Vào chuồng với chúa sơn lâm

Thứ Hai, 19/03/2012, 12:30

Tại vườn thú Lujan, cách thủ đô Buenos Aires của Argentina chừng 70km, du khách được phép bước vào chuồng hổ, sư tử để chơi đùa, cho bú sữa hay chụp hình chung với chúng. Mà không chỉ có thế, du khách còn có dịp chơi đùa với voi và cả gấu. Vườn thú thành công lớn với loại hình du lịch mạo hiểm này nhưng nó đã làm bùng lên cuộc tranh cãi quanh vấn đề an toàn cho khách tham quan.

Trên các trang video như YouTube, người ta nhìn thấy những du khách gan dạ chơi đùa bình thường bên cạnh những loài thú hoang dã. Năm 2009, một bức ảnh thu hút nhiều người xem cho thấy một phụ nữ ngồi trên lưng con sư tử. Vườn thú Lujan tồn tại từ năm 1994.

Ban đầu, bộ sưu tập động vật của vườn thú không nhiều nhặn gì và thời gian trôi qua, Giám đốc Jorge Alberto Semino sưu tập thêm được nhiều loài phong phú hơn qua nỗ lực trao đổi, mua và vận động mọi người đóng góp. Hiện nay, trong diện tích 15 hecta, vườn thú Lujan đã phát triển thêm những khu vực rừng cây và nhiều chuồng nhốt thú. Nhóm sư tử châu Phi gồm 80 con được coi là bộ thú quan trọng thu hút khách tham quan của Lujan và thêm vào đó là 20 con hổ Bengal, 12 báo đốm, khoảng 50 loài khỉ Nam Mỹ cũng như một cặp voi v.v…

Carlos Fernandaez Balboa, chuyên gia giáo dục môi trường của Wildlife Foundation ở Buenos Aires, chỉ trích "sáng kiến" của vườn thú Lujan là "đáng hổ thẹn". Đối với Balboa, thú dữ gây nguy hiểm cho du khách và nhân viên chăm sóc thú thiếu kinh nghiệm nếu không sử dụng thuốc để kiềm chế bản năng của chúng.

Nhưng Giám đốc Jorge Alberto Semino kịch liệt phủ nhận việc dùng thuốc an thần cho thú đồng thời tuyên bố vườn thú sẵn sàng đón tiếp bất cứ ai muốn kiểm tra phương pháp hoạt động của ông. Jorge Semino cũng khẳng định trong suốt 18 hoạt động của vườn thú, không một tai nạn hay sự cố nào được ghi nhận ở Lujan.

Theo giải thích của Jorge Semino, những con thú được tiêm thuốc an thần sẽ trở nên nguy hiểm hơn bởi vì chúng sẽ cảm thấy choáng váng và khó chịu trong người. Trong một cuộc phỏng vấn của báo chí, Jorge Semino cho biết nhân viên chăm sóc tiếp xúc với thú dữ từ lúc chúng mới lọt lòng nên biết rõ mọi phản ứng cũng như tính nết của chúng. Jorge Semino còn nhấn mạnh: "Nếu có chuyện gì xảy ra chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm".

Nhưng thực tế khác hẳn - du khách muốn vào chuồng thú dữ phải đóng một khoản tiền và ký tên vào một văn bản cam kết nếu bị thú tấn công thì vườn thú không chịu trách nhiệm! Trong một video quảng cáo, người ta thấy Jorge Semino chơi đùa với mấy con hổ trong chuồng đặt trong phòng một căn nhà. Ông nói những con hổ được sinh ra tại vườn thú trong điều kiện nuôi nhốt nên khi trưởng thành, chúng đã mất đi bản năng săn mồi và cạnh tranh của đời sống hoang dã. Jorge Semino giải thích, thú dữ còn được nuôi chung với chó và được dắt đi dạo cho nên chúng rất ngoan ngoãn, dễ gần với con người.

Các nhà hoạt động môi trường buộc tội lãnh đạo vườn thú Lujan vi phạm luật cấm con người tiếp xúc với động vật hoang dã gây nguy hiểm của Argentina. Và theo luật quy định, mỗi chuồng nhốt thú phải có tấm biển thông tin về con vật và các vườn thú phải có hoạt động giáo dục bổ sung.

Nhưng Lujan tuyên bố: "Vườn thú hoạt động không bất hợp pháp và chính quyền thường xuyên có sự thanh tra kiểm soát rất chặt chẽ. Vườn thú chúng tôi hoàn toàn được phê chuẩn bởi Bộ Môi trường. Vườn thú mở cửa từ năm 1994 và chưa bao giờ bị đóng cửa". Tuy nhiên, Enrique Vidal - Chủ tịch Hiệp hội Argentina Các luật gia về môi trường (AAEL) - cho rằng, vườn thú Lujan đã tạo ra hình ảnh không thật về bản tính của thú vật và không hề có giá trị giáo dục, đồng thời vườn thú là doanh nghiệp lớn vi phạm quyền động vật

An An (tổng hợp)
.
.