Vĩnh biệt tác giả “Chiếc lược ngà”

Thứ Hai, 24/02/2014, 20:30

Những ngày đầu Xuân Giáp Ngọ, trong không khí của Ngày Thơ Việt Nam, người yêu văn học cả nước đón nhận một tin buồn, nhà văn Nguyễn Quang Sáng, tác giả “Chiếc lược ngà”, “Mùa gió chướng”... qua đời. Con trai nhà văn, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng chia sẻ trên trang cá nhân của mình, cha anh mất vào hồi 17h ngày 13/2, tức ngày 14 tháng Giêng năm Giáp Ngọ, hưởng thọ 82 tuổi.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng là một nhà văn Nam Bộ tiêu biểu. Bạn đọc yêu quý ông không chỉ bởi số lượng tác phẩm ông đóng góp cho đời sống văn học, mà còn bởi tính cách phóng khoáng của ông. Ông là người ham đi và rất gần gũi với bạn viết, bạn đọc.

Nhiều lần được tiếp xúc với ông trong các ngày hội sách ở Hà Nội và TP HCM, người viết bài luôn có một cảm nhận ông rất trân quý bạn đọc, nhất là bạn đọc trẻ. Những chia sẻ của ông về nghề nghiệp bao giờ cũng chân tình, bổ ích. Ông có cách nói chuyện với mọi người mộc mạc, giản dị, chân tình, tuyệt đối không màu mè, hình thức. Bạn đọc nhiều thế hệ đã say mê những tác phẩm của ông từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tiêu biểu như “Chiếc lược ngà”, “Mùa gió chướng”...

Văn của ông là những trang chắt ra từ cuộc đời, mà là cuộc đời của một người cầm bút yêu nước, sớm lăn mình vào những hiện thực lớn của đất nước, của dân tộc. Ông sống trọn 2/3 thế kỷ XX, vào những năm tháng mà dân tộc Việt Nam trải qua hai cuộc kháng chiến vĩ đại. Ông là người chiến sĩ cách mạng, đi qua những gian nan của cuộc chiến, nhiều phen cận kề với cái chết, để viết. Trái tim ông ngập tràn tình yêu thương nhân dân. Ông thấu hiểu cuộc đời, thấu hiểu con người đến đáy, và bày lên trang viết với một sức lay động lớn.

Chiến tranh chính là trường học vĩ đại của các nhà văn thế hệ ông. Nó cung cấp những hiện thực, những bài học, và cho ông cơ hội hiểu về con người trong những hoàn cảnh khốc liệt nhất, làm chất liệu cho những trang văn độc đáo. Dù đã viết rất nhiều tác phẩm, dù đã được đánh giá như một nhà văn tiêu biểu của Nam Bộ, dù đã giữ nhiều cương vị, trọng trách quan trọng trong Hội Nhà văn TP HCM và Hội Nhà văn Việt Nam, nhưng ông từng hoài nghi chia sẻ với đồng nghiệp rằng: "Tôi đã thật sự là nhà văn hay chưa? Đó là lời tự vấn nghiêm túc và khắc nghiệt. Tôi đã trả lời, đang trả lời và sẽ trả lời trên trang viết...".

Bởi quan niệm viết là hành động đầu tiên và hành động cuối cùng của nhà văn, nên ông đã không ngừng đi, trải nghiệm, chắt lọc vốn sống và đổ vào trang viết. Những năm tháng tuổi cao, sức khỏe không cho phép, ông vẫn luôn giữ cho mình ý thức đó. Lúc nào ngòi bút thôi thúc là ông ngồi vào bàn. Những tập truyện sau này vẫn giữ được phong độ như hồi đầu ông cầm bút, và cập nhật với đời sống đương đại giống như một người luôn đi cùng đời sống, không bị lạc hậu, không bị rớt lại phía sau.

