Vụ 12 người nhiễm HIV ở Bến Tre: Oan gia từ trời rơi xuống

Thứ Sáu, 08/06/2012, 16:25

Vừa qua, dư luận đã không ngớt xôn xao trước việc 12 người dân ở xã Ngãi Đăng, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre bị nhiễm căn bệnh thế kỷ HIV. Điều đáng nói là tất cả những người này đều là nông dân làm ăn chân chất. Theo họ, họ không hề quan hệ tình dục với gái mại dâm hay tiêm chích ma túy.

Đến nay, mọi nghi vấn đều tập trung vào một y sĩ đã nghỉ hưu, hành nghề tư nhân trong xã qua việc sử dụng cùng một bơm tiêm cho nhiều người, gây nên nỗi oan gia từ trên trời rơi xuống (?). Tuy nhiên, việc xác định nguyên nhân vẫn phải chờ vào kết luận cuối cùng của các cơ quan chức năng.

Ngày 3/1/2012, ông  Nguyễn Văn C., cư trú tại ấp Phú Đăng, xã Ngãi Đăng, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre đến Bệnh viện Bình Dân, TP HCM để phẫu thuật lấy sỏi thận. Trước khi tiến hành phẫu thuật, ông C. được cho làm các xét nghiệm cần thiết và thật bất ngờ, kết quả thử máu cho thấy ông đã nhiễm HIV!

Trước nỗi oan gia này, ông C. không biết phải thanh minh ra sao bởi lẽ theo ông, ông chưa hề "bia ôm, rượu ấp", chưa hề "quan hệ ngoài luồng" với bất kỳ ai. Được các bác sĩ giải thích về những nguyên nhân lây nhiễm, ông C. nghi ngờ ông bị HIV từ việc đến nhà ông Đỗ Văn Bé - một y sĩ về hưu, nay mở điểm hành nghề tư trong ấp - để tiêm thuốc.

Nguyên là cán bộ Đội Vệ sinh phòng dịch thuộc Trung tâm Y tế huyện Mỏ Cày Nam, khi về  hưu, y sĩ Đỗ Văn Bé dù không có giấy phép hành nghề nhưng vẫn tổ chức dịch vụ khám, chữa bệnh tại nhà. Theo lời người dân ấp Phú Đăng, bệnh gì ông Bé cũng nhận chữa. Đặc biệt nhất là bệnh đau nhức cơ, xương, ông Bé chỉ dùng một lọ thuốc, tiêm cho nhiều bệnh nhân mặc dù trước đó, ông Bé đã từng bị Thanh tra Sở Y tế Bến Tre ra quyết định xử phạt 12,5 triệu đồng vì "khám chữa bệnh nhưng không có chứng chỉ hành nghề".

Nghe được thông tin ông C. nhiễm HIV, một số người hàng xóm của ông C. - là những người đã từng đến tiêm thuốc tại nhà y sĩ Đỗ Văn Bé, cũng vội đi xét nghiệm. Kết quả: Gia đình ông Huỳnh Văn H. có 6 người bị HIV, gồm ông, 2 người con trai, (một người là anh em chú bác) và 2 người cháu. Theo ông H., hồi tháng 3, sau khi biết chuyện ông C., ông lên TP HCM, đến Viện Pasteur xin làm xét nghiệm. Lúc được thông báo kết quả là  "dương tính", ông thiếu điều ngã quị.

Theo ông H., gần 2 năm nay, ông bị đau lưng, viêm đường ruột, ho dai dẳng nên ông thường xuyên đến nhà ông Bé để tiêm thuốc. Con cháu ông mỗi khi đau ốm cũng tìm đến ông Bé. Ông nói: "Nguyên nhân bị lây là do tiêm thuốc chứ tôi đâu chơi bời gì. Mấy lần đến nhà ông Bé, tôi thấy ổng lấy lọ thuốc, tiêm cho tôi. Sau đó, vẫn lọ thuốc đó, ổng lại lấy tiêm cho người khác nên nếu tôi bị bệnh thì sẽ lây cho người khác. Tôi kiến nghị cấp trên làm sáng tỏ cho tôi". 

Đến nay, đã có 12 người ở Mỏ Cày Nam lây nhiễm căn bệnh thế kỷ, tất cả đều khẳng định rằng họ không chơi bời chích hút, thậm chí có người liệt cả 2 chân như ông Ư. cũng… nhiễm! Bị di chứng sốt bại liệt từ nhỏ, ông Ư. đi lại rất khó khăn. Vì vậy, chuyện ông bị HIV là chuyện oan gia. Kết quả xét nghiệm của Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu, Bến Tre cho thấy ông Ư. dương tính với HIV nhưng kết quả xét nghiệm của Trung tâm Y tế dự phòng TP Bến Tre lại là âm tính.

Ông Ư. cho biết: "Hiện giờ tôi đang điều trị theo phác đồ của Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu, và đang chờ đợi Viện Pasteur TP HCM về đây để xem thế nào". Ông C. nói: "Nhà báo cứ  đưa tên thật của tôi lên báo. Tôi không sợ mặc cảm, kỳ thị gì, cơ quan chức năng cần làm rõ trắng đen về trường hợp nhiễm bệnh của tôi và của những người khác". Một người hàng xóm với ông C. nhận xét: "Ổng suốt ngày quanh quẩn với đàn heo, với vườn tược chứ có chơi bời gái ghiếc gì đâu. Mà có muốn chăng nữa thì ở vùng này, đâu phải dễ tìm…".

