Võ đạo ở đâu trong lối hành xử võ biền?

Thứ Ba, 23/07/2019, 09:26
Cảm giác ngán ngẩm, bẽ bàng đang lan truyền trong làng võ Việt khi trận đòn "áp đáo tại gia" hết sức thô bạo của một võ sư với người đồng môn của mình, được ghi lại và phát tán trên mạng.

Hậu quả vụ việc không dừng lại ở thương tích của nạn nhân, mà hình tượng người thầy dạy võ tâm sáng, đức cao, vốn được xã hội nể trọng… đã bị vấy bẩn qua hành xử đậm chất võ biền, hạ tiện của vị võ sư nọ. Với những chuyện diễn ra gần đây trong giới "võ lâm", dư luận có quyền nghi ngờ về sự mai một của Võ Đạo trong đời sống đương đại.

"Địa chấn võ lâm"

Ngày 15-7, trên mạng xã hội lan truyền chóng mặt một đoạn clip ngắn ghi lại cảnh Võ sư Nam Anh Kiệt (Tổng đàn chủ môn phái Vịnh Xuân Nam Anh) tung ra những cú đấm hung bạo khiến người bị tấn công - Võ sư Nam Nguyên Khánh (Chưởng môn Vịnh Xuân Quyền Nam Bắc) thúc thủ, đứng yên chịu trận mưa đòn.

Ảnh minh họa: Võ sinh thi lễ bái sư nhập môn.

Ông Khánh bị đánh tới mức té ngã xuống sàn, nhưng ông Kiệt vẫn không buông tha, thậm chí còn đuổi đánh chủ nhà khi được học trò dìu vào phòng trong. Địa điểm xảy ra tại võ đường phái Vịnh Xuân Quyền Nam Bắc của ông Khánh. Hậu quả làm nạn nhân phải nhập viện trong tình trạng đa chấn thương ở vùng mắt, bụng, ngực, lưng.

Nguyên nhân sự việc đang có cách lý giải khác nhau từ 2 phía. Ông Kiệt nói nạn nhân đã có những hành động vi phạm môn quy (nội quy môn phái) như bất kính, chối bỏ sư phụ, nên phải "dạy dỗ".

Trong khi ông Khánh cho biết giữa hai người có mâu thuẫn, tranh luận với nhau về nhiều vấn đề. Nhưng ông là người đã có tuổi, không sân si, đã từ chối những lời thách đấu tranh cao thấp từ phía ông Kiệt. Trận đòn hôm đó là một cuộc "đánh úp". Do bất ngờ nên ông không kịp phản kháng. Được biết nạn nhân đã có đơn trình báo gửi cơ quan chức năng đề nghị giải quyết sự việc ông bị tấn công tại nhà.

Sự kiện đã gây "địa chấn" trong làng võ. Bởi chưa bao giờ xảy ra chuyện "người trong làng" ứng xử với nhau hạ lưu thế này. Mặc dù đối với dân võ, việc phân định cao thấp về quyền cước là không thể thiếu, nhưng những trận so găng thường diễn ra nơi sàn đấu, hoặc được tổ chức khá quy củ trên tinh thần giao hữu, học hỏi, tôn trọng nhau theo đạo con nhà võ.

Đằng này, với những gì clip ghi lại, có thể thấy đây quả là trận đòn "áp đảo tại gia", mang hơi hướng dạy dỗ, dằn mặt theo kiểu giang hồ xã hội đen, chứ không phải là một cuộc tỉ thí võ thuật giữa những người thầy. "Võ lâm" - (giới võ thuật) cả nước, ngay lập tức đã có những phản ứng  mạnh mẽ trước việc làm đi ngược lại tinh thần võ đạo của Võ sư Nam Anh Kiệt.

Võ sư Nam Anh Kiệt, người hành hung đồng môn vừa bị cách chức Tổng đàn chủ môn phái Vịnh Xuân Nam Anh và hình ảnh Võ sư Nam Anh Kiệt tấn công đồng môn trong clip phát tán trên mạng.

