Về Yên Tử, hành hương nơi đất Phật

Thứ Sáu, 06/03/2015, 17:25
Trăm năm tích đức tu hành/ Chưa về Yên Tử chưa thành quả tu”. Đầu xuân năm mới dòng người ở khắp mọi miền của Tổ quốc đổ dồn về Yên Tử. Lễ hội kéo dài từ ngày khai hội mồng 10 tháng Giêng âm lịch cho đến hết tháng 3 âm lịch, người ta du xuân chiêm bái một vùng núi non hùng vĩ, đất Phật linh thiêng thuộc dòng phái Trúc lâm Yên Tử.

Mùa xuân, mùa khởi đầu cho một năm mới an lành, mùa của sự sinh sôi nảy nở của vạn vật cỏ cây. Lòng người phơi phới cùng nhau đi hội, kẻ đi xa người đi gần, hành hương về vùng đất sương khói bảng lảng, tâm linh huyền bí. Ai nấy hân hoan phấn khởi trước cảnh thiên nhiên đất trời giao hòa, tận hưởng bầu không khí trong lành quên hết những âu lo phiền muộn của cuộc sống đời thường để thả lòng mình phiêu diêu bồng bềnh nơi cửa Phật, tĩnh tại tu tâm, thấy mình nhẹ nhõm, thanh thản. 

Đến Yên Tử để rồi nghe từ trong sâu thẳm tiếng gọi của cõi lòng vọng về như câu hát: “Mênh mênh mang mang Phù Vân Yên Tử, Vi vi vu vu Trúc Lâm thiền tự, thổn thức nỗi lòng ai kẻ tình si, nước mắt tràn mi tìm người trong mộng…”. Cứ như vậy,  tắm mình trong không gian của một huyền thoại để thưởng thức cảnh đẹp còn hoang sơ bí ẩn, ngắm những cánh rừng xanh bạt ngàn trùng điệp, những ngọn núi nhấp nhô bao bọc bởi tứ bề mây phủ, cả chục ngôi chùa trên những ngọn núi cheo leo ngút ngàn đã ăn sâu vào tiềm thức dân Việt tự bao đời.

Địa hình của nước ta, hai phần ba là đồi núi, một phần ba là đồng bằng. Núi non trùng điệp ở khắp mọi miền của Tổ quốc nhưng nói đến Yên Tử là nhắc về một miền đất phát tích của Phật hoàng Trần Nhân Tông, vị Sư tổ, người sáng lập ra trường phái Trúc Lâm Yên Tử.

Hơn 700 năm trước Đức Vua Trần Nhân Tông sau hai lần lãnh đạo quân dân Đại Việt đánh thắng giặc Nguyên - Mông sau đó ông từ bỏ ngai vàng, từ bỏ cuộc sống chốn cung đình về Yên Tử tu hành sáng lập nên Thiền phái Trúc Lâm, dòng thiền đầu tiên và duy nhất có Sư tổ là Hoàng đế Việt Nam. Ông cho xây dựng hàng trăm công trình lớn nhỏ trên núi để làm nơi tu hành và truyền kinh, giảng đạo.

Sau vị Sư tổ thứ nhất đức Phật hoàng Trần Nhân Tông là vị Sư tổ thứ hai Pháp Loa Đồng Kiên Cương. Người đời truyền tụng, 19 năm tu hành vị sư tổ thứ hai cho xây dựng 800 ngôi chùa, am tháp lớn nhỏ và đúc hàng nghìn pho tượng. Vị Sư tổ thứ ba là Pháp Loa Huyền Quang.

Những vị sư tổ của trường phái Trúc Lâm Yên Tử biểu trưng cho  đạo pháp với tư tưởng: “Hòa quan đồng trần,  hương trần lạc đạo”. Ngày nay tư tưởng đó vẫn còn nguyên giá trị. Và trong tâm khảm của chúng dân, Yên Tử là kinh đô của Phật giáo Việt Nam, là đất Tổ linh thiêng của mỗi người con Phật. Ngọn núi đặc biệt này nằm trong dãy núi Đông Triều vùng đông bắc Việt Nam. Núi nằm giữa hai địa phận của tỉnh Bắc Giang và Quảng Ninh.

