016, 11:15
Trong các triều đại trước, việc xây dựng Văn Thánh miếu hay Văn miếu là một định chế nhằm xác lập vị thế địa lý-văn Hóa-chính trị, tiếp nối truyền thống trọng sự học, xem "hiền tài là nguyên khí của quốc gia"…


Ra đời sau Văn miếu Quốc tử giám Thăng Long hơn 7 thế kỷ, Văn miếu Trấn Biên (Biên Hòa) là văn miếu được xây dựng sớm nhất ở xứ Đàng Trong: khoảng năm 1715, tiếp đó các văn miếu Gia Định (Văn Thánh) năm 1824; Văn miếu Vĩnh Long năm 1864. Như vậy, ở Nam kỳ lục tỉnh triều Nguyễn đã xây dựng được 3 Văn miếu, đến nay văn miếu Gia Định chỉ còn tấm bia trong chùa Văn Thánh nói rằng chùa được dựng trên đất của Văn Thánh miếu mà thôi. Dấu tích còn nguyên vẹn nhất là Văn miếu Vĩnh Long, được tôn tạo hoành tráng là Văn miếu Trấn Biên.

Văn miếu Trấn Biên tái hiện dáng xưa

Hơn 300 năm trước, Nam Bộ còn là vùng đất hoang vu. Vào đầu năm 1679, sau công cuộc "Phản Thanh phục Minh" bất thành, các võ tướng nhà Minh gồm tổng binh ba châu Cao - Lôi - Liêm là Trần Thượng Xuyên cùng tổng binh cánh quân Long Môn là Dương Ngạn Địch đem hơn 3.000 quân và 50 chiến thuyền sang các cửa biển Thuận An và Đà Nẵng, xin ở làm dân nước Việt.

Văn miếu Trấn Biên được tôn tạo.

Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần cho họ vào lập nghiệp ở đất Đông Phố - là tên gọi chỉ chung vùng Đồng Nai - Biên Hòa - Gia Định xưa. Binh thuyền của Dương Ngạn Địch vào cửa Soài Rạp đến đóng ở Mỹ Tho, sau lập ra Mỹ Tho đại phố; binh thuyền của Trần Thượng Xuyên thì vào cửa Cần Giờ, đến đóng ở Cù lao Phố, Biên Hòa. Cù lao Phố ngày càng phồn thịnh và trở thành Nông Nại đại phố - trung tâm thương mại và giao dịch quốc tế của cả vùng Nam Bộ ngày nay…

Sách "Đại Nam nhất thống chí" của Quốc sử quán triều Nguyễn miêu tả: "Nông Nại đại phố lúc đầu do Trần Thượng Xuyên khai phá. Trần Thượng Xuyên tức Trần Thắng Tài chiêu tập được người buôn nước Tàu, xây dựng đường phố, lầu quá đôi tầng rực rỡ trên bờ sông, liền lạc năm dặm và phân hoạch ra ba nhai lộ: nhai lớn giữa phố lót đá trắng, nhai ngang lót đá ong, nhai nhỏ lót đá xanh, đường rộng bằng phẳng, người buôn tụ tập đông đúc, tàu biển, ghe sông đến đậu chen lấn nhau, còn những nhà buôn to ở đây thì nhiều hơn hết, lập thành một đại đô hội...".

Năm 1698, Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vâng lệnh Chúa Nguyễn vào Nam xác lập hành chính của vùng đất mới. Theo “Gia Định thành thông chí”, ông "lấy đất Nông Nại đặt làm Gia Định phủ, lập xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên, lấy đất Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn.

Mỗi dinh đặt chức Lưu thủ, Cai bạ và Ký lục để quản trị. Quân binh thì cơ, đội, thuyền, thủy bộ tinh binh và thuộc binh để hộ vệ. Đất đai mở rộng ngàn dặm, cho chiêu mộ lưu dân từ châu Bố Chánh (nay là Quảng Bình) trở vô, đến ở khắp nơi, đặt ra phường, ấp, xã, thôn, chia cắt địa phận, mọi người phân chiếm ruộng đất, chuẩn định thuế đinh, điền và lập bộ tịch đinh điền. Từ đó con cháu người Hoa ở Trấn Biên thì lập thành xã Thanh Hà, ở Phiên Trấn thì lập thành xã Minh Hương, rồi ghép vào sổ hộ tịch".

