Văn nghệ sĩ rất xứng đáng được tôn trọng

Chủ Nhật, 20/11/2011, 10:30
Những ngày qua, một trong những sự kiện được xem là nóng nhất trong làng văn học nghệ thuật là việc một đại biểu quốc hội đề xuất "Luật nhà văn" trong nghị trường Quốc hội. Người đưa ra ý tưởng đó là đại biểu quốc hội tỉnh Nghệ An, ông Nguyễn Minh Hồng - bác sĩ, hội viên Hội nhà văn Việt Nam.

Và cũng phải nói rằng, đây chỉ là ý kiến của một vị đại biểu quốc hội chứ chưa phải là quyết định chung nên có lẽ cũng không cần phải "rung chuông" quá ầm ĩ. Tuy nhiên, từ sự việc này ta có thể thêm một lần nhìn nhận đúng hơn về vai trò của văn nghệ sĩ trong đời sống hôm nay.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa chia sẻ tâm tư:

Thoạt đầu, nghe nói có Luật Nhà văn, tôi nghĩ là ai đó đùa. Và đùa ác. Nhưng sau biết đó là chuyện thật, thì tôi lại thấy vui. Vui vì nước mình dân chủ thật. Vui vì nhà văn được yêu mến và kính trọng. Tôi rất cám ơn một vị đại biểu Quốc hội đã đề xuất Luật Nhà văn. Lại rất cám ơn một vị luật sư đã thảo Luật Nhà văn. Tấm lòng sùng kính nhà văn của các bác ấy rất đáng được trân trọng, chứ không nên dè bỉu, diễu cợt, càng không nên diễu cợt Quốc hội, vì đây chỉ là ý kiến đề xuất của một đại biểu, là nguyện vọng riêng của một cá nhân, chứ không phải hiện thực. Sẽ không bao giờ thành hiện thực. Vì nếu đã có Luật Nhà văn, thì lại phải có Luật Phê bình, Luật Dịch giả, rồi Luật Bạn đọc nữa chứ. Rồi tương tự cũng lại phải có Luật Nhạc sĩ, Luật Biên kịch, Luật Điện ảnh, Luật Điêu khắc, Luật Hội họa, Luật Múa…

Không thể phủ nhận vai trò quan trọng của văn nghệ sĩ. Mặc dù số phận họ rất mong manh. Mong manh như cái đẹp. Mong manh như một kiếp người. Nhưng họ lại là hàn thử biểu của cả xã hội. Đằng sau họ là nhân dân. Đặc biệt với những tài năng lớn, họ yêu ai, người đó sẽ bất tử, họ ghét ai, kẻ đó sẽ bị nguyền rủa đến hàng trăm năm, thậm chí là ngàn năm. Bằng sự mẫn cảm đặc biệt, nhiều nghệ sĩ đi trước cả thời đại, đi trước chính trị.

Người đầu tiên đặt tên Thành phố Hồ Chí Minh là Tố Hữu. Ngay sau khi giải phóng Điện Biên Phủ, năm 1954, Tố Hữu đã gọi Sài Gòn là "Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng".

18 năm sau, mùa hè 1972, Chế Lan Viên nhắc lại: "Một Thế hệ Hồ Chí Minh - ấy là lực lượng/ Một Tư tưởng Hồ Chí Minh - Đó là phương hướng/ Một Thành phố Hồ Chí Minh là đích phía chân trời…". Ba câu thơ Chế Lan Viên có thể xem như tư tưởng chỉ đạo Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975. Mãi năm 1976, Thành phố Hồ Chí Minh mới chính thức có tên. Bây giờ chúng ta mới học Tư tưởng Hồ Chí Minh, nhưng Chế Lan Viên đã đề xuất từ những năm kháng chiến. Lúc ấy, chúng ta đâu đã nhìn ra mà chúng ta mới chỉ nói tới việc học Đạo đức Hồ Chí Minh".

Vẻ đẹp của Bác, lúc bấy giờ chúng ta mới chỉ nhìn thấy ở phạm trù đạo đức. Nhà văn đích thực thường đi trước thời đại. Nhiều khi một bài thơ, hay một câu hát có sức mạnh bằng cả một binh đoàn. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận ra sức mạnh ấy. Người đã quy tụ được những tinh hoa dân tộc từ những bến bờ cô lẻ: "Ta là một. Là riêng. Là thứ nhất" để hòa vào đời sống chung của toàn dân tộc: "Tôi cùng xương thịt với nhân dân tôi". Nhiều văn nghệ sĩ đã chiến đấu rất dũng cảm và hy sinh như những anh hùng như Nam Cao, Trần Mai Ninh, Nguyễn Thi… Có người đến nay vẫn không tìm được hài cốt.

Văn nghệ sĩ rất cần được kính trọng. Và để chăm lo cho văn nghệ sĩ, chúng ta đã có 7 Hội chuyên ngành, trong đó có Hội Nhà văn. Nhưng Hội Nhà văn không có chức năng làm luật. Không có luật, nhưng đã có Quy chế hoạt động, Quy chế Hội viên, Quy chế Ban Chấp hành. Đấy có thể xem như những bộ luật mang tính đặc thù và được thực hiện mang tính nội bộ. Mỗi khóa đại hội lại có bổ sung và sửa đổi để phù hợp với thực tiễn.

Hội Nhà văn là hội nghề nghiệp mang tính đặc thù. Vì thế những quy định dành cho các nhà văn, là công việc của Hội Nhà văn. Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước, phải bàn những đường hướng quyết sách lớn của đất nước. Như việc xây dựng đất nước vững mạnh, bảo vệ chủ quyền quốc gia, chủ quyền biển đảo. Phát triển kinh tế, văn hóa và giáo dục, rồi an sinh xã hội, chống lạm phát, chống tham nhũng, xóa đói giảm nghèo.

Những năm gần đây, đời sống nhân dân có khởi sắc, nhưng đạo đức xã hội lại xuống cấp trầm trọng. Có phải vì chúng ta quá quan tâm đến kinh tế mà lại bỏ rơi văn hóa không? Rồi làm sao hạn chế được tai nạn giao thông. Ngày nào cũng tang thương và nghiêm trọng. Mới nhất là tai nạn xe khách vừa xảy ra thiêu cháy bao nhiêu người.

Bộ trưởng Đinh La Thăng vừa đưa ra những đề xuất rất được dân chú ý. Giá như Quốc hội bỏ ra 1 ngày, hoặc 10 ngày để cùng Chính phủ tìm cách tháo gỡ, hạn chế đến tối đa tai nạn giao thông đã trở thành thảm họa của đất nước thì hay biết bao. Bao nhiêu những vấn đề lớn, cấp bách cần phải giải quyết. Chúng ta hy vọng Quốc hội ở những vấn đề lớn có tính sống còn của đất nước ấy, chứ không phải là những việc mang tính đặc thù, như làm thơ với viết văn mà các đại biểu lại không có chuyên sâu.

Điều mong muốn của nhà thơ Trần Đăng Khoa cũng đang là công việc được quan tâm trên nghị trường. Nhưng quả thực, cũng cần phải vui khi vai trò của văn nghệ sĩ bên cạnh những chuyện cơm áo không đùa của cuộc sống hôm nay vẫn luôn được dư luận xã hội quan tâm, mặc dù như nhà văn Trung Trung Đỉnh, Giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà văn nhận xét:  "Nhà văn chỉ là một cá thể lao động độc lập, sáng tạo ra giá trị tinh thần"…

Trần Mỹ Hiền
.
.