Năm nào cũng vậy, đến hẹn lại lên, đã hơn chục năm nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức cho các nhà báo đến Yên Tử để dự buổi khai hội xuân nơi đây. Xe khởi hành lúc 13 giờ tại chùa Phúc Khánh (Hà Nội) đi qua cây cầu dài nằm vắt ngang sông Hồng, chạy qua địa phận Bắc Ninh, chạy thẳng tới Đông Triều, thuộc thành phố Quảng Ninh. Xe đến đền Trình vào lúc 16 giờ.

Ngắm từ xa, Yên Tử hiện ra trong núi non trùng điệp nhấp nhô, không gần mà cũng không xa, sương khói mây mù bảng lảng càng tăng thêm vẻ huyền bí tĩnh mịch. Sau khi hương khói thành tâm kính lễ tại đền Trình, dự bữa cơm chay tại đây, mọi người lại tiếp tục lên xe tới Yên Tử. Yên Tử cách đền Trình chừng 13km, đường đồi núi quanh co khúc khuỷu nhưng không khó đi, khoảng 15 phút sau là bạn đã đặt chân đến vùng đất nhuốm màu huyền thoại và vô số giai thoại kỳ bí linh thiêng.

Đến Yên Tử vào kính lễ tại suối Giải Oan, Tháp Tổ, chùa Một Mái, chùa Bảo Sái, tượng đá An Kì Sinh, am Ngọa Vân… bàn cờ tiên, nơi đây còn có Thiền Viện Trúc Lâm Yên Tử được xây dựng trên nền dấu tích của chùa Lân mà Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông từng thuyết pháp, giảng đạo cho chúng sinh. Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử được coi là nơi khang trang bề thế nhất của thiền viện Phật học trong cả nước. Có hai con đường để đi đến chùa Đồng hoặc đi đường bộ, hoặc hai chặng cáp treo.

Trước đây, khi chưa có cáp treo, người đến nơi này muốn đến chùa Đồng - ngôi chùa cao nhất trên núi Yên Tử, và chiêm bái những ngôi chùa nhỏ nằm rải rác dọc trên sườn núi phải dành hai ngày vì quãng đường xa khó đi. Người ta leo bộ dừng chân nghỉ lại các ngôi chùa chơi vơi, vắt vẻo trên núi để thưởng lãm vẻ đẹp như chốn bồng lai tiên cảnh. Ngày ngắm mây, nghe tiếng suối reo, chim kêu, vượn hót… Đêm tĩnh mịch từ trên núi cao nhìn xuống xa xa ánh đèn điện lấp lánh sát chân núi như những chiếc thuyền rồng đưa người đến, đón người đi.

Mấy năm trở lại đây, có hai chặng cáp treo. Chặng thứ nhất từ dưới chân Yên Tử đến chùa Hoa Yên. Chặng thứ hai từ chùa Hoa Yên đến gần An Kì Sinh thăm tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông tọa lạc trên tòa sen và đi bộ leo núi một đoạn đến chùa Đồng. Từ ngày có cáp treo việc đi lại trở nên dễ dàng hơn, các cụ già và cháu nhỏ không cần quá vất vả cũng đến được với đỉnh núi cao nhất của đất Yên Tử, nhưng cũng vì thế các ngôi chùa không đi bằng cáp treo mà đi đường bộ có phần vắng người qua lại, thưa thớt hơn.

Thấm thoát mới đó mà đã một năm, vào giờ này năm ngoái, mùa lễ hội, tối mồng 9 tháng Giêng chúng tôi nghỉ tại ngôi nhà sàn gần khu vực chùa Hoa Yên. Đất chật người đông, 6, 7 người ôm nhau ngủ trên một chiếc chiếu, một cái chăn con công, 5, 6 người đắp. Hàng chục người nằm la liệt sát sạt vào nhau trên nhà sàn cheo leo nơi sườn núi. Đàn ông nằm một góc, đàn bà nằm một góc, ngoài cửa sổ, tiếng mưa rơi lộp độp, gió ngàn vi vút thổi. Đến đất Phật, chẳng mấy khi được hưởng khung cảnh thần tiên nên chả mấy ai muốn ngủ.