Trong Hội thảo Văn học Việt - Mỹ diễn ra ở Hòa Bình năm 2010, nhà văn Nguyễn Quang Sáng ngồi nhậu với bạn bè văn chương và lúc cao hứng ông kể rất nhiều chuyện về cuộc đời mình. Ít ai ngờ rằng thuở nhỏ ông không phải là một người học văn giỏi. Sau này ông trở thành nhà văn, không ít người đã ngạc nhiên, vì thời cắp sách tới trường, điểm văn của ông bao giờ cũng kém. Ông lý giải, việc học tốt môn văn trong nhà trường với khả năng sáng tác văn chương nó là hai câu chuyện khác nhau hoàn toàn. Sáng tác là câu chuyện của bản năng. Nhà văn nhất định phải có bản năng đó - bản năng viết.  Khi bản năng được đời sống dẫn dắt, sẽ tạo ra một sự thôi thúc. Không có sự thôi thúc, không thể viết.

Ông đặc biệt đề cao trí tưởng tượng. Đối với ông, không thể nào trở thành nhà văn mà không có trí tưởng tượng. Cuộc sống cung cấp chất liệu, còn trí tưởng tượng giúp nhà văn gạn lọc, ráp nối, nâng cái hiện thực đời sống ấy lên bằng khả năng diễn đạt trời cho, trên trang giấy.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng kể, thời những năm 30 thế kỷ trước, ba mẹ ông buôn bán giàu có, làm chủ một tiệm vàng, có xe hơi. Nhưng thời cuộc loạn lạc khiến ông từ lúc nhỏ đã lăn lộn trường đời kiếm sống, chỉ học hết lớp 7. Không được học hành đến nơi đến chốn nhưng bù lại những lăn lộn cuộc đời đã cho ông một vốn sống lớn, để ông thỏa sức vẫy vùng trên trang viết.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng rất nhiều lần đề cập đến câu chuyện người viết phải "rành" cuộc sống.  Chữ "rành" ở đây có nghĩa là thấu đáo. Từ cá nhân ông, ông  nhận thấy những gì ông hiểu kỹ càng thì ông viết rất hay, còn điều gì ông chưa hiểu thấu thì ông viết khó lay động. Ông khuyên các nhà văn trẻ hãy sống thật nhiều, thật đầy rồi hãy viết. "Biết 10 thì viết 1 chứ đừng nên biết 1 viết 10 sẽ loãng, sẽ nhạt, bạn đọc sẽ quên anh ngay".

Ông cắt nghĩa văn chương hiện đại ở ta ít tác phẩm hay, là bởi các nhà văn không chịu sống đến tận cùng đời sống. Phần lớn là viết sống sượng những điều mình trải qua, không đến đáy, nên không nhận được sự cảm mến từ bạn đọc. Không chỉ sống, lăn lộn, từng trải, ông còn đề cao việc đọc của người cầm bút. Ông kể ông là người chịu đọc. Mà không chỉ sách văn chương, ông đọc sách ở nhiều lĩnh vực của cuộc sống để mở mang hiểu biết và cập nhật kiến thức.

Không chỉ viết văn, nhà văn Nguyễn Quang Sáng còn là một nhà biên kịch xuất sắc. Ông đến với điện ảnh tình cờ, bằng cách tự học, tự đọc, nhưng những thành tựu ông đạt được rất đáng nể. Chưa từng học qua trường lớp nào, ông học điện ảnh chỉ qua những lần tới rạp xem phim. Mà những phim ông biên kịch luôn mang đến cho khán giả nhiều bất ngờ, xúc động, tiêu biểu như phim "Cánh đồng hoang", "Mùa gió chướng"...

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng thời trẻ và 2 con trai của ông.

Cả cuộc đời làm nghệ thuật, nhà văn Nguyễn Quang Sáng không mong mỏi điều gì lớn hơn là được bạn đọc yêu quý, sẻ chia trên những trang viết. Ông sống đạm bạc, hạnh phúc với những cuộc đi, những cuộc gặp gỡ bạn bè. Tửu lượng của ông tốt, ông ngồi đâu với bạn bè cũng phải uống. Và hình ảnh ông trong cuộc nhậu bao giờ cũng là một ông già Nam Bộ dáng người đầm đậm, mái tóc hất bồng bềnh, khuôn mặt đỏ lựng vì hơi men. Càng uống càng say nói về nghề.

