Vụ "khám bệnh từ thiện, phát thuốc quá hạn miễn phí": Nỗi buồn người trong cuộc

Thứ Tư, 06/11/2013, 15:00

Liên quan đến chuyện "khám bệnh từ thiện, phát thuốc miễn phí", thời gian qua đã xảy ra nhiều chuyện khiến những bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng và ngay cả những sinh viên Y khoa có tâm, có y đức không khỏi chạnh lòng. Theo nguyên tắc, trước khi tiến hành chương trình, đơn vị tổ chức phải làm công văn gửi địa phương nơi đoàn khám bệnh sẽ đến, nêu rõ thời gian, địa điểm, số lượng bệnh nhân dự kiến sẽ khám, kèm theo đó là danh sách bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng tham gia và danh mục thuốc men, số lượng, cũng như thời hạn sử dụng để chính quyền và ngành y tế địa phương thẩm định, kiểm tra trước khi chấp thuận.
>> Lợi dụng làm từ thiện để trục lợi: Blouse trắng “vấy bùn”

Tuy nhiên, lắm khi vì nể nang, vì tế nhị - xuất phát từ suy nghĩ "họ bỏ công bỏ của về đây giúp bà con mình mà mình làm gắt thì sau này ai dám đến nữa" nên đã xảy ra tình trạng đem thuốc gần hết hạn đi "làm từ thiện" mà cụ thể là "Câu lạc bộ y, bác sĩ tình nguyện Sài Gòn" do một dược sĩ làm trưởng đoàn, phát thuốc Glucosamin cho người dân ở Trà Vinh mà theo phản ảnh, thì thuốc đó chỉ còn chưa đầy 2 tuần là hết hạn sử dụng, hay như nhóm từ thiện của Bệnh viện Nhiệt đới, phát thuốc Meflavon-rutin, Fe.Folic, Atorvastatin cholestat, Acipta-amlodipine