Vì sao Tổng thống Obama chọn người nổi tiếng làm đại sứ văn hóa?

Thứ Ba, 17/11/2009, 14:55
Mới đây, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã quyết định bổ nhiệm một số các ngôi sao nổi tiếng như Sarah Jessica Parker, Andy Cohen, Forest Whitaker, Edward Norton, Anna Wintour vào vị trí đại sứ trong Ủy ban Văn hóa nghệ thuật. Một câu hỏi được giới phân tích đặt ra là liệu ủy ban này có quyền lực thực sự hay chỉ đơn thuần là để "trưng bày trong tủ kính" cho đẹp?

Thực ra, tổ chức này có tên đầy đủ là Ủy ban Nghệ thuật và nhân văn do Ronald Regan - Tổng thống Mỹ đồng thời là một cựu tài tử điện ảnh khởi xướng năm 1982 với nhiệm vụ phát triển kinh tế - giáo dục và văn hóa đối ngoại. Bên cạnh đó, ủy ban này còn là cầu nối giữa các tổ chức liên bang, quỹ và lĩnh vực tư nhân. Ủy ban còn chú trọng vào việc phát triển đối thoại giữa các quốc gia nhằm thúc đẩy ngoại giao văn hóa đồng thời bảo tồn được kho tàng di sản văn hóa của người Mỹ.

Tuy nhiên, ông Obama có cách nhìn nhận về những nhân vật nổi tiếng khác hẳn so với những người tiền nhiệm. Không chỉ quan tâm đến các diễn viên, ca sĩ nổi tiếng, ông Obama còn mời cả nhân vật nổi trội của lĩnh vực kiến trúc, kinh doanh... làm cố vấn trong ủy ban này.

Theo Kimber Craine - Giám đốc chương trình của Ủy ban Văn hóa nghệ thuật thì ông Obama chọn người nổi tiếng của nhiều lĩnh vực vì ông muốn sử dụng uy tín và sự ảnh hưởng của họ để thu hút sự chú ý của công chúng vào hoạt động của ủy ban. Đây không phải là cách tuyên truyền mới mẻ nhưng qua đó cho thấy ông Obama thực sự hiểu được vai trò quan trọng của những nhân vật xuất chúng. Một lời thần tượng nói ra có thể được hàng trăm, hàng ngàn người hưởng ứng.

Trong danh sách các nhân vật nổi tiếng có Anna Wintour, Tổng biên tập tạp chí Vogue huyền thoại, người phụ nữ có quyền quyết định sự thành bại của không ít người mẫu và nhiếp ảnh gia, người gây ảnh hưởng không nhỏ cho xu hướng thời trang thế giới, thậm chí nếu Anna Wintour chưa tới, buổi biểu diễn sẽ chưa được được phép bắt đầu... Với tất cả quyền lực hiện thời của mình, Tổng thống Obama tin rằng bà Wintour hoàn toàn có thể đảm nhận tốt vai trò của một đại sứ thời trang.

Tương tự, Sarah Jessica Parker, nữ diễn viên nổi tiếng của dòng phim tâm lý tình cảm hài vụt sáng qua vai Carrie Bradshaw trong serie phim truyền hình "Sex and the city" cũng được mời làm thành viên của Ủy ban. Sarah không chỉ sở hữu một lượng người hâm mộ hùng hậu, cô còn là một nhà thiết kế thời trang, nước hoa... danh tiếng.

Ngoài ra, Ủy ban còn nhận được lời tham gia của nhạc sĩ violoncell Yoyo Ma, nhà hoạt động từ thiện Teresa Heinz, kiến trúc sư Thom Moore, nhà sản xuất điện ảnh George Stevens Jr. và Margo Lion... 

Đệ nhất phu nhân Michelle Obama cũng là Chủ tịch danh dự của Ủy ban. Bà tích cực hoạt động, tuyên truyền cho trẻ em với hy vọng chúng hiểu biết thêm nhiều về nghệ thuật. 

Tất cả các đại sứ tham gia vào Ủy ban đều không được hưởng lương. Tham gia hoàn toàn tự nguyện và nỗ lực hành động vì mục tiêu chung.

Tuy vậy, dư luận lại nghĩ theo một chiều hướng khác. Nhìn vào danh sách các đại sứ văn hóa nghệ thuật, người ta thấy đây là những nhân vật sang trọng điển hình. Mối nghi ngại càng tăng lên khi Ủy ban này chưa xúc tiến được chiến dịch gì đáng kể. Nói khác đi, các đại sứ của Ủy ban chưa có cống hiến gì nhiều cho mục tiêu phát triển kinh tế - giáo dục và văn hóa đối ngoại. 

Thêm nữa là ông Obama đang phải đối mặt với nhiều chỉ trích, tỉ lệ ủng hộ sụt giảm mạnh so với thời kỳ mới lên nắm quyền. Ủy ban Văn hóa nghệ thuật có thể sẽ là một bằng chứng để phe đối lập vin vào

Giang Khuê (tổng hợp)
.
.