Việt Nam với văn hóa thờ Thánh Mẫu: Hướng niềm tin con người về thế giới hiện tại

Thứ Ba, 07/10/2014, 17:35

Năm 2012, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tôn vinh “Nghi lễ chầu văn” là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và đầu năm 2014 Việt Nam (VN) đã gửi hồ sơ “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ của người Việt” để UNESCO xem xét tôn vinh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đây được xem là những mốc đánh dấu sự chuyển biến nhận thức xã hội về giá trị văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu.

Tín ngưỡng thờ Mẫu là tín ngưỡng bản địa từ lâu đời, có nguồn gốc từ thời hình thành dân tộc, trải qua thời lập quốc với tâm thức Mẹ Âu Cơ, thỏa mãn nhu cầu phồn thực, sinh sôi nảy nở của cư dân nông nghiệp. Đến thế kỷ thứ XV, với sự phát triển của nhà nước độc lập, đặc biệt là sự xuất hiện của Thánh Mẫu Liễu Hạnh (một trong tứ bất tử của VN), tục thờ Mẫu đã phát triển thành Mẫu Tứ phủ và tồn tại, phát triển suốt thời phong kiến, đáp ứng nhu cầu không chỉ người nông dân ở làng quê Việt mà ngay cả ở những đô thị thành phố trù phú.

Tục thờ Mẫu của người Việt có nguồn gốc từ đồng bằng Bắc Bộ với biểu tượng Mẹ Âu Cơ đẻ ra 100 trứng, 50 người con lên rừng, 50 người con xuống biển. Từ thế kỷ thứ X-XI đã theo chân người Việt vào miền Trung hòa nhập với tín ngưỡng thờ Mẫu của người Chăm (thờ Mẹ xứ sở Pô InuGar) ở phía Nam để hình thành nên tục thờ Thánh Mẫu Thiên A Na của người Việt ở Nam Trung Bộ, hỗn dung với tục thờ Mẫu của người Khmer, người Hoa ở Nam Bộ để thành tín ngưỡng thờ Bà Chúa Xứ, thờ Bà Đen (Linh Sơn Thánh Mẫu), thờ Thiên Hậu ở Nam Bộ.

Tất cả những địa danh trên bản đồ nước Việt với tục thờ Thánh Mẫu đã tạo nên toàn cảnh về một bức tranh thờ Thánh Mẫu đa dạng, phong phú trong đời sống tâm linh tín ngưỡng của người Việt qua nhiều dân tộc, vùng miền. Khiến cho văn hóa thờ Mẫu vừa mang nét thống nhất quốc gia, vừa đa dạng sắc thái văn hóa vùng miền và tộc người. Trong lịch sử tồn tại phát triển của văn hóa thờ Thánh Mẫu đã hòa nhập với các tôn giáo tín ngưỡng khác, như Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo (Tam giáo) để làm phong phú hơn các sắc thái của mình.

Văn hóa tín ngưỡng thờ Thánh Mẫu như quan niệm thế giới quan gắn con người với "mẹ tự nhiên", nhân sinh quan ước vọng con người vào thế giới trần gian (phúc lộc thọ). Chủ nghĩa yêu nước với tâm thức uống nước nhớ nguồn, tinh thần hòa hợp khoan dung văn hóa giữa các dân tộc, giá trị văn hóa nghệ thuật đặc biệt trong nghi lễ chầu văn. Sau đây là ý kiến của một số chuyên gia về vấn đề này:

GS-TS Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam:

Mẫu hiện thân cho "mẹ tự nhiên" và vì thế có thể che chở mang lại những điều tốt lành cho con người. Tín ngưỡng thờ Mẫu hướng niềm tin vào đời sống trần tục của con người, khác với nhiều tín ngưỡng dù đó là đạo Phật, đạo Kitô, không hướng niềm tin của con người sau cái chết mà là thế giới hiện tại, thế giới con người cần có sức khỏe, có tiền tài, có quan lộc. Đó là một nhân sinh quan mang ý nghĩa tích cực phù hợp với quan niệm hiện sinh của con người trong thế giới hiện đại. Lúc này đặt niềm tin vào thế giới siêu nhiên mà Thánh Mẫu là đại diện trở nên thứ yếu làm phương tiện, còn mục đích sống của con người  mới là quan trọng. Đây cũng là tư duy mang tính thực tế, thực dụng của con người VN.