Bình luận về sự kiện trên, Võ sư Trịnh Hồng Minh (Giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản Võ cổ truyền Việt Nam - Hội di sản văn hóa Việt Nam) nói: "Chưa cần biết mâu thuẫn, đúng sai thế nào, nhưng việc ông Kiệt hùng hổ tấn công người khác không trong một cuộc thượng đài, là một hành xử sai trái với tinh thần võ đạo mà các môn phái đều đề cao. Con nhà võ chân chính không làm như vậy.

Có thể thấy tâm lý "duy ngã độc tôn" - (cái tôi kiêu ngạo) trong vị võ sư này quá lớn, khiến ông ta bước qua những chuẩn mực đạo đức của người luyện võ, tự cho mình cái quyền dùng nắm đấm dạy dỗ người khác. Mặc dù ông Kiệt không thể đại diện cho võ cổ truyền Việt Nam với hàng trăm môn phái khác nhau, nhưng hành động này ít nhiều cũng làm mang tiếng cho những người luyện võ khác".

Không giấu được nỗi bức xúc, Võ sư Đào Hoàng Long (môn phái Nhất Nam) nhận xét: "Thật bất ngờ và thất vọng, bởi lẽ bên tấn công là thầy dạy võ có vị trí khá cao trong môn phái, lại hành xử hung hãn, thô bạo, thiếu kiềm chế với đồng môn của mình, cũng là người giữ chức vụ đứng đầu chi phái. Không thể nhân danh một điều tử tế là bảo vệ môn quy, để cho phép mình có quyền đánh người khác ngoài sàn đấu. Chẳng thể biện minh cho hành động như vậy.

Cách hành xử của ông Kiệt có thể nói đậm chất võ biền -  tức là chỉ có sức mạnh cơ bắp mà không có đầu óc. Do đó, việc dư luận bàn tán, ngờ vực về tinh thần võ đạo trong làng võ hiện nay, qua chuyện này và nhiều chuyện khác nữa, tôi cho là có cơ sở. Tôi nghĩ đã đến lúc cần phải nhìn nhận nghiêm túc về chuyện hành võ. Nếu không, sinh hoạt võ thuật sẽ có những lệch lạc, méo mó nguy hiểm".

Còn Võ sư Nguyễn Văn Thắng (môn phái Karate-Do) nhún vai: "Hồi này tôi thấy mấy võ sư cứ mở miệng ra là rao giảng đạo lý này nọ. Nhưng khi gặp chuyện, dường như họ quên hết điều mình đã dạy học trò. Lúc đó chỉ có cái tôi ích kỷ thúc giục cần phải dương nắm đấm ra để chứng tỏ tài nghệ, tranh phần cao thấp, hơn thua. Ở họ, giữa nói và làm có khoảng cách lắm. Còn đâu đức Nhẫn như các cụ xưa truyền lại.

Không chỉ chuyện này, việc các võ sư danh cao thế lớn trong các tổ chức võ thuật, đeo nanh hổ, diện đồ rằn ri… vào vai giang hồ đâm chém trong các phim hành động... làm hoen ố đi hình ảnh người thầy dạy võ. Chưa hết, làng võ còn xì xầm những chuyện chạy chọt khi thi đai, phong đẳng… Tất cả những thứ đó, khiến chúng tôi cảm thấy rất buồn. Hình như những chuyện này chưa có cơ hội để dư luận bên ngoài biết đến…".

Trao đổi về khía cạnh pháp lý của sự việc này, Luật sư Đỗ Quốc Quyền  - (Đoàn Luật sư Hà Nội) nhận định hành vi đánh người của ông Nam Anh Kiệt có dấu hiệu của tội phạm "Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác", quy định tại Điều 134, BLHS năm 2015. Việc xử lý hình sự tùy thuộc theo tỷ lệ % sức khỏe bị tổn hại do thương tích và yêu cầu khởi tố của người bị hại.