Cũng như ông C., ông H. không ngần ngại khi nêu tên thật của mình. Ông nói: "Dư luận đồn rằng tụi tôi ăn chơi nên bị bệnh. Tôi 62 tuổi rồi chứ có phải thanh niên trai tráng gì. Cả nhà tôi từ sớm đến tối chân lấm tay bùn ngoài ruộng, tôi là thợ hồ, làm còn chưa đủ ăn thì lấy tiền đâu mà chơi bời!".

Theo người dân xã Ngãi Đăng, nếu quả thật nguồn gốc lây nhiễm là do y sĩ Đỗ Văn Bé thì con số bị HIV sẽ không dừng ở 12 mà còn nhiều hơn nữa bởi lẽ khó mà thống kê hết được "thân chủ" của "phòng mạch" ông Bé. Ông Nguyễn Văn N. nói: "Có thể có người sau khi xét nghiệm, biết mình bị HIV nhưng giấu không cho ai biết, hoặc cũng có thể có người vì sợ quá nên không dám đi làm xét nghiệm".

Anh  Huỳnh Văn Th., một nạn nhân HIV bất đắc dĩ, cho biết: "Khi đi xét nghiệm tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bến Tre, tôi mới biết mình bị HIV nhưng may mắn là vợ tôi không bị. Hiện tại, tôi thực hiện đúng theo hướng dẫn của cán bộ y tế, không để lây lan cho vợ con và cộng đồng. Tuy mọi người không xa lánh nhưng tôi vẫn thấy mặc cảm. Vì vậy, tôi hạn chế tiếp xúc. Tôi mong ngành chức năng làm rõ con đường lây bệnh cho chúng tôi...".

Về phía ông Đỗ Văn Bé, ông phủ nhận mình đã làm lây nhiễm căn bệnh thế kỷ cho 12 người. Theo ông thì: "Hoàn toàn không có chuyện tôi dùng lọ thuốc, bơm tiêm đã nhiễm HIV để tiêm cho người khác vì 1 bơm tiêm chỉ có 500 đồng, ngu sao mà dùng lại". Vẫn theo ông Bé: “Đã nhiều năm công tác trong ngành y nên tôi hiểu rõ sự nguy hiểm cho người bệnh nếu dùng chung bơm tiêm, lọ thuốc. Vì vậy, cứ mỗi người đến tiêm là tôi xài bơm tiêm mới, mỗi lần tiêm nửa lọ - thường là thuốc bổ H5000. Sau đó tôi ghi tên người tiêm vào lọ thuốc để lần sau tiêm tiếp. Vậy mà chẳng hiểu sao họ lại chụp mũ cho tôi”.

Về phía các cơ quan chức năng, sau khi phát hiện một số trường hợp ở xã Ngãi Đăng bị  HIV, bộ phận  chuyên môn của Sở Y tế tỉnh Bến Tre, Trung tâm Y tế huyện Mỏ Cày Nam đã tổ chức nhiều đoàn đến khảo sát, điều tra nắm tình hình; đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn bệnh nhân và người thân áp dụng các biện pháp phòng, chống bệnh lây lan.

Đến  ngày 29/5, một đoàn công tác do ông Bùi Văn Thành, Phó trưởng phòng Nghiệp vụ Y - Sở Y tế Bến Tre làm trưởng đoàn đã về ấp Phú Đăng để khảo sát và nắm tình hình. Tại đây, đoàn đã tư vấn cho Ban chỉ đạo phòng chống HIV xã Ngãi Đăng về một số phương pháp tuyên truyền để bệnh nhân và người thân của họ cùng những người xung quanh xóa bỏ mặc cảm hoặc kỳ thị. Bên cạnh đó, đoàn công tác còn khuyến cáo người dân trong ấp nên đi làm xét nghiệm để sớm phát hiện bệnh, nếu có.

Ngày 31/5/2012, Viện Pasteur TP HCM đã cử cán bộ chuyên môn về ấp Phú Đăng, xã Ngãi Đăng để khảo sát tình hình nhiễm bệnh. Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước đây ở ấp Phú Đăng có một phụ nữ được mời làm đồng đẳng viên cho chương trình phòng chống HIV - AIDS. Người phụ nữ này trước đó bán quán giải khát và đã từng quan hệ tình dục với nhiều người (!?). Nếu tính đến thời điểm thông tin về 12 người ở Phú Đăng bị HIV rò rỉ ra ngoài, thì thời gian lây nhiễm của họ ít nhất cũng 6 tháng tháng, thậm chí có người đã chuyển sang giai đoạn AIDS - mà từ HIV sang AIDS, phải từ 3 đến 5 năm...

Theo một bác sĩ có kinh nghiệm điều trị HIV tại Bệnh viện An Bình, TP HCM, thì: "Từ khi ấp Phú Đăng có người nhiễm HIV đến nay đã gần nửa năm. Nếu đúng như lời người dân ở đây cho biết, rằng y sĩ Bé chỉ dùng một bơm tiêm, tiêm cho nhiều người thì khả năng có thể một trong những người được ông Bé tiêm, bị HIV. Khi kim tiêm đi qua da, nó làm vỡ một số mạch máu nhỏ (mao mạch) ở dưới da, dẫn đến máu (có virus HIV) dính trong lòng kim tiêm mà mắt thường không nhìn thấy được. Sau đó, bơm tiêm này lại được dùng để tiêm cho người khác, dẫn đến lây nhiễm bởi lẽ tùy theo môi trường bên ngoài (nhiệt độ, độ ẩm), virus HIV trong máu khô có thể sống được từ vài giờ đến vài ngày"

V.C.
.
.