Ván bài đã ngửa để “Thu hát cho người”

Thứ Tư, 08/01/2020, 19:26
Giới nghệ sĩ Việt không giấu được bàng hoàng khi nghe tin Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Nguyễn Chánh Tín đột ngột qua đời tại nhà riêng, thọ 68 tuổi.

Theo chia sẻ từ vợ ông, ca sĩ Bích Trâm, hai vợ chồng vẫn trò chuyện với nhau bình thường vào đêm trước. Tuy nhiên, khi bà Bích Trâm gọi chồng dậy ăn sáng, ông đã lạnh người. “Sáng sớm hôm nay, anh Tín trút hơi thở cuối cùng. Anh ra đi nhẹ nhàng, thanh thản. Tôi vô cùng đau đớn, không nói nên lời” - vợ của cố nghệ sĩ chia sẻ trong nghẹn ngào.

Đổi đời từ đóng phim

NSƯT Nguyễn Chánh Tín sinh ngày 29-11-1952 tại tỉnh Bạc Liêu. Ông là con út trong gia đình có 5 người con. Cha của Nguyễn Chánh Tín là Nguyễn Chánh Minh - một võ sĩ nổi tiếng dưới thời vua Bảo Đại, từng nổi tiếng với việc trừ gian diệt bạo. Mẹ ông là Lưu Ngọc Lan, một hoa khôi có tiếng của vùng Bạc Liêu - Cà Mau.

Nghệ sĩ Chánh Tín nổi danh trong nghề nhưng gặp nhiều khó khăn trong đời.

Năm 15 tuổi, Chánh Tín theo học trường Mạc Đĩnh Chi (Sài Gòn) và bắt đầu theo đuổi đam mê nghệ thuật. Vai diễn đầu tiên của ông là trong “Vĩnh biệt mùa hè”, khi đó ông 22 tuổi. Song, cuộc đời lại đưa ông hết ngã rẽ này đến ngã rẽ khác ngay từ những năm tháng đẹp nhất của tuổi trẻ. Thời điểm đang là diễn viên của đoàn kịch Bông Hồng, Chánh Tín vượt biên. Nhưng, chuyến đi không trót lọt, ông phải về trình diện và phải đi cải tạo.

Năm 1982, bộ phim “Ván bài lật ngửa” được bấm máy, chuyển thể từ tác phẩm “Giữa biển giáo rừng gươm” của nhà văn Trần Bạch Đằng, do đạo diễn Lê Hoàng Hoa viết kịch bản và đạo diễn. Phim quay xong tập 1 nhưng nam chính không được đánh giá cao nên được đề xuất thay vai. 

Vì đây là phim khắc họa chân dung nhà tình báo Phạm Ngọc Thảo trong công cuộc đấu tranh chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta thời miền Nam còn tạm chiếm nên được kiểm duyệt rất kỹ, từ kịch bản cho đến diễn viên. Vì thế, khi phương án thay thế diễn viên được đưa lên đã không được cấp trên duyệt.

Sau đó, nhà văn Trần Bạch Đằng đã giới thiệu Nguyễn Chánh Tín và được ông Sáu Thảo, tức Dương Đình Thảo, Giám đốc Sở Văn hóa thông tin TP Hồ Chí Minh xin với cấp trên cho Chánh Tín ra ngoài phim lấy công chuộc tội. Kể về những tháng ngày đó, Chánh Tín từng thành thật kể, thời gian đọc kịch bản gần như ông bị giam lỏng ở nhà. Mấy ngày đọc kịch bản không được đi đâu, đọc xong thì vào đóng phim luôn. Đóng thử mấy cảnh rồi lại trở vào nơi cải tạo, ở trong đó chờ.

