Vì sao "Người tuyết" chết?

Thứ Ba, 19/06/2007, 10:00
Tiến sĩ Ruhli suy đoán rất có thể "Người tuyết" đã tự mình rút mũi tên ra. Và cũng có thể hành động này được thực hiện bởi một đồng minh muốn giúp ông ta trong vô vọng hoặc do chính kẻ tấn công.

Các test khoa học đã xác định sự mất máu quá nhiều do vỡ động mạch đã giết chết “Người tuyết” nổi tiếng Oetzi có tuổi 5.300 năm ở dãy Alps. Nhóm nhà khoa học phối hợp Italia - Thụy Sĩ cho biết, mũi tên bắn trúng phần vai trái “Người tuyết” làm đứt động mạch dưới xương đòn gây chảy máu nhiều - đó là nguyên nhân của cái chết.

Oetzi có lẽ đã chết trong cuộc chiến - hoặc là bị bắn tên sau lưng khi cố gắng chạy trốn, hoặc bị rơi vào ổ phục kích. Di hài của “Người tuyết” thuộc thời kỳ đồ đá mới được phát hiện năm 1991 khi nó trồi lên từ tảng băng tan. Từ đó Oetzi trở thành đối tượng của hàng loạt các nghiên cứu điều tra và kết quả mới nhất được công bố trên tờ Journal of Azrchaelogical Science.

Qua khảo sát thức ăn - và có lẽ quan trọng hơn cả - và phấn hoa trong dạ dày Oetzi, người ta cho rằng "Người tuyết" đã bắt đầu ngày mới bằng bữa ăn trong thung lũng dưới dãy Alps và sau đó trong ngày đã lao vào một cuộc chiến. Sự đánh giá này căn cứ vào mũi tên đá bắn vào lưng cũng như những vết đứt rộng trên hai bàn tay của "Người tuyết".

Không ai có thể chắc chắn có phải cuộc tấn công diễn ra ở thung lũng bên dưới hay không (khiến Oetzi phải chạy lên núi), hoặc là "Người tuyết" dính vào một cuộc đánh nhau dữ dội ở độ cao 3.210 mét, nơi thi thể được tìm thấy trên biên giới giữa nước Áo và Italia cách đây 16 năm.

Những tiến bộ vượt bậc của kỹ thuật chụp CT bằng máy tính - phương pháp quét hình X-quang tinh tế cho phép tạo hình ảnh đa chiều - đã giúp các nhà nghiên cứu có cái nhìn chưa từng có về nội tạng của Oetzi. Những tấm hình tiết lộ vết rách dài 13 mm của động mạch dưới xương đòn trái. Máu chảy tràn vào mô xung quanh tạo ra một bọc máu có thể thấy rõ trong khoang ngực.

Tiến sĩ Ruhli nói: “Chúng tôi có thể kết luận rằng phát bắn của mũi tên thật sự gây chết người. Oetzi đã chết rất nhanh sau đó. Về lý thuyết, người ta có thể trúng tên nhưng vẫn sống sót. Nếu như mũi tên không trúng vào động mạch hay phổi, và nếu không bị nhiễm trùng thì sẽ chẳng có vấn đề gì?”. Oetzi đã chết vì ngưng tim và mất máu quá nhiều.

Tiến sĩ Ruhli suy đoán rất có thể "Người tuyết" đã tự mình rút mũi tên ra. Và cũng có thể hành động này được thực hiện bởi một đồng minh muốn giúp ông ta trong vô vọng hoặc do chính kẻ tấn công.

Nhà nghiên cứu ở Đại học Zurich nói rằng, có thể Oetzi bị bắn chết ngay trên núi cao hơn là ở thung lũng bên dưới nơi ông bắt đầu cuộc hành trình. Các nhà khoa học không thể nói được Oetzi bị bắn tên khi đang đi, chạy hay đứng yên. Nhưng dường như mũi tên được bắn ra từ phía dưới Oetzi, từ đó cho rằng sát thủ quỳ ở dưới ngọn đồi hay xa hơn nữa.

"Người tuyết" Oetzi là một trong những phát hiện khảo cổ học nổi tiếng nhất trong những năm sau này. Người tuyết được đặt tên theo thung lũng Oetz, nơi di hài ông ta được tìm thấy - lúc đó vẫn còn mặc xà cạp da dê và áo choàng cỏ, gần đó là cái rìu và bọc đựng đầy mũi tên.

Lúc đầu người ta nghĩ rằng Oetzi chết vì giá lạnh và đói, song các nhà nghiên cứu phát hiện ông ta chết do vết thương. Oetzi cao khoảng 1,59 mét, khoảng 46 tuổi, mắc bệnh viêm khớp

Diên San (Theo BBC)
.
.