Violinist Trịnh Minh Hiền: Chỉ khi là chính mình, thì tôi đẹp!

Thứ Ba, 11/10/2016, 10:45
Violinist Trịnh Minh Hiền vừa là một bè trưởng của dàn violon trong Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, cô vượt thoát khỏi giới hạn khuôn cứng của cổ điển để viết những khúc ca đẹp đẽ như "Gọi tôi Hà Nội". Ngoài đời sống, Trịnh Minh Hiền cũng là bè trưởng trong chính cuộc đời mình, khi tự mình nuôi con, và một lần nữa tìm thấy tình yêu sau dang dở.


Sinh ra để chơi đàn

Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, trong một gia đình có bố mẹ đều làm nghề giáo, không ai là nghệ sĩ, nhưng Trịnh Minh Hiền lại được làm quen với đàn và theo học đàn bài bản từ khi lên 6. Cô tiểu thư con nhà gia giáo đã đến với âm nhạc như một số phận, để 30 năm sau, cô bảo: Âm nhạc là cuộc đời tôi, nên tôi từ lâu chẳng bao giờ còn đặt câu hỏi thêm gì về nó nữa.

Hiền có tài năng đặc biệt, cô từng hai lần đỗ thủ khoa Nhạc viện Việt Nam. Đó là vào các năm 1987 (thủ khoa Nhạc viện Hà Nội đầu vào), và năm 2003 (tốt nghiệp thủ khoa cũng tại ngôi trường này).

Violinist Trịnh Minh Hiền.

Nhiều người học giỏi nhưng không theo sự nghiệp là chuyện hay xảy ra  trong giới làm nhạc, đặc biệt với những người theo nhạc cổ điển. Nhưng Trịnh Minh Hiền tiếp tục là trường hợp ngoại lệ, khi ngay sau khi ra trường, cô trở thành thành viên chính thức của Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam. Giờ đây, Hiền đã tham gia rất nhiều chương trình giao hưởng lớn của dàn nhạc với vị trí là diễn viên bè violin 1, Concert Master của dàn nhạc, và hiện là Bè trưởng của bè violon 2 trong dàn nhạc.

Bên cạnh đó, Hiền có một cuộc vượt thoát ngoạn mục, cuộc vượt thoát mà cô tự gọi là "đã vượt ra ngoài ranh giới cổ điển từ rất lâu" khi trở thành nhạc sĩ sáng tác ca khúc và tham gia vào 2 nhóm tứ tấu, Apaixonado quartet và Musica Amore, chơi trong ba ban nhạc ở Hà Nội. Ngoài cổ điển, Hiền mê Flamenco, Jazz, Latin, Electronic và không "lạc" trong đời sống âm nhạc như một vì sao ở trên cao.

Nếu trong giới người làm nhạc cổ điển ở Việt Nam, Trịnh Minh Hiền có một vị trí tương đối đặc biệt, thì với công chúng số đông, người ta biết đến cô với vai trò là một nhạc sĩ viết ca khúc. Cô viết từ năm 20 tuổi, là gương mặt quen của Bài hát Việt, đã lĩnh giải nhiều lần. Hiền còn có cả những bài "hit" như "Gọi tôi Hà Nội". Nhưng viết ca khúc với Hiền là một cuộc chơi, mà cô bảo: "20 năm vẫn chưa đến đâu".

Sự “chưa đến đâu” đó do Hiền quá bận rộn, cô chưa từng có thời gian nào dành riêng cho chính mình. Sự bận rộn đó làm Hiền đã ba năm chưa thể làm xong được album toàn ca khúc cho mình. Cô dự định làm nó từ thời thanh nữ, nhưng giờ cô nói vui, đã đi qua thời thanh nữ rồi, chắc sẽ làm để nhìn ngắm lại cái tuổi trẻ ấy đã viết, đã yêu, đã điên rồ đến độ thế nào.

Nhịp đập giao thời

Sinh ra ở buổi giao thời giữa cuộc sống bao cấp chuyển sang cơ chế thị trường, Trịnh Minh Hiền cảm nhận được rất rõ sự thiếu thốn và sự… thừa mứa của cuộc sống ở hai chặng đó. Một người sinh ra trong thiếu thốn, nên luôn nhớ rõ về những năm tháng tuổi thơ, được ăn gì, chơi gì, sống thế nào. Hiền cũng cảm thấy thế hệ mình có sự gắn kết rất lớn và mật thiết với các thế hệ trước đây.

"Với những cảm thức ấy, những gì tôi viết, tôi cảm thấy nó là một thứ được bắt nguồn từ một cái gốc chắc chắn, và những điều mình viết là những thứ tỏa ra trên cái cây có gốc vững vàng". Hiền luôn nhìn thấy những mầm lộc nảy nở từ khô cằn, nên với cô, sự thiếu thốn của tuổi thơ là một cái gốc chắc chắn cần thiết đối với sự trưởng thành của mỗi con người.