Phối thờ các danh sĩ Nam Kỳ.

Sau khi nền kinh tế-quân sự đã ổn định, như một tất yếu, văn hóa giáo dục phải được xem trọng. Năm 1715, Chúa Nguyễn Phúc Chu sai quan Trấn thủ Trấn Biên Nguyễn Phan Long và Ký lục Phạm Khánh Đức chọn thôn Tân Lại, tổng Phước Vĩnh (nay là phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa) để xây dựng Văn miếu Trấn Biên có vai trò như một trung tâm văn hóa giáo dục ở vùng đất Đàng Trong.

Theo thuật phong thủy, nơi xây dựng văn miếu phải là chỗ đất tốt. Sách “Đại Nam nhất thống chí” ghi rằng: "Phía nam trông ra sông Phước Giang, phía bắc dựa vào núi Long Sơn, là một cảnh đẹp nhất ở Trấn Biên. Nơi đây núi sông thanh tú, cỏ cây tốt tươi... Bên trong rường cột chạm trổ tinh xảo... Trong thành trăm hoa tươi tốt, có những cây tòng, cam quýt, bưởi, hoa sứ, mít, xoài, chuối và quả hồng xiêm đầy rẫy, sum sê, quả sai lại lớn".

Đến năm 1794, quan Lễ bộ Nguyễn Hồng Đô khâm phụng trùng tu văn miếu "giữa làm Đại Thành điện và Đại Thành môn, phía Đông làm Thần miếu, phía tây làm Dục Thánh từ, trước xây tường ngang, phía tả có cửa Kim Thanh, phía hữu có cửa Ngọc Chấn, chính giữa sân trước dựng Khuê Văn các treo trống chuông trên đấy, phía tả có Sùng Văn đường, phía hữu có Duy Lễ đường. Chu vi bốn mặt ngoài xây thành vuông, mặt tiền làm cửa Văn miếu, phía tả phía hữu có cửa Nghi môn, rường cột chạm trổ, quy chế tinh xảo, đồ thờ có những thần bái, khám vàng, ve chén và đồ phủ quỹ biên đậu đều chỉnh nhã tinh khiết" (Trịnh Hoài Đức - Gia Định thành thông chí).

Hằng năm, vào ngày đinh mùa xuân và mùa thu, đích thân chúa Nguyễn đến Văn miếu Trấn Biên để hành lễ. Sau năm 1802, vua Nguyễn ủy nhiệm cho quan Tổng trấn thành Gia Định, Tổng trấn Biên Hòa và quan Đốc học hàng năm đến đây hành lễ thay nhà vua. Lệ đặt mỗi kỳ là 50 lễ sinh và 50 miếu phu. Bên cạnh Văn miếu là Tỉnh học (trường học tỉnh Biên Hòa). Gắn liền với Văn miếu Trấn Biên là một nền giáo dục phát triển khá sớm ở Biên Hòa - Đồng Nai, sản sinh ra những tên tuổi làm rạng rỡ vùng đất phương Nam như: Võ Trường Toản, Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tịnh, Lê Quang Định, Nguyễn Đình Chiểu...

Tiếc thay, sau 146 năm tồn tại, Văn miếu Trấn Biên đã bị thực dân Pháp tàn phá hoàn toàn khi đánh chiếm Biên Hòa vào năm 1861.

137 năm sau, ngày 9-12-1998, lễ khởi công trùng kiến Văn miếu Trấn Biên được thực hiện và khánh thành vào ngày 14-2-2002 nhân kỷ niệm 300 năm Biên Hòa - Đồng Nai. Văn miếu được xây dựng lại trên nền đất cũ rộng 20.000m² tại phường Bửu Long. Những vòm mái cong vút, những nhà thờ, nhà bia uy nghi tráng lệ nổi bật giữa một vùng non nước hữu tình, cây cối tươi tốt.