Không chỉ đóng phim, Chánh Tín còn là ca sĩ được nhiều người mến mộ. Tên tuổi của ông xuất hiện trên mặt báo như một “hiện tượng âm nhạc” sau khi thể hiện thành công hai ca khúc “Tìm nhau” và “Nghìn trùng xa cách” của nhạc sĩ Phạm Duy trong một cuộc thi văn nghệ tại trường. Từ khi đi hát, Chánh Tín còn được báo chí ví như “Frank Sinatra Việt Nam” với loạt ca khúc như: “Tuyết rơi”, “Giờ đây anh đi”, “Vườn địa đàng”, “Vĩnh biệt tình hè”, “Thu hát cho người”...

Chính năng khiếu này cũng là cái “phao cứu sinh” cho vợ chồng ông trong những năm 80. Dù được đi đóng phim nhưng Chánh Tín vẫn bị cấm đi hát. Ông buộc phải đi hát lậu tại các địa phương với cát-xê 2-3 trăm đồng một đêm để cải thiện cuộc sống. Cuối cùng, đến khi đóng xong tập 1 của “Ván bài lật ngửa”, Chánh Tín lên xin giải lệnh cấm, coi như lấy công chuộc tội và được đồng ý.

Chuyện tình với tiểu thư Bích Trâm

Sau khi “Ván bài lật ngửa” ra mắt khán giả, phim nhanh chóng trở thành hiện tượng trong nước. Bộ phim được nhiều nhà phê bình phim đánh giá là một trong những thành công lớn nhất của điện ảnh Việt Nam về đề tài tình báo. Thậm chí, cho đến bây giờ vẫn chưa có phim nào vượt qua được. 

Phim giành Giải Đặc biệt Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 6 năm 1983, giải Bông sen bạc Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 7 năm 1985 và giải nam diễn viên chính xuất sắc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 8 năm 1985 cho nghệ sĩ Nguyễn Chánh Tín.

Nghệ sĩ ưu tú Chánh Tín và vợ - ca sĩ Bích Trâm

Với “Ván bài lật ngửa”, Nguyễn Chánh Tín cũng từ một diễn viên vô danh vụt sáng thành ngôi sao được săn đón nhất nhì lúc bấy giờ. Nhân vật Đại tá Nguyễn Thành Luân còn được yêu thích hơn nhờ ngoại hình lý tưởng, gương mặt điển trai khá Tây cùng diễn xuất “xuất thần” của Chánh Tín. Thừa hưởng vẻ ngoài cao lớn cùng nhan sắc trời ban của cha mẹ, cho đến tận ngày nay, nhiều người còn nhắc đến câu nói “Đẹp trai như Chánh Tín” để ca ngợi những người có vẻ ngoài xuất chúng. 

Ông trở thành người tình trong mộng của nhiều thiếu nữ vào những năm 80. Ông cũng trở thành cái tên bán vé ở các rạp chiếu những năm 80, 90 của thế kỷ trước. Tài tử điện ảnh Việt tham gia liên tiếp nhiều bộ phim như “Chiếc mặt nạ da người”, “Bản tình ca cuối cùng”... Tuy nhiên, dường như chưa có vai diễn nào vượt qua được “cái bóng” của vai Robert Nguyễn Thành Luân.

Cuộc đời Nguyễn Chánh Tín luôn xuất hiện những tình cờ. Điển hình là định mệnh đưa đẩy ông Tín gặp Bích Trâm. Hồi đó cả hai cùng tham gia trong Ban văn nghệ của Trường Đại học Luật Sài Gòn. Bích Trâm là tiểu thư con nhà quan lớn, đã từng có học bổng ở Pháp còn Chánh Tín là chàng ca sĩ nghèo, lãng tử, phong trần. 

Song, vì cách biệt quá lớn giữa hai gia đình mà mối quan hệ của hai người không được gia đình Bích Trâm đồng thuận. Để chứng minh quyết tâm của mình, Chánh Tín, ngày nào cũng đến nhà Bích Trâm ngồi từ 5h chiều tới tận gần 12h đêm còn Bích Trâm hằng ngày tác động đến bố mẹ. Cuối cùng, cặp trai tài gái sắc chính thức về chung một nhà vào năm 1974 trước sự ngưỡng mộ của công chúng.

