Việt Nam "trắng tay" tại Olympic London 2012: “Đúng” tài, “đúng” sức!

Thứ Hai, 20/08/2012, 22:35

Tham gia Olympic 2012 với lực lượng 18 vận động viên (VĐV), thi đấu ở 11 môn, nhưng đoàn thể thao Việt Nam đã phải "trắng tay" trở về. Bài học nào được rút ra từ kết quả đáng buồn này? Chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao, người từng làm Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam tại nhiều kỳ Olympic, Asiad và SEA Games nên hiểu rất rõ thực trạng của thể thao Việt Nam…

Đầu tư dàn trải thì khó có kết quả cao

PV: Là một chuyên gia, ông có nhận xét gì về kết quả của Đoàn thể thao Việt Nam tại Olympic London 2012 vừa qua?

Ông Nguyễn Hồng Minh: Theo dõi quá trình thi đấu của các VĐV tại Olympic vừa qua, theo quan điểm của tôi thì tất cả các VĐV đều rất cố gắng, dù trình độ yếu hơn nhưng họ đều thi đấu hết sức mình, và đã có những điểm sáng như Trần Lê Quốc Toàn, Hoàng Xuân Vinh, Nguyễn Thị Ánh Viên, Nguyễn Thanh Phúc, Lê Huỳnh Châu…

Cũng phải nói thêm rằng, lần đầu tiên chúng ta có tới 18 VĐV vượt qua được tiêu chuẩn vòng loại để tham gia Olympic là sự tiến bộ của thể thao Việt Nam so với các kỳ Olympic trước. Đó là do từ đầu năm 2011, Tổng cục TDTT đã khởi thảo kế hoạch chuẩn bị cho Olympic London 2012 một cách rất bài bản. Tôi đã trực tiếp xem bản kế hoạch này và có thể khẳng định đó là kế hoạch rất tốt vì đã xác định đầu tư cho VĐV ở một số môn có khả năng giành huy chương Olympic đi tập huấn, thi đấu ở nước ngoài, rồi đặt chỉ tiêu cụ thể cho từng môn.

PV: Nhưng thực tế là chúng ta đã tay trắng tại Olympic lần này và ngay cả những điểm sáng mà ông vừa nhắc tên cũng đã thất bại. Theo ông là vì lý do nào?

Ông Nguyễn Hồng Minh: Kế hoạch rất tốt nhưng vì sau đó lại tập trung để chuẩn bị cho SEA Games nên lực lượng chuẩn bị cho Olympic  không có gì. Sau chiến thắng ở SEA Games thì tới thời gian nghỉ tết, lúc đó kế hoạch chuẩn bị cho Olympic mới lại được đưa ra thực hiện, các VĐV bắn súng tập huấn ở một số nơi; tham gia bắn một số cuộc ở Mỹ, ở Anh, ở Ý để đạt tiêu chuẩn qua vòng loại. Taekwondo sang Hàn Quốc 2 tháng, Trần Lê Quốc Toàn của môn cử tạ sang Pháp, sang Bulgaria, sang Anh. Thể dục dụng cụ (TDDC) đi thi đấu ở Bỉ, ở Đức, ở Anh; những môn khác cũng thế.

Nhưng điều đáng nói là khi đó lại xuất hiện một nhầm lẫn, đó là thay vì  giành huy chương ở Olympic thì lại coi việc vượt qua vòng loại để đến Olympic là mục tiêu. Vì coi vượt qua vòng loại là thành tích nên khi có 18 VĐV vượt qua vòng loại rồi lại có tâm lý "yên tâm". Nhưng thực tế trong số 18 VĐV vượt qua vòng loại Olympic thì chỉ có 11 người là chính thức xứng đáng vượt qua cuộc đua vòng loại, còn lại qua được là do may mắn, như Văn Ngọc Tú (môn Judo hạng cân 48 kg nữ) bất ngờ được gọi đi là vì ở môn Judo, Kazakstan có 2 hạng cân, trong khi mỗi nước chỉ được cử 1 hạng cân thôi, nên người ta chọn hạng cân 78kg, bỏ hạng cân 48kg vì thế người đứng thứ 2 là Tú được gọi...