Nếu thương tích của ông Khánh dưới 11%, với tình tiết "có tính chất côn đồ", ông Kiệt vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điểm i, Khoản 1, Điều 134, hoặc bị  xử phạt hành chính về hành vi đánh nhau theo Nghị định 167/2013/NĐ - CP. Còn thương tích của bị hại từ 11% trở lên, ông Kiệt sẽ bị xử lý hình sự với mức phạt tùy thuộc vào tỷ lệ tổn thương.

Được biết, ngay sau khi sự việc xảy ra, ông Nam Anh Kiệt đã bị Hội đồng kỷ luật của Liên đoàn Vịnh Xuân chính thống phái quyết định cách chức Tổng Đàn chủ  Vịnh Xuân Nam Anh tại Việt Nam. Bản thân ông này cũng thừa nhận hành động của mình đã gây ảnh hưởng lớn tới thanh danh của môn phái.

"Đạo" để hành "Thuật"

Từ nhỏ theo thầy học đòi côn kiếm, chúng tôi thường được dạy: "Võ gồm 2 phần, là "thuật" và "đạo". "Thuật" là kỹ thuật chiến đấu, còn "đạo" là triết lý xử thế của con nhà võ, biết cách hành võ trong đời sống theo những chuẩn mực đạo đức".

Võ sư Chưởng môn phái Nhất Nam Ngô Xuân Bính thị phạm với học trò nước ngoài.

Còn nhớ trong một lần trao đổi, Võ sư Ngô Xuân Bính - (Chưởng môn phái Nhất Nam) đã nói đại ý: người xưa luyện võ như một hình thức tu thân, hướng đến sự hoàn thiện bản thân, hướng đến việc chiến thắng cái tôi bản ngã, hơn là chiến thắng địch thủ, bởi vì tận cùng của võ là văn. Người luyện võ phải biết tự rèn mình tuân thủ các quy luật, chuẩn mực, sống trung thực, khẳng khái và nhân hậu. Đặc biệt là phải nhẫn nại, nghiêm cẩn giữ Lễ, vì tôn trọng người cũng chính là tôn trọng mình.

Trong đời sống, phải biết sử dụng năng lực chiến đấu của mình để bảo vệ những giá trị hướng thiện, bảo vệ cộng đồng, quê hương, đất nước. Đó chính là cội rễ của tinh thần thượng võ hào hùng, xóm làng cùng nhau đánh giặc giữ nước của tiên tổ chúng ta qua hàng ngàn năm lịch sử.

Giải thích kỹ hơn về vai trò của võ đạo đối với người luyện võ, Võ sư Trịnh Hồng Minh nói: "Dạy võ cho người là giao vũ khí sát thương vào tay người đó. Nếu học trò khí chất nóng nảy, hiếu sát, tệ nhất là dụng võ vào việc bất chính, hậu quả tác hại sẽ khôn lường.

Chính vì thế mà các cụ ta xưa lựa trò rất kỹ, trọng đức độ hơn cả tài năng. Khi tìm truyền nhân trước khi qua đời, các cụ có rất nhiều cách để thử thách học trò, nhằm chọn trong số hàng trăm, thậm chí hàng nghìn môn đồ lấy một người có thể gửi gắm lại tinh hoa võ thuật của tiền nhân.

Người được chọn truyền lại những độc chiêu cuối cùng, hay giữ gươm lệnh đứng đầu môn phái, ngoài những tố chất thiêm bẩm như sáng ý, bắt nhanh, còn phải có đức tính trung thực, nhân hậu, sự nhẫn nại, kiên trì theo đuổi mục tiêu, cùng hoài bão to lớn, muốn cống hiến, xả thân vì những điều tử tế, tốt đẹp cho cuộc đời". 

Vẫn theo Võ sư Minh, võ đạo là điều mà hầu hết các môn phái võ cổ truyền đều đề cao, quán triệt trong các thế hệ môn sinh. Nhiều môn phái đã chuyển hóa các quy định của vị Sáng tổ - (người khai môn lập phái), thành các quy định thành văn, bắt buộc môn sinh học thuộc lòng và tuân thủ nghiêm chỉnh. Vi phạm nghiêm trọng môn quy, làm ảnh hưởng đến thanh danh bản môn, là một trong số những tội danh có thể dẫn đến hậu quả người học bị loại môn - (đuổi khỏi môn phái).

