Viễn cảnh kinh tế trong năm mới

Thứ Sáu, 09/01/2009, 09:00
Suy thoái kinh tế, thất nghiệp gia tăng và đe dọa giảm phát là ba hiểm họa lớn đang chờ đợi các nền kinh tế trên thế giới vào năm 2009.

Mới đây, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OCDE - gồm 30 nước thành viên) công bố báo cáo mới nhất về viễn cảnh tăng trưởng trong khối cho năm 2009.

Trong đó, OCDE phác họa ra một bức tranh kinh tế không sáng sủa chút nào khi nhận định: đây là đợt suy thoái trầm trọng nhất mà các nước OCDE phải đối đầu kể từ năm 1980 tới nay.

Tổng sản phẩm toàn khối sụt giảm 0,4% vào năm tới và may mắn lắm thì OCDE mới hy vọng có được tỉ lệ tăng trưởng khiêm tốn 1,5% vào năm 2010. Từ nay đến đó số dư thừa lao động ở các nước thuộc OCDE cũng sẽ tăng vọt từ 34 lên thành 42 triệu người.

Cuối cùng, OCDE không loại trừ khả năng một số quốc gia bị đe dọa giảm phát. Mỹ điểm xuất phát của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới đương nhiên bị chao đảo nhiều hơn cả, thế nhưng ở châu Á, thì Nhật Bản và Hàn Quốc, nền kinh tế thứ 2 và thứ 13 thế giới đang lún sâu vào suy thoái.

Theo dự đoán, GDP của Nhật Bản vào năm 2009 sẽ tụt giảm 0,1%, thất nghiệp tăng thêm 0,3%. Nhật Bản là quốc gia ít bị tác động do khủng hoảng tài chính toàn cầu, Nhật Bản cũng là một quốc gia hiếm hoi tích lũy được một khoản dự trữ ngoại tệ khổng lồ trên 800 tỉ USD.

Tuy nhiên, khu vực sản xuất của Nhật cũng bị chựng lại do khủng hoảng toàn cầu gây trở ngại cho ngành xuất khẩu. Thêm vào đó, gần đây đồng yen của Nhật đang tăng giá so với hai đơn vị tiền tệ lớn là euro và USD khiến hàng Nhật ít hấp dẫn hơn so với trước.

Với nền kinh tế có tầm cỡ khác ở châu Á là Hàn Quốc, xuất khẩu vốn là một trong những trụ cột kinh tế của nước này, tương đương với 48% GDP đang bị tuột dốc, giảm trên 18% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đây là mức suy giảm mạnh nhất từ năm 2001 đến nay. Trong khi đó ngay cả kim ngạch nhập khẩu cũng đang bị lung lay. Ngân hàng trung ương Hàn Quốc coi mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 4% là điều không tưởng.

Nhìn chung, kinh tế chung toàn khối sẽ sụt giảm một cách đáng kể. Các công trình nghiên cứu của OCDE cho thấy, trong 2 năm tới, tổng cộng sẽ có thêm khoảng 8 triệu người bị mất việc trong toàn khối.

Về phần Mỹ và châu Âu, OCDE nhận xét: GDP của Mỹ năm 2009 giảm còn 0,9%, hoạt động kinh tế trong khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu, euro trong 6 tháng đầu năm 2009 cũng bị khựng lại do tiêu thụ và đầu tư đi xuống.

Một thành viên quan trọng khác của OCDE là Đức, lần đầu tiên từ năm 2003 đến nay, Berlin phải đối phó với suy thoái. Trong hai năm nay, Đức đã cầm cự được giỏi hơn Pháp hay Anh nhờ có một mạng lưới công nghiệp nhạy bén và nhất là nhờ vào xuất khẩu qua Đông Âu.

Thế nhưng trong tình trạng khủng hoảng kéo dài những bí quyết thành công của Đức bắt đầu cho thấy những giới hạn của chúng. Sau cùng đối với nước Anh, OCDE khẳng định bất chấp kế hoạch vực dậy kinh tế của Thủ tướng Gordon Brown, Anh sẽ bước vào một năm đen tối do trọng lượng của ngành tài chính ngân hàng đối với toàn bộ nền kinh tế Anh.

Anh cũng là nạn nhân đầu tiên của dư chấn khủng hoảng thứ cấp ở Mỹ. Một trong những dấu hiệu đáng lo ngại là số nhà bị tịch biên ở Anh trong 6 tháng đầu năm 2008 đã tăng thêm 40% so với cùng kỳ năm 2007 và con số này có chiều hướng tiếp tục gia tăng trong quý II.

Theo nhận xét của các chuyên gia kinh tế thuộc Tổ chức OCDE, khủng hoảng tài chính là nguyên nhân chính đẩy kinh tế thế giới vào cảnh khó khăn. Nhưng đây không phải yếu tố duy nhất. OCDE cho rằng, chu kỳ suy thoái hiện nay là một sự kết hợp kém may mắn giữa khủng hoảng tài chính và giai đoạn đi xuống của bong bóng địa ốc.

Trong những năm qua thị trường nhà đất đã tăng quá nhanh chủ yếu do các hoạt động đầu cơ, giờ đây, lĩnh vực này đang trên đà được điều chỉnh lại để phản ánh trung thực hơn luật cung cầu của thị trường.

Vấn đề đặt ra là thế giới phải điều chỉnh cùng một lúc trên quá nhiều phương diện trong một bối cảnh không thuận lợi và đầy rủi ro. Do vậy, OCDE kêu gọi các nước thành viên nên tiếp tay với tư nhân để các hoạt động kinh tế khởi sắc trở lại.

Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng dự báo một cuộc khủng hoảng toàn cầu trong năm 2009. Tổng giám đốc IMF Dominique Strauss-Kahn đánh giá: thế giới đang gặp một tình huống sản xuất công nghiệp bị suy giảm chưa từng thấy. Tâm lý bất an vô hiệu hóa mọi biện pháp kích cầu.

Nhu cầu khẩn cấp hiện nay là phải sử dụng một liều thuốc kích thích thật mạnh, lấy ngân sách nhà nước đầu tư vào các đại công trình, nhưng các biện pháp thông báo trong thơi gian qua chưa đủ.

Theo lời ông Strauss-Kahn, kinh tế thế giới thực sự bị đe dọa. Và những nước đang lên như Trung Quốc không đủ sức bù đắp cho quy mô suy thoái tại các nước công nghiệp. Cụ thể, nhịp độ tăng trưởng của Trung Quốc sẽ giảm còn 5 hay 6%.

Theo những con số được ghi trong bản báo cáo công bố vào ngày 6/11/2008 thì dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2009 sẽ không hơn 2,2% so với tỉ lệ tăng trưởng năm 2008 là 3,7%. Điểm đặc biệt là tổng sản lượng quốc gia tại các nước giàu sẽ không tăng mà còn bị giảm còn 0,3%.

Ông Strauss-Kahn gần như chắc chắn rằng toàn bộ kinh tế thế giới sẽ tiếp tục suy thoái, năm 2009 sẽ là năm cực kỳ khó khăn và sẽ không có dấu hiệu phục hồi trước đầu năm 2010

Giang Khuê (tổng hợp)
.
.