Vụ biến mất 213 container và những thủ đoạn buôn lậu tinh vi

Thứ Tư, 23/08/2017, 12:47
Tình trạng container "bốc hơi" chứa hàng cấm có dấu hiệu nghi ngờ buôn lậu và thẩm lậu từ nhiều năm qua thường xuyên phát hiện trong công tác kiểm hóa và chống buôn lậu. Hàng trăm container to lừng lững không thể nào như con kiến có thể chui lọt qua cửa các cơ quan chức năng. Do đó, có thể khẳng định là có sự tiếp tay của một số cán bộ, nhân viên hải quan...

Thủ đoạn buôn lậu, thẩm lậu hàng cấm

Từ giữa năm 2015 đến nay, Tổng cục Hải quan đã kiểm tra, phát hiện 213 container hàng hóa của 56 doanh nghiệp vận chuyển quá cảnh qua cảng Cát Lái (TP HCM) cửa khẩu nơi đi (BOA), để tiếp tục trung chuyển bằng đường bộ xuất sang Campuchia cửa khẩu nơi đến (BIA). Nhưng toàn bộ số container trên đã được các doanh nghiệp vận chuyển ra khỏi cảng Cát Lái mà không thể hiện thủ tục tại các cửa khẩu xuất khẩu theo quy định.

Đến tháng 11-2016, Tổng cục Hải quan mới có thông tin về 213 container biến mất khỏi cảng "bốc hơi" đi đâu không rõ, nên lập đoàn kiểm tra, chỉ đạo Cục Hải quan TP HCM yêu cầu Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực I tường trình vụ việc.

Theo Cục Hải quan TP HCM, bình quân mỗi tháng làm thủ tục cho hơn 2.800 tờ khai hải quan về hàng quá cảnh. Hàng hóa quá cảnh chủ yếu qua các cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (Tây Ninh) khoảng 2.000 tờ khai, cửa khẩu Hoa Lư (Bình Phước) khoảng 350 tờ khai và cửa khẩu Xa Mát (Tây Ninh) trên 400 tờ khai...

Tình trạng container "bốc hơi" chứa hàng cấm có dấu hiệu nghi ngờ buôn lậu và thẩm lậu từ nhiều năm qua thường xuyên phát hiện trong công tác kiểm hóa và chống buôn lậu. Hàng trăm container to lừng lững không thể nào như con kiến có thể chui lọt qua cửa các cơ quan chức năng. Do đó, có thể khẳng định là có sự tiếp tay của một số cán bộ, nhân viên hải quan.

Tổng cục Hải quan xác định, có một số công chức tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực I chưa thực hiện đúng quy trình nghiệp vụ như cập nhật đầy đủ thông tin, theo dõi tình trạng vận chuyển hàng hóa, truy tìm hàng quá hạn đăng ký. Trong đó, đặc biệt nhất là các đối tượng đã lợi dụng sự ưu tiên trong cấp phép đăng ký kinh doanh và quản lý sau cấp phép để lợi dụng buôn lậu hàng hóa trái phép.

Sự thật cho thấy, hầu hết 56 doanh nghiệp liên quan đến 213 container biến mất trên đều không còn hoạt động hoặc hoạt động theo kiểu doanh nghiệp "ma" không có trụ sở, địa chỉ như đã đăng ký.

Từ năm 2016 đến nay lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ nhiều vụ doanh nghiệp vận chuyển hàng quá cảnh tự ý phá niêm phong hải quan, đánh tráo, lấy hàng trong container tuồn vào thị trường nội địa tiêu thụ trốn thuế, chủ yếu là hàng cấm nhập hoặc hàng nhập có điều kiện.

Điển hình như: tháng 9-2016, Cty TNHH Vận tải Thương mại Dịch vụ Triệu Hiển, có trụ sở tại 557B, QL13, P. Hiệp Bình Phước, Q Thủ Đức, (TP HCM) mở tờ khai hải quan số 500055506943 vận chuyển lô hàng quá cảnh gồm 180 điện thoại iPhone mới 100%, nhưng được khai báo chung chung theo vận đơn là "hàng bách hóa và thiết bị viễn thông". Số hàng trên được vận chuyển đến cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, Tây Ninh.

Đại diện Công ty Triệu Hiển, ông Kim Thế Cường đã mở kiểm hàng tại Đội Giám sát hải quan - Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất để làm thủ tục khai báo. Tại đây, ông Cường đã khai bổ sung trong tờ khai quá cảnh có điện thoại iPhone nhưng không ghi số lượng cụ thể. Sau đó, Công ty Triệu Hiển dùng xe tải BKS 54X-1897 vận chuyển lô hàng trên đến cửa khẩu quốc tế Mộc Bài.

Hàng cấm nhập khẩu, hàng quá cảnh bị lực lượng Hải quan TP Hồ Chí Minh phát hiện tại Cảng.

Cơ quan chức năng đã tiến hành mở kiểm tra thực tế hàng hóa quá cảnh tại cửa khẩu đã phát hiện: lô hàng vẫn còn nguyên niêm phong nhưng chỉ còn 2 chiếc điện thoại iPhone, 16 thùng kem đánh răng, 2 thùng dầu gội đầu. 178 điện thoại đã bị rút ruột, đánh tráo bằng kem đánh răng và dầu gội. Từ kết quả điều tra cho thấy, hành vi gian lận, buôn lậu 178 điện thoại trị giá hàng tỷ đồng đã không được xuất quá cảnh sang Campuchia như khai báo, mà bị thẩm lậu vào Việt Nam bằng cách đánh tráo hàng.

