Vinaphone, diễn viên và dịch sởi

Thứ Ba, 13/05/2014, 16:55

Sốc, căm phẫn, kêu gọi tẩy chay, Viện Nhi Trung Ương có thể khởi kiện… là những cụm từ mà trên các diễn đàn mạng, những trang báo mạng đang sử dụng để nói về 1 trong 3 đơn vị kinh doanh mạng di động lớn của Việt Nam: VinaPhone.

Nguồn cơn của sự việc bắt đầu từ một tin nhắn, dạng tin nhắn quảng cáo có nội dung rất dễ khiến người nhận cho rằng "VinaPhone kinh doanh từ nỗi đau của bệnh nhân mắc sởi" được phát đi từ tổng đài của đơn vị kinh doanh này.

1. Cách đây độ 3 hôm, trên một diễn đàn mạng với sự tham gia của nhiều nhà báo ở trang mạng xã hội facebook, xuất hiện một đoạn viết ngắn của một nhà báo có nội dung "Nhận tin nhắn của VinaPhone quảng cáo "Bé trai 8 tuổi chết bất ngờ tại viện Nhi là clip thu hút nhiều người xem nhất hiện nay. Soạn DK VCLIP gửi...". VinaPhone cũng lấy cái này ra câu khách!". Kèm theo đoạn viết này là hình ảnh chụp lại từ điện thoại di động thể hiện nội dung tin nhắn gửi đến khách hàng của VinaPhone.

Cũng trong hôm đó, rất nhiều người sử dụng facebook phản ánh về chuyện "dùng dịch sởi để kinh doanh" của Công ty VinaPhone. Nội dung mà tin nhắn của VinaPhone thể hiện "Toàn bộ nội dung tin nhắn của VinaPhone "Bé trai 8 tuổi chết bất ngờ tại viện Nhi", "Hơn 10.000 ca mắc bệnh sởi trên khắp cả nước" đang là những clip thu hút nhiều người xem nhất hiện nay. Soạn ngay DK... gửi 92... (Miễn phí 7 ngày đầu, cước phí sau khuyến mãi là 5.000/tuần)".

Tất nhiên, giới truyền thông nhanh chóng đưa tin về cách thức kinh doanh rất kỳ lạ này của VinaPhone.

Đến chiều ngày 24/4 vừa qua, VinaPhone chính thức có thư xin lỗi gửi đến khách hàng và các cơ quan báo chí. Lá thư có đoạn: "Ngày 22 tháng 4 năm 2014, với mục tiêu hỗ trợ và cảnh báo khách hàng về những diễn biến phức tạp của bệnh sởi, VinaPhone đã đăng các thông tin cập nhật về tác hại, cũng như các hướng dẫn cách phòng chống bệnh sởi trên Cổng dịch vụ video Vclip. Tuy nhiên, do sơ suất trong quá trình soạn tin nhắn quảng bá nên tiêu đề các video clip được trích dẫn không phù hợp gây phản cảm, gây hiểu lầm về việc thu phí xem các video clip của chương trình.

Ngay sau khi nhận được các phản ánh từ khách hàng cũng như từ các cơ quan báo chí, VinaPhone đã ngay lập tức dừng phát tin quảng bá, gỡ bỏ các tiêu đề và các clip có nội dung chưa phù hợp, đồng thời nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm. VinaPhone thành thật xin lỗi khách hàng vì đã để xảy ra sự cố đáng tiếc nêu trên. Là một doanh nghiệp viễn thông lớn, chúng tôi luôn nhận thức sâu sắc về trách nhiệm với xã hội, đồng thời luôn cố gắng tối đa chia sẻ và tham gia vào các hoạt động xây dựng cộng đồng. VinaPhone chân thành cảm ơn sự góp ý kịp thời cũng như rất mong muốn nhận được sự thông cảm Quý khách hàng và Quý cơ quan báo chí".

Tin nhắn phản cảm của Vina phone.

Cũng trong ngày 24/4, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về xử lý vấn đề báo chí phản ánh liên quan đến việc mạng VinaPhone nhắn tin có thu phí để xem clip gây phản ứng tiêu cực trong dư luận.

