Vết nhơ của sắc đẹp!

Thứ Bảy, 18/07/2020, 12:30
Phía sau ánh đèn lấp lánh của sân khấu hào nhoáng, ẩn sau vẻ đẹp đầy mộng mị và mê hoặc của những á hậu, hoa hậu, người đẹp các loại, là một thế giới khác, tối tăm, nơi không ít người đẹp dễ dàng sa chân vào tệ nạn mại dâm bất cứ lúc nào bởi sự cám dỗ của đồng tiền.

Danh hiệu càng cao, giá “đi khách” càng tăng

Sau khi thông tin Cục Cảnh sát hình sự và Công an phường Bến Nghé (quận 1, TP Hồ Chí Minh) bất ngờ đột kích một khách sạn 4 sao trên địa bàn, bắt quả tang 3 người mẫu đang thực hiện hành vi bán dâm với giá từ 18.000 - 30.000 USD, đã xuất hiện thông tin ban đầu rằng một trong 3 cô gái bị bắt quả tang bán dâm là người nổi tiếng, từng giữ danh hiệu Hoa hậu Thế giới người Việt ở nước ngoài. Đây không phải lần đầu dư luận dậy sóng vì những đường dây bán dâm toàn người nổi tiếng được phanh phui.

Còn nhớ, đầu tháng 9/2018, thông tin đường dây bán dâm có các á hậu, người mẫu, MC nổi tiếng bị phanh phui khiến dư luận ngán ngẩm. Trong đó, á hậu T.D. “đi khách” với giá 7.000 USD/lượt vẫn còn khiến công chúng dè bỉu. Ngoài á hậu T.D. và người dẫn chương trình C.V., cái tên tiếp theo bị phanh phui trong đường dây bán dâm giá “trên trời” này là T.M.L. - Á hậu Hoa hậu Sắc đẹp Việt toàn cầu.

Nhiều hoa hậu, á hậu của các cuộc thi sắc đẹp từng bị cơ quan chức năng điều tra về đường dây bán dâm nghìn USD.

Tại Cơ quan điều tra, T.M.L. khai báo mình nhiều lần bán dâm cho đại gia để lấy tiền trang trải sinh hoạt. Mức giá bán dâm của T.M.L từ 1.000 USD đến chục ngàn USD.

Trước đó vài năm, sự kiện người đẹp Mỹ Xuân cầm đầu đường dây bán dâm gồm hot girl, hoa khôi, người mẫu, ca sĩ... có tiếng gây chấn động dư luận. Mỹ Xuân được biết đến sau khi đoạt danh hiệu cao nhất tại cuộc thi Hoa hậu Nam Mekong 2009.

Trước đó cô từng tham gia cuộc thi nhan sắc Người đẹp Sóc Trăng và giành giải nhất. Không chỉ làm “má mì”, Mỹ Xuân cũng trực tiếp “đi khách” với giá 4.000 USD/đêm. Cô này sẵn sàng đi với khách đến các thành phố lớn hay Campuchia.

Thời điểm bị bắt, Mỹ Xuân khai nhận rằng do cát-sê từ công việc người mẫu không đủ tiền son phấn, quần áo, trong khi nhìn sang đồng nghiệp thấy nhiều người dùng hàng hiệu, đi xe đắt tiền... nên bản thân bắt đầu sa ngã, chọn con đường đi bán dâm để kiếm tiền cho bằng bạn bằng bè.

Tại phiên tòa xét xử, Mỹ Xuân nhận mức án 2 năm 6 tháng tù giam vì hành vi môi giới mại dâm. Hành vi của chân dài sinh năm 1985 được xác định là làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội, danh dự, uy tín của những người mẫu chân chính, ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm của phụ nữ Việt Nam cũng như thuần phong mỹ tục.

Tháng 6/2014, nhờ cải tạo tốt, Mỹ Xuân được ra tù sớm hơn 8 tháng so với mức phạt và bày tỏ sự ăn năn, hối hận vì những sai lầm trong quá khứ. Tuy nhiên, người đẹp một thời cũng lặng lẽ lui về cuộc sống cá nhân vì không thể hoạt động showbiz như trước được nữa.

