Vĩnh biệt nhà thơ Trịnh Thanh Sơn: “Nhưng thôi tiếc mà chi”

Thứ Tư, 26/09/2007, 08:47
Mỗi khi có một người bạn thân ra đi, Sơn thường nghêu ngao lúc “đã tời” bên chén rượu: “Nhưng thôi tiếc mà chi/ Chim rồi bay, anh rồi đi...”. Thực ra là tiếc lắm chứ nhưng cứ nhủ lòng thế thôi.

Hà Nội, từ dạo nhà thơ Tô Hà từ trần, giới nhà thơ cứ ngỡ sẽ chẳng còn ai yêu thơ đến nước như bị thơ làm như đồng thiếp thế nữa. Phải nói rằng anh em cũng chống chếnh khá lâu.

Một bữa ngồi ở Quán Trúc lúc hoàng hôn chạng vạng, rượu cũng đã kha khá, Sơn đọc oang oang những câu thơ khóc Tô Hà: “Tôi ném đất nâu lên nấm mồ anh/ Và ném theo nước mắt/ Đã lâu tôi ngỡ mình quên khóc/ Ngỡ đã sần chai, lì lợm giữa cuộc đời/ Tôi khóc anh hay tôi khóc tôi/ Khóc người chết hay khóc người đang sống?/ Phố phường nhận ra rồi, anh là lỗ thủng/ Mà thơ không lấp đầy...”.

Rồi như chưa đủ độ giải tỏa, Sơn lại hét tướng lên: “Giời ạ! Chiều sao buồn đến thế”. Anh làm sao tiêu hết một buổi chiều “bây giờ”? Có cảm giác như khi ấy, nhà thơ Tô Hà hiền lành nhập vào Sơn khiến anh chàng đã không bao giờ nói nhỏ, càng nói to hơn.

Rồi thời gian cứ trôi qua lặng lẽ, mà cái chỗ trống Tô Hà để lại Trịnh Thanh Sơn đã thay vào lúc nào không hay. Từ nhiều năm gần đây, anh em thấy Sơn viết phê bình thơ “tấp nập”.

Đã đành ai làm thơ mà chẳng có chút ít máu phê bình. Nhưng không hiểu sao Sơn làm điều này say sưa, tự nguyện và đầy trách nhiệm.

Ai biết khi Tô Hà chìm mình vào ý tưởng tìm “Những câu thơ trong trí nhớ” thì cũng là khi định mệnh trên cao đã mơ hồ nhắc bảo. Nhưng với Sơn, chẳng ai nghĩ thế cả. “Cái thằng giời đánh không chết. Nó còn viết điếu văn đủ số rồi mới tính”.

Vậy mà định mệnh oái oăm vẫn cứ thình lình ập đến. Bạn bè cùng lứa khi nghe tin Sơn ngã bệnh hồi năm ngoái, không phải không có người nao núng.

Ôi thế hệ chúng tôi, có những tài năng sao vội ra đi! Chết cũng không được chết già. Mới đây Nguyễn Trung Đức, rồi Hòa Vang, rồi Đồng Đức Bốn... đến bây giờ là Trịnh Thanh Sơn. Không làm việc hối hả, gấp gáp sao được?

Nhiều khi nghĩ cứ thấy tội cho Sơn. Vì ham vui mà chiều chiều hay ngồi lại lai rai cùng bè bạn. Đến khi đã ngà ngà mới đạp chiếc xe cọc cạch về tới tận tư gia khiêm nhường của mình ở một ngách nhỏ phố Vĩnh Phúc phía gần Bưởi.

Vậy mà không hiểu anh viết vào lúc nào, đọc sách vào lúc nào để liên tục đưa ra công chúng những bài viết về các tập thơ không chỉ của bạn bè. Tập tiểu luận - phê bình - chân dung văn học của Sơn đã ra đến tập 3 mang tên “Đi dọc cánh đồng thơ”. Còn tập 4 thì đang cấu trúc dang dở.

Viết phê bình là vì thơ, nhưng dù sao viết in báo đều đều như thế, cũng có thu nhập chút đỉnh để duy trì cuộc sống và để làm ra những câu thơ kiểu “anh làm sao tiêu hết một buổi chiều” hoặc “anh ngồi rót biển vào chai” cũng chỉ khiến người yêu thơ thích thú, nhưng chỉ thích thú thế thôi.

Nghề làm thơ là nghề “mua mây, bán gió” chứ đâu có nuôi sống được bản thân. Nhưng từ lâu, Sơn đã bị “đồng thiếp” với thơ rồi nên không sao thoát nổi: “Tôi lặn vào thơ như đồng thiếp/ Dường trong thơ chưa sẵn một hồn ma/ Ma ám ảnh đời tôi cả trong giấc ngủ/ Tôi mệt nhoài, ma vẫn chưa tha”.

