Giá xăng dầu giảm, vận tải khách vẫn phớt lờ để thu lợi

Thứ Tư, 21/01/2015, 16:35
Chưa tính lần giảm nhẹ vào đầu năm nay, chỉ trong năm ngoái, giá bán lẻ xăng dầu trong nước đã liên tục nhiều lần giảm sâu với tổng mức điều chỉnh từ 22 đến 28% so với đầu năm. Xăng dầu chiếm 35 - 45% giá thành vận tải, nên ngay khi giá mặt hàng nhiên liệu này tăng, lập tức giới kinh doanh vận tải sẽ có ngay kế hoặc tăng giá cước. Nhưng ngược lại, trong suốt gần một năm qua, giá xăng dầu liên tục giảm song các hãng vận tải vẫn cứ đủng đỉnh, trì hoãn trong việc giảm giá.

Thuộc đối tượng vận tải hành khách, hàng hóa chủ lực đường dài, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam là đơn vị có động thái giảm giá vé tàu hỏa sớm nhất. Dù vậy, trong đợt  giảm giá đầu tiên, ngành hỏa xa cũng chỉ giảm 17% (chỉ với vé tàu Tết) theo giá vé hiện tại và so với năm ngoái, giá vé tàu hỏa những ngày cao điểm tết năm nay giảm được 20%. (300 - 400 ngàn đồng/vé trên chặng TP HCM - Hà Nội).

Các chặng khác mức giảm được ít hơn, nhưng đây cũng là động thái để an ủi, bù đắp lại nỗi vất vả của những thượng đế phải chầu chực xếp hàng trên mạng ngày đêm canh đặt chỗ mua vé tàu. Hoặc bù đắp phần nào chi phí đi lại trả tiền, nhận vé; chi phí cho dịch vụ giao vé tàu tết tận nhà hoặc chi phí mua vé tàu qua các đại lý.

Vé tàu tết giảm, vé tàu ngày thường chưa giảm nên trước chỉ đạo của Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) về việc giảm giá vé, cuối tháng 12/2014, Tổng Công ty Đường sắt tiếp tục đưa ra quyết định giảm 10% giá vé tàu với tất cả các loại chỗ trên tàu khách Thống Nhất. Song đây cũng chỉ là hình thức giảm theo kiểu đối phó, vì theo thông báo từ ông Thái Văn Truyền, Phó trưởng Ga Sài Gòn, việc giảm giá vé này chỉ được thực hiện vẻn vẹn trong vòng 1 tháng đầu năm 2015. Ngay cả những vé tàu đi trong khoảng thời gian này đã được hành khách mua trước đó cũng sẽ không được hoàn tiền chênh lệch.

Khách đi máy bay vẫn phải trả tiền vé với giá trần được xây dựng lúc xăng dầu tăng cao.

Với các hãng hàng không, sau quyết định buộc giảm trần giá vé máy bay xuống mức 15% của Bộ Tài chính, Cục Hàng không đã có đề xuất với Bộ GTVT cho phép giảm trần vé máy bay. Tuy trước mắt mới chỉ thực hiện giảm ở mức 400 ngàn đồng với các chặng bay ngắn hoặc độc quyền. Các chặng bay nội địa khác có chiều dài từ 500km đến 1.280km, hiện các hãng vẫn được áp dụng mức trần giá vé đã được quy định từ năm 2011 - thời điểm giá xăng dầu khá cao với mức giá trần từ 2,25 đến 4 triệu đồng/lượt còn phải chờ đơn vị chủ quản này tính toán để yêu cầu hãng hàng không giảm trong thời gian tới.

Sau đề nghị này, hiện mới chỉ có VNA thông báo thống nhất mức giá tối đa cho các đường bay có cự ly dưới 500 km, thuộc nhóm đường bay phục vụ phát triển kinh tế. Cụ thể, đối với các đường bay đến vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo và do một hãng hàng không khai thác như Hà Nội đi Nà Sản; TP HCM đi Cần Thơ, Cà Mau, Côn Đảo và Đà Nẵng đi Pleiku, Quy Nhơn, Đồng Hới… sẽ áp dụng mức giá tối đa với hạng vé phổ thông là 1,6 triệu đồng/lượt, giảm ít hơn so với đề nghị của Cục Hàng không.

Với các chặng bay dưới 500 km khác, hãng vẫn áp dụng giá vé tối đa là 1,7 triệu đồng/lượt chưa tính thuế, phí và lệ phí. Chỉ những hành khách có hộ khẩu thường trú hoặc quân nhân, cán bộ công nhân viên công tác tại Côn Đảo, Cà Mau và Pleiku khi đi các chặng bay từ TP HCM đi Côn Đảo mới được hưởng mức giảm 30%; từ TP HCM đi Cà Mau được hưởng mức giảm 15% và từ Đà Nẵng đi Pleiku được giảm ở mức 15% kể từ ngày 15/1 tới. Các hãng còn lại vẫn chưa thấy động thái công bố việc giảm trần giá vé mà cứ chậm ngày nào, khách đi máy bay thiệt thòi ngày ấy và khách càng chịu thiệt, các hãng càng thu lợi.   

