Vị thế thống trị của đồng USD đang lung lay?

Chủ Nhật, 23/08/2020, 11:40
Vào những năm 1960, Bộ trưởng Tài chính Pháp Valéry Giscard dEstaing đã lớn tiếng phàn nàn rằng sự thống trị của đồng USD đã mang lại cho Mỹ một sự “ưu tiên thái quá” để có thể đi vay tiền của phần còn lại của thế giới với giá rẻ mạt và hưởng thụ nhiều hơn so với năng lực kiếm tiền của họ.

Kể từ sau đó, các đồng minh và đối thủ của Mỹ cũng thường xuyên bày tỏ sự bất mãn về điều này. Tuy nhiên, sự ưu tiên thái quá đó cũng gây ra những gánh nặng lớn đè lên sự cạnh tranh thương mại và việc làm của Mỹ, và khả năng là chúng còn trở nên nặng nề hơn nữa, cũng như gây thêm nhiều bất ổn hơn khi mà phần GDP của Mỹ trong nền kinh tế toàn cầu giảm xuống.

Những lợi ích mà vị thế của đồng USD mang lại chủ yếu dồn về cho các thể chế tài chính và các doanh nghiệp lớn, còn những thiệt thòi mà nó gây ra lại chủ yếu đè lên tầng lớp lao động. Vì lý do này, việc đồng USD tiếp tục duy trì vị thế bá chủ đang đe dọa khoét sâu sự bất bình đẳng cũng như tình trạng phân cực chính trị tại Mỹ.

Mỹ sẽ từ bỏ vị thế bá chủ tiền tệ?

Năm 2019, tập đoàn dịch vụ tài chính hàng đầu thế giới JP Morgan đã dự báo rằng sự bá chủ của đồng USD đang dần kết thúc, chủ yếu là bởi trọng tâm kinh tế và tài chính đang thay đổi từ phương Tây sang phương Đông. Ngân hàng Thế giới cùng nhiều tổ chức quốc tế khác cũng đưa ra những dấu chỉ dự báo một mình Trung Quốc cũng sẽ sớm đóng góp tới 30% tăng trưởng kinh tế thế giới và thay thế Mỹ trở thành quốc gia thương mại lớn nhất thế giới. Vậy, tương lai của đồng USD sẽ ra sao và nếu thực sự đồng bạc xanh sẽ sớm đánh mất vị thế bá chủ của mình thì liệu kinh tế thế giới và Mỹ có được hưởng lợi hay không?

Lợi ích cho thế giới

Nước Mỹ, dưới thời Tổng thống Donald Trump, đã từ bỏ nhiều cam kết an ninh và đa phương, khiến giới học giả về quan hệ quốc tế buộc phải hoài nghi rằng liệu đất nước này có từ bỏ nốt vị thế bá chủ vì một ý nghĩa chiến lược lớn hơn hay không. Và như thế, Mỹ cũng có thể từ bỏ sự theo đuổi vị thế thống trị của đồng USD theo một cách tương tự: ngay cả khi hầu hết phần còn lại của thế giới muốn Mỹ duy trì vai trò đồng tiền dự trữ thế giới của USD - bởi phần lớn thế giới đều muốn Mỹ tiếp tục cung cấp sự đảm bảo an ninh - thì Washington cũng có thể sẽ quyết định rằng họ không còn đủ sức để làm điều đó nữa.

Đáng ngạc nhiên là ý tưởng này không nhận được nhiều sự quan tâm tranh luận của giới hoạch định chính sách, dù thực tế nó lại có thể đem lại lợi ích cho Mỹ và rốt cuộc là cho phần còn lại của thế giới.

Trước hết, việc không phụ thuộc vào đồng USD có thể kích thích tăng trưởng kinh tế toàn cầu mà trong đó thương mại và đầu tư quốc tế sẽ có khả năng gia tăng. Việc không phải chuyển đổi các đồng tiền nội địa sang đồng bạc xanh sẽ giúp giảm chi phí giao dịch và các rủi ro của tỉ giá hối đoái, những điều kiện cần thiết để thúc đẩy thương mại và đầu tư.

Tiếp theo, tầm quan trọng của đồng USD suy giảm có thể mở rộng và củng cố hệ thống tài chính đa phương. Hiện tại, phần lớn các gói vay nước ngoài đều được thực hiện bởi hai thể chế do Mỹ kiểm soát là Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB). Mỹ đã áp đặt những điều kiện vay khắc nghiệt đối với các nước đi vay tiền của hai thể chế tài chính đa phương này và khắc nghiệt nhất có lẽ là điều kiện các khoản vay phải được hoàn trả trước khi các nước đi vay này có thể lấy quỹ để chi cho việc phát triển kinh tế và xã hội.

Điều này giải thích lý do tại sao các quốc gia đang phát triển cần phải đi vay ngay từ đầu. Do hầu hết các nước phát triển không có các phương tiện để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tăng thu nhập, điều kiện này khiến họ càng kém phát triển và gia tăng gánh nặng nợ nần, buộc họ phải tìm đến các khoản vay khác chỉ để chi trả cho các chủ nợ trước. Các trường hợp điển hình có thể kể đến là Sri Lanka, Pakistan và một số nước khác.

