Việt Nam sẵn sàng ứng phó với nguy cơ phóng xạ

Thứ Ba, 19/04/2011, 13:50
* Bộ Y tế đang xây dựng phác đồ điều trị cho bệnh nhân nhiễm phóng xạ.
* Các cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát chất lượng thực phẩm nhập khẩu từ Nhật Bản.
* Các doanh nghiệp bắt đầu thận trọng nhập khẩu thực phẩm từ Nhật Bản.
* 9 bệnh viện, Viện Khoa học kỹ thuật hạt nhân đã sẵn sàng cho việc kiểm tra, điều trị bệnh nhân phóng xạ.

Chiều 28/3, trong buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Đình Tiến, chuyên gia Nhật Bản Satoru Toshimitsu, Trưởng đại diện Văn phòng của Diễn đàn Công nghiệp điện hạt nhân Nhật Bản (JAIF), kiêm Trưởng đại diện Công ty Phát triển điện hạt nhân quốc tế Nhật Bản (JNED) tại Việt Nam, cho rằng, trừ trường hợp tiếp tục xảy ra động đất và sóng thần tại địa điểm nhà máy, thì cùng với sự giúp đỡ của IAEA và các nước khác, Nhật Bản có thể kiểm soát và hạn chế đến mức thấp nhất các hậu quả của sự cố hạt nhân tại Nhà máy Fukushima I. Và có thể loại trừ được khả năng xảy ra vụ nổ hạt nhân tại các lò phản ứng như trường hợp của Chernobyl.

Tuy nhiên, từ nhiều ngày qua, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã có kế hoạch để ứng phó với tác động từ sự cố hạt nhân ở Nhật Bản.

Theo TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế, hiện Bộ Y tế và Bộ Khoa học - Công nghệ đã thống nhất phương án kiểm tra nhiễm xạ đối với công dân Việt Nam trở về từ Nhật Bản. Công tác kiểm tra nhiễm xạ ngoài, nhiễm xạ trong sẽ được thực hiện với cả các cơ sở của Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Y tế.

Theo đó kiểm tra nhiễm xạ bề mặt: Bộ Khoa học và Công nghệ đã liên hệ với Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật bản để phối hợp Công ty Fuzi ở Nhật Bản kiểm tra nhiễm xạ bề mặt cho các công dân Việt Nam trở về từ vùng bị nhiễm xạ và trước khi lên máy bay về nước. Toàn bộ 84 công dân Việt Nam trở về từ các tỉnh Sendai, Fukushima và Morioka đã được kiểm tra và kết quả cho thấy không có ai bị nhiễm phóng xạ.

Bên cạnh đó, Cục Kiểm soát an toàn bức xạ và hạt nhân đã chỉ đạo Trung tâm Hỗ trợ kỹ thuật an toàn bức xạ và ứng phó sự cố tại 56 phố Linh Lang, Ba Đình, Hà Nội tiến hành kiểm tra nhiễm bẩn phóng xạ miễn phí cho công dân Việt Nam trở về từ Nhật Bản. Kết quả kiểm tra trên 4 công dân, cho thấy không phát hiện đồng vị phóng xạ trong cơ thể của những người này, như vậy chưa có trường hợp nào bị nhiễm phóng xạ.

Về kiểm tra nhiễm xạ trong, các cơ quan: Trung tâm  Hỗ trợ kỹ thuật an toàn bức xạ và ứng phó sự cố thuộc Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, Viện Khoa học kỹ thuật hạt nhân thuộc Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, các cơ sở y tế như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nội tiết, Học viện Quân y 103, Bệnh viện Trung ương quân đội 108, Viện Y học phóng xạ và ung bướu Quân đội đã chuẩn bị sẵn sàng để kiểm tra nhiễm xạ cho người dân khi có yêu cầu.

Về điều trị cho bệnh nhân nhiễm xạ, hiện Bộ Y tế đã giao Bệnh viện Bạch Mai làm đầu mối khẩn trương xây dựng phác đồ điều trị cho bệnh nhân nhiễm xạ để trình Bộ Y tế phê duyệt. Bộ cũng chỉ đạo Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Chợ Rẫy chuẩn bị sẵn sàng, tổ chức tiếp nhận điều trị bệnh nhân nhiễm xạ nếu có.

TS Lương Ngọc Khuê cho biết, đối với khách du lịch từ Nhật Bản đến Việt Nam, Bộ Y tế và Bộ Khoa học và Công nghệ sẵn sàng kiểm tra nhiễm xạ ngoài hoặc nhiễm xạ trong cho những du khách này nếu họ có nhu cầu.

Tại siêu thị ở Nhật Bản cũng đã ngừng bán sản phẩm có nguồn gốc từ vùng bị nhiễm xạ.

