Vụ bê bối xáo trộn Warner Bros

Thứ Bảy, 18/05/2019, 09:54
Scandal tình ái mới đây giữa cựu Giám đốc Điều hành Warner Bros. - ông Kevin Tsujihara và nữ diễn viên Charlotte Kirk không chỉ khiến ban điều hành của tập đoàn bị xáo trộn, mà còn phơi bày những yếu kém trong suốt một thời gian dài qua.

Từ nội bộ đầy bê bối

Chỉ vài tuần sau khi scandal quan hệ bất chính với diễn viên nữ Charlotte Kirk bị phanh phui, Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành Warner Bros., ông Kevin Tsujihara đã phải từ chức.

Ban đầu, thông tin từ chức này được tiết lộ trong email mà Warner Bros. gửi nội bộ các nhân viên của mình. Nói về lý do trong thư, Warner Bros. cho biết quyết định này dựa trên lợi ích cao nhất cho công ty và các nhân viên của tập đoàn. Khi được công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, Warner Bros. cho biết quyết định này nhằm mục đích cải tổ và hướng tới việc nắm bắt hiệu quả hơn với thị trường. Hiện chiếc ghế đầy quyền lực này vẫn chưa có người kế nhiệm.

Scandal tình ái giữa ông Kevin Tsujihara và diễn viên Charlotte Kirk đã làm suy giảm uy tín của Warner Bros.

Scandal quan hệ bất chính của ông Tsujihara và diễn viên Kirk đã bị báo chí phanh phui thời gian qua. Cụ thể, ông này đã thỏa thuận “đi lại” với cô, đổi lại sẽ cho cô các vai diễn trong nhiều bộ phim bom tấn của Warner Bros.. Nhiều tin nhắn của hai người cũng đã bị phanh phui. Vụ việc diễn ra hồi năm 2013 khi Charlotte Kirk mới 21 tuổi.

Cựu lãnh đạo của Warner Bros. đã nhiều lần phủ nhận cáo buộc, tuy nhiên nữ diễn viên Kirk liên tục khẳng định mối quan hệ này là thật và cô phải lên tiếng vì “không muốn bị người khác coi thường nữa”.

Đến bối cảnh cạnh tranh khắc nghiệt

CEO sắp tới của Warner Bros. sẽ đứng trước nhiều thử thách khó khăn mà nguyên nhân không chỉ nằm ở vụ scandal tình ái vừa qua. Sau khi có chủ mới là AT&T Inc, Warner Bros. đang là “vũ khí” của tập đoàn này trong việc cạnh tranh với Netflix, Amazon hay Disney trong thị trường truyền hình trực tuyến.

Nhìn vào các đối thủ của Warner Bros., có thể thấy CEO sắp tới sẽ phải đối mặt với nhiều bài toán hóc búa. Netflix từ lâu đã thống trị phân khúc truyền hình trực tuyến, với một đội ngũ “săn” nội dung cực kỳ xuất sắc trên khắp thế giới. Với lợi thế này, Netflix luôn sản xuất ra được nhiều phim có nội dung đặc sắc và đa dạng.

Disney thì khác, họ chẳng cần gì ngoài thế mạnh quá lớn về tài chính. Việc thâu tóm lại Fox thời gian qua khiến “người khổng lồ” Disney nắm giữ nhiều bản quyền trình chiếu các chương trình ăn khách lâu năm. Ngoài ra, trong tay Disney còn có vô vàn studio được coi như nhánh nhỏ, luôn cung cấp các nội dung sáng tạo mới.

Amazon dù bước chân vào một phân khúc hoàn toàn mới, nhưng hãng này thuần về lĩnh vực dịch vụ và chăm sóc khách hàng nên có độ am hiểu cao về thị trường.

Thiên thời, địa lợi, nhân hòa… đều không có

Tạp chí Bloomberg đánh giá bê bối tình ái này diễn ra ở một thời điểm không thể tệ hơn cho Warner Bros., khiến hãng này mất đi tính định hướng trong bối cảnh một cuộc chiến cam go đang cận kề.

Không phải từ lúc bê bối này bị phanh phui, những vấn đề của Warner Bros. mới bị phơi bày. Dù sở hữu vốn đầu tư không nhỏ, nhưng Warner Bros. vẫn thua đối thủ Disney. Cụ thể trong năm 2018, khi Disney thống lĩnh 26% thị trường điện ảnh, thì tỷ lệ này của Warner Bros. chỉ là 16%.

Dấu hiệu thể hiện sự vượt trội của Disney còn ở chỗ hãng này chỉ tung ra có 10 phim trong năm 2018, trong khi con số của Warner Bros. là 40 – cao gấp 4 lần, nhưng vẫn thấp hơn Disney về doanh thu tổng.

Người hâm mộ đang mong muốn một hướng đi mới cho dòng phim siêu anh hùng của DC.

Đường lối sai lầm của Tsujihara không chỉ nằm ở lối sống, mà còn thể hiện rõ ở các chính sách.  Đã từng có thời điểm Warner Bros. “ăn theo” cách làm phim của Disney và phương pháp này đã gây ra nhiều hậu quả. Lý do thật đơn giản, Warner Bros. không phải là Disney, họ không có những nhân vật hay thiên hướng mang tính tươi sáng, vốn là sở trường của ông vua ngành giải trí.

Kevin Tsujihara nhận ra sai lầm và thừa nhận hãng không thể tiến về phía trước nếu bắt chước Disney/Marvel. “Warner Bros. cần tiếp tục sản xuất các bộ phim lớn, đa dạng. Đó là công thức giúp chúng tôi thành công. Chúng tôi không thể làm những gì Disney đã làm”, ông Tsujihara nói.

Trước khi Marvel Comics Universe (MCU – Vũ trụ điện ảnh Marvel) ra đời, Warner Bros. có lẽ là hãng thành công nhất với dòng phim siêu anh hùng chuyển thể từ truyện tranh. Đỉnh cao của họ là bộ 3 The Dark Knight về Người Dơi.

Trong thời gian qua, chứng kiến sự bùng nổ của MCU, Warner Bros. cố tìm cách bám đuổi  và sao chép công thức thành công của Disney/Marvel. Batman v Superman: Dawn of Justice được sản xuất vội vàng và gây nhiều phản ứng trái chiều. Tuy nhiên, thành công thương mại của Batman v Superman và Suicide Squad, dù bị chê bai thậm tệ, đã khiến Warner Bros. mù quáng. Và hậu quả là Justice League, bộ phim có kinh phí sản xuất và marketing lên đến 300 triệu USD, trở thành quả bom xịt tệ hại với doanh thu chỉ 654 triệu USD.

Mặc dù mây đen đang bao phủ Warner Bros., song những người hâm mộ của dòng phim siêu anh hùng DC lại đang vô cùng mừng rỡ. Họ cho rằng chính Kevin Tsujihara là người chịu trách nhiệm cho các sản phẩm tồi tệ của vũ trụ điện ảnh DC.

Với việc ông từ chức, các khán giả mong rằng những siêu anh hùng như Batman hay Superman sẽ có một hướng đi mới đúng đắn, giống như hai “đồng nghiệp” Wonder Woman và Aquaman thời gian qua.

Ngọc Bích
.
.