Đêm xuống, người ta ra đứng ở sân chùa Hoa Yên bên những hàng cây đại có niên đại hàng trăm năm, không lá, không hoa chỉ có toàn thân từ gốc cho đến ngọn một màu trắng mốc vững chãi trường tồn như một minh chứng sống cùng lịch sử. Tiếng côn trùng rả rích, ếch nhái râm ran, thi thoảng con thằn lằn xanh đu mình trên những thân cây đại già rồi biến mất.

Mặc kệ sương đang xuống, gió lạnh lùa từng cơn, cả những giọt mưa xuân lây phây rơi xuống tóc, nhưng rồi người ta vẫn cứ đứng đấy từ sân chùa Hoa Yên nhìn ra tứ bề. Con người hòa cùng với mây trời cảnh vật nửa thực, nửa mơ, nửa hư, nửa ảo để rồi ngơ ngác với câu hỏi: “Phải chăng ta đang mơ hay đang tỉnh?”.

Sáng hôm sau trở dậy đã nghe thấy tiếng người gọi nhau í ới rủ nhau lên đỉnh chùa Đồng. Mở cửa sổ trên nhà sàn, mây trắng bồng bềnh trước mặt, ta như tan vào hư vô, chốn thiền là đây, đất thiêng là đây, cõi tâm, cõi phúc, cõi lành là đây.

Về Yên Tử con người ta như được tiếp thêm sức mạnh từ hồn thiêng sông núi, được sống lại với quá khứ hào hùng của dân tộc, được thắp thêm ngọn lửa truyền thống của tinh thần yêu nước, đạo nghĩa thủy chung, được hòa mình vào cõi tâm, cõi thiện. Thành tâm khấn nguyện trước cửa thiền  tỏ lòng thành kính, bái ngưỡng Phật hoàng để nhắc cho mỗi người phải tốt đời đẹp đạo, cầu mong cho mọi người mọi nhà một năm mới bình an, no đủ. Yên Tử  nơi kết tinh của khí linh sông núi, nơi hội tụ tâm linh bao đời. Một vùng núi non điệp trùng, suối reo giữa rừng đại ngàn tạo thành một vùng danh sơn hùng vĩ.

Lễ hội chào xuân Yên Tử.

Mồng 9 âm lịch năm nay lên Yên Tử đã có sự đổi thay, những nhà sàn gần chùa Hoa Yên bị dỡ bỏ, khách thập phương muốn ngủ nghỉ qua đêm thì xuống dưới chân núi có nhiều nhà nghỉ và khách sạn với giá bình dân, ba người một phòng hay cả chục người trong một phòng cũng có. Nếu đi taxi từ đền Trình đến Yên Tử chỉ mất 150 nghìn đồng cho 13 cây số đường đồi núi.

Qua chặng cáp treo thứ nhất dừng ở Hoa Yên, trong màn đêm, ánh đèn điện hắt ra từ những bậc cấp, leo bộ một đoạn là ta thấy tượng Phật hoàng trong vòm đá nằm giữa chiếu dừng của bậc tam cấp, hai bên là hai cây đại già hàng trăm năm tuổi, mùi nhang khói nghi ngút, tiếng chuông chùa từ Hoa Yên vang động vào không gian vốn tĩnh mịch, nhuốm đầy màu sắc thần bí. Xung quanh tượng của ngài là hàng chục xá lị của các vị chân tu Phật học.

Leo qua những bậc cấp để đặt chân đến cửa chùa là ta đang đi vào cõi tu, cõi thiện. Từ ngoài cửa đã nhìn thấy những bức tượng uy nghiêm oai vũ thiền định, ai nấy cúi đầu chắp tay thành kính dâng hương dâng hoa cúng dường chư Phật. Hai vị Hộ Pháp đĩnh đạc oai nghiêm bên tả, bên hữu, tượng Đức thánh hiền, tượng Hưng Đạo Đại vương, tượng Địa Tạng vương Bồ Tát… Đằng sau chùa là cung nhà Mẫu cũng hương khói nghi ngút. Thi thoảng tiếng chuông chùa đổ lên như gieo vào đêm tối âm thanh lanh lảnh trầm ấm vang rền.