Theo tính toán của một số chuyên gia hàng không cho thấy, kể cả khi phải đi thuê máy bay, thì tổng chi phí cho một giờ bay chỉ vào khoảng 6.000 USD. Chi tiết hơn, lâu nay giá dầu máy bay Jet A1 được Vinapco bán tại sân bay Tân Sơn Nhất cho các chuyến bay nội địa đều có giá khá rẻ, thời điểm cuối năm vừa qua các hãng bay nội địa chỉ phải chi trả tiền nhiên liệu ở mức 10 ngàn đồng/kg dầu.

Nhưng trần vé hạng phổ thông chặng bay Tân Sơn Nhất đi Nội Bài hiện vẫn được các hãng giữ ở mức trên dưới 3 triệu đồng/lượt. Với dòng máy bay A320 và A321 như của Vietjet và Jetstar có sức chở từ 170 đến 180 khách, bay một vòng từ TP HCM ra Hà Nội và ngược lại chỉ tiêu thụ khoảng 8 tấn dầu. Như vậy, chưa cần cộng khoản tiền khai thác hàng hóa trên chuyến bay, chỉ cần một vòng như vậy khai thác được 300 khách, với giá vé bình quân trên dưới 2 triệu đồng/lượt, các hãng đã có lãi.

Do đó, dù các hãng đều có những hạng vé thấp dưới hạng phổ thông trên mỗi chuyến bay, thì việc áp dụng mức trần giá vé trên dưới 3 triệu đồng đối với chặng này là khá cao so với chi phí hoạt động.

Chen chân mua vé xe khách thương hiệu dịp Tết.

Hãng vận tải không tự giác hoặc liên tục trì hoãn việc giảm giá vé, nên từ cuối tháng 11/2014 đến nay Bộ Tài chính đã nhiều lần tổ chức đi kiểm tra trực tiếp hoặc liên tục có văn bản yêu cầu kiểm soát giá cước vận tải. Gần đây nhất, vào ngày 23/12/2014, Bộ Tài chính đã phải tiếp tục có văn bản gửi Bộ GTVT và các tỉnh, thành về việc tiếp tục tăng cường quản lý giá cước vận tải bằng xe ôtô. Trong đó nêu rõ, trước việc giá xăng dầu liên tục giảm sâu nhưng đến nay nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải ôtô vẫn chưa thực hiện kê khai giảm cước theo xu hướng giảm giá xăng dầu.

Để tăng cường quản lý giá cước vận tải bằng xe ôtô, Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo các Sở GTVT phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra việc thực hiện kê khai giá cước tại địa phương. Yêu cầu  các đơn vị chưa kê khai giảm giá cước tính toán lại giá thành vận tải để giá cước phù hợp với việc giảm giá nhiên liệu...

Tại TP HCM, để xử lý tình trạng giảm giá cước vận tải theo kiểu nhỏ giọt, đối phó này, ngày 27/12 vừa qua Sở GTVT thành phố cũng đã đề nghị các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn thực hiện việc điều chỉnh giảm giá cước cho phù hợp so với lần đăng ký, kê khai gần nhất. Từ đó góp phần thực hiện bình ổn giá, kiểm soát lạm phát sau khi giá xăng dầu liên tục giảm. Bởi thời điểm này vẫn còn phần lớn trong số 500 doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch, trong đó có khoảng 57 doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định và hơn 10 ngàn đầu xe taxi cùng hàng chục nghìn doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh vận tải hàng hóa… vẫn chưa tự giác thực hiện giảm cước vận tải.

Tại Bến xe Miền Đông, do hoạt động chủ yếu trên các tuyến đường dài nên việc giảm giá vé của doanh nghiệp vận tải khách, nhà xe sẽ giúp hành khách tiết kiệm được số tiền đáng kể. Mức phụ thu với giá vé tết cũng đã được các doanh nghiệp vận tải ấn định ở các mức 20, 40 và 60% trên giá vé ngày thường. Nhưng theo ông Thượng Thanh Hải, Phó giám đốc Bến xe Miền Đông, đến thời điểm hiện tại cũng mới chỉ có 112 trong tổng số 207 doanh nghiệp, nhà xe trong bến thực hiện giảm giá vé ở mức 5-10% và chỉ có 2 doanh nghiệp thực hiện kê khai lại giá vé. Trong khi đó, đến ngày 13-1 này đã có 5 hãng xe thương hiệu thực hiện bán vé tết.

Xăng dầu chiếm khoảng 40% giá cước vận tải đường bộ, nhưng khi giá xăng đầu đã giảm đến 1/3, các hãng vận tải vẫn chỉ giảm giá cước kiểu nhỏ giọt để thu lợi. Đã đến lúc các ngành GTVT, Tài chính, Thuế cần có những động thái quyết liệt hơn nữa trong việc chấn chỉnh thực trạng xăng dầu tăng, cước vận tải lập tức tăng theo; xăng dầu giảm, cước vận tải vẫn chần chừ, đủng đỉnh, hoặc chỉ giảm nhỏ giọt, gây thiệt hại cho hành khách.

Thái Bảo
.
.