Tín ngưỡng thờ Mẫu là thứ chủ nghĩa yêu nước đã được tâm linh hóa. Thờ Mẫu thông qua tín ngưỡng đã truyền thuyết và huyền thoại các nghi lễ, và lễ hội đã thể hiện tỏ rõ ý thức lịch sử và ý thức xã hội của mình. Trong đạo Mẫu hầu hết các vị Thánh được lịch sử hóa, đó là những con người có công lao, danh tiếng trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Đây không phải là một thứ làm tùy tiện ngẫu nhiên mà đều xuất phát từ ý thức lịch sử, ý thức xã hội. Đó chính là ý thức uống nước nhớ nguồn, hướng về cội nguồn, tôn vinh những người có công với dân, với nước. Bằng cách đó tín ngưỡng thờ Mẫu đã gắn bó với cội nguồn của lịch sử dân tộc đã trở thành biểu tượng của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam. Một thứ chủ nghĩa yêu nước đã được tín ngưỡng hóa, tâm lý hóa mà trong đó hình tượng người Mẹ (Mẫu) là nhân vật trung tâm.

Thánh Mẫu là một dòng thuộc đạo giáo mà ở đây điển hình nhất là Tam tòa tứ phủ. Cái nôi hình thành ở miền Bắc nước ta sau đó lan ra cùng với người Việt di cư vào Nam.

Nhà sử học Dương Trung Quốc:

Cư dân của người Việt trên lãnh thổ đất nước chúng ta, đó là miền đất gắn liền với nền văn minh lúa nước, cho nên tôn vinh sự phồn thực, sự sinh sôi chính là cơ sở gắn liền với hình tượng người Mẹ. Người ta nói đến dấu ấn của thời kỳ Mẫu hệ, nhưng một điều chắc chắn nhân vật người phụ nữ đã để rất sâu trong tiềm thức của người Việt Nam như một nguồn lực của sự phát triển, và vì thế nền tảng ấy đã hết sức cơ bản và đáng để chúng ta trân trọng.

Tín ngưỡng thờ đạo Mẫu tồn tại hàng ngàn năm ở nước ta, tín ngưỡng này đã trở thành nhận thức chung của toàn xã hội tạo ra bước thay đổi rất quan trọng đối với sự phát triển. Tín ngưỡng thờ Mẫu trải qua rất nhiều biến cố thử thách của lịch sử. Ngay trong ký ức của chúng ta, chúng ta nhớ lại thời kỳ tín ngưỡng thờ đạo Mẫu còn đứng trước không biết bao nhiêu sóng gió trong nhận thức xã hội, trong chủ trương đường lối, và đặc biệt là trong nhận thức của giới trẻ.

Tất cả những gì mà chúng ta đã làm được cho đến ngày hôm nay tôi vẫn quan niệm đấy là bước đầu tiên. Bước đầu tiên rất quan trọng, chúng ta không chỉ khai thác lại vốn của người xưa với di sản quý báu của các bậc tiền nhân để lại mà điều quan trọng hơn hết từ nhận thức ấy chúng ta tạo ra được một môi trường, một nỗ lực để tiếp tục đi vào đời sống văn hóa hiện đại của dân tộc mà vẫn bảo tồn được giá trị quá khứ, đồng thời tiếp tục sứ mệnh thiêng liêng, tạo nên nguồn lực tinh thần cho dân tộc, và đến hôm nay chúng ta tiếp tục trên con đường đầy thử thách  ở trước mắt…

