Về việc bảo quản Di tích lịch sử cách mạng nội thành TP HCM

Thứ Năm, 09/07/2009, 18:35

Có một thực trạng, dĩ nhiên là thực trạng không vui đang diễn ra hằng ngày và có khả năng biến thành một cái lệ rất xấu - đó chính là chuyện cơ quan quản lý văn hóa thực hiện việc "ban ơn đối với di tích".

Hầu hết, những khu di tích đang được các cơ quan văn hóa "tự nguyện" bảo quản trong thời điểm hiện tại phải là những điểm di tích rất nổi tiếng và không thể bị lãng quên. Những khu di tích còn lại, dẫu có giá trị về mặt lịch sử nhưng "lỡ" không nổi tiếng, ít được nhiều người biết đến đều lâm vào tình trạng được "ban ơn", không hơn không kém(!)

1. Cái hẻm mang số 287 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TP HCM nằm trúc trắc như một giao lộ nhỏ cắt ngang hai tuyến đường Nguyễn Đình Chiểu và Võ Văn Tần. Hẻm liên thông ở TP HCM thường được người dân tận thu làm chợ. Cái chợ nhỏ ồn ào và kín hết lối đi.

Nếu như trên cái biển giới thiệu tên hẻm, không có vài dòng chữ "287/70 Cơ sở cất giấu vũ khí của Biệt động thành đánh Dinh Độc lập năm 1968"  thì không ai biết trong cái chợ tự phát đó, lại có căn nhà ẩn chứa rất nhiều giá trị lịch sử sau cuộc Tổng tiến công Mậu Thân - 1968 bi hùng.

Ngày 2/2/1968, tức sau một ngày chiến dịch tết Mậu Thân bắt đầu, trên một số báo tại Sài Gòn lúc bấy giờ đều cho chạy dòng tin chiến sự quá đỗi ấn tượng đối với các quan chức Việt Nam Cộng hòa: "Cảnh sát khám phá và tịch thu tại hai nhà trên đường Trần Quý Cáp 300kg thuốc nổ, mìn, 400 ngòi nổ điện, 1.500 viên đạn cùng nhiều khí cụ khác". 

Chủ nhân của hai căn hộ được báo chí Sài Gòn ngày đó nhắc tới chính là ông Trần Văn Lai, tức Năm Lai hay chiến sĩ biệt động thành Mai Hồng Quế. Ngày đó, dưới vỏ bọc là một nhà thầu khoán đang ăn nên làm ra, ông Mai Hồng Quế bỏ tiền mua một dãy nhà gồm 3 căn liền nhau tại hẻm 287 Trần Quý Cáp (nay là đường Võ Văn Tần).

Tiếp đến, mỗi đêm ông âm thầm cùng vợ đào hầm làm nơi cất giấu vũ khí để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công. Sau khi hoàn thành, căn hầm được ghi nhận là "hầm kiên cố, có thể chứa được trên 2 tấn vũ khí, có nhiều lối thông ra hệ thống cống ngầm để chiến sĩ có thể thoát thân khi bị địch phát hiện. Khả năng chống thấm và chống ẩm là cực tốt. Ngoài ra, còn có đường nối đường hầm với hóc nhà để tạo sự thông thoáng và có cả lối thoát hiểm sang hai nhà kế bên...".

Sau khi hầm hoàn tất, vũ khí được ngụy trang dưới vỏ bọc là các giỏ trái cây, những cuộn cót làm vật liệu trang trí... chuyển vào hầm ngày càng nhiều. Để rồi ngày 31/1/1968, (tức đêm mồng Một tết Mậu Thân) số vũ khí ở căn hầm bí mật này được phân phối cho các chiến sĩ biệt động thành tấn công Dinh Độc lập.

21 năm sau, năm 1989, căn nhà chính thức được Bộ Văn hóa chứng nhận là Khu Di tích lịch sử quốc gia. Thời gian đằng đẵng trôi. Đã có lúc cứ tưởng căn hầm được phong là Di tích lịch sử quốc gia ấy đã không còn tồn tại giữa thành phố này.