Thậm chí, nó khiến Hiền tự tin rằng: "Tôi nghĩ mình sẽ đi con đường đến cuối đời, giống như một cái cây, nó sẽ ngày càng tỏa bóng và rồi trụi hết lá, và chết đi, nhưng nó luôn có sự tồn tại của một dòng chảy, nó luôn có cảm giác sống. Và tôi cũng luôn hướng tới việc tại sao mình cần phải sống với cái gì thật sâu bên trong, và chính sợi dây sâu thẳm đó, giữ cho con đường mình đi không bị bung biêng, kể cả những quan niệm về đời sống".

Nhưng nó cũng là thứ, cùng với sự nhạy cảm của tâm hồn nghệ sĩ cảm thấy bản thân như lạc vào đời sống mới. "Tôi đi trên đường và quan sát, tôi nghĩ những điều mình nghĩ chắc khác những người kia".

Trải nghiệm để "đau khổ hơn nhưng hạnh phúc hơn"

Sau khi trải qua những vấp váp riêng trong đời sống, cuộc sống trong sự cảm nhận của Hiền ngày một đơn giản đi. Con cái, gia đình, những ông chồng dường như đều làm phụ nữ thay đổi. Sự lãng mạn vẫn ở đó, nhưng họ sống thực hơn, sâu hơn và đơn giản hơn.

Hiền sinh con và nuôi con một mình, thấm đến từng ngọt ngào và nỗi đau khi ở hoàn cảnh đó. Và chính cô, sau khi đi qua quãng thời gian khó nhất, tự hỏi: "Chẳng biết mình lấy sức mạnh ở đâu ra, để cứ ngày đi diễn, đêm về ôm con và tiếp tục tập đàn". Nhưng rồi, cũng chính cô lại dễ dàng bật khóc, khi nhìn con lớn lên, tự hỏi, tại sao không thể dành nhiều hơn thời gian cho con gái, khi mà thời bằng tuổi con, cô được bố ôm ấp và đọc Andersen cho nghe mỗi ngày.

Những dằn vặt rất đàn bà ấy và đứa con đã làm đầy lên những mất mát trong trái tim đa cảm của cô. Giờ đây, Hiền đã trở thành người đàn bà thực sự, khi cô thấu đáo rằng: "Một người dù thành công đến đâu, nhiều tiền đến đâu, nhưng nếu không có một ai để chăm sóc, nó sẽ khủng khiếp vô cùng". Nên Hiền biết xếp lại những tổn thương về những điều chưa tốt đẹp đã qua, để mang đến cho con điều tốt đẹp nhất.

"Cảm giác của một người mẹ là phải thực sự hiểu con đang cần gì, cho dù đôi khi điều con cần không phải là điều mình muốn, nhưng mình vẫn thỏa hiệp được". Tất nhiên, Hiền cũng tự thú: "Nhiều lúc mình cũng phải tranh đấu để thoát ra khỏi sự thù hận nào đó, trong vài khoảnh khắc nào đó".

Không nên chỉ yêu bằng cảm xúc

Nếu người ta cho rằng, chỉ đàn ông mới dạy được phụ nữ về sự trưởng thành, Hiền lại thấy, sinh ra là nghệ sĩ, sự nhạy cảm trời phú khiến những người như cô thẩm thấu mọi điều có nhiều khác biệt. Trong mỗi câu chuyện tình cảm, cô luôn để cảm xúc dẫn lối. Và tình yêu vừa là kết quả của những cảm xúc tự nhiên, vừa là cảm hứng để từ tình yêu cô có thể làm những việc khác đẹp hơn.

"Tôi đã từng rơi vào trạng thái chắc mình không gặp được ai nữa để yêu, từng rơi vào trạng thái đau khổ tận cùng khi mất đi tình yêu. Tôi bi quan và đi vào trạng thái trầm cảm nặng. Rồi một ngày khi tôi không còn tha thiết với điều gì nữa, một tình yêu mới xuất hiện. Không biết tình yêu đó sẽ dẫn mình tới đâu, nhưng tôi nhận ra tình yêu quá quan trọng với mọi người và với chính mình", Trịnh Minh Hiền bộc bạch.

Cảm giác ở tận đáy, rồi cảm giác lại tìm thấy tình yêu ấy giúp Hiền nhận ra, bản năng trong mình vẫn rất lớn, nên những trải nghiệm không đủ thành bài học. Mà Hiền khác người khác, chị cho rằng, ở tuổi ngoài 30, sự học hỏi đôi khi là điều không tích cực, nhất là trong chuyện tình cảm. Hiền ví, nó giống như việc khi bạn bị ngã, bạn sẽ sợ ngã. Cảm giác đó không tốt, nó sẽ ngăn cản bản năng sống và yêu.