Trước sân chùa ta ngước lên nhìn là hai ngọn cờ cao lớn tung bay trước gió. Lá cờ đỏ có ngôi sao vàng năm cánh của Tổ quốc Việt Nam, cạnh đấy là lá cờ ngũ sắc lung linh tỏa sáng của Phật giáo. Từ đây nhìn xuống, những ánh đèn điện trên những cây cột điện làm hình đài sen sáng rực lung linh như những ngọn nến cháy sáng trong đêm. Đêm của cuộc đời, đêm của lòng người phơi phới, một đêm đáng nhớ. Trong kia tiếng trống, tiếng kèn, tiếng gõ mõ tụng kinh của các hòa thượng đang làm lễ vang vọng.

Không gian trong và ngoài chùa Hoa Yên khiến cho con người không khỏi ngây ngất say đắm thì phong thủy ở đây quả thực là đắc địa vô ngần. Chùa Hoa Yên có huyền vũ là ngọn núi Yên Tử thuộc dãy núi Đông Triều trải ngang. Phía minh đường có vùng trũng thấp do cấu tạo khu vực chân núi, xung quanh là ngọn đồi núi như những cơn sóng xanh biếc nhấp nhô trùng điệp, như hình con rồng uốn mình trong không gian bao la.

Bên tả, bên hữu đều có đồi núi uốn lượn lại có mây trắng bao bề phủ lên đến con đường với trục đường chính của ngôi chùa. Hình thế này được gọi tên “Long giáng Hổ thăng mạch đồ”, hai linh vật tối linh một trên trời, một dưới đất hòa quyện cùng chầu về minh đường tạo ra hình thế đắc địa phong thủy có một không hai.

Cáp treo vào mùa hội mở cửa từ 6 giờ sáng đến hơn 10 giờ tối, nhưng những đêm như đêm nay sẽ kéo dài đến nửa đêm vì khách thập phương đến chiêm bái Đức Phật hoàng ngày càng đông. Chúng tôi lại dạo bộ qua chùa Một Mái để đến khu cáp treo lên chùa Đồng.

Ngồi trên cáp treo trong đêm tối xung quanh là một màu đen kịt, lên ngày một cao, tai ù đi, cảm giác đu mình trên không mang đến sự tò mò hưng phấn. Xuống cáp treo, chúng tôi lại đi bộ đến tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông. Trong đêm tối, chúng tôi tắt hết đèn pin và ngước mắt lên trời, Ngài ngự trên một tòa sen, oai nghiêm. Lúc này ta có cảm giác mình nhỏ bé như hạt bụi của sa mạc mênh mông.

Đêm tối, sương xuống, gió lùa từng cơn, chúng tôi vẫn đi trong đêm. Con người lúc này tan vào mây khói bồng bềnh, hư ảo, hồn thiêng núi non đất trời, vạn vật cỏ cây để đến với ngôi chùa Đồng trên đỉnh cao Yên Tử. Lên đến đây, chạm vào đất này là con người được hưởng sự linh thiêng của đất trời.

Trước khi lên Yên Tử, cơ duyên gặp nhà nghiên cứu di sản - Giáo sư Trần Lâm Biền, ông dặn: “Lên đến nơi vái tứ phương chứ đừng chỉ vái ngôi chùa làm bằng đồng. Bởi đồng ấy là vật chất rất nặng kéo người ta chìm vào trong thế giới trần tục, còn chùa Đồng là ngôi chùa nhỏ như chuồng chim có tính chất biểu tượng gọi là chùa Đồng. Chữ đồng ở đây là phải hiểu là đồng nhất giữa trời và đất, giữa tầng trên và tầng dưới”.

Vâng, giữa làn sương lạnh, bảng lảng sương khói mơ hồ, gió ầm ào, chúng tôi ướt lướt thướt chon von trên đỉnh ngọn núi nơi có chùa Đồng tọa lạc thành tâm thắp hương cúi người chắp tay cung kính tượng Phật hoàng và không quên vái tứ phương. Lời bài hát của nhạc sĩ Phó Đức Phương văng vẳng giữa chốn tiên cảnh: “Mênh mênh mang mang Phù Vân Yên Tử. Vi vi vu vu Trúc Lâm thiền tự, vời vợi đất trời phiêu dạt tình ai, giữa chốn huyền không tìm người trong mộng,… tìm người trong mộng”.

Trần Mỹ Hiền
.
.