Với ông nghề văn đòi hỏi một sự dấn thân, một sự hy sinh ghê gớm. Ông nói, đã "sa chân" vào con đường viết văn, đừng bao giờ cầu danh lợi. Bởi văn chương là con đường đi tới phận người, đi tới những nỗi thống khổ, nỗi buồn, chạm đáy những hao khuyết, mất mát của cuộc đời, thì không thể nào cầu danh lợi. Những người muốn "kiếm chác" gì đó từ văn chương, sẽ rất dễ bị văn chương bỏ lại phía sau.

Viết rất nhiều, nhưng có lần phóng viên hỏi ông, những tác phẩm mà ông tâm đắc nhất trong sự nghiệp của mình là gì, ông chia sẻ: "Thời chiến tranh, đất nước chia cắt, miền Bắc biết đến tôi nhiều nhất bởi tiểu thuyết “Đất lửa”. Đây cũng là tác phẩm tôi tâm đắc nhất vì đó là tác phẩm đầu tay khi tôi còn ở miền Nam. Cuốn sách cũng dường như được tôi gửi gắm toàn bộ cuộc đời tôi khi đó.

Đến năm 1966 tôi quay về miền Nam, viết “Chiếc lược ngà”. Đây là kỷ niệm đáng nhớ nhất trong cuộc đời tôi.  Mùa nước lũ, tôi phải kê ván lên sát ngọn cây mà ở, sống như trên một chiếc xuồng. Không có bàn, tôi lấy giấy các-tông chồng lên làm bàn viết. Trong khi đó, máy bay Mỹ rầm rộ quần thảo trên bầu trời...

Tôi cũng thích các tác phẩm "Mùa gió chướng" và "Cánh đồng hoang". Nhất là khi sách được chuyển thành phim thì tác phẩm có rất nhiều bạn đọc".

Riêng về chi tiết mà khán giả xem phim và độc giả đọc sách cực kỳ ấn tượng khi thưởng thức tác phẩm "Cánh đồng hoang", là chi tiết người mẹ để con vào túi nylon rồi dìm xuống nước tránh máy bay địch thì gắn với một kỷ niệm cá nhân của ông.

"Từ năm 1966, tôi đi chiến trường Đồng Tháp Mười, lúc mùa nước nổi, chứng kiến cảnh đánh nhau trên Đồng Tháp. Cảnh trực thăng bắn thì người lớn lặn xuống nước được chứ con nít đâu lặn được, thành thử phải có bao ni-lon bỏ đứa con nít vào trong đó, người lớn lặn rồi ôm đứa con nít lặn theo. Hình ảnh đó cho thấy một cuộc chiến tranh khốc liệt mà không ở đâu  trên thế giới này có, không cần phải nói nhiều về máy bay hay xe tăng gì hết. Tôi đã "nuôi" chi tiết đó từ năm 1966 cho đến năm 1978, tôi mới bắt đầu viết, mà kỷ niệm cũng rất khó quên, đó là khuya 18/12/1978, tôi đưa bà xã vào bệnh viện sinh con, trở về nhà tôi ngồi viết, đúng một tuần xong kịch bản “Cánh đồng hoang”, tôi vào đón bà xã và thằng con về. Thằng con đó bây giờ là Nguyễn Quang Dũng...".

Nguyễn Quang Sáng là một nhà văn mà chính cuộc đời cầm bút của ông đã là một bài học sâu sắc với các thế hệ viết văn trẻ. Ông đã để lại cho đời sống văn học một tài sản quý, chính là hàng ngàn trang viết của ông, với bao yêu thương, trắc ẩn về tình người, về quê hương, Tổ quốc.

Trên trang cá  nhân của mình, con trai ông, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng viết: “Kết thúc một chặng đường. Ba tôi - nhà văn Nguyễn Quang Sáng - đã chia tay gia đình tôi. Ba đến nơi gặp những bạn bè thân - chú Trịnh Công Sơn, chú Bảo Phúc. Chúc ba vui vẻ nơi ấy! Má và các con yêu ba! Cám ơn thượng đế cho con được là con của ba”.

Còn những độc giả yêu văn chương thì cảm ơn ông, vì những trang viết ông để lại cho đời. Xin vĩnh biệt nhà văn tiêu biểu của Nam Bộ, mà chắc chắn là có một khoảng trống phía sau ông để lại, sẽ không dễ gì bù đắp...

Hội Quân
.
.