Có lẽ vì thế, Hiền cứ sống và yêu rồi lại đau khổ. Cô ví mình vẫn như một cái cây ngơ ngác giữa đời. Nhưng từ trong bản năng ấy, chị soi thấy một bản chất khác của tình yêu: "Tôi chỉ thấy rằng, chính cách ứng xử của người đàn ông, tình yêu của người đàn ông đã thay đổi tôi, chứ không phải tôi tự thay đổi. Sự chân thành sẽ thay đổi tất cả".

Dẫu vậy, Trịnh Minh Hiền không mù quáng với "niềm tin tất thắng" về tình yêu. Sự khắc khoải ấy khiến cho trái tim đa cảm của cô không ngừng trăn trở, và từ đó cô có thể viết nhạc, làm thơ…

Hiền cho rằng, nhiều người trông mong vào sự bình an, nhưng cô thì không, bởi với một người làm sáng tạo, bình an cũng là thứ hủy diệt chất sáng tạo trong con người. "Một nghệ sĩ cần con người ta thực sự trải nghiệm về mọi thứ. Và tôi luôn tin, chẳng có cái “The End” nào xảy ra trong đời một người. Có thể mình không tin vào hạnh phúc, không sợ đau khổ, tôi tin con người sẽ tìm thấy sự tự tin của chính mình".

Trịnh Minh Hiền vẽ lại mình trong sự quan sát của người đàn ông cô yêu. "Em đẹp nhất khi em không điểm trang gì cả", Hiền kể về nhận xét của người tình như thế, và cô cho rằng: "Chỉ khi là chính mình, thì tôi đẹp".

Trong cái thế kỷ mà người phụ nữ như cứ phải gồng lên và bảo: Chúng ta sẽ làm cho nhau hạnh phúc, phụ nữ cứ phải đóng mãi một vai: mạnh mẽ nên họ tự làm quá nhiều để chính mình đánh mất sức mạnh của vẻ đẹp nữ tính bên trong. Và khi yêu họ không yêu bằng bản năng nữ của mình nữa, họ yêu trong sự huấn luyện, vì sợ nếu yêu bản năng sẽ thất bại.

"Nhiều người cũng dạy tôi và hỏi tôi, tại sao một người đã đau khổ nhiều mà không rút ra được bài học gì cho mình cả? Họ nói đúng, nhưng tình yêu mà, nó là câu chuyện của con tim và cảm xúc. Và là phụ nữ, cuối cùng ai cũng cần một bờ vai. Điều này nói ra thật sến, nhưng đừng sợ sến, vì bờ vai ấy có ý nghĩa thế nào với mỗi người thì cũng có thể là khác nhau", Hiền nói.

Nhưng như thế không phải là Hiền, vì bên cạnh một Trịnh Minh Hiền "ngơ ngác giữa đời", còn có một Trịnh Minh Hiền khác, luôn có một kim chỉ nam "phải là chính mình" dù hạnh phúc hay đau khổ, dù khó khăn hay thành công.

"Với mỗi sự sụp đổ hay mỗi hạnh phúc tôi đều thấy mình quá may mắn. Dù mình rất khó khăn, vì tôi phải tự kiếm tiền nuôi con, nhưng tôi cũng cảm thấy sự hồn nhiên và yêu mọi thứ xung quanh, yêu bản thân một cách bản năng đã giúp tôi không ngừng tin vào một điều gì đó tốt đẹp sẽ xảy ra. Và rồi tôi thấy, ở giữa lúc mình không chờ đợi nhất, điều kỳ diệu đã đến".

Cô cho rằng, điều cơ bản đó như cái dây được neo vào đúng bến bờ, giúp cô cân bằng mọi việc, cân bằng được tinh thần cho chính mình, để luôn không ngừng đi về phía trước.

Vì thế, trong cái sự tưởng như rất lãng mạn, Trịnh Minh Hiền lại thực sự là một người tỉnh táo. Cô cho rằng, sự đọc đã cho mình có một tư duy rõ ràng, để sau tất cả mọi việc xảy ra, Hiền vẫn giữ được con mắt khách quan tự quan sát mọi việc. "Con mắt đó giúp tôi có thể nhận biết tất cả mọi thứ"

Trịnh Minh Hiền nhắn nhủ, nhưng cũng như là để tâm sự với chính mình. Nữ nghệ sĩ violon cho rằng, trong cuộc đời một người, cái quan trọng là đừng để mất cảm giác yêu. "Cảm giác yêu, đối với góc nhìn của tôi, nó cũng là thứ chúng ta phải để tâm, nghiên cứu và học hỏi và tìm hiểu về nó. Tình yêu có rất nhiều cung bậc, rất nhiều khoảnh khắc, nhưng nếu bản thân chúng ta không có khao khát, chúng ta sẽ bỏ lỡ, và giây phút đó sẽ trôi đi rất nhanh. Hoặc nếu ta không cảm nhận được và đối xử đúng với thứ mà tình yêu mang lại, thì điều ấy cũng sẽ trôi đi thôi. Tôi cũng từng để bị trôi đi như thế".

Trần Mỹ Hiền
.
.