Hôm chúng tôi đến tìm hiểu về hiện trạng của khu di tích này, phía trước cửa khu di tích là quầy hàng choán hết cả lối đi. Thấy có khách tới, mà cũng đã được dặn trước, nên chị bán hàng quê gốc Bình Định vừa thu vén lại hàng hóa để chúng tôi có thể đặt chân vào khu di tích, vừa nói như phân trần: "Hôm nào có khách là tôi nghỉ bán liền à. Hôm nay có nhà báo đến thăm, thế nào ông coi di tích cũng sẽ la tôi là sao bày hàng ngay trước mặt nhà báo".

Cơ sở chỉ huy tiền phương Phân khu 6 trong Chiến dịch Mậu Thân.

Trong cái hẻm chợ này, bà con tiểu thương quen miệng gọi khu di tích là nhà truyền thống. Mà có lẽ, họ cũng chẳng quan tâm khu di tích ấy đang ẩn chứa những giá trị lịch sử gì(?!). Ông Nguyễn Quang Vinh, một Đại tá quân đội chuyển ngành, đã có thời là Phó GĐ một xí nghiệp dược, giờ về hưu trở thành hướng dẫn viên cho căn hầm lịch sử này.

Từ năm ngoái, ông được Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch (VH-TT&DL) TP HCM trợ cấp 1 triệu/ tháng. Mà cái chuyện ông tự nguyện trông coi di tích, cũng xuất phát từ lời tâm niệm của ông Mai Hồng Quế trước khi ông mất, chứ cũng chẳng xuất phát từ chuyện "tuỵển nhân viên" của cơ quan văn hóa.

Chẳng mấy khi ông có việc vì thi thoảng lắm vào dịp lễ lớn thì mới có khách đến thăm khu di tích. Khi nào khách đến với số lượng lớn, người trên Sở sẽ gọi điện thoại thông báo trước để ông... mở cửa nhà đón khách tham quan.

Căn hầm cách mạng ngày ấy giờ bị thu hẹp đến không ngờ, ông Vinh nói căn hầm này đào xuyên qua 3 căn nhà mà ông Mai Hồng Quế đã mua. Nhưng do nhiều lý do, chỉ còn căn hầm của ngôi nhà giữa là được bảo tồn. Phần diện tích căn hầm ở hai nhà số 287/68 và 287/72 đã bị lấp. Những con đường liên thông theo đúng cấu trúc cũ của căn hầm ngày ấy đã bị bít kín... Cảm giác của tôi khi xuống tham quan căn hầm là tiếc nuối, tiếc nuối đến xót lòng.

Vì đôi lúc, những quá khứ hào hùng, những vật chứng quá khứ để lại xét về giá trị tư liệu luôn vượt quá sự chuyển tải của chữ nghĩa mà cần có sự cảm nhận trực tiếp từ quan sát. Nghe ông  Vinh nói là cơ quan văn hóa cũng đã thương lượng đòi đổi nhà cho hai căn hộ trên để có thể khôi phục hoàn toàn căn hầm lịch sử này, nhưng mọi thứ chỉ dừng lại ở mức... nghe nói.

Trên thực tế, sẽ là quá đáng nếu như báo chí cứ liên tục "ép" cơ quan quản lý phải khôi phục công trình lịch sử này, bảo tồn khu di tích kia, quảng bá giá trị của bảo tàng nọ... Các quan chức ở những cơ quan này luôn có cách trả lời rất hay mỗi khi trả lời báo chí về trách nhiệm của họ đối với những khu di tích lịch sử. Nhưng, cái rất hay của một cuộc phỏng vấn đến cái rất hay của hành động thực tiễn là một khoảng cách rất dài. Mà có khi, không vị quan chức nào muốn thu hẹp cái khoảng cách ấy.

2. Số 7 Yên Đổ ngày trước nay là số 7 đường Lý Chính Thắng, quận 3. Hồi đó, đường Yên Đổ nổi tiếng lắm. Số 7 Yên Đổ lại càng nổi tiếng hơn vì có tiệm phở Bình nức danh. Có ai ngờ, chính tiệm phở lừng danh ấy, lại là nơi tâm điểm của cuộc Tổng tiến công năm Mậu Thân.

