Vụ gian dối điển hình trong cuộc thi siêu Marathon The Comrades

Thứ Ba, 03/12/2019, 12:26
Đúng 20 năm trước, hai anh em người Nam Phi là Sergio và Fika Motsoeneng đã tham gia cuộc chạy siêu Marathon. Để thành công, trước đó họ đã dựng lên một kế hoạch khá tinh vi mà ngay cả sau khi xem xét kỹ lưỡng kết quả, các nhà chuyên môn cũng không thể nào khám phá ra trò gian lận.

Kế hoạch tinh vi

Những cuộc chạy siêu Marathon không dành cho những người yếu. Trong số những cuộc thi như vậy thì The Comrades tại Nam Phi là lâu đời nhất. Quãng đường thi trải dài qua hai thành phố là Durban và Pietermaritzburg, độ dài phụ thuộc vào nơi xuất phát. Vào năm 1999 cuộc chạy được bắt đầu ở Pietermarburg với quãng đường dài sấp xỉ 90km, chính xác là 89km, có những đoạn phải vượt qua đồng cỏ trên cao.

Và chỉ những người mình đồng da sắt mới chạy được quãng đường dài như vậy, khi nhiệt độ không khí trên 30 độ. Họ sẽ nhận được một phần thưởng, một phần lớn trong quỹ giải thưởng của cuộc đua Marathon được chia cho các vận động viên lọt vào top 10 trong hạng mục chính. Số tiền 1.000 đô la tiền thưởng cũng không phải là quá lớn nhưng đối với những gia đình nghèo ở Nam Phi thời đó thì đó là con số đáng kể.

Chính ý muốn kiếm được số tiền này đã thôi thúc Sergio Motsoeneng tham gia vào cuộc thi The Comrades. Chàng trai 21 tuổi từ một gia đình nghèo ở làng Kvakva vốn không phải là một vận động viên tài năng nhưng lại là một người mưu lược. Và trong trường hợp này anh ta hoàn toàn không cần dùng đến doping nhưng đủ gan để liều.

Sergio đã dành hết số tiền khiêm tốn của mình để trả phí và mua hai chiếc đồng hồ. Một chiếc cho mình, còn chiếc nữa cho người em trai 19 tuổi là Fika. Hai anh em họ trông giống như một cặp sinh đôi và họ sẽ cùng chạy. Ý tưởng của Sergio là họ sẽ chạy tiếp sức ở quãng đường trên.

Vấn đề là làm cách nào để đảm bảo không ai nhận thấy bất cứ điều gì khác thường? Mọi thứ hóa ra đều đơn giản. Người anh sẽ chạy một quãng, trong khi người em sẽ đi taxi đến gần địa điểm thỏa thuận trước trên quãng đường, nơi có nhà vệ sinh. Và tại nơi đó họ sẽ trao đổi quần áo, giày rồi sau đó người chạy đầu tiên sẽ ngồi vào xe đi đến một địa điểm khác và tiếp tục thực hiện điều tương tự. Với cách này, họ có thể duy trì tốc độ khá cao và luôn nằm trong top dẫn đầu.

Cuộc chạy 89 km có đoạn phải vượt qua đồng cỏ ở ngoại ô Pieter-maritzburg.

Thực hiện

Hai anh em đã nghiên cứu trước về độ dài quãng đường, họ biết cách sẽ làm thế nào và tại đâu tốt hơn để thực hiện việc tráo đổi. Rồi cả hai chờ đợi đến ngày chạy đua mà hằng năm có đến hơn 20 nghìn người tham gia. Theo quy định, những người này nhất thiết phải chạy được 11 giờ mới được công nhận kết quả, những ai không đủ sức như người già và phụ nữ chỉ chạy được 6 giờ thì sẽ được một chiếc xe bus cứu hộ đón.