Văn bản nêu rõ: "Mấy ngày qua, một số báo, trang mạng đăng tin, bài phản ánh việc Mạng VinaPhone nhắn tin và thu phí với nội dung xem clip "Bé trai 8 tuổi chết bất ngờ tại viện Nhi", "Hơn 10.000 ca mắc sởi trên cả nước"… gây phản ứng tiêu cực trong dư luận. Về việc này, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến: Bộ Thông tin và Truyền thông kiểm tra, làm rõ và có biện pháp chấn chỉnh kịp thời, nghiêm túc, báo cáo Thủ tướng Chính phủ”.

2. Trên thực tế, có thể VinaPhone không có chủ trương như nhiều trang báo mạng đã quy kết "trục lợi từ bệnh nhi chết vì dịch sởi". Tuy nhiên, cái cách mà đơn vị này thực hiện rõ ràng là thiếu nhạy cảm kinh doanh lẫn ý thức cộng đồng.

VinaPhone viết trong thư xin lỗi, "VinaPhone thành thật xin lỗi khách hàng vì đã để xảy ra sự cố đáng tiếc nêu trên. Là một doanh nghiệp viễn thông lớn, chúng tôi luôn nhận thức sâu sắc về trách nhiệm với xã hội, đồng thời luôn cố gắng tối đa chia sẻ và tham gia vào các hoạt động xây dựng cộng đồng. VinaPhone chân thành cảm ơn sự góp ý kịp thời cũng như rất mong muốn nhận được sự thông cảm Quý khách hàng và Quý cơ quan báo chí".

Có một điều rất buồn cười mà chúng tôi để ý thấy trong nhiều năm qua, mỗi lần có sự vụ ầm ĩ xảy ra, đơn vị hay cá nhân chính tạo ra sự vụ ấy luôn ít xin lỗi người bị thiệt hại hoặc xúc phạm, mà đa phần chỉ tập trung xin lỗi và mong nhận được sự thông cảm từ truyền thông. Như vụ siêu thị viết thư xin lỗi vì đã ép nữ sinh lớp 7 đeo biển "Tôi là người ăn trộm" mới đây, trong đoạn cuối của bức thư có viết: "Chúng tôi cam kết không để sự việc tương tự tái diễn. Rất mong các cơ quan truyền thông, các cơ quan chức năng, nhà trường cùng gia đình em chấp nhận sự xin lỗi chân thành của tập thễ siêu thị chúng tôi".

VinaPhone cũng không là một ngoại lệ.

Lẽ ra, VinaPhone phải xin lỗi những gia đình không may có con tử vong trong trận dịch sởi khủng khiếp này. Đồng thời, xin lỗi những người đang sử dụng mạng di động VinaPhone. Việc gì VinaPhone phải mong truyền thông thông cảm trong một vụ việc mà VinaPhone đã vướng vào một thiếu sót kinh doanh "ngớ ngẩn" đến mức không ai có thể nghĩ ra.

Bấy lâu nay, việc khách hàng sử dụng mạng điện thoại di động ở  nước ta, đã bắt đầu quen dần với kiểu tin nhắn quảng cáo từ tổng đài của nhà mạng hoặc những tin nhắn quảng cáo có nội dung rất tào lao từ những công ty có liên kết với nhà cung cấp mạng di động. Phải đến khi Chính phủ ban hành Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, trong đó có quy định tất cả các hành vi bị cấm, đơn cử "Tuyên truyền, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc".

Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định này, thì loại tin nhắn có nội dung kiểu "Em gái chân dài hấp dẫn trên bờ biển", "Hình ảnh sốc: Ngọc Trinh mặc bikini", "Làm thế nào để nhanh đưa bạn gái lên đỉnh"… mới chấm dứt hoàn toàn. Trước đó, mặc dù truyền thông kêu ra rả, các nhà cung cấp mạng di động vẫn hậu thuẫn cho kiểu kinh doanh lôm côm này của các đơn vị liên  kết.

Trở lại vụ việc của VinaPhone trao đổi với báo chí, ông Hoàng Vĩnh Bảo - Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết: "Quan điểm của Cục, đây là thông tin rất phản cảm, không những không mang lại mục đích cảnh báo dịch sởi mà còn gây bức xúc trong xã hội nên dứt khoát phải xử lý nghiêm".