Trên căn phòng ở lầu 3, chính là Cơ sở Chỉ huy tiền phương Phân khu 6 trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968. Chủ của căn hộ này là nhà cách mạng Ngô Toại. Năm 1989, căn phòng này được công nhận là di tích lịch sử quốc gia. Tiệm phở Bình ngày nay vẫn buôn bán bình thường, vẫn đóng thuế như bao hộ kinh doanh khác.

Chỉ có điểm đặc biệt là trên tên hiệu quán, được cơ quan văn hóa trang trí bằng tấm phù điêu công nhận khu di tích màu đỏ, nhìn rất nổi bật. Tiếp chúng tôi là con dâu út của nhà cách mạng Ngô Toại, ông đã mất cách đây vài năm. Câu chuyện chủ yếu xoay quanh việc căn phòng lịch sử này được Sở VH-TT&DL TP HCM quan tâm đến đâu. --PageBreak--

Thay vì trả lời trực tiếp câu hỏi của tôi, chị cười buồn nói: “Cách đây hai năm, tôi có xin bên Sở cái quạt trần để khi có khách tham quan giúp họ đỡ nóng và ngột ngạt. Nhưng cho đến giờ, vẫn phải xài tạm cái quạt máy của nhà".

Các tấm ván treo ảnh lưu niệm trong căn phòng lịch sử bị mối mọt, chị phải nhờ đến năm lần bảy lượt mới được Sở cho thay vài tấm ván mới. Khách đến tham quan căn phòng ở số 7 Lý Chính Thắng chủ yếu là khách nước ngoài. Có lúc, nhiều khách tham quan đã bật khóc khi được chụp ảnh chung với ông Ngô Toại, cái thời ông còn sống. Có lẽ, họ khóc vì những dấu ấn mãnh liệt của thời xa xưa. Căn phòng chỉ hơn 16m2 ấy có giá trị vô hình lớn gấp nhiều lần diện tích theo con số toán học.

Trách nhiệm lớn nhất của cơ quan văn hóa đối với căn phòng này là thỉnh thoảng cử nhân viên xuống hỏi thăm và trợ cấp mỗi tháng 475.000 đồng. Và vẫn như cách làm đang diễn ra ở nhiều khu di tích "kém nổi tiếng" khác là mỗi khi có khách thì Sở gọi điện thoại báo cho chủ nhà chuẩn bị. Còn với khách du lịch không phải người nước ngoài, không thông qua Sở để được tham quan thì không biết sẽ như thế nào (?!).

3. Nếu như hai khu di tích điển hình trên, đang được bảo quản kiểu "ban ơn" thì cũng phải lấy làm may mắn. Bởi hàng loạt những khu di tích nổi tiếng khác, hầu như bị lãng quên hoàn toàn. Có địa chỉ được ban cho một tấm phù điêu nhỏ như cuốn vở học trò để ghi dấu, còn nhiều địa chỉ khác gần như  bị "xóa sổ".

Trụ sở báo Dân Chúng đặt tại 43 đường Hamelin (nay là Lê Thị Hồng Gấm), quận 1. Năm 1938, khi báo Dân Chúng ra đời, thì đây chính là cơ quan tuyên truyền của Đảng Cộng sản Đông Dương. Sáng lập ra tờ Dân Chúng là Tổng bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương Nguyễn Văn Cừ và nhà cách mạng Hà Huy Tập.

Đây là tờ báo vinh dự được đăng bài đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết cho báo trong nước ở thời kỳ vận động dân chủ. Đây cũng là tờ báo có lượng phát hành cao nhất trên toàn cõi Đông Dương trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Tuy nhiên, trụ sở báo Dân Chúng giờ đã mất dạng, nhường chỗ cho một cơ sở kinh doanh. Cái còn sót lại duy nhất của nơi từng là tòa soạn báo là tấm phù điêu đánh dấu chữ đã phai dán trên tường căn nhà mặt tiền số 43 ấy.

