Vì sao có người nghiện… ăn đất?

Thứ Sáu, 11/01/2008, 15:00
Các nhà nghiên cứu từng bị bất ngờ khi để ý thấy một số người tại nhiều nơi trên thế giới nghiện... ăn đất một cách lạ lùng. Tuy vậy, lý giải hiện tượng này không đơn giản chút nào. Gần đây, một nghiên cứu mới chứng minh rằng đất sét pha (còn gọi là á sét) giữ vai trò hết sức quan trọng trong việc bảo vệ những phụ nữ sắp làm mẹ tránh được nhiều nguy hại trong lúc mang thai.

Cư dân vùng bán đảo Pemba ở Đông Phi hết sức hân hoan khi một trong những phụ nữ trẻ ở đó bắt đầu ăn... đất - thứ "thực phẩm" lạ thường chứng tỏ cô ấy có mang. Sera Young, 30 tuổi, nhà nhân chủng học hiện nghiên cứu hiện tượng "nghiện ăn đất”, cho biết tiêu chuẩn người mang thai cần là 25 gr đất/ngày. Chỉ trừ Nam Cực, trên từng lục địa đều có những sắc dân ăn phấn (chalk), sét pha (loam) hoặc sét vôi (marl).

Nhưng chỉ đến bây giờ Young và các đồng nghiệp mới dần bắt đầu hiểu động lực nào khiến cho họ làm như vậy. Cho dù người ta ăn đất sét pha từ những nguồn tự nhiên, hay mua “đất sét chữa bệnh” tại các cửa hiệu thuốc gia truyền về ăn, rõ ràng là họ làm theo một số cơn khát ăn đất thời cổ xưa, theo dòng tiến hóa của loài người mà hình thành nên tục ăn đất.

Thật ra, không chỉ có con người thích ăn một chút đất, mà từ ngàn xưa đến nay muôn loài khác cũng như vậy, ví dụ như vẹt, gia súc, chuột, voi và khỉ đột. Thậm chí, người tiền sử cũng có thú đam mê ăn đất: Một cuộc khai quật khảo cổ tại châu Phi cho thấy đất sét pha dạng bột từng được dùng trong khẩu phần của người chiến binh tiền sử cách nay khoảng 2 triệu năm.

Vấn đề còn bí ẩn ở chỗ: "Tại sao?". Trong những nghiên cứu thực tế trên bán đảo Pemba, nay thuộc về Tanzania, Young nhận thấy người thường có những cơn thèm ăn đất chủ yếu là phụ nữ mang thai, giống như họ lên cơn nghiện thật sự, được diễn tả bằng một từ riêng "vileo".

Tuy nhiên, người phụ nữ có mang không phải bạ đâu ăn (đất) đấy, mà thật ra, người ta phải bảo đảm lấy đúng loại đất cho họ ăn! Đất sét pha thường được lấy từ những suối nước đặc biệt, hoặc góp nhặt đất sét pha từ một số chỗ nào đó bên ngoài làng của họ.

Young giải thích: "Bởi vì tuy gọi là đất nhưng không thể lấy thứ đất bẩn mà ăn. Sự kén chọn của những người ăn đất tạo hứng thú cho nhà tự nhiên học người Đức Alexander von Humboldt nghiên cứu hiện tượng này từ... 200 năm trước, khi ông đi du khảo ở vùng ngày nay là đất nước Venezuela. Theo ghi chép của ông, người bộ tộc du canh du cư Ottomac thích những lớp đất phù sa (còn gọi là bồi tích), nơi có thể lấy đất "dày nhất và cảm thấy mịn nhất" về ăn.

Nhiều nhà nghiên cứu còn tin rằng đất có tác dụng như một vị thuốc của thiên nhiên. Các thành phần trong đất sét pha có magiê, natri, canxi, kali, sắt và một lượng lớn silicat. Trong trường hợp tiêu chảy nghiêm trọng, một số nhà khoa học cho biết một muỗng đất có thể giúp cho cơ thể lấy lại những khoáng chất bị mất đi.

Tuy nhiên, Peter Hooda, nhà nghiên cứu đất gốc Anh, cùng với các cộng sự của ông, lại đưa ra kết luận bất ngờ sau khi tiến hành một mô phỏng thí nghiệm về sự tương hỗ giữa đất và tuyến tiêu hóa. Họ trộn sét pha, chất axít có trong dạ dày với một số dưỡng chất, để hợp chất dạng bùn này ở nhiệt độ cơ thể đủ lâu cho hoàn thành các phản ứng hóa học, trước khi phân tích hợp chất.

Kết quả nghiên cứu của nhóm nghiên cứu Peter Hooda cho thấy nhiều dưỡng chất bám chắc vào những cấu trúc cực nhỏ trong sét pha, dẫn đến việc giảm đáng kể lượng sắt, đồng và kẽm sẵn có trong bồn tắm bùn, trùng khớp với một trong những quan sát của Young trên bán đảo Pemba: Những người thích ăn đất sét pha thường thiếu máu và tỉ lệ sắt trong máu của họ rất thấp.

Như vậy, trong một số trường hợp nhất định, nhà nhân chủng học trẻ tuổi này nghĩ tác dụng tinh lọc của đất chắc hẳn có lợi hơn hại, chẳng hạn như thuyết “Đất có thể giúp loại trừ các chất độc ra khỏi cơ thể”.

Thuyết này hoàn toàn hợp với điều Young nhận thấy qua 2.700 trường hợp trong y văn về thải trừ độc tố: Trẻ em và phụ nữ có thai - những người khi bị nhiễm độc có thể khó cứu chữa nhất - nên dùng thường xuyên nguồn dưỡng chất thiên nhiên này.

Mãi cho đến nay, bệnh buổi sáng ở người mới mang thai chỉ được xem là cơ chế tiến hóa phát triển để bảo vệ thai nhi khỏi những chất độc có trong thức ăn. Nghiện ăn đất vẫn là một công trình tiếp tục cần nghiên cứu.

Trong một nỗ lực diễn giải chính xác hơn thuyết của mình đề ra, Young nhờ Viện Macaulay ở Aberdeen (Scotland) phân tích khoảng 30 mẫu đất sét pha của các vùng Pemba, Kyrgyzstan, Indonesia và một số khu vực khác, nhằm hiểu kỹ hơn đến mức độ nào thì chất có trong đất sét pha còn khả năng loại trừ độc tố.

Những phân tích đó theo mong đợi sẽ cung cấp bằng chứng khoa học về cái mà nhiều người ăn đất thường nói, đó là "tất tẩy sạch cái bụng"

Đinh Lệ (tổng hợp)
.
.