3. Trước khi VinaPhone gặp phải sự phản ứng của dư luận, thì nam diễn viên nổi tiếng Thái Hòa cũng bị phản ứng vì cho đăng một đoạn viết trên trang fanpage của mình, có nội dung vừa phản cảm lại vừa thô tục: "Cô bộ trưởng Y tế ơi, Hội bị sởi rồi. Cô cử bác sĩ nam đẹp trai cao to tập tạ, ngực vun vút, bụng sáu múi lại chích Hội đi. P/S: chích kim to cho mau hết bệnh nha. Hội thích".

Kèm theo nội dung này, Thái Hòa còn chuyển tải lên trang facebook của mình tấm ảnh trong phục trang thể hiện vai diễn đồng tính đang làm dáng tại phim trường. Hội, là nhân vật đồng tính mà Thái Hòa đã diễn rất thành công trong bộ phim chiếu rạp cách đây vài năm, nhan đề "Để mai tính". Sau vai diễn này, Thái Hòa đã bước lên đẳng cấp là diễn ngôi sao… đặc biệt, trong dòng phim hài chiếu rạp. Tiếp tục đà thành công của "Để mai tính", nhà sản xuất bộ phim đã quyết định mời Thái Hòa thủ vai chính trong bộ phim lấy ngay tên nhân vật mà Thái Hòa đã thủ vai trong "Để mai tính" để đặt cho bộ phim thành "Để Hội tính".

Ngay sau đoạn viết trên, Thái Hòa bị phản ứng rất dữ dội ngay tại facebook của Thái Hòa. Cuối cùng, Thái Hòa đã xóa đoạn viết trên.

Diễn viên Thái Hòa.

Thế nhưng, Thái Hòa là chuyện cá nhân, gói gọn trong một Facebook cá nhân. Còn chuyện của VinaPhone lại khác.

Nhưng dẫu sao, chúng tôi vẫn tin đơn vị này không cố tình trục lợi từ nỗi đau của người khác, chỉ là họ quên bẵng trong kinh doanh hay trong bất cứ chuyện gì đi chăng nữa thì với quan điểm Á Đông, tình người phải luôn được lấy làm trọng.

Rõ ràng, VinaPhone đang có vấn đề rất lớn trong khâu kiểm định nội dung tin nhắn quảng cáo. Nếu không muốn nói, bộ phận này đã rất vô trách nhiệm và cẩu thả.

Thế nên, chúng tôi hoàn toàn không đồng tình với nhận định của PGS.TS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội (Viện Xã hội học), khi ông cho rằng: "Nhưng thông qua vụ việc đó để kiếm tiền thì tôi cho là việc không nên làm, nhất là đối với một doanh nghiệp lớn như VinaPhone. Đây là một chiêu trò, vì mục đích kinh tế nhiều hơn là xuất phát từ thái độ, trách nhiệm với cộng đồng. Nếu xét dưới góc độ đạo lý và tư cách ứng xử thì việc làm này của VinaPhone hoàn toàn có vấn đề, đáng lên án.

Đề cập ở một khía cạnh khác, dẫu rằng tôi nói thế này không phải là bênh vực cho ngành y tế, nhưng rõ ràng khi VinaPhone làm điều này đã vô hình trung làm xấu, làm giảm đi hình ảnh của các cơ quan chức năng. Cụ thể ở đây là Bộ Y tế, Bệnh viện Nhi Trung ương trong việc phòng ngừa bệnh tật, bảo vệ sức khỏe của nhân dân... Tôi nghĩ ngành y tế, Bệnh viện Nhi Trung ương hoàn toàn có thể khởi kiện VinaPhone, dù VinaPhone nói rằng lấy chất liệu từ thực tiễn hay thế này, thế kia. Rõ ràng ở đây có một ranh giới, khoảng cách mà mọi người không được xâm phạm tới”.

Chúng tôi nghĩ rằng, nhiệm vụ của tri thức là hàn gắn, chứ không phải kích động. Đặc biệt, trong một vụ việc mà dẫu có yêu hay ghét vẫn phải thừa nhận đây là một "sơ suất trong quá trình soạn tin nhắn quảng bá nên tiêu đề các video clip được trích dẫn không phù hợp gây phản cảm, gây hiểu lầm".

Đừng đẩy sự việc đi quá xa, nhất là lúc đơn vị ấy đã biết lỗi mà mình đã gây ra

Ngô Nguyệt Hữu
.
.