Hình tượng những võ sư, võ sĩ tâm sáng, đức cao, hành hiệp trượng nghĩa theo kiểu Lục Vân Tiên "giữa đường thấy sự bất bình chẳng tha"… đã đi vào đời sống văn học và ăn sâu vào trong tiềm thức người dân, với biết bao sự ngưỡng mộ, kính yêu.

Họ như những đại diện cho sức mạnh của sự công bằng, lẽ phải, sẵn sàng bênh vực kẻ yếu trong những hoàn cảnh hiểm nghèo. Ngược trở lại, chính võ đạo đã giúp các môn phái võ thuật cổ truyền dân tộc có thể trường tồn qua thời gian, bởi nhờ có nó mà võ thuật "sâu rễ bền gốc" trong đời sống tinh thần của bao thế hệ người dân đất Việt.

Luận bàn về tinh thần võ đạo truyền thống trước những biến động của thời cuộc, Võ sư Đào Hoàng Long đã có những phân tích mà người ngoại đạo rất ít cơ hội biết tới. Ông nói: "Ngày nay, nhiều yếu tố mới từ môi trường sống hiện đại, nhất là sự tiếp biến và giao thoa văn hóa với thế giới đã và đang tác động mạnh mẽ đến nền võ thuật nước nhà, gây ra ở đó những thay đổi lớn lao.

Chẳng hạn như hiện tượng nhiều bộ môn võ thuật phương Tây du nhập vào Việt Nam. Với lối tập mang tính "mỳ ăn liền", chỉ nhằm rèn cho cứng tay, mạnh chân để đánh thắng người trong các trận tỉ thí hay so găng ngoài đường, mà không cần quan tâm đến các triết lý sâu xa… đã khiến nhận thức võ thuật có những méo mó đáng sợ.

Đầu tiên là với nhiều người, võ thuật cũng chỉ là một bộ môn thể thao thông thường. Chính vì thế họ có thể dùng võ thuật khi xảy ra va chạm, xích mích. Bên cạnh đó, việc thể thao hóa võ thuật, với mục tiêu tranh giành huy chương, thành tích trong các kỳ cuộc, giải đấu… khiến võ thuật dường như đang bị chệch khỏi tinh thần luyện võ để thu thân, hướng đến sự chiến thắng bản ngã, cái tôi của mình".

Một yếu tố khác khiến võ thuật dần xa rời truyền thống, theo Võ sư Long, đó là xu hướng thương mại hóa trong võ thuật. Giới võ lâm hiện nay, có không ít người coi võ thuật là cần câu cơm đơn thuần. 

Để nhiều người biết đến mình, ngoài chuyện sử dụng truyền thông buông lời thách đấu tùm lum, rồi dưới danh nghĩa tình yêu điện ảnh, họ sắm vai côn đồ, xã hội đen với những cảnh đâm chém máu me, bạo lực "vô pháp vô thiên"… trong các bộ phim hành động, khiến hình ảnh cao đẹp của các bậc chân tu làng võ sa sút đi trong mắt người dân.

Gần đây, làng võ lại xì xào chuyện lobby phong đai, nâng đẳng… để tìm kiếm những danh xưng nghe loảng xoảng, đã nói lên tâm lý háo danh, chạy theo các giá trị ảo đang diễn ra ở một địa hạt rất không nên có sự giả dối.

Võ đạo, với tư cách là bánh lái, là kim chỉ nam cho mọi hành xử của người luyện võ, đang đứng trước những thách thức nghiêm trọng. Tôi nghĩ đây là bài toán không dễ giải đối với những người tâm huyết gìn giữ vốn cổ, tinh hoa văn hóa phi vật thể tiên tổ để lại" - Võ sư Long nhận định.

Đào Trung Hiếu
.
.