Nếu xác định giành huy chương ở Olympic là mục tiêu thì chậm nhất là từ đầu năm 2011 đã phải tập trung cho 3 môn có khả năng giành huy chương là cử tạ, Taekwondo và TDDC.

Đấu trường Olympic rất khắc nghiệt bởi có tới 11.000 VĐV tham gia, trong đó có khoảng 800 - 1.000 người là các nhà vô địch châu lục, vô địch thế giới, đương kim vô địch Olympic… 800 con người ấy tranh giành nhau hơn 300 bộ huy chương nên đấu quyết liệt lắm. Chúng ta có VĐV có khả năng để giành được huy chương ở Olympic, nhưng để biến khả năng ấy thành hiện thực thì phải đầu tư bài bản từ việc tập luyện thế nào, thi đấu, chế độ ăn uống, chữa thương… Trong khi đó 1 VĐV TDDC chuẩn bị cho Olympic như Phan Thị Hà Thanh phần lớn chỉ tập chay. Chế độ ăn cũng vậy, do chỉ được đầu tư mức ăn 300 ngàn đồng/ người/ngày trong thời gian 3 tháng trước Olympic nên tác dụng rất ít, lại không có thuốc men hỗ trợ nữa. Trong khi thể thao đỉnh cao là phải có thuốc hỗ trợ quanh năm chứ không phải gần đến nơi mới cho, chưa kể thời gian chuẩn bị sẽ phải là hàng năm chứ không phải chỉ vài tháng.

Vì vậy, nhìn lại quá trình thi đấu ở Olympic vừa rồi, có thể thấy các VĐV thi đấu rất cố gắng, rất quyết tâm. Nhưng quyết tâm, quyết chí nó phải có cơ sở thì mới có huy chương được. Tôi cho rằng kết quả vừa qua đã phản ánh đúng quá trình chuẩn bị của thể thao Việt Nam và trình độ của VĐV.

Võ sĩ Văn Ngọc Tú thất bại ngay trận ra quân khi gặp võ sĩ Brazin.

PV: Như ông nói thì thất bại này chủ yếu thuộc trách nhiệm của các nhà quản lý chứ không phải do VĐV?

Ông Nguyễn Hồng Minh: Tôi phải nhắc lại một chút về lịch sử để thấy rằng mọi chuyện đều có lý do.

Khi phong trào Olympic hiện đại trở lại, thời gian đầu do muốn phát triển mạnh nên các nhà tổ chức nêu cao khẩu hiệu "tham gia quan trọng hơn chiến thắng". Vì vậy ngày đó, Olympic không đặt ra các điều kiện cho VĐV phải vượt qua vòng loại mới được tham dự mà chỉ cần quốc gia đó là thành viên của Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) là được cử VĐV tham gia.

Không những thế, với những nước có nền thể thao phát triển kém, để thúc đẩy phong trào thì IOC mời mỗi đoàn 6 người đến dự Olympic và được "bao trọn gói" từ vé máy bay đến ăn ở. 6 người này gồm 2 quan chức của Ủy ban Olympic quốc gia, 2 VĐV điền kinh và 2 VĐV bơi. Vì vậy, tại các kỳ Olympic 1988, 1992, 1996 ta đều đi như thế.