Mỹ, Trung Quốc và EU nên hợp tác xây dựng một giỏ tiền tệ.

Bằng nhiều cách, chính các điều kiện cho vay khắc nghiệt của Mỹ đã phần nào đẩy ngày càng nhiều nước đang phát triển đến chỗ phải tìm đến Trung Quốc và Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) mà nước này chống lưng để vay tiền, theo đó khiến đồng nhân dân tệ được sử dụng nhiều lên còn đồng bạc xanh bị kém đi.

Tuy nhiên, trên thực tế, khó mà lường trước được tương lai vị thế thống trị của đồng USD. Giới phân tích từ nhiều năm qua đã cảnh báo rằng Trung Quốc cùng các cường quốc khác có thể sẽ quyết định từ bỏ đồng USD và đa dạng hóa các nguồn dự trữ ngoại tệ của họ vì các lý do kinh tế và chiến lược. Thế nhưng đến nay, có rất ít lý do để cho rằng nhu cầu toàn cầu đối với đồng USD đang yếu dần.

Tuy nhiên, Mỹ cũng có thể mất đi vị thế là nhà phân phối đồng tiền dự trữ thống trị thế giới theo một cách khác, đó là tự nguyện từ bỏ sự thống trị của đồng USD vì những cái giá mà nền kinh tế và chính trị trong nước phải trả đã trở nên quá cao.

Cái giá của sự thống trị của đồng USD đối với nước Mỹ

Sự thống trị của đồng USD xuất phát từ nhu cầu trên toàn thế giới đối với đồng tiền này. Các dòng vốn nước ngoài đổ về Mỹ bởi vì đây là một nơi an toàn để đầu tư tiền và vì không có nhiều nơi khác để thay thế. Dòng vốn nước ngoài khổng lồ này khiến Mỹ phải vận hành một sự thâm hụt tài khoản vãng lai lớn. Nói cách khác, Mỹ không hề tiêu xài quá nhiều so với khả năng họ kiếm được khi mà phải tiếp nhận quá nhiều vốn từ khắp nơi trên thế giới.

Sự bá chủ của đồng USD cũng gây ra những hậu quả về mặt phân bổ ở trong nước: Nó tạo ra những người thắng và kẻ thua ngay trong nước Mỹ. Những bên thắng lợi chính là các ngân hàng đóng vai trò trung gian và tiếp nhận dòng vốn đổ vào, sở hữu sức ảnh hưởng quá lớn với chính sách kinh tế Mỹ, còn những kẻ thua thiệt lại là các nhà sản xuất và người lao động làm việc cho họ. Nhu cầu với đồng USD đã đẩy giá trị của nó tăng cao, điều khiến hàng Mỹ xuất khẩu đắt đỏ hơn và giảm bớt nhu cầu nhập khẩu chúng ở nước ngoài, qua đó kéo theo việc thu nhập và việc làm trong ngành chế tạo cũng bị giảm sút.

Những cái giá này cũng được thể hiện một cách không tương xứng tại các bang dao động ở những khu vực như là Vành đai Công nghiệp - một hệ quả làm trầm trọng thêm những chênh lệch kinh tế xã hội và thúc đẩy sự phân cực chính trị. Các lao động trong ngành chế tạo từng một thời là trọng tâm trong các nền kinh tế tại khu vực này nay bị bỏ rơi, khiến họ rơi vào cảnh nghèo đói và bất mãn. Vì vậy, không mấy ngạc nhiên khi phần lớn trong số các bang bị ảnh hưởng nặng nề nhất đã bỏ phiếu ủng hộ Trump vào năm 2016.

Những thiệt hại quá lớn từ việc tiếp nhận dòng vốn nước ngoài có khả năng còn gia tăng và gây nhiều bất ổn hơn cho nước Mỹ trong tương lai. Khi Trung Quốc và các nền kinh tế khác tiếp tục tăng trưởng còn phần GDP của Mỹ trong nền kinh tế toàn cầu tiếp tục thu hẹp thì dòng vốn đổ vào Mỹ sẽ càng gia tăng tương ứng với quy mô của nền kinh tế Mỹ. Điều này sẽ cực đại hóa những hậu quả về mặt phân bổ từ sự thống trị của đồng USD, khiến các nhà trung gian tài chính Mỹ càng được hưởng lợi còn nền tảng công nghiệp của đất nước càng bị thiệt thòi. Nó cũng sẽ khiến nền chính trị Mỹ thêm căng thẳng.

Trước những sức ép kinh tế và chính trị ngày càng gia tăng này, sẽ ngày càng khó để Mỹ thiết lập được một sự tăng trưởng cân đối và công bằng hơn mà vẫn duy trì được vị thế là điểm đến ưa thích của dòng vốn toàn cầu. Ở một chừng mực nào đó, Mỹ không có nhiều lựa chọn ngoài việc hạn chế nhập khẩu vốn vì lợi ích của nền kinh tế tổng thể - dù việc làm này có nghĩa là tự nguyện từ bỏ vai trò đồng tiền dự trữ thống trị thế giới của USD.

