Về thăm làng Phù Lưu

Thứ Sáu, 28/06/2019, 08:54
Làng Phù Lưu, Từ Sơn, Bắc Ninh, ngôi làng nguyên mẫu trong tác phẩm “Làng” của cố nhà văn Kim Lân có vẻ đẹp dung dị, riêng biệt của vùng quê Đồng bằng Bắc Bộ châu thổ sông Hồng. Ngôi làng độc đáo này là quê hương của rất nhiều danh nhân, văn sĩ khoa bảng nức tiếng từ những thế kỉ trước cho đến tận ngày nay.

Ngoài ra, làng có những công trình văn hóa kiến trúc cổ đình, đền, chùa, nhà văn chỉ, nhà thờ dòng họ đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia và cấp tỉnh. Dù đã qua đi bao thăng trầm của lịch sử, hiện nay làng còn giữ được con đường dài 3km bằng đá xanh đã có cách nay tròm trèm 100 năm như một kỉ niệm dạt dào, thương nhớ về một làng quê trầm mặc, cổ kính vùng Kinh Bắc.

Ngôi làng của mảnh đất địa linh

Từ Hà Nội qua cầu Đuống chạy dọc quốc lộ 1A đến thị xã Từ Sơn tìm về làng Phù Lưu. Làng nằm ven sông Tiêu Tương cũ, hiện giờ dấu tích vẫn còn đầm bạc. Trong truyền thuyết, đây là ngôi làng cổ có trên 4.000 năm. Muốn vào làng, ta phải đi qua cổng làng rêu phong cổ kính như một chứng tích huyền thoại của thời gian.

Chắc rất khó để tìm một con đường thứ hai ở làng quê vùng Đồng bằng Bắc Bộ có con đường làng giống như Phù Lưu. Nét độc đáo và ấn tượng ở đây chính là con đường cái quan (đường đi chính của làng) lát 4 hàng đá xanh, đặc biệt hệ thống cống thoát nước được xây dựng chìm như khu phố cổ Hà Nội. Thi thoảng, ta lại bắt gặp mấy cụ già kê bàn ghế nhựa ra chơi cờ tướng ở con đường làng, dưới một cái ô che, giữa nắng hè chói chang và khí hậu oi nồng.

Nói đến làng Phù Lưu không thể không nói đến chợ Giàu. Từ xưa người ta đã có câu ca: “Chợ Giàu một tháng sáu phiên/ Ai ơi nên nhớ chớ quên chợ Giàu”. Hay: “Chợ Giàu bán sáo bán sành/ Bắc Ninh bán những nhẫn vàng trao tay/ Đình Bảng bán ấm bán khay/ Phù Lưu họp chợ mỗi ngày một đông...”.

Phù Lưu xưa đã nức tiếng, đàn ông giỏi giang khoa bảng, đàn bà tháo vát đảm đang chuyện buôn bán. Nhưng, trái với hình dung Phù Lưu sẽ nhộn nhịp kẻ mua người bán tấp nập thì ở đây đường đi lối lại, các phương tiện không ồn ào, đua chen như khu phố thị sầm uất. Nếp sống ở đây thong dong, không vội vã. Thật là một làng quê yên bình, êm ả.

Đình làng Phù Lưu được xếp hạng là một trong những ngôi đình đẹp nhất miền Bắc.

Từ cổng làng vào khoảng 300m sẽ bắt gặp đình làng nằm bên cạnh cội bồ đề già được xây dựng từ cuối thế kỉ XVI. Đình làng Phù Lưu được xếp vào một trong những ngôi đình đẹp nhất miền Bắc với kiến trúc độc đáo, kiểu chữ “Đinh”. Mái đình lợp ngói mũi hài, bờ dài gắn gạch hộp hoa chanh, bốn đầu đao uốn cong thanh thoát.

Thoạt nhìn, đình như một con thuyền neo đậu bên bến sông, trên bờ có cây bồ đề già cỗi cổ thụ lâu đời. Các họa tiết hoa văn được chạm trổ trên các kèo cột ván nong, cửa võng của đình đều hết sức tinh xảo. Đó là hình tiên nữ cánh phượng, người đánh đàn, đoàn người đua thuyền... được các nhà nghiên cứu di sản đánh giá có niên đại từ thế kỉ XVII.

