Vì sao Nga đồng ý cắt giảm sản lượng để cứu giá dầu?

Thứ Ba, 21/04/2020, 13:52
Đáp lại lời từ chối cắt giảm sản lượng khai thác dầu của Nga trong cuộc họp OPEC+ ngày 6-3, Saudi Arabia đã lập tức “ra chiêu”, vừa hạ giá dầu vừa tăng sản lượng. Kết quả là giá dầu đã tụt thê thảm. Nhưng chỉ 4 tuần sau, nước Nga quay ngoắt 180 độ, đồng ý cắt giảm sản lượng, thậm chí ở mức cao.

Bài viết của Giám đốc nghiên cứu Quỹ Nghiên cứu Trung Đông (FEMO) Gérard Vespierre đăng trên tờ La Tribune đã đưa ra những phân tích về động thái này.

Quyết định đảo chiều

Bằng cách duy trì sản lượng dầu và do đó làm giảm giá dầu, Nga công khai tuyên chiến với các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ. Mục tiêu của Nga đã rõ ràng. Đó là tạo ra một tình huống thị trường thừa cung để ép hạ giá. Động tác này sẽ khiến rất nhiều công ty sản xuất dầu đá phiến của Mỹ, vốn có chi phí cao hơn nhiều so với sản xuất dầu mỏ, sẽ phá sản. Bằng cách này, theo Igor Sechin - Chủ tịch Tập đoàn dầu mỏ Rosneft, Nga sẽ “quy hoạch” lại bản đồ dầu mỏ.

Trên thực tế, thị phần dầu mỏ của Mỹ đã tăng từ 7% đến hơn 14% trong 10 năm qua, điều này rõ ràng gây thiệt hại về lợi ích, đặc biệt cho Nga và Saudi Arabia. Việc Mỹ buộc phải cắt giảm sản lượng vài triệu thùng dầu mỗi ngày có thể sẽ khiến nước này mất nhiều thị phần và là cơ hội để Nga và Saudi Arabia trám vào đó.

Theo các nhà phân tích, chiến lược này của Nga đã có thậm chí từ trước khi cuộc họp OPEC+ diễn ra hồi đầu tháng 3 như đã biết. Ngày 28-12-2019, tức là hơn 2 tháng trước đó, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak đã tuyên bố rằng “chúng ta (nước Nga) không thể tiếp tục giảm sản lượng vô thời hạn. Chúng ta phải chuẩn bị cho những hướng đi mới trong năm tới”. Tuyên bố này, sau khi đặt vào những diễn tiến logic liên quan, rõ ràng có ý nghĩa quan trọng đặc biệt.

Và rồi, chính Tổng thống Nga Vladimir Putin lại cho thấy một sự thay đổi hoàn toàn trái ngược trong chiến lược của Nga. Ông là người đã đề xuất giảm sản lượng trên toàn thế giới, thậm chí với số lượng không hề nhỏ (10 triệu thùng bị cắt giảm mỗi ngày). Có nhiều lý do được đưa ra phân tích để giải thích sự lựa chọn mới này.

Thị phần dầu mỏ của Mỹ đã tăng từ 7% lên 14% trong 10 năm qua.

Tác động sâu rộng

Điều thứ nhất, đó là nếu tính khởi điểm từ tuyên bố của Bộ trưởng Alexander Novak, thế giới chưa phải chịu cuộc khủng hoảng nặng nề của đại dịch COVID-19 như hiện nay. Thậm chí, thời điểm trước cuộc họp tại Vienna (Áo) 2 ngày, Nga (và thậm chí là nhiều nước lớn khác) cũng chưa hề coi COVID-19 là mối đe dọa thực sự và vì thế càng không phải là mối đe dọa với phần còn lại của thế giới.

Tuy nhiên, chỉ trong vài tuần, đại dịch COVID-19 đã khiến mức tiêu thụ dầu của Trung Quốc giảm từ 2 đến 3 triệu thùng mỗi ngày, đồng thời làm giảm mạnh nhu cầu thế giới, với mức giảm vượt quá 10 triệu thùng mỗi ngày.

Quyết định của Nga được lên kế hoạch trong một môi trường dầu mỏ thế giới ổn định và tăng trưởng nhưng lại được triển khai trong bối cảnh thị trường thế giới bất thường và nền kinh tế thế giới suy thoái bởi đại dịch. Kết quả là nó đã gây ra sự sụp đổ về giá dầu. Chẳng hạn như giá dầu Brent đã giảm xuống dưới ngưỡng 30USD/thùng trong 3 tuần liên tiếp. Và rõ ràng, những ảnh hưởng lên chính nước Nga là không thể tránh khỏi.