Do chính sách miễn kiểm tra thực tế hàng hóa quá cảnh, tự quản lý, tự vận chuyển hàng hóa quá cảnh qua các cửa khẩu đường bộ, nên nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng kẽ hở này khai báo chung chung về hàng quá cảnh dạng thông thường. Ngay cả khi hàng vừa ra vận chuyển ra khỏi cảng đã được đánh tráo và không vận chuyển đến cửa khẩu.

Cũng với thủ đoạn tương tự, Công ty TNHH TM DV XNK quốc tế Bình Chánh vận chuyển hàng quá cảnh khai báo hải quan là dụng cụ nhà bếp, máy nóng lạnh, máy lọc nước... được Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 phê duyệt chuyển đến cửa khẩu Hoa Lư, (Bình Phước) để xuất sang Campuchia. Nhưng công ty này không chuyển lên cửa khẩu, mà tuồn hàng tiêu thụ nội địa đã bị cơ quan chức năng phát hiện, tạm giữ xử  lý theo pháp luật. Bản thân công ty này cũng là một công ty ma.

Đối tượng buôn lậu ngày càng tinh vi

Quá cảnh hàng hóa là hình thức "mượn đường" XNK tạo thuận lợi, giảm chi phí trong việc lưu thông hàng hóa giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ và cũng là phương thức kinh doanh, vận tải rất phổ biến theo công ước và thông lệ quốc tế. Đặc biệt các khu vực không gần hoặc không có cảng biển nước sâu như Lào và một phần lãnh thổ Campuchia tiếp giáp Việt Nam, việc quá cảnh và vận chuyển hàng hóa từ lâu đã thành một hoạt động lưu thông rất thường xuyên...

Thế nhưng gần đây, các đối tượng doanh nghiệp, cá nhân đã lợi dụng loại hình này để thực hiện hành vi buôn lậu, gian lận thương mại gây thất thu thuế cho Nhà nước và gây rối tình hình an ninh xuất nhập khẩu.

Có rất nhiều thủ đoạn mà đối tượng buôn lậu lợi dụng việc vận chuyển hàng quá cảnh được miễm kiểm tra thực tế để tiến hành đánh tráo, thẩm lậu lại tiêu thụ tại thị trường nội địa Việt Nam. Có trường hợp khi khai báo ban đầu nơi nhận hàng là doanh nghiệp Việt Nam, nhưng khi bị các cơ quan chức năng phát hiện, kiểm tra có dấu hiệu vi phạm XNK hàng hóa không giống thực tế, thì các doanh nghiệp này đã bỏ lơ không đến làm thủ tục hàng hóa.

Lập tức điều chỉnh về người nhận hàng là một doanh nghiệp, cá nhân tại Campuchia hoặc nước khác và xin làm các thủ tục quá cảnh những lô hàng trên. Thủ đoạn gian lận hải quan để buôn lậu được các đối tượng sử dụng đến còn là việc tẩu tán hàng hóa thuộc diện cấm hoặc nhập khẩu có điều kiện sau khi sang biên giới. Các đối tượng đã xé lẻ, ra rồi tìm mọi cách đưa về lại Việt Nam qua đường mòn, tiểu mạch dọc theo hai bên cánh gà cửa khẩu Mộc Bài, Hoa Lư, Bình Hiệp, Tịnh Biên, Xa Mát...

Điển hình như Công ty CP giao nhận Con ong mở tờ khai hải quan vào đầu tháng 5-2017, quá cảnh đi Campuchia qua cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, lô hàng thuốc tân dược đặc trị trọng lượng hơn 1 tấn, trị giá hơn 5 tỷ VNĐ. Sau khi công ty này hoàn tất các thủ tục hải quan xuất hàng quá cảnh, các cơ quan chức năng đã nghi ngờ có thể hàng hóa sẽ bị thẩm lậu lại VN nên tiến hành các biện pháp nghiệp vụ theo dõi chặt chẽ các tuyến tiểu mạch qua biên để tóm gọn số hàng thuốc tân dược thẩm lậu vào nội địa tại khu vực đường mòn gần cửa khẩu Mộc Bài.

Sau khi các cơ quan chức năng của hải quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ hàng hóa và tiến hành xử lý các vị phạm của cán bộ, nhân viên vi phạm nghiêm khắc, đối tượng buôn lâu đã chuyển hướng tập kết hàng trung chuyển về hướng cảng Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu). Trước đây không lâu, Cục CSĐT tội phạm về kinh tế và tham nhũng - Bộ Công an phối hợp với Công an Bình Dương triệt phá đường dây buôn lâu quy mô lớn lợi dụng việc vận chuyển hàng quá cảnh sang Campuchia.

Một công ty tại TP HCM đã làm thủ tục hải quan khai báo nhập hàng từ Singapore qua cảng Cái Mép quá cảnh, để xuất sang Campuchia. Khi vận chuyển, chủ hàng đã chở container vào một kho hàng của một doanh nghiệp tại TX Thuận An, (Bình Dương) cắt niêm chì, lấy hàng hóa. Lực lượng chức năng đã kiểm tra phát hiện hơn 1.000 thùng rượu ngoại, 600 thùng sữa ngoại và hàng trăm bộ bài... tổng trị giá gần 10 tỷ đồng.

Hàm Yên - Thu Thành
.
.