Đối diện với đình là ngôi chùa Pháp Quang cổ kính với những mồng 1 và ngày rằm dân trong làng ra lễ Phật cầu an. Sau chùa là nhà văn chỉ với Hương Hiền Từ. Từ xưa đất Phù Lưu đã có truyền thống hiếu học, được gọi là đất khoa bảng nức tiếng xứ Kinh Bắc.

Nếu Văn Miếu là nơi thờ tự đức Khổng Tử và các bậc thánh hiền ở kinh đô thì Hương Hiền Từ ở đây là nơi thờ riêng các bậc khoa bảng trong làng. Biên niên sử của làng ghi rõ: Từ những thế kỉ xưa, làng đã có 4 người đỗ tiến sĩ (có bia dựng ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám), 1 người đỗ phó bảng, 6 người đỗ cử nhân, 10 người đỗ tú tài. Để tỏ lòng tôn sư trọng đạo, người dân Phù Lưu đã cho xây dựng Hương Hiền Từ ghi danh những bậc đại khoa, trung khoa, người có công với làng, làm rạng danh tổ tông, dòng họ.

Trong khoảng sân của nhà văn chỉ có tấm bia Hương Hiền Từ do tuần phủ, Hội trưởng Hội Tư văn Hoàng Thụy Chi soạn vào năm Quý Dậu niên hiệu Bảo Đại thứ 8 (1931). Nội dung của tấm bia nói về mảnh đất địa linh nên có nhân kiệt: Võ tướng có công dựng đình, Nguyễn Thái Bảo có công mở chợ. phó bảng Nguyễn Đức Lân, tiến sĩ Hoàng Văn Hòe đỗ quan triều Nguyễn...

Mảnh đất địa linh này cho ra những nhân kiệt tài hoa như con trai ông Hoàng Thụy Chi là Hoàng Thụy Ba, bác sỹ có bằng y khoa đầu tiên ở Đông Dương. Tri  phủ Hoàng Tích Phụng tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục và ông có 5 người con trai đều tài hoa. Đó là nhà báo Hoàng Tích Chu - một trong những người mở đầu cách tân báo chí Việt Nam, mất khi 36 tuổi; Hoàng Tích Chù là lớp họa sĩ đầu tiên của Việt Nam, ông được  nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2000; nhà viết kịch Hoàng Tích Linh, người có những tác phẩm sân khấu để đời; nhà biên kịch nổi tiếng Hoàng Tích Chỉ.

Trong làng còn có nhiều người con ưu tú khác như nhà văn Kim Lân, Nguyễn Địch Dũng, Hoàng Hưng, dịch giả Hoàng Thúy Toàn, nhà quay phim, NSND Nguyễn Đăng Bẩy (người quay những thước phim nổi tiếng mở đầu cho nền điện ảnh cách mạng Việt Nam như “Chim vành khuyên”, “Đến hẹn lại lên”, “Ngày lễ thánh”)... nhạc sĩ Hồ Bắc, họa sĩ Thành Chương. Làng còn có những vị giáo sư đáng kính như GS sử học Phạm Xuân Nam, GS ngữ văn Chu Xuân Diên, GS toán học Hồ Bá Thuần... và một số người đảm nhiệm trọng trách ở cương vị lớn như bộ trưởng hoặc tướng lĩnh.

Thậm chí, cho đến nay làng vẫn còn giữ truyền thống khoa bảng bằng cách có thưởng cho những học sinh có thành tích xuất sắc trong học tập. Đối diện với đình Phù Lưu là nhà khuyến học. Nhà khuyến học cao 4 tầng bề thế là nơi tiếp nhận công đức, dùng số tiền đấy để hỗ trợ học sinh, sinh viên trong làng về việc học. Những học sinh đạt thành tích xuất sắc trong học tập đều được nêu gương và được tặng quà.

Có lẽ hiếm có ngôi làng nào ở Đồng bằng Bắc Bộ có từ trước năm 1954 cho đến nay có nhiều nhà thờ dòng họ được xây như làng Phù Lưu. Chỉ tính riêng từ trước năm 1954 đến nay, làng đã có 17 dòng họ có nhà thờ. Đó là 7 họ Nguyễn, 2 họ Chu, 3 họ Lê, 1 họ Hồ, 1 họ Hoàng, 1 họ Phạm.