Bên này là núi Bửu Long và Long Ẩn sừng sững, bên kia là dòng sông Đồng Nai hùng vĩ tuôn chảy. Từ cửa vào Văn miếu lần lượt là nhà bia, Khuê Văn Các, hồ Tịnh Quang, cổng tam quan, nhà bia thứ hai và cuối cùng là Nhà thờ chính. Các bậc tam cấp được ốp đá da, mái vòm lợp ngói âm dương mũi hài màu xanh ngọc làm bằng gốm tráng men, hai văn bia thờ làm bằng đá xanh lấy từ núi Bửu Long, nền nhà thờ chính lát gạch tàu, hoa văn trang trí trên nóc các nhà nhờ được chạm trổ tinh vi, diềm mái. Nhà thờ chính được thiết kế xây dựng theo kiến trúc cổ, kiểu nhà ba gian, hai chái. Bàn thờ Bác Hồ ở gian trung tâm, trên tường khắc nổi biểu tượng trống đồng, biểu trưng cho nền văn hóa Lạc Việt và Quốc tổ Hùng Vương. Gian nhà thờ còn có bia truyền thống, tủ chứa 18kg đất, 18 lít nước mang về từ đền Hùng.

Ngoài ra còn có bàn thờ đức Khổng Tử, khánh thờ Quốc tổ và Lịch đại đế vương. Bên trái thờ Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Lê Quý Đôn; bên phải thờ Võ Trường Toản, Đặng Đức Thuật, Gia Định tam kiệt (Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tịnh, Lê Quang Định). Phía trước hai bên nhà thờ chính có hai miếu nhỏ. Miếu bên trái thờ Tiên sư, miếu bên phải thờ Tiền hiền - Hậu hiền. Nhà bia truyền thống do Giáo sư, Anh hùng lao động Vũ Khiêu viết lời, nêu lên truyền thống, văn hóa, giáo dục của Trấn Biên xưa và nay với 8 đoạn: Từ đi mở cõi, Dựng xây Văn miếu, Trước nạn thực dân, Mở đường cứu nước, Giặc lại hung tàn, Ta càng trí dũng, Văn hiến vươn cao, Tương lai tươi sáng.

Văn miếu Vĩnh Long - nơi hội tụ của sĩ phu "tỵ địa"

Nhà thơ Nhiêu Tâm (Đỗ Minh Giám) khi đến viếng Văn Thánh miếu đã viết: Bấy lâu đàn hạnh lạnh mùi hương/ Cám cảnh tổng làng ráng sửa đương/ Trên Thánh chín tầng an điện bệ/ Dưới hiền bảy chục kính phong sương/ Xưa còn gió ngõ lay cờ đế/ Nay hết nhân rường bủa lưới vương/ Sáu tỉnh xô bồ cơn gió bụi/ Vĩnh Long phong tục giữ như thường.

Văn miếu Vĩnh Long.

Năm Tự Đức thứ 14 (1862), Pháp chiếm 3 tỉnh miền Đông Nam Bộ, tỉnh Vĩnh Long cũng lọt vào tay Pháp nhưng theo Hòa ước Nhâm Tuất (1862) thì Pháp phải trả tỉnh này lại cho triều đình Huế. Do đó sĩ phu các tỉnh Biên Hòa, Gia Định, Định Tường đã rầm rộ kéo về "tỵ địa" ở Vĩnh Long. Lúc này quan Đốc học Vĩnh Long là Nguyễn Thông đã chọn nơi rộng rãi gần tỉnh thành Vĩnh Long để tập hợp sĩ phu, tổ chức ôn luyện kinh sử chờ ngày thi. Dù trong cảnh dầu sôi lửa bỏng, nhưng giới sĩ phu lúc bấy giờ đã gấp rút xây dựng một Văn Thánh miếu Vĩnh Long cặp theo sông tại làng Long Hồ, tổng Long An, huyện Vĩnh Bình (nay thuộc phường 4, TP Vĩnh Long). Tuy danh nghĩa là đề cao Nho giáo, nhưng thực chất là xây dựng một nơi hoạt động văn hóa đề cao các bậc tiền hiền và giáo dục lòng yêu nước.