Có thể thấy, chiếc vương miện đã khiến các cô gái đổi đời chỉ sau một đêm – danh tiếng, tiền bạc và những cơ hội khác. Theo một nhân vật từng “nâng đỡ” cho rất nhiều người đẹp đến với các cuộc thi sắc đẹp đủ loại (xin giấu tên), danh hiệu ở các cuộc thi nhan sắc có thể nâng tầm người đẹp và thậm chí, đẩy giá “đi khách” cao hơn. Đó là lý do không ít chân dài “cố sống, cố chết” để góp mặt vào các cuộc thi nhan sắc từ lớn đến nhỏ chỉ để... chào hàng!

Rõ ràng, hoa hậu, người mẫu, diễn viên vốn là người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa xã hội, được coi là người của công chúng, có tầm ảnh hưởng trong xã hội. Thay bằng giữ gìn hình ảnh, hoạt động xã hội một cách chân chính để truyền tải giá trị của cái đẹp, lan tỏa giá trị chân - thiện - mỹ, những người đẹp này lại lợi dụng sa đà vào con đường phi đạo đức, bất hợp pháp.

Lối sống lệch lạc của họ đã làm ảnh hưởng không nhỏ một bộ phận giới trẻ, thể hiện sự xuống dốc của đạo đức xã hội, đặc biệt là ảnh hưởng đến những người làm nghệ thuật chân chính.

Cần chế tài thật mạnh để cứu lấy những danh hiệu chân chính

Còn nhớ, tháng 4 vừa qua, thế giới lên cơn sốt về Hoa hậu Anh Bhasha Mukherjee đã “cất” vương miện và trở về quê nhà thực hiện nghĩa vụ của một bác sĩ để cứu chữa người bệnh nhiễm COVID-19. Không ít người phải ngả mũ trước hình ảnh một cô hoa hậu lộng lẫy lại sẵn sàng đứng vào đội ngũ những người tiên phong chiến đấu chống dịch bệnh.

Hoa hậu Anh Bhasha Mukherjee được ngợi ca trong bộ đồ bác sĩ chống đại dịch COVID-19.

Bản thân Bhasha Mukherjee được ngưỡng mộ không chỉ vì cô đẹp, thành thạo tới 5 ngôn ngữ, có bằng y khoa hay chỉ số IQ 146. Người ta ngưỡng mộ vì chiếc áo mà cô mặc, vì công việc mà cô theo đuổi, vì hành động mà cô đã làm. “Nhân dân của tôi cần một người thầy thuốc, không cần một người đẹp!” Bhasha Mukherjee khi ấy đã nói như vậy.

“Chiếc áo không làm nên thầy tu”. Nhìn vào Việt Nam, hai chữ “người đẹp” chưa bao giờ khiến công chúng ngán ngẩm như hiện nay. Cả ngàn USD/lượt “đi khách” - con số này dường như khiến các người đẹp mờ mắt và chấp nhận đánh đổi danh dự, nhân phẩm. Chỉ sau một đêm, có trong tay cả ngàn USD, đó là cái giá quá hời để “một bước lên tiên”, được sống trong nhung lụa, giàu sang mà không phải lao động vất vả...

Nếu bạn xinh đẹp, có tài năng, có danh hiệu, tại sao không làm những công việc tử tế, hay “rẻ” nhất là cố gắng chinh phục để làm vợ của một đại gia, thay vì chỉ mong hưởng thụ “ngồi mát ăn bát vàng” để mua về sự nhục nhã, ê chề đến như thế?

Hoa hậu Việt Nam, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam được đánh giá là 2 cuộc thi uy tín, có dàn thí sinh tương đối  chất lượng.