Ông Hoàng Văn Bình bên cột đầu trụ cũ của họ Hoàng, được đẽo theo hình ngòi bút.

Họ Hoàng - một dòng họ nổi tiếng

Nhà ông Hoàng Văn Bình, cháu trưởng của dòng họ Hoàng nằm cách đình Phù Lưu khoảng 100m. Họ Hoàng là dòng họ lớn của làng Phù Lưu có nhiều người con ưu tú. Ông Bình tuổi đã ngoài 60 kể, họ Hoàng đến làng Phù Lưu từ đầu thế kỉ XVII, tính cho tới nay đã có 16 đời. Năm 1920 cụ Hoàng Thụy Chi (đời thứ 9 của họ Hoàng) đã kéo được dự án xây dựng đường làng về làng Phù Lưu.

Con đường lát đá xanh, trải dài 3 km quanh co trong làng được xây dựng hơn 10 năm mới hoàn thành vào năm 1933. Đá xanh được lấy từ Quảng Ninh về đi qua hai đường thủy và xe lửa. Hiện nay tên cụ Hoàng Thụy Chi còn được ghi ở Hương Hiền Từ vì cụ đã có 4 công lao với làng. Đó là cụ đã cho xây gác chuông ở ngôi chùa Pháp Quang, sửa đình, làm đường, mở trường học.

Ông Bình đưa chúng tôi đi đến nhà thờ họ Hoàng đã được cấp bằng di tích lịch sử cấp tỉnh. Ở phía ngoài nhà thờ họ có 2 chữ “Phúc” và “Lộc”. Ông Bình giải thích: Mọi người có phúc ấm của tổ tiên thì mới sinh sôi nảy lộc. Lộc ở đây có thể là đầy đàn con cháu hoặc tài lộc thịnh vượng. Điều đặc biệt, nhà thờ họ đã được xây dựng từ lâu, tính cho đến nay đã 222 năm.

Thời kháng chiến chống Pháp, nhà thờ họ bị quân Pháp chiếm dụng làm phòng đựng quân lương, lính Pháp phun sơn lên tường. Năm 1990, ông Bình kêu gọi những người trong họ quyên góp tiền mua lại khu đất này dựng lại nhà thờ họ. Nhìn mảng tường bị giặc Pháp sơn bẩn, một hôm ông lấy dao cạo những mảng sơn trên tường thì lộ ra chữ  “Cần” được khắc bằng chữ Nho rất lớn, cạo tiếp thì lộ ra mấy chữ “Nhất cần thiên hạ vô lan sự”, bên cạnh còn có dấu triện của vua Thiệu Trị. Ý ông muốn nói mọi sự trong cuộc sống từ học hành cho đến làm việc muốn thành công thì điều cần nhất là phải chuyên cần. 

Các nhà nghiên cứu di sản đã về đây đánh giá: Cụ Hoàng Văn Định thuộc chi thứ ba của dòng họ Hoàng giữ chức ngự sử triều đình của dòng họ Nguyễn. Vua Thiệu Trị về thăm thầy đã tự tay khắc chữ lên tường lưu bút tại nhà thờ họ. Để bảo tồn và giữ gìn di sản thì chữ “Cần” của vua Thiệu Trị có trong dòng họ Hoàng được giữ nguyên hiện trạng, bằng cách đóng khung kính để bảo quản chống mối mọt, ẩm mốc.

Từ đường trong nhà thờ họ còn lưu giữ được hệ thống văn bia có niên đại từ năm 1797, thời hoàng triều Cảnh Thịnh tri phủ Trùng Khánh xây dựng từ đường.  Ông Bình vui vẻ cho biết năm 2013, họ Hoàng đón nhận song hỷ lâm môn. Đó là nhà thờ họ Hoàng được cấp bằng di tích cấp tỉnh, đồng thời trong năm đó có điềm lành, cái lư hương của nhà thờ họ sau một thời gian bị thất lạc đã trở về với họ Hoàng.