Chánh Tín và Bích Trâm sau khi kết hôn đã trở thành “cặp song ca vàng” của các tụ điểm ca nhạc, nhà hàng, sân khấu ca nhạc lớn tại Sài Gòn thời ấy. Hình ảnh đôi vợ chồng trẻ chở nhau trên chiếc Honda chạy show hằng đêm ở các tụ điểm, sân khấu ca nhạc tại Sài Gòn trở nên thân thuộc với nhiều khán giả.

Đến nay, sau hơn 40 năm chung sống, Chánh Tín và Bích Trâm có với nhau 2 người con, một trai, một gái.

Cú “ngã ngựa” ở tuổi lục tuần

Tên tuổi đi lên, vợ đảm đang, con ngoan ngoãn, những tưởng Chánh Tín sẽ có cuộc sống sung túc đến già nhưng cuộc đời vẫn chưa thôi thử thách ông hết lần này đến lần khác. Thành công trong sự nghiệp diễn xuất, Chánh Tín tiếp tục chuyến hướng sang đầu tư hãng phim với lợi nhuận khổng lồ qua các bộ phim đình đám như: “Ngôi nhà oan khốc”, “Xác chết trên cao nguyên”, “Chiếc mặt nạ da người”...

Tuy nhiên, có lẽ cú “ngã ngựa” đau nhất với ông là khi làm “Dòng máu anh hùng” (2005), tiêu tốn hết 1,5 triệu USD, ông phải vay 8,3 tỷ đồng. Sau khi đưa phim sang Mỹ công chiếu, phim vấp phải vấn đề đánh cắp bản quyền nên không thể phát hành ở nước ngoài khiến Chánh Tín rơi vào cảnh nợ nần chồng chất. Tính đến năm 2009, lãi mẹ đẻ lãi con. 

Đến ngày 14-3-2014, dư luận xót xa khi hay tin Chánh Tín mang trọng bệnh và sắp phá sản ở tuổi 62. Chánh Tín từng cầu cứu các cơ quan chức năng xin tạm hoãn thi hành án từ tháng 3 đến tháng 9-2014 để tìm kiếm chỗ ở mới và cũng để yên ổn chữa bệnh.

Cuối cùng, vợ chồng ông phải ở nhà thuê, làm nhiều nghề để mưu sinh. Ông vừa đi hát phòng trà, bán quán nhậu, vừa nhận phim để có tiền trang trải cuộc sống. Thế nhưng, người ta vẫn thấy ông xuất hiện đều đặn trên màn ảnh cùng những vai phụ trong các phim như: “Em chưa 18”, “Linh duyên”, “Hoàng tử ơi, anh ở đâu”.

Nghệ sĩ ưu tú Chánh Tín trong một gameshow gần đây.

Tháng 5-2019, bà Bích Trâm bị bệnh nặng, một bên mắt không nhìn thấy và cần phẫu thuật gấp. Thế nhưng, gia đình không đủ điều kiện để chi trả viện phí cho bà. May mắn, vợ chồng ông được nữ diễn viên Phi Thanh Vân giúp đỡ và ủng hộ tiền để bà mổ mắt.

Nói về những biến cố lớn trong cuộc đời, nghệ sĩ Chánh Tín từng chia sẻ: “Trải qua mất mát, ai cũng đau, tiếc và có lúc suy sụp chứ nhưng là đàn ông, không thể buông xuôi hay khoanh tay bó gối. Tôi nghĩ mình còn sức thì sẽ làm lại được. Nếu ở hai lần đầu, còn trẻ, còn cố gắng được nhiều hơn nhưng ở tuổi 60 tôi chỉ mong không bị thiếu thốn là mừng rồi”.

Chánh Tín ra đi và nỗi lòng người ở lại

Cuối đời, Chánh Tín có nhiều chuyện buồn cùng những ước nguyện còn dang dở với người vợ hiền khi tạm biệt trần thế. Sự ra đi của NSƯT Chánh Tín để lại nhiều dư âm, luyến tiếc. Người ta vẫn nhớ về ông như một tài tử điện ảnh hào hoa, phong trần với mái tóc xoăn gợn, sống mũi cao và giọng hát trầm ấm, đi vào lòng người.