Nhiều năm trở lại đây, chuyện chân dài, người đẹp Việt mới nổi tiếng, chưa nổi tiếng, đi thi mua giải để “hành nghề “với giá cao xảy ra khá nhiều. Mỗi khi có một đường dây bị lật tẩy, nhiều người lại thở dài và có cái nhìn không mấy thiện cảm với giới showbiz hào nhoáng.

Chuyên gia đào tạo hoa hậu Phúc Nguyễn cho rằng có nhiều cuộc thi sắc đẹp “ao làng” được tổ chức tràn lan trong nhiều năm qua khiến danh hiệu hoa hậu, á hậu đang bị đánh đồng. Bởi, những người đẹp thực sự ở các cuộc thi nghiêm túc không dễ dàng bị cám dỗ bởi tiền bạc. Điều này càng nhấn mạnh vai trò của Ban tổ chức, ban giám khảo trong việc tuyển chọn thí sinh đầu vào ở một cuộc thi cũng như sự chuyên nghiệp, uy tín của cuộc thi đó.

“Hiện nay, ai cũng có thể trở thành hoa hậu, á hậu. Nếu không đủ tiêu chuẩn ở cuộc thi lớn thì tham gia các cuộc thi nhỏ. Nếu không thể tìm danh hiệu ở trong nước thì ra quốc tế. Đã đến lúc chúng ta cần một chế tài, chế tài thật mạnh để cứu lấy những danh hiệu chân chính để không bị lẫn lộn với những danh hiệu chưa đẹp kia”, ông Phúc Nguyễn bày tỏ.

Có nên công khai danh tính người mua, bán dâm?

Bên cạnh tranh cãi, điều dư luận đặt dấu hỏi là khi đường dây mại dâm cao cấp đã bị phát hiện, bắt quả tang nhưng đến nay, chưa vụ việc nào danh tính những người mua dâm được công khai.

Trao đổi về vấn đề này, luật sư Trần Anh Dũng (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết phía cơ quan chức năng không có quyền công khai danh tính người mua dâm và người bán dâm nếu ở mức phạt hành chính. Chỉ có cơ quan tố tụng mới có quyền công khai danh tính người mua, bán dâm nếu hành vi còn có vi phạm khác đến mức xử lý hình sự (mua dâm người dưới 18 tuổi, giao cấu với người dưới 16 tuổi...) xét xử công khai, tuyên truyền pháp luật...

Đây là quyền tự do cá nhân của mỗi công dân và liên quan đến các quyền nhân thân, danh dự, nhân phẩm của cá nhân... Hành động công khai này cũng không mang tính nhân văn, bình đẳng.

Các người đẹp trong cuộc thi Hoa hậu Sắc đẹp Việt toàn cầu 2017.

“Theo Điều 22, 23 Nghị định 167/2013 của Chính phủ “hành vi mua bán dâm chỉ bị xử phạt hành chính”.

Do đó, việc công khai danh tính người mua, bán dâm trên các phương tiện thông tin đại chúng sẽ làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của người bị xử lý hành chính. Đó còn chưa kể, nếu thông tin chưa chính xác, việc công khai sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống cá nhân người được nhắc đến. Theo Điều 101 của Nghị định này, hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân sẽ bị phạt từ 10 triệu đến 20 triệu đồng”, ông Trần Anh Dũng nói.

Thực tế, hoạt động mua bán dâm xảy ra khi cả người mua và người bán tự nguyện thỏa thuận. Chưa kể, nó còn xuất phát từ nhu cầu, bản năng của những người chưa lập gia đình hoặc đang độc thân. Rõ ràng, việc công khai tên người mua, người bán dâm trước cộng đồng là trái với quy định của Luật Xử phạt vi phạm hành chính. công khai danh tính người mua dâm chưa chắc đã chống được mại dâm.

Điều quan trọng cần làm hiện nay vẫn là phải tăng cường quản lý các đối tượng bán dâm, xử lý nghiêm các hành vi tổ chức, môi giới, chứa chấp tệ nạn mại dâm và hơn hết là đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về vấn đề này cho mọi đối tượng.

Thảo Dung
.
.