Khoảng 20 năm trở lại đây, xu hướng phát triển của thể thao thế giới đã quan tâm nâng cao thành tích nên thi đấu rất quyết liệt. Lúc này IOC mới yêu cầu các đoàn đưa ra tiêu chuẩn  chuyên môn, vì họ không muốn những người dự Olympic mà chuyên môn và thành tích kém. Từ đây mới đặt ra các tiêu chuẩn như môn điền kinh thì có tiêu chuẩn A, tiêu chuẩn B. Bơi cũng có tiêu chuẩn chính thức tham gia Olympic  và tiêu chuẩn có giấy mời đến tham dự Olympic và mọi người cũng quen gọi chuẩn A và chuẩn B. Còn các cuộc thi khác đều có các cuộc tuyển chọn thay đổi theo thời gian để duy trì một tỷ lệ VĐV xuất sắc đến tham gia OLympic.

Đây chính là khó khăn đối với các nước có nền thể thao chưa phát triển, trong đó có Việt Nam. Bởi sau nhiều năm chỉ đi theo các suất mời nên tinh thần thi đấu của ta là quan niệm "ta cứ thi đấu thế thôi". Quan niệm "tham gia quan trọng hơn chiến thắng" vẫn ảnh hưởng tới các nhà quản lý thể thao nên họ cho rằng ở nơi thành tích cao quá như Olympic thì đến đấy để tham dự thôi, không thể phấn đấu được.

Luồng tư tưởng thứ 2 là từ năm 1989, thể thao Việt Nam trở lại tham gia SEA Games và lập tức giành được 3 Huy chương Vàng (HCV) môn bắn súng.  Đến Sea Games 22 năm 2003, Việt Nam đứng đầu với 158 HCV đã sinh ra tư tưởng là luôn xác định Việt Nam đứng trong top 3 của Đông Nam Á. Trong khi Đông Nam Á chỉ là vùng thể thao thấp nhất thế giới, tới mức khi đến nhiều nước, nghe tôi nói về SEA Games, người ta không biết là cái gì.

Nhưng hạn chế của SEA Games là chưa được chuẩn hóa các môn thi đấu mà thường thay đổi theo nước đăng cai nên mình cứ phải đuổi theo sự thay đổi ấy.  Khi chúng ta làm SEA Games lâu rồi thì cũng xuất hiện tư tưởng chỉ làm SEA Games, nên có năm thì 30 môn, có năm thì 35 môn, và mình cũng phải chạy theo.

Khi làm SEA Games nhiều thì các nhà quản lý cũng xuất hiện tư tưởng chơi SEA Games thôi và xuất hiện tâm lý không muốn vươn lên ở đấu trường khó khăn hơn như Asiad và Olympic. 

Quãng sau năm 2000, xuất hiện tư tưởng phải vươn lên ở ASIAD, vì sau  Asiad Busan 2002 ở Hàn Quốc, ta có 4 HCV của các môn Karatedo, thể hình và bida, đồng thời ta giành mấy HCB, HCĐ ở các môn như Taekwondo, bắn súng… nên mục tiêu Asiad đã được đặt ra nhưng mục tiêu SEA Games vẫn được chú trọng nhất. Vì vậy trong văn bản mới nhất của ngành thể thao năm 2011 đã xác định tham gia tất cả các sự kiện thể thao lớn như Olympic, Asiad, SEA Game, Indoor Games, võ trong nhà… với mục tiêu luôn giữ top 3 SEA Games, phấn đấu top 10 - 15 ở ASIAD và một số số môn tham gia đấu trường Olympic, và phấn đấu có huy chương Olympic.

Chiến lược này theo tôi là đúng chứ không sai nhưng cái kế hoạch cụ thể thì nó lại không diễn đạt được. Vì kế hoạch nằm trong top 3 SEA Games lại phù hợp với chiến lược và ta chỉ lo SEA Games. Tới Asiad tham dự một số môn, Olympic chỉ còn một số môn. Các kế hoạch cụ thể chỉ hợp cho SEA Games thôi, còn kế hoạch nâng cao trình độ cho những VĐV ưu tú để tham gia Asiad và  Olympic không được quan tâm đúng mức.