Tăng cường kiểm soát thực phẩm nhập khẩu từ Nhật Bản

Cho tới thời điểm này, Việt Nam vẫn tiếp tục nhập khẩu hàng hóa từ Nhật Bản. Tuy nhiên, ông Phùng Hữu Hào, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: để được nhập khẩu vào Việt Nam, các đơn vị xuất khẩu thịt động vật của nước ngoài phải trải qua thủ tục đăng ký với Cục Thú y và Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Một yêu cầu bắt buộc là trong hồ sơ đăng ký phải có chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Chứng nhận này phải do cơ quan có thẩm quyền phía Nhật cấp, trong đó nêu rõ các chỉ tiêu về an toàn phóng xạ. Cơ quan này đã có văn bản gửi Cục Thú y, cơ quan kiểm soát tại cửa khẩu, cần tăng cường kiểm tra hàm lượng, dư lượng phóng xạ trong sản phẩm của các doanh nghiệp Nhật Bản; đặc biệt lưu ý 5 cơ sở sản xuất thủy sản và 1 cơ sở sản xuất thịt gia súc, gia cầm tại vùng Fukusima là vùng có sự cố hạt nhân nếu họ xuất hàng vào Việt Nam trong thời gian này.

Theo ông Hào, mặt hàng thực phẩm nhập khẩu từ Nhật vào Việt Nam không nhiều, như nhóm rau quả tươi sống, cả năm 2010 chỉ có 230 tấn táo, bí đỏ trên toàn nước Nhật nhập vào Việt Nam. Không những thế phía Nhật làm công tác này rất công khai, minh bạch. Song, để đảm bảo an toàn, khi thực phẩm qua cửa khẩu sẽ lấy mẫu ngẫu nhiên, kiểm định tại 1 trong 4 phòng thí nghiệm đủ tiêu chuẩn phân tích ô nhiễm phóng xạ, hạt nhân trong nước (4 phòng thí nghiệm này là Cục An toàn phóng xạ và hạt nhân, Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, Viện Khoa học kỹ thuật hạt nhân Hà Nội, Trung tâm Hạt nhân TP HCM. Theo phân công, nhóm hàng thủy sản tươi sống, sơ chế đông lạnh sẽ do Bộ Nông nghiệp đảm trách kiểm tra, giám sát. Bộ Y tế phụ trách nhóm rau quả tươi, thực phẩm đóng hộp). Tiêu chuẩn an toàn phóng xạ Việt Nam áp dụng sẽ tuân theo giới hạn của Tổ chức quốc tế về Tiêu chuẩn thực phẩm - Codex.

Hiện Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã ký ban hành Thông tư số 13 có hiệu lực từ ngày 1/7/2011 quy định việc kiểm tra chứng nhận an toàn thực phẩm với các lô hàng có nguồn gốc thực vật nhập khẩu vào Việt Nam. Trong thời gian từ nay đến ngày Thông tư này có hiệu lực, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản phối hợp với ngành chức năng sẽ tăng cường lấy mẫu thực phẩm nhập khẩu từ Nhật Bản để xét nghiệm.

Theo PGS.TS Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) - Bộ Y tế, thì hầu hết hàng nhập từ Nhật hiện lưu thông ở Việt Nam đều có từ trước sự cố 11/3. Sau khi xảy ra thảm họa, cả vùng Fukushima và 3 tỉnh lân cận đều tập trung cho công tác cứu hộ, cứu nạn nên các nhà máy, công ty đều ngưng trệ hoạt động nên không thể xuất, nhập khẩu được. Do đó, việc đưa các mặt hàng thực phẩm rời khỏi Nhật rất hạn chế.

"Hiện Cục đã chỉ đạo cơ quan y tế địa phương nắm số liệu các nhà hàng Nhật Bản và điều tra về tình hình tiêu thụ các mặt hàng cần phải xem xét như rau, thực phẩm tươi sống được nhập từ miền Trung hoặc phía Bắc của Nhật và báo cáo về Cục ATVSTP" - ông Khẩn khẳng định.

Doanh nghiệp cẩn trọng với hàng nhập khẩu từ Nhật Bản

TP HCM là địa bàn có khoảng 10.000 người Nhật Bản đến làm việc, kinh doanh. Hàng nhập khẩu từ Nhật Bản vào, ngoài việc bán bình thường trên thị trường, còn vì mục đích phục vụ cho cộng đồng người Nhật đang kinh doanh, làm việc tại đây. Vì vậy, vấn đề thực phẩm nhiễm xạ cũng đã được các công ty nhập khẩu đặt ra.

Một khối khí bụi chứa phóng xạ bốc lên từ nhà máy hạt nhân Fukushima.