Sergio Motsoeneng đã có tên trong danh sách được niêm yết. Anh ta bắt đầu cuộc đua và sau 45 phút đã đổi chiếc đồng hồ của mình cho em trai. Người em cố gắng duy trì tốc độ chạy tương tự và sau đó tiếp tục là sự thay thế ngược lại. Ở vạch đích, Sergio đứng thứ 9, nhận được giải thưởng trị giá 1 nghìn đô la và huy chương vàng (được trao cho 10 người về đích sớm nhất). Trong một cuộc phỏng vấn chớp nhoáng, Sergio nói rằng anh sẽ đưa số tiền trên cho người cha để giúp đỡ gia đình.

Nhưng đã có điều gì đó không ổn. Một trong số những người tham gia cuộc chạy siêu Marathon tên là Nick Bester, người đứng thứ 15 phàn nàn rằng anh ta chưa bao giờ thấy Sergio vượt qua mình ở đoạn cuối. Và điều này thật là khác thường vì Nick có thói quen đếm người chạy. Nick đã lưu ý các trọng tài, yêu cầu kiểm tra lại kỹ lưỡng thời gian trên các điểm kiểm soát và tìm hiểu những nơi Sergio Mosteneng đã vượt lên phía trước anh ta.

Những chiếc đồng hồ tai hại

Người ta đã tiến hành kiểm tra nhưng không tìm thấy một sự vi phạm nào cả. Mọi thứ đều rõ ràng và trung thực. Và sự gian lận sẽ không được phát hiện nếu không nhờ vào nhiếp ảnh gia của một tờ báo địa phương. Những lời nói của Nick Bester đã gây ra sự ngờ vực và người này bắt đầu xem xét lại tất cả những tấm ảnh đã được chụp.

Anh này đã chú ý đến một chi tiết kỳ lạ: trên một quãng chạy, vận động viên mang số áo 13018 đã đeo chiếc đồng hồ ở tay trái, ở quãng đường khác thì lại đeo ở tay phải và chiếc đồng hồ này có màu khác. Chưa hết, ở vận động viên này thấy có một vết sẹo đôi khi xuất hiện ở chân trái, có lúc thì lại biến mất.

Vài ngày sau, ban tổ chức chạy siêu Marathon đã gọi Sergio Mostoeneng lên điều trần, những bức ảnh được đưa ra (cùng với video clip được tìm thấy). Và anh chàng này đã thú nhận tất cả. Sự nghèo đói đã thúc đẩy anh ta gian dối, muốn kiếm tiền bằng cách nào đó cho cuộc sống của gia đình được dễ chịu hơn.

Nhưng, thú nhận lỗi lầm cũng không giúp hai anh em thoát khỏi án phạt. Cả hai anh em bị tước tiền thưởng và bị truất quyền thi đấu trong 5 năm. Nhưng cả hai anh chàng này, mặc dù không tham gia vào những cuộc đua chính thức, vẫn tiếp tục tập luyện. Họ đã làm việc để giúp gia đình, mua sắm thiết bị cho bản thân. Và việc tập luyện cũng không phải là vô ích.

Chứng nào tật nấy

Vào năm 2010, sau khi hết thời hạn án phạt, Sergio Mostoeneng đã xuất hiện hoàn toàn trung thực tại cuộc thi The Comrades. Lần này anh đã chạy một mình và có được một kết quả rất ngoạn mục là lọt top 3. Anh ta đã chứng minh cho cả thế giới rằng mình có thể chiến thắng mà không cần gian lận.

Nhưng niềm vui thật ngắn ngủi. 10 ngày sau cuộc thi chạy Marathon, Sergio bị cáo buộc vi phạm luật chống doping. Sau khi kết thúc cuộc chạy đua, người ta đã tìm thấy trong mẫu thử của anh ta chất nandrolone đồng hóa. Thế là Sergio không thoát khỏi việc bị truất quyền thi đấu suốt đời.

Luật sư của anh em nhà Motsoeneng, Clem Harrington nhận định: đây là một câu chuyện khá bi thảm vì nếu Sergio không phạm sai lầm trong cuộc thì này thì có thể lọt vào top 5 vì anh ta là một vận động viên tài năng. Những kế hoạch mà anh ta đã nghĩ ra đều sụp đổ và bất kể trong trường hợp nào thì Sergio Mostoeneng cũng đã đi vào lịch sử các cuộc thi chạy Marathon.

Bích Nguyễn (theo Championat)
.
.