Những giải pháp

Tuy nhiên, thực tế là đồng USD hiện có vẻ còn mạnh hơn bao giờ hết. Ngay cả khi nền kinh tế Mỹ đang chìm trong suy thoái và mất đi hàng triệu việc làm thì nhu cầu với đồng USD vẫn gia tăng - cũng giống như sau giai đoạn khủng hoảng tài chính 2008. Tháng 3-2020, nhiều người nước ngoài đã bán số lượng lớn trái phiếu kho bạc Mỹ nhưng họ đã đổi chúng để lấy USD. Cục Dự trữ Liên bang đã bơm hàng nghìn tỷ USD vào nền kinh tế toàn cầu để ngăn ngừa các thị trường tài chính quốc tế bị đình trệ, đồng thời mở rộng hệ thống các đường dây trao đổi với các ngân hàng trung ương khác mà họ đã sử dụng vào năm 2008.

Ngay cả khi sự xử lý yếu kém của chính quyền Mỹ với đại dịch COVID-19 đã củng cố quan điểm rằng Mỹ là một cường quốc đang trên đà suy tàn, thì những hành động này của Cục Dự trữ Liên bang và các nhà đầu tư trên khắp thế giới vẫn chứng tỏ được tính trung tâm của đồng USD trong nền kinh tế toàn cầu.

Ngành chế tạo Mỹ kém cạnh tranh vì giá trị của đồng USD quá cao.

Tuy nhiên, nước Mỹ không nên lấy làm hài lòng vì điều này. Dòng vốn đổ vào sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến ngành chế tạo Mỹ và cùng với đại dịch, nó sẽ khiến nỗi đau mà người lao động phải hứng chịu càng tăng thêm. Để giảm bớt những sức ép chính trị và kinh tế ngày càng lớn tại các khu vực như Vành đai Công nghiệp, Mỹ nên cân nhắc những bước đi hạn chế dòng vốn nhập khẩu.

Một lựa chọn có thể là bơm ít USD vào nền kinh tế toàn cầu, đẩy giá trị của USD lên cao tới một mức độ mà các nhà đầu tư nước ngoài phải ngần ngại khi mua nó. Tuy nhiên, điều này cũng sẽ khiến thương mại Mỹ kém cạnh tranh hơn và khiến mức lạm phát vốn đã thấp đến thảm hại lại càng thấp hơn.

Một lựa chọn khác là áp đặt một khoản thuế hoặc một hình phạt đối với các khoản đầu tư nước ngoài mang tính đầu cơ và ngắn hạn nhưng vẫn miễn trừ cho các quỹ đầu tư dài hạn. Một chính sách như vậy có thể xử lý được gốc rễ của sự mất cân bằng thương mại bằng cách giảm dòng vốn đổ vào (các rào cản thương mại vốn chỉ đang xử lý triệu chứng chứ chưa giải quyết được nguyên nhân). Điều này cũng có thể giảm thiểu những phản ứng dữ dội hiện nay đối với thương mại tự do và giúp giảm bớt những lợi ích kinh tế không thỏa đáng dành cho các thể chế tài chính.

Trong một kịch bản lạc quan nhất, 3 đầu tàu kinh tế thế giới là Trung Quốc, Mỹ và Liên minh châu Âu nên nhất trí xây dựng một giỏ tiền tệ tuân thủ các quyền rút vốn đặc biệt của Quỹ Tiền tệ Quốc tế và trao quyền cho Quỹ này điều hành nó hoặc tạo ra một thể chế tiền tệ quốc tế mới để làm điều này. Kịch bản lạc quan nhưng lại có khả năng xảy ra cao hơn, là những căng thẳng, đặc biệt là giữa Mỹ và Trung Quốc, có thể khiến sự hợp tác này trở nên bất khả thi và gia tăng nguy cơ xung đột giữa hai nước về các vấn đề kinh tế.

Tuy nhiên, dù một giải pháp hợp tác tích cực là bất khả thi thì Mỹ cũng nên tính đến việc đơn phương từ bỏ vị thế thống trị của đồng USD. Điều này sẽ thúc đẩy Trung Quốc và khu vực đồng euro triển khai những khoản tiết kiệm dư thừa của mình ở trong nước, đòi hỏi họ phải điều chỉnh các hình mẫu kinh tế của mình để chúng có thể tạo ra sự tăng trưởng công bằng và cân đối hơn.

Quyết định này cũng sẽ giúp các lao động Mỹ được hưởng lợi và khiến hàng xuất khẩu Mỹ thêm cạnh tranh. Tóm lại, từ bỏ quyền bá chủ của đồng USD có thể mở đường cho nền kinh tế Mỹ nói riêng và kinh tế toàn cầu nói chung ổn định và công bằng hơn. Nhưng có dễ không?

Hà My
.
.