Công trình khởi công từ mùa đông năm Giáp Tý 1864 và hoàn thành vào mùa thu năm Bính Dần 1866. Sau đó, giới sĩ phu quan lại Vĩnh Long đã thành lập Hội Văn Thánh miếu để trông nom việc cúng tế, có ruộng hương hỏa và xin cấp miếu phu quét dọn hằâng ngày. Nhưng chỉ được mấy tháng thì quân Pháp lại đem chiến thuyền uy hiếp, chiếm thành Vĩnh Long lần thứ hai. Khâm sai Kinh lược sứ Phan Thanh Giản tử tiết, Đốc học Nguyễn Thông tỵ địa ra Bình Thuận.

Sau khi chiếm Vĩnh Long, thực dân Pháp lấy cớ thiếu gỗ xây dinh Tham biện (tỉnh trưởng) định phá Văn Thánh miếu. Lúc đó ông Trương Ngọc Lang (tức bá hộ Nọn), người Minh Hương, được đồng bào cử ra thương thuyết với quân Pháp để giữ lại công trình văn hóa này. Ông Lang hẳn phải chi cho bọn chúng khá nhiều tiền.

Sau khi Phan Thanh Giản tuẫn tiết, các con của ông là Phan Tôn, Phan Liêm đều tham gia chống Pháp. Năm 1869, người dân trong vùng đã quyên góp xây dựng một "Tân Đình" ở phía tả (trái) Văn miếu để thờ cụ Phan. Sau khi hoàn thành vào năm 1872, Trương Ngọc Lang đặt tên đình là Tụy Văn Lâu để nhóm họp giới văn nhân tài tử. Khoảng năm 1920, Tụy Văn Lâu được đổi tên thành Văn Xương Các (gác Văn Xương). Văn Xương Các làm theo kiểu trùng thiềm điệp ốc, tầng trên là nơi chứa sách và thờ Văn Xương Đế Quân - vị tinh quân chuyên quản về văn chương, thi cử).

Ở tầng dưới, gian giữa là nơi văn nhân ngồi đàm đạo, phía sau là khám thờ Gia Định Xử sĩ Sùng Đức tiên sinh Võ Trường Toản và Khâm sai Kinh Lược sứ Phan Thanh Giản. Khám thờ chạm trổ tinh vi, đặt hai bài vị, có đôi liễn ca tụng hai bậc kẻ sĩ đứng đầu Nam Kỳ thời bây giờ: Hoàng phong Xử sĩ thanh cao lão/ Tự hiệu Thư sinh tiết liệt thần (Tự gọi "Thư sinh" người tiết liệt, Vua phong "Xử sĩ" bậc thanh cao). Võ Trường Toản là một ẩn sĩ thanh cao, dạy học không chịu ra làm quan, được Vua Gia Long phong là "Sùng Đức xử sĩ". Còn cụ Phan Thanh Giản là bề tôi tiết liệt, khi sắp tuẫn tiết, dặn ghi trong tấm triện là "lão thư sinh" mà thôi.

Đến năm 1933, Phan Thanh Giản được nhà Nguyễn phong thần nên khám thờ này có thêm một hòm sắc và bức vẽ chân dung cụ Phan rất sống động do họa sĩ Philippe Trần thực hiện.

Phía bên trái khám thờ chính là khám thờ các quan lại có công khởi xướng xây dựng Văn miếu như Tổng đốc Trương Văn Uyển, Bố chánh Nguyễn Văn Nhã, Án sát Võ Doãn Thanh, Bố chánh Quảng Ngãi Nguyễn Thông (nguyên Đốc học Vĩnh Long)…

Cổng tam quan xây theo lối cổ lâu có 3 tầng mái rất đặc biệt và thanh thoát. Nơi cổng chính, trên cao có ba chữ Văn Thánh Miếu, hai bên đắp đôi câu đối: Khổng môn truyền đạo thiên ban thượng/ Thánh miếu sùng văn vạn đại tôn (Đạo truyền nơi cửa Khổng là đứng đầu mọi thứ, Trọng văn chốn Thánh miếu được muôn đời tôn sùng).