Đạo diễn Charlie Nguyễn (cháu ruột của Chánh Tín) nhớ lại kỷ niệm bên người chú đáng kính: “Tôi được làm việc với chú Tín qua 4 bộ phim: “Dòng máu anh hùng”, “Cưới ngay kẻo lỡ”, “Fan cuồng”, “Em chưa 18”. Nhưng, kỷ niệm tôi nhớ nhất là lúc 5-6 tuổi, chú chở tôi trên chiếc mô tô đi xem kịch của chú đóng. Khi chạy vào cửa rạp hát, cả trăm người kéo tới xung quanh để xem mặt chú. Tôi ngồi trên bình xăng phía trước nên cảm nhận được giây phút đó rất trọn vẹn”.

Charlie Nguyễn còn tiết lộ những chuyến đi xem kịch do người chú họ đóng đã làm bừng lên niềm đam mê nghệ thuật trong anh. “Đó là vở kịch đầu tiên tôi xem chú diễn. Trong vở kịch, chú mặc bộ vest trắng trông rất phong độ và thu hút. Sau này, tôi nghĩ có lẽ đêm đó đã khởi nguồn cho đam mê nghệ thuật của mình”. Dẫu vậy, đạo diễn của “Em chưa 18” vẫn không giấu được sự tiếc nuối trước sự tài hoa của người chú, người anh trong nghề: “Cuộc đời là vô thường nhưng những gì là sự thật sẽ không bao giờ mất. Chú yên nghỉ nhé...”.

Hay tin NSƯT Chánh Tín qua đời, đạo diễn Lý Hải không giấu được bàng hoàng. “Khi tôi mới đi hát, là ca sĩ trẻ thôi nhưng có dịp được đứng chung với chú. Ở sau cánh gà, chú chỉ bảo cho tôi rất nhiều kinh nghiệm, dạy tôi lên sân khấu phải như thế nào để không bi run, cử chỉ, động tác ra sao, giao lưu như thế nào... Mọi người trong nghề ai cũng yêu thương và kính trọng chú. Thường, những ngôi sao lớn ít trò chuyện với ca sĩ trẻ lắm, nhưng NSƯT Chánh Tín vô cùng hòa đồng, chú chan hòa, thân thiện với tất cả mọi người”, Lý Hải kể.

Nghệ sĩ nhân dân Kim Cương xúc động nói về sự ra đi đột ngột của đồng nghiệp: “Cách đây mấy ngày, tôi và Tín còn nói chuyện điện thoại, hẹn ngày 8-1 sẽ gặp nhau. Tôi lại xa “thầy giáo Hoàng” trong vở “Lá sầu riêng” rồi. Sau nghệ sĩ Vân Hùng thì Nguyễn Chánh Tín đã từng diễn vai này rất thành công trên sân khấu kịch nói Kim Cương”.

Nguyễn Chánh Tín đã bước sang một thế giới khác nhưng người yêu mến điện ảnh sẽ mãi nhớ về ông. Người ta sẽ nhớ mãi về hình ảnh một sĩ quan tình báo phong trần, lãng tử đầy bí ẩn khiến bao trái tim thiếu nữ phải thổn thức; một người nghệ sĩ tài hoa với đủ mọi cung bậc ở đỉnh cao danh vọng, có cả vinh hoa lẫn cay đắng.

Như một giai điệu yêu thương thật đẹp mà ông đã thể hiện trong ca khúc “Thu hát cho người” của nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển: “Thời gian nào trôi bềnh bồng trên phận người/ Biệt ly nào không muộn phiền trên dấu môi/ Màu vàng lên, biêng biếc ánh chiều rơi/ Nhạc hoài mong, ta hát vì xa người/ Thu hát cho người, thu hát cho người, người yêu... ơi!”.

Thảo Dung
.
.