Những câu thơ như kiểu ở trên đã hay, nhưng Sơn phải chờ đến khi vấp phải một sự thực như mùa hè năm 1998 khi cậu con trai ngỗ ngược đi xe máy va chạm gây tai nạn bị đưa vào tạm giữ, thì lúc ấy, Sơn mới đạt tới sự “tuyệt chiêu trong vô chiêu” khi viết ra bài thơ “Mua con”.

Thời Tự lực Văn đoàn, người ta đọc và đã ghê hồn khi Ngô Tất Tố tả chuyện bán con để đóng thuế ở nhà anh chị Dậu. Đến thời này thì ngược lại, nhà thơ đã đích thân phải làm cái việc tìm mọi cách cứu con ra khỏi nhà giam mà Sơn đã gọi là “Mua con”.

Những bài thơ kiểu như thế này nếu không vấp phải sự thực thì tài mấy cũng chịu. Tài mấy cũng không thể nghĩ ra được “Ba vẫn biết con ba ngổ ngáo/ Dưới mắt con tất cả chỉ là bùn” và đến đoạn kết thì thơ đã vụt ra ngoài chữ:

Thôi cũng liều một nhát này xem
Nhất là bét! Ba làm con cá chuối
Đã đắm đuối thêm một lần đắm đuối
Miễn con là hàng thật để ba mua

Sơn cứ thế, cứ đắm chìm để đưa ra những “Cọng rơm vàng”, “Giậu cúc tần”, “Đóa tầm xuân”, “Giàn thiên lý”, “Ngàn dâu” (sắp in) và gần nhất là “Vàng gieo đáy nước” (tuyển thơ).

Thơ Sơn là tất cả những gì anh đã sống qua, đã trải nghiệm. Đắng cay. Đau đớn. Thương buồn... đều có hết.

Và Sơn xác tín: “Ta để lại cho đời/ Những dòng chữ/ Tôi gọi là thơ... Thơ đồng hành cùng em/ Đồng hành cùng ta/ Trong cuộc đời/ Trống vắng niềm vui/ Đầm đìa nước mắt!”.

Lời cuối cùng tiễn bạn

Hữu Ước

(Viếng hương hồn nhà thơ
Trịnh Thanh Sơn)

Bạn tôi vừa nằm xuống

Để vương buồn hơi ấm một cọng rơm

Còn đâu nữa "vàng gieo đáy nước"

Một "gã nhà quê" -"ngồi rót biển vào chai"

Đã trót rồi chỉ có thơ và thơ là thánh thiện

Bạn tôi tin như đức tin

Và cả đời chỉ quanh quẩn một ổ rơm

"Một cọng rơm vàng

Một cọng rơm vàng"

Đã tan vào hư vô...

Đêm 20/9/2007

Sơn đã sống tận cùng, yêu tận cùng, làm việc tận cùng. Và thanh thản ra đi với một định mệnh được báo trước sau khi vào tuổi lục tuần tròn 5 ngày. Đó là giờ Sửu ngày 17/9/2007.

Đám tang của Sơn đúng là đám tang của một nhà thơ. Rất đông người nhưng không ồn ào, không có chuyện “lấy chết dọa sống” như nhiều đám tang. Ngoài những bạn bè thân hữu, đồng nghiệp, còn có rất nhiều người thương yêu Sơn, rất nhiều tác giả thơ mà Sơn đã từng viết phê bình về những tập thơ của họ. Những ánh mắt ngước lên tiếc thương.

Thương nhất khi đứa cháu trai chừng 3 tuổi lẫm chẫm “bê” ảnh ông đi trước quan tài. Không hiểu cháu có biết ông là một người yêu thơ đến mức đồng thiếp không kém gì ông Tô Hà ngày nào. Mà người như thế thì chẳng bao giờ chết.

Sinh thời, ngoài việc hát rất hay “Trường ca sông Lô” của Văn Cao, Sơn còn thích vài bài Đoàn Chuẩn. Mỗi khi có một người bạn thân ra đi, Sơn thường nghêu ngao lúc “đã tời” bên chén rượu: “Nhưng thôi tiếc mà chi/ Chim rồi bay, anh rồi đi...”. Thực ra là tiếc lắm chứ nhưng cứ nhủ lòng thế thôi.

Người ta thường nói: “Của đi thay người”, vậy còn “người đi thì thay gì?”. Người đã đi thì còn thay gì được nữa. Nhưng hình như với nhà thơ thì có hơi khác, bởi vì “người đi thay thơ”.

Sơn ra đi nhưng chắc thơ Sơn vẫn còn ở lại mãi với cuộc sống mà Sơn đã “rót, rót mãi, rót mãi đời mình vào nhân gian/ Sống, cứ sống, cứ sống/ Vĩnh viễn không tàn lụi”.

Nguyễn Thụy Kha
.
.