Ông Vũ Công Hội, Phó Vụ Trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ (Ban Tuyên giáo Trung ương):

Cho đến nay nước ta có 3.211 di tích lịch sử văn hóa  xếp hạng quốc gia và hơn 7.000 di tích cấp tỉnh, trong đó nhiều  đình chùa đền miếu vốn là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của đông đảo nhân dân ở các vùng miền, cùng với các đình đền miếu phủ vốn là nơi tổ chức văn hóa cộng đồng, nơi giao lưu với nhiều giá trị văn hóa, nơi nuôi dưỡng bồi đắp tư tưởng tình cảm của mỗi người dân đối với gia đình, dòng họ và quê hương. Nhiều đình đền chùa có niên đại hàng nghìn năm đó là minh chứng về sức sống mãnh liệt phong tục tập quán trong đời sống tinh thần xã hội.

Ngoài hình dáng bên ngoài thì bên trong mỗi di tích đều chứa đựng văn hóa tinh thần thông qua nghi lễ thờ cúng. Ngoài ban thờ Phật là ban thờ Thánh Mẫu với lung linh huyền ảo của sắc màu và rộn rã âm thanh. Nhiều di tích thờ Mẫu ở nước ta trải khắp các vùng miền nhưng nổi tiếng như là các địa danh Lạng Sơn, Hà Nội, Nam Định, Thanh Hóa…

Nhà nước phong kiến trước đây đã mang nhân vật trung tâm là Mẫu Liễu Hạnh thượng đẳng thần điều đó khẳng định ảnh hưởng to lớn của tín ngưỡng thờ Mẫu trong đời sống tâm linh của người Việt. Thời gian qua các nhà khoa học đã dày công nghiên cứu  về sinh hoạt văn hóa mang  tính chất dân gian trong việc thờ Mẫu và xây dựng hồ sơ trình các cấp có thẩm quyền công nhận hát chầu văn, hát hầu thánh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tiến tới đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. 

Tuy nhiên việc hiểu biết về nơi thờ tự nghi lễ  tín ngưỡng thờ Mẫu  để thực hành cho đúng trong nhân dân còn nhiều hạn chế,  việc bài trí thờ Mẫu vẫn chưa thống nhất ở các đền phủ, thậm chí nhiều người còn lợi dụng sinh hoạt tín ngưỡng này làm mất đi  giá trị thực của văn hóa truyền thống  và gây khó khăn cho việc quản lý làm sai lệch giá trị nhân văn  tốt đẹp của tín ngưỡng thờ Mẫu.

PGS - TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ Tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, ủy viên Hội đồng Văn hóa quốc gia, ủy viên Hội đồng Văn hóa quốc tế:

Văn hóa đạo lý đã kết tinh được tinh hoa văn hóa hàng ngàn đời nay của VN chúng ta làm cho nét đẹp văn hóa  được thấm sâu vào đời sống xã hội. Di sản văn hóa đến với chúng ta từ quá khứ do nhiều thế hệ cha ông sáng tạo ra lựa chọn tinh hoa nhất mà theo họ sẽ cần thiết cho con cháu ở thế hệ tương lai và truyền lại cho chúng ta. Nhưng ngày hôm nay nếu chúng ta cứ để nguyên như thế thì quá khứ vẫn luôn luôn là quá khứ.

Nhưng phương tiện văn hóa nghệ thuật và khoa học kỹ thuật phải góp sức mình làm cho di sản văn hóa quá khứ ấy trở thành một hợp phần của đời sống xã hội đương đại. Làm cho di sản văn hóa ấy có sức sống mới không bị già cỗi đi qua thời gian. Và di sản văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu của VN ngày nay càng chứng tỏ được sức sống mãnh liệt của nó ở mọi mặt đời sống và cũng được trẻ hóa dần ra.