Trong khi Asiad có tới 11 môn thể thao của châu Á có thành tích ngang bằng ở Olympic như: cử tạ, bắn cung, bắn súng, bóng bàn, Taekwondo, một số nội dung của điền kinh, một số nội dung của bơi, Judo… bởi các nhà vô địch Asiad những môn này cũng vô địch Olympic. Những môn ấy các nước châu Á hơn hẳn Mỹ và châu Âu; chỉ thua Mỹ và châu Âu môn điền kinh và bơi. Ba môn cơ bản của Olympic là điền kinh, bơi, thể dục; các môn khác chỉ nằm trong chương trình của Olympic. Trong khi đó thì mình cứ tập trung ở SEA Games, một số môn khác đã tiếp cận, đã có huy chương Asiad nhưng lại không phải những môn chính của Olympic, như thể hình của Lý Đức, bida của Trần Đình Hòa và Trương Hoàng Anh, Karatedo của Nguyệt Anh, Kim Anh, Bảo Ngọc…

Do cách làm không đầu tư trọng tâm trọng điểm, tràn lan, tư tưởng không quan tâm chăm sóc tới VĐV có thể thành công ở Asiad, Olympic; những vận động viên có khả năng giành huy chương Olympic không được đầu tư trọng điểm, không có kế hoạch dài hơi nên không có thành tích được.

Trần Lê Quốc Toàn được kỳ vọng rất nhiều nhưng cũng trắng tay.

Đã đến lúc ngành thể thao phải đổi mới tư duy

PV: Vậy theo ông, để thay đổi thì thể thao Việt Nam nên làm gì?

Ông Nguyễn Hồng Minh: Vẫn phải quay lại nguyên tắc của thể thao thành tích cao là đầu tư dài hơi, có hệ thống.  Đúng là chúng ta thiếu tiền và thể thao luôn luôn là thiếu tiền. Nhưng trong một cơ số tiền mà Chính phủ đầu tư như hiện nay thì vẫn có thể giành huy chương Olympic. Tuy nhiên phải thay đổi tư duy chiến lược là tập trung vào ai và tập trung vào đâu chứ không phải dàn trải như hiện nay tham gia tất cả các đấu trường. Xác định đến Olympic để làm gì, nếu đến để lấy huy chương thì phải đầu tư vào ai. Nếu tập trung đầu tư vào một vài VĐV cử tạ, hay điền kinh, một vài VĐV TDDC và làm cho 4 năm liên tục thì sẽ có kết quả. Tức là để chuẩn bị cho 4 năm sau thì phải bắt đầu từ bây giờ.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là sau thất bại này, các nhà quản lý cần có dũng khí để nhìn thẳng vào vấn đề, phân tích đúng nguyên nhân, có dám thừa nhận 4 năm qua anh đã làm sai không và sắp tới phải thay đổi cách làm hay không thôi. Nếu làm được việc đó thì 4 năm nữa sẽ có kết quả tốt.

PV: Cách đây không lâu đã có cuộc tranh luận về việc Việt Nam đăng cai Asiad 2019 với nhiều ý kiến trái ngược. Vậy quan điểm của ông về chuyện này thế nào?

Ông Nguyễn Hồng Minh: Để đăng cai Asiad theo tôi phải có đủ 3 yếu tố:

Thứ nhất là xây dựng lực lượng, phải có lực lượng để thi đấu và làm chủ trên mảnh đất của mình.

Thứ hai là xây dựng cơ sở vật chất. Cơ sở vật chất hiện nay không đủ để tổ chức Asiad. Muốn làm Asiad sẽ phải tốn rất nhiều tiền. Trong khi kinh tế chúng ta hiện đang khó khăn.

Thứ ba là đội ngũ những người tổ chức, theo tôi hiện chúng ta đang rất thiếu lực lượng này.

Vì vậy nếu có đăng cai Asiad cũng nên chậm lại 1- 2 chu kỳ. 

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Nguyễn Thiêm (thực hiện)
.
.