Trong những tuyên bố hồi đầu tháng 4, Nga thường nhắc đến một biên độ giá dầu phù hợp với nền kinh tế Nga và ngân sách được cân đối của Nga trên cơ sở giá dầu 43 USD/thùng. Nhưng giá dầu xuống dưới 30 USD/thùng đã tạo ra một tình huống không thể chấp nhận được. Thực tế, trong một phân tích cách đây ít lâu cũng do La Tribune đăng tải, các nhà phân tích bày tỏ sự ngạc nhiên về mức giá cân bằng ngân sách này, khi giá dầu trung bình được thiết lập ở mức 69 USD/thùng năm 2018 và 65 USD/thùng vào năm 2019. Nhưng ngoài vấn đề về giả thuyết cân bằng ngân sách, còn có rủi ro nhãn tiền xảy ra với đồng tiền Nga và hậu quả ngay lập tức chính là sự trở lại của tình trạng lạm phát.

Tác động của giá dầu đối với đồng ruble thực sự đã được biết đến kể từ 5 năm qua. Tác động này có liên quan trực tiếp với sự lên xuống của giá dầu. Tỷ giá giữa đồng ruble và euro được niêm yết ở mức 67 ruble/euro vào đầu tháng 1, đã giảm xuống còn 88 ruble/euro, và dừng ở mức 80 ruble/euro vào ngày 9-4 vừa qua. Nghĩa là đồng ruble mất giá 16%.

Mức độ mất giá này của đồng ruble là có thể chấp nhận được trong một vài ngày, một vài tuần nhưng không thể chấp nhận được trong thời gian lâu hơn, vài tháng chẳng hạn, bởi nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá tiêu dùng của tất cả các mặt hàng nhập khẩu. Do vậy, Nga cần phải giải quyết cuộc khủng hoảng dầu mỏ mà họ đã châm ngòi, vì lợi ích của chính mình.

Tiêu cực kép

Một trong số những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng từ cuộc giảm giá này, đó là Algeria. Là một nước đặc biệt thân với Nga, từ nhiều năm qua, dự trữ ngoại hối của Algeria sụt giảm do được sử dụng để hỗ trợ nền kinh tế rơi vào tình trạng khó khăn. Kể từ năm 2015 và từ khi giá dầu sụt giảm, Algeria đã chi hơn 100 tỷ USD, với mức chi trung bình 20 đến 25 tỷ USD mỗi năm, để cứu nền kinh tế.

Ở phía bên kia bờ Đại Tây Dương, một đồng minh khác của Nga cũng đang ở trong tình trạng hết sức bấp bênh, đó là Venezuela, một trong 5 nước sáng lập OPEC. Venezuela đang phải chịu tình trạng xuất khẩu dầu giảm mạnh do lệnh trừng phạt của Mỹ và sẽ khó có thể trụ vững nếu tình hình này tiếp tục kéo dài. Ở ngay bên cạnh nước Nga, Kazakhstan và Azerbaijan, vốn phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu dầu và cũng là hai nước thân cận với Nga, đưa ra lời đề nghị Nga thay đổi chiến lược và để xuất tăng giá dầu.

Như vậy, chính sự sụp đổ của giá dầu dưới các mức giá sàn dự kiến, cộng với nhu cầu kinh tế trong nước và những sức ép từ bên ngoài đã thúc đẩy Điện Kremlin nhanh chóng thay đổi chiến lược. Ngoài ra, phản ứng nhanh chóng, mạnh mẽ và đầy bất ngờ của Saudi Arabia cũng góp phần dẫn tới quyết định quay ngoắt của Nga trong cuộc chiến giá dầu lần này.

Chỉ vài giờ sau quyết định của Nga, Riyadh đã có “phản ứng kép: giảm ngay lập tức giá dầu và thông báo tăng sản lượng 2 triệu thùng mỗi ngày kể từ 1-4. Phản ứng nhanh chóng và mạnh mẽ này đã lập tức khiến giá dầu trên thị trường sụt giảm, cũng chính là mục đích mà Saudi Arabia mong muốn để buộc Nga phải trở lại bàn đàm phán.

Huy Thông (Tổng hợp)
.
.