Hiện tượng thờ cô Sáu, hiện tượng thờ 10 cô gái Ngã Ba Đồng Lộc, thờ 13 cô gái ở Truông Bồn, 8 cô gái ở hang Tám Cô ở Quảng Bình… chính là hiện tượng văn hóa độc đáo của VN, được sáng tạo ngay ở thời đại Hồ Chí Minh.

Một niềm tự hào nữa là Chính phủ chúng ta đã đồng ý  xây dựng hồ sơ Di sản tín ngưỡng thờ Mẫu của VN trình UNESCO. Chúng tôi hy vọng bằng con đường như thế chúng ta sẽ đưa được nét đẹp văn hóa VN ra thế giới, và chúng ta có quyền tự hào VN cũng có đóng góp xứng đáng làm cho di sản văn hóa thế giới  càng trở nên sinh động, đa  dạng hơn. Chúng ta làm di sản văn hóa tín ngưỡng đạo Mẫu gắn với đời sống của cộng đồng cư dân trong đất nước chúng ta.

Khi giá trị văn hóa tinh thần trở thành sức mạnh hợp nhất thì trở thành sức mạnh vô biên đó là lý do giải thích tại sao có 1.000 năm Bắc thuộc mà chúng ta không mất văn hóa. Có thể giải thích tại sao một nước nhỏ, điều kiện kinh tế không phát triển mà lại đánh thắng được nhiều kẻ thù xâm lược. Trong sức mạnh tiềm ẩn ấy tín ngưỡng thờ Mẫu đóng góp một phần công sức không nhỏ, xứng đáng để tôn vinh.

Nhà Biên kịch, đạo diễn Nguyễn Minh Tuân (Xưởng phim Hòa Bình):

Chúng tôi mong muốn để làm sao mọi người cùng nhau giữ gìn và bảo tồn thờ Thánh Mẫu. Những thủ nhang đồng đền, những thanh đồng là những người đang bảo tồn  đó cũng chính là người bảo vệ di sản văn hóa này. Trong 72 giá hầu đồng nói chung hay 36 giá hầu đồng nói riêng. Trong hầu đồng còn có lề lối hát văn và phục trang của thanh đồng hầu Thánh, cách bài trí, động tác để tái hiện các nhân vật.

Nhân việc nói về các nhân vật trong 36 giá đồng, chúng tôi khẳng định với khán giả cả nước: Văn hóa thờ Thánh Mẫu ở VN là nét văn hóa độc nhất vô nhị trên thế giới. Tất cả chúng ta đều có quyền tự hào rằng đất nước của chúng ta có nền văn hóa độc lập và từ đó chúng ta khẳng định rằng VN là một đất nước độc lập, VN là một dân tộc độc lập  có chủ quyền qua những tích lịch sử. Tinh thần đoàn kết dân tộc được khẳng định rất rõ qua những giá hầu đồng. Đó là chúng ta tôn vinh nét văn hóa người Dao, người Mèo, người Nùng, …

Trong tín ngưỡng thờ Mẫu mang chủ nghĩa tín ngưỡng anh hùng dân tộc bởi vì rất nhiều nhân vật trong 36 giá đồng  chính là những vị anh hùng dân tộc. Đó chính là Lục Bộ Trần Triều, Trần Hưng Đạo, đó chính là quan lớn Triệu Tường. Đó chính là những người trần mắt thịt sau này được phong làm nhân thần. Ông không phải là con của Ngọc hoàng Thượng đế, ông không phải là con của tam tòa Thánh Mẫu. Nhưng tại sao ông lại được cha ông ta tôn vinh và xếp ông vào hàng quan lớn trong hệ thống Tam, Tứ phủ.

Một điều đơn giản rằng ông phò vua dẹp giặc, đánh đông dẹp bắc, ông hộ quốc an dân, ông cai quản triều đình. Sau nhiều năm bị đô hộ, nước chúng ta bị ảnh hưởng bởi văn hóa ngoại lai, nhưng ta khẳng định duy trì  nền văn hóa bản địa mang âm hưởng, màu sắc của chính người Việt

Trần Mỹ Hiền
.
.