Vì sao Mỹ quyết định bắn hạ vệ tinh do thám hỏng

Thứ Hai, 03/03/2008, 15:30
Việc các vệ tinh hỏng hóc hoặc gặp sự cố bị rơi khỏi quỹ đạo không phải là chuyện hiếm thấy từ trước tới nay. Đó là những rắc rối mà các nhà khoa học vũ trụ thường xuyên phải đối mặt, đặc biệt là những nước có nền khoa học công nghệ phát triển.

Mới đây, một vệ tinh do thám tầm cỡ của Mỹ  vừa được các nhà khoa học vũ trụ nước này nhận định là có khả năng sẽ bị mất kiểm soát do gặp sự cố ở khoang nhiên liệu, và sẽ rơi xuống bầu khí quyển của trái đất vào khoảng thời gian cuối tháng 2 hoặc đầu tháng 3 tới.

Điều mà các nhà khoa học lo ngại nhất khi vệ tinh này bị rơi, đó là họ vẫn chưa thể xác định được chính xác tọa độ nơi mà vệ tinh sẽ rơi xuống trái đất.

Trước đó, Mỹ cũng đã có khá nhiều vệ tinh bị mất kiểm soát và bị rơi khỏi quỹ đạo trái đất, song đa số những vụ việc đó không gây ra hậu quả hoặc tổn hại nào đáng kể.

Hai vụ việc tương tự lớn nhất từng xảy ra trước đó là vụ một chiếc tàu vũ trụ của NASA có tên Skylab nặng 78 tấn bị tách khỏi trạm vũ trụ quốc tế và rơi xuống trái đất vào năm 1979, và vụ một vệ tinh nghiên cứu khoa học nặng hơn 3 tấn rơi tự do vào bầu khí quyển. May mắn là những vệ tinh và tàu vũ trụ này đều rơi xuống biển hoặc những vùng hẻo lánh không có con người.

Với việc vệ tinh do thám không may gặp sự cố lần này, khả năng dự đoán trước những nguy hiểm mà nó gây ra là rất khó và hoàn toàn không thể nói trước được.

Các nhà khoa học và Cơ quan An ninh hàng không vũ trụ Mỹ đã đưa ra quyết định sử dụng tên lửa để bắn hạ vệ tinh trước khi nó kịp rơi xuống và gây ra “tai họa” trên mặt đất.

Theo các nhà khoa học, ngay khi bị mất kiểm soát, một phần vệ tinh sẽ bị cháy khi rơi vào bầu khí quyển, song một phần lớn của vệ tinh nặng gần 9 tấn sẽ không bị cháy mà rơi tự do xuống trái đất.

Trong khoang nhiên liệu của vệ tinh này có chứa một thành phần hóa học độc hại có tên là hydrazine, chúng sẽ nhanh chóng được phát tán vào không khí ngay khi vệ tinh rơi vào trái đất.

Hydrazine - hóa chất không màu và có mùi hôi giống amoniac - sẽ gây ra những ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng đối với sức khỏe con người nếu không may vệ tinh rơi xuống mặt đất nơi có tập trung những khu dân cư đông đúc.

Đó là chưa tính đến thiệt hại của việc một vụ va chạm gây nổ lớn có thể xảy ra khi một vệ tinh lớn tương đương cỡ một chiếc xe buýt đâm thẳng xuống trái đất từ độ cao hàng nghìn kilômét.

Cũng theo tính toán của các nhà khoa học thuộc nhiều quốc gia trên thế giới, vệ tinh do thám của Mỹ lần này có thể gây ra những thiệt hại lớn gấp 10 lần những thiệt hại mà chiếc tàu vũ trụ Columbia đã từng gây ra hồi năm 2003.

Chính vì lo sợ những vấn đề nghiêm trọng có thể xảy ra, Chính phủ Mỹ đã quyết định cho phép sử dụng tên lửa bắn chặn (Delta II rocket) để tiêu diệt vệ tinh ngay khi nó tiến gần vào bầu khí quyển của trái đất (dự kiến tên lửa giá trị tới 74 triệu USD).

Vào lúc 10h29’ (giờ VN) tên lửa từ tàu hải quân Mỹ bắn lên đã phá hủy thành công vệ tinh do thám hỏng ở độ cao 274km so với mặt đất. Trước đó, Trung Quốc cũng đã từng sử dụng thử nghiệm phương pháp này để bắn “hạ” một số vệ tinh dự báo thời tiết bị hỏng và đã đạt được thành công đáng nể

Minh Ngọc (theo AP)
.
.