Bà Lê Quang Thục Quỳnh, Giám đốc Marketing của Công ty Cổ phần Saigon Coop, cho biết chuỗi siêu thị Coopmart ưu tiên hàng trong nước, nên mặt hàng nhập khẩu chỉ chiếm tỷ trọng  5%, từ nhiều quốc gia, trong đó có nhập từ Nhật. Theo quy định của hệ thống Coopmart, các sản phẩm nhập về đều phải có bộ hồ sơ, trong đó có đầy đủ các thông tin do Bộ Y tế, Cục ATVSTP quy định. Hiện nay, sau khi xảy ra sự cố nhiễm xạ, các quy trình kiểm tra hàng nhập khẩu của Coopmart vẫn như trước, song lần này cần phải có thêm giấy chứng nhận an toàn của cơ quan quản lý thì Coopmart mới chấp nhận. Coopmart không nhập hàng trực tiếp, mà do một đơn vị phân phối cung cấp hàng. Đơn vị này chịu trách nhiệm thực hiện các thủ tục kiểm tra kiểm soát nhiễm xạ.

Tương tự Coopmart, hệ thống siêu thị BigC cũng có lượng hàng nội địa chiếm 95% tổng lượng hàng hóa. Trong số 5% còn lại nhập từ các nước, trong đó hàng hóa nhập từ Nhật chủ yếu là thực phẩm và điện tử. Tuy nhiên BigC chủ trương không thông tin trên phương tiện truyền thông về các giải pháp của công ty. Bà Dương Thị Quỳnh Trang, Giám đốc Đối ngoại của BigC nói rằng, công ty sẽ có giải pháp nhất định để bảo đảm khách hàng được bảo vệ.

Địa bàn cư trú của người Nhật tập trung nhiều nhất ở khu vực quận 1, TP HCM. Nơi đây có nhiều nhà hàng và các cửa hàng chuyên bán hàng nhập khẩu từ Nhật Bản. Cô San Kim Chi, người quản lý nhà hàng mỳ Nhật Osaka ở số 18 Thái Văn Lung, quận 1, cho biết, các loại thực phẩm, rau quả tươi được sử dụng từ nguyên liệu tại chỗ. Mỳ cũng được chế biến tại chỗ từ nguyên liệu trong nước. Riêng các loại gia vị như nước sốt được nhập từ Nhật. Nước sốt được nhập 3 tháng một lần, hiện giờ lượng hàng nhập trước khi Nhật bị động đất vẫn còn đủ dùng cho hai tháng nữa. Còn các loại hàng nhập thường xuyên, đơn vị giao hàng bên Nhật sẽ thực hiện các khâu kiểm tra, kiểm định, và phải có giấy xác nhận của các cơ quan chức năng là không nhiễm xạ. Tại cửa hàng, hai thực khách Nhật đang dùng món mỳ sợi và bít tết. Hai vị khách cho biết họ vẫn yên tâm với các món ăn của nhà hàng đưa lên, vì tiêu chuẩn vệ sinh thực phẩm của người Nhật rất khắt khe, và uy tín trong kinh doanh của người Nhật là điều không phải lo lắng.

Trong số các cửa hàng chuyên bán đồ Nhật ở TP HCM thì Daiso và Hachi Hachi được biết đến nhiều nhất với chuỗi cửa hàng đồng giá và hệ thống siêu thị Akuruhi vừa mới vào Việt Nam cuối tháng 11/2010. Sản phẩm chủ yếu của các cửa hàng này là đồ gia dụng, thực phẩm chế biến. Phục vụ chủ yếu cho công dân của nước mình, nên sự kiện nhiễm xạ thực phẩm vừa qua ở Nhật Bản thực sự được các chuỗi cửa hàng này rất quan tâm.

Cô Kim Trâm, nhân viên marketing của Hachi Hachi, cho biết, hàng bán trong cửa hàng được nhập từ nhiều nước sản xuất bằng công nghệ Nhật Bản, theo tiêu chuẩn của người Nhật. Riêng những mặt hàng thực phẩm nhập từ chính quốc, trong thời gian tới khi tiêu thụ hết số hàng đã nhập từ trước, sẽ tạm thời ngưng nhập. Còn ông Nguyễn Văn An, Phó Tổng giám đốc Akuruhi tại Việt Nam, và cô Tuấn Anh, quản lý cửa hàng thực phẩm Tokyo shop, đều cho biết, tất cả các sản phẩm nhập từ Nhật Bản về đây, đơn vị đều yêu cầu nhà phân phối cung cấp giấy chứng nhận từ cơ quan kiểm định của Nhật là thực phẩm sạch, không nhiễm xạ. Sau đó, các sản phẩm này được kiểm định lần nữa tại Trung tâm Kiểm định Đo lường Chất lượng Khu vực 3 (Quatest 3). Khi có kết quả cuối cùng này, hàng hóa mới được đưa ra bán tại cửa hàng, siêu thị.

Đến giờ này, ở TP HCM, để bảo vệ cho khách hàng của mình, các doanh nghiệp, thương nhân đã tự mình đối phó, ngăn ngừa là chính. Hầu hết các đơn vị kinh doanh khi được hỏi, đều cho biết vì hiệu quả của công ty, đơn vị tự tìm giải pháp, chứ chưa có được sự hướng dẫn, hỗ trợ nào từ các cơ quan chức năng

Nguyễn Thiêm - Đặng Vỹ
.
.