Sau cổng là Thần đạo đi thẳng vào điện Đại Thành. Hai bên là hai hàng cây sao cao vút. Giữa thần đạo, trước chính điện là ba tấm bia đá. Trong đó đặc biệt nhất là tấm bia do Phan Thanh Giản soạn trước khi tử tiết, do Trương Ngọc Lang lập vào năm 1872.

Theo văn bia do cụ Phan soạn, thì: "Năm Kỷ Mùi, Tự Đức thứ thứ 12 (1859), Gia Định, Biên Hòa, Định Tường nối nhau thất thủ, sĩ phu ba tỉnh tỵ địa qua bản tỉnh (tức Vĩnh Long) và các hạt An Giang, Hà Tiên. Lúc bấy giờ binh mã bận rộn, sĩ tử mang bút tòng quân, việc học bỏ bê. Năm Tự Đức thứ 15 (1862), Đốc học Nguyễn Thông họp các thân hào nhân sĩ bàn việc ấy, chọn đất ở địa phận thôn Long Hồ, cách tỉnh thành hơn 2 dặm về hướng đông nam, phía trước có sông dài, phía sau là gò cao, hai bên vườn tược... Tháng 11 năm Tự Đức thứ 17 (1864) khởi công, tháng 9 năm nay hoàn thành (năm 1866)…".

Tấm bia thứ hai và ba do Nguyễn Liên Phong viết vào những năm đầu của thế kỷ XX, một tấm kỷ niệm ông Tống Hữu Định và giới sĩ phu trùng tu tái thiết Văn miếu năm 1903, tấm kia ca ngợi lòng hảo tâm của bà Trương Thị Loan (con gái ông Trương Ngọc Lang) đã hiến đất làm hoa lợi hương hỏa cho Văn miếu.

Trước kia trong khuôn viên có hai ao trồng sen gọi là hồ Nguyệt Anh và Nhật Tinh, nay đã bị lấp. Kề bên Văn Xương Các vẫn còn hai khẩu súng thần công đại bác, tương truyền là súng đã dùng để bảo vệ thành Vĩnh Long từ năm 1860.

Khu vực chính gồm Đại Thành điện và hai ngôi miếu ở trước sân đấu mặt vào nhau gọi là Tả vu và Hữu vu. Khu vực này có tường hoa bao bọc, chỉ có thể ra vào bằng cửa Kim Thanh và Ngọc Chấn. Chánh điện của Đại Thành điện là khánh thờ bài vị "Đại Thành Chí Thánh Tiên Sư Khổng Phu Tử" cùng bài vị của 4 đại đệ tử gọi là "Tứ Phối". Hai bên chánh điện tả ban và hữu ban thờ "Thập nhị hiền", còn hai bên nhà Tả vu, Hữu vu thờ "Thất thập nhị hiền". Đồ tự khi bằng gỗ, sành, sứ, đồng, thau đều có chạm trổ tinh tế, sạch sẽ. Văn Thánh miếu Vĩnh Long được trùng tu, tôn tạo vào các năm 1872, 1903, 1914, 1933, 1994.

Đời Vua Duy Tân, quan, Thượng thư bộ Học là Cao Xuân Dục có đến viếng Văn Thánh miếu và đã đề đôi câu liễn sâu sắc mà Phạm Quỳnh hết sức khen ngợi trong tạp chí Nam Phong (hiện còn trong Văn Xương Các):

Xuân Thu hà đẳng càn khôn, đạo tại ngũ kinh song nhật nguyệt/ Thù Tứ biệt thành vũ trụ, đồ qua lục tỉnh nhất cung tường (Đời Xuân Thu trời đất bậc nào, đạo ở năm kinh đôi nhật nguyệt; Sông Thù, Tứ cõi bờ riêng đó, đường qua sáu tỉnh một cung tường).

Văn Thánh miếu Vĩnh Long được Bộ Văn hóa công nhận Di tích Văn hóa cấp Quốc gia ngày 25-3-1991.

Hàn Phong
.
.