Số là trong làng Phù Lưu có dòng họ Lê, trong một lần đào móng xây nhà đã thấy lộ ra một cái đỉnh bằng đá trắng rất đẹp. Người họ Lê mang ra lau rửa sạch sẽ, định mang vào nhà thờ họ Lê để thờ thì những cụ giỏi chữ Hán trong họ Lê đến xem lư hương. Cụ đồ Nho đã nhận ra ngay vì chữ khắc trên lư hương ghi rõ họ Hoàng và lư hương này có từ năm Quý Hợi thời vua Khải Định. Người họ Lê báo với họ Hoàng để nhận lại lư hương.

Trong nhà thờ họ còn có đôi câu đối có từ lâu: “Ngũ chỉ tiên giáp Hoàng tộc khởi/ Tứ hải tương tri tộc tố hưng” nghĩa là năm ngón tay tiên nâng đỡ họ Hoàng, đi khắp bốn phương trời để làm rạng danh chấn hưng gia tộc. Nhà thờ họ Hoàng thờ nhiều người con của dòng họ, trong đó có nhiều người đặc biệt. Đó là vào cuối thế kỉ XVIII, đầu thế kỷ XIX xuất hiện nhiều tiến sĩ. Tiến sĩ Hoàng Văn Hòe đỗ quan triều Nguyễn. Hoàng Thụy Liên làm tri phủ.

Con đường lát đá xanh nổi tiếng trong truyện “Làng” của nhà văn Kim Lân.

Trong gia phả của dòng họ ghi 2 giả thiết về cụ Hòe: Có biến ở cố đô Huế, cụ Hòe được Tôn Thất Thuyết mời vào để ngự giá vua Hàm Nghi chống Pháp, không may sự việc bại lộ, cụ đưa vua Hàm Nghi chốn sang Ai Lao (Lào). Còn một nguồn tư liệu nữa thông tin: Sau khi bị bại lộ, cụ được nghĩa quân đưa lên Bắc Giang tìm đường theo Hoàng Hoa Thám.

Cụ Hoàng Tích Phụng theo phong trào cứu nước của Phan Bội Châu. Cột đầu trụ của nhà thờ họ Hoàng không phải là hình lân, phụng hay rồng mà là hình ngòi bút. Ông Bình bảo các cụ xưa kia yêu chữ thánh hiền, luôn đề cao việc học. Dùng ngòi bút hướng lên trời cũng là để con cháu noi gương tổ tiên biết yêu câu chữ, văn chương. 

Vĩ thanh

Ngôi làng cho đến ngày nay vẫn còn lưu giữ được những chiếc giếng cổ, thỉnh thoảng đi trong làng lại bắt gặp một cái giếng nước trong. Mặt giếng to bằng 5 chiếc mâm cơm chụm lại trông như hình bông hoa hướng dương. Giếng làng xưa vừa là nơi cung cấp nguồn nước cho đời sống sinh hoạt trong làng, cũng là nơi để người dân giao lưu sinh hoạt văn hóa.

Những tiếng hát, câu thơ từ các bà, các mẹ được cất lên từ giếng làng thân thương ru con ru cháu biết yêu tha thiết quê hương. Con người có tổ có tông, như cây có ngọn như sông có nguồn.

Ông Nguyễn Trọng Vũ, trưởng thôn làng Phù Lưu, cho biết: Đất Phù Lưu được xây dựng trên lưng ngọn núi Phủ Từ cũ, cạnh dòng chảy của sông Tiêu Tương, khí đất linh đã sản sinh ra biết bao nhân tài cho đất nước. Cách đây ít lâu, ngay chính tại quê hương của cố nhân, ngôi làng nhỏ này đã làm lễ vinh danh những tác phẩm điện ảnh tiêu biểu, có hội thảo về nhà quay phim, NSND Nguyễn Đăng Bẩy và tọa đàm về nhà biên kịch nổi tiếng Hoàng Tích Linh.

Ông chỉ tay ra phía ngoài bảo: “Nhà lưu niệm của nhà văn Kim Lân, một người con ưu tú của đất này ở kia”. Nắng chiếu lấp lánh dưới mặt đường lát đá xanh, những câu văn trong chuyện “Làng” của nhà văn lại hiện về rõ mồn một: “Đường trong làng lát đá xanh, trời mưa trời gió tha hồ đi khắp đầu làng cuối xóm, bùn không dính đến chân. Tháng năm, ngày mười phơi rơm, phơi thóc thì thượng hạng, không có lấy một hạt đất...”.

Trần Mỹ Hiền
.
.