Viết lách giúp chữa vết thương

Thứ Ba, 27/05/2014, 21:30

Kể ra những khó khăn có thể là một cách để xoa dịu vết thương lòng, nhưng các nghiên cứu gần đây cho thấy rằng, biểu đạt cảm xúc bằng từ ngữ cũng có thể tăng tốc độ chữa lành vết thương.

Một nhóm nhà nghiên cứu, đứng đầu là Elizabeth Broadbent, giảng viên môn Sức khỏe tâm lý Đại học Auckland ở New Zealand, đã nghiên cứu 43 người cao tuổi từ 64 đến 97. Trong ba ngày, một nửa số lượng người được yêu cầu viết ra giấy trong vòng 20 phút một ngày về một sự kiện khiến họ đau lòng nhất mà họ đã trải qua và họ được khuyến khích viết càng cởi mở, chân thật càng tốt. Nếu có thể, họ cũng được yêu cầu chia sẻ cảm xúc và suy nghĩ mà họ chưa bao giờ nói với ai về những việc họ đã trải qua.

Những người còn lại được yêu cầu viết với thời lượng tương tự nhưng tránh biểu đạt cảm xúc, ý kiến hay niềm tin. Trong 2 ngày đầu, các nhà nghiên cứu đã lấy các mẫu sinh thiết (lấy mẫu tế bào bằng kính hiển vi) trên da của một vết thương trên cánh tay của những người tham gia... Mẫu da được đưa vào một cuộc nghiên cứu khác.

Một tuần sau, Broadbent và các cộng sự của bà bắt đầu chụp hình các vết thương liên tục 3 đến 5 ngày cho đến khi vết thương lành hoàn toàn. 11 ngày sau khi sinh thiết, 76% số lượng người đã viết về nỗi đau đã hoàn toàn bình phục, trong khi nhóm còn lại chỉ có 42%.

"Đây là công trình nghiên cứu đầu tiên cho thấy rằng, việc viết ra giấy về những sự kiện đau lòng của bản thân có thể đẩy nhanh quá trình hồi phục vết thương trong một nhóm người có điều kiện chữa trị nghèo nàn" - bà Broadbent nói.

Tuy nhiên, công trình này không phải là công trình đầu tiên chỉ ra được mối liên hệ thú vị giữa trạng thái tâm lý và thể chất. Trong các công trình trước đó, thể loại viết để bày tỏ cảm xúc này, khác với viết về những chủ đề trung lập, làm giảm lượng virus HIV trong các bệnh nhân có tâm trạng tốt và làm tăng mức độ chống virus của tế bào.

Thí nghiệm này cũng làm tăng hiệu quả của vắc-xin viêm gan B khi làm tăng số lượng kháng thể phát sinh bởi vắc-xin và đẩy nhanh tốc độ phục hồi vết thương ở những người trẻ tuổi.

Nhưng xét về mặt sức khỏe tâm lý, các kết quả có sự đối chọi lẫn nhau. Một công trình nghiên cứu gần đây đã phát hiện ra rằng, viết về những trải nghiệm bạo lực có thể cải thiện độ hứng thú trong hôn nhân của những người lính trở về từ chiến tranh, trong khi một bài báo khác lại cho rằng, các bệnh nhân chịu chứng căng thẳng thần kinh hậu chấn thương (PTSD) viết về những khó khăn của họ thì bệnh hầu như không có dấu hiệu suy giảm. Tuy nhiên, viết cảm xúc ra giấy thì lại cải thiện tinh thần và giảm lượng hoóc-môn căng thẳng trong cơ thể các bệnh nhân này.

Việc viết cảm xúc của bản thân ra giấy không có tác dụng với một số người là hoàn toàn có thể. Trong một công trình nghiên cứu mới đây, khi người ta thụ động viết về nỗi đau đớn lớn nhất của họ thì mức độ lo âu càng tăng lên. Những người có tâm trạng cởi mở luôn có chỉ số thấp trong thang đo độ lo lắng. Điều đó cho thấy, những người khác nhau có cách khác nhau để đối mặt với những sự kiện đau lòng, và viết ra giấy có thể là lối thoát hữu hiệu cho những ai thường hay biểu lộ cảm xúc, ngược lại ép buộc những người không toàn tâm toàn ý muốn thể hiện cảm xúc lại làm tăng rủi ro mắc chứng căng thẳng thần kinh hậu chấn thương.

Đối với những người cảm thấy dễ chịu khi biểu lộ cảm xúc ra ngoài thì viết ra giấy có thể trở thành một phần quan trọng giúp họ phục hồi - tâm lý và thể chất - trong những trường hợp khó khăn

Văn Nguyễn - S.H. (theo WC)
.
.