Căn hầm cất giấu vũ khí của Biệt động thành này đã bị bịt kín các đường thoát hiểm khác rất xa so với hiện trạng ban đầu.

Và nếu trụ sở báo Dân Chúng được tưởng nhớ bằng tấm phù điêu nhỏ, thì căn phòng nơi nhà cách mạng Châu Văn Liêm thành lập An Nam Cộng sản Đảng ở lầu 2 chung cư số 1 Nguyễn Trung Trực, quận 1 đã không còn dấu tích. Dẫu rằng, năm 1988 nơi đây đã được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích lịch sử. Căn phòng được công nhận là lịch sử đó, giờ là nơi ở thuê của hai vợ chồng Việt kiều.

Người dân trong khu chung cư chỉ biết loáng thoáng cái nhà lịch sử trước đó thôi, chứ giờ nhà đã đổi chủ, người nhớ người quên. Thời mà mỗi tấc đất ở quận 1, luôn được tính bằng hàng chục lượng vàng, thì dường như không có chỗ cho các giá trị lịch sử(!). Còn rất nhiều di tích lịch sử cách mạng trong nội thành TP HCM cũng lâm vào tình trạng biến mất một cách không hình không tiếng như vậy.

Trên thực tế, theo quan sát của chúng tôi, thì lâu nay nhiều người làm văn hóa ở các cơ quan quản lý văn hóa (chúng tôi không dám nói đến những nhà nghiên cứu - PV) luôn bị ám ảnh bởi khái niệm "di tích gắn liền với du lịch". Chính vì điều này, nhiều vị ở các cơ quan quản lý văn hóa rất dễ thỏa mãn với một vài khu di tích đồng thời là địa điểm du lịch nổi tiếng mà lãng quên các khu di tích lịch sử khác, kiểu như cách mà Sở VH-TT&DL TP HCM đang "nhớ Củ Chi mà quên nội thành".

Một yếu tố nữa, theo quan điểm của chúng tôi, cơ quan quản lý văn hóa đã không sòng phẳng với di tích lịch sử cách mạng trong nội thành, đó chính là việc họ đã không cho các khu di tích này cơ hội được quảng bá hình ảnh của mình. Có chăng, chỉ là những đợt kỷ niệm rất "khiêm tốn" vào những dịp lễ lớn hoặc các năm cột mốc liên quan đến sự kiện theo đúng tiêu chí cũng "đặc biệt" không kém, chính là "việc phường, phường liệu, việc quận, quận lo, còn phía trên... xem như không biết".

Tuy nhiên, vượt lên trên cả những yếu tố đã kể trên chính là chuyện, cần phải trân trọng lịch sử. Lịch sử luôn có những giá trị của riêng nó, không ai có thể biến chuyển, không gì có thể quy đổi được. Không lẽ, những người làm quản lý văn hóa ở nước ta, vẫn mãi chấp nhận được chuyện "di tích vài ba cái, người biết dăm bảy người".

Lẽ đương nhiên, người làm văn hóa có cái khó của họ, khi mà những giá trị vật chất đang bóp gãy rất nhanh chóng các giá trị về tinh thần. Nói thì nói vậy, nhưng không thể viện lý do đó cho sự tắc trách, thiếu trách nhiệm và lơ là của cơ quan quản lý văn hóa đối với những di tích lịch sử cách mạng trong nội thành.

Đã cấp thiết lắm rồi, một giải pháp thực tiễn để "cứu" những di tích lịch sử cách mạng trong nội thành TP HCM, thay vì những lời hứa, những lời phát biểu về sự quan trọng của nhiều khu di tích cách mạng trong những đợt công nhận di tích mới hoặc ở thời điểm bắt buộc kỷ niệm... khi tập trung đông đảo giới truyền thông tham dự, từ những quan chức của cơ quan quản lý văn hóa.

Lời nói không thể cứu những giá trị lịch sử cận đại đang dần bị lãng quên(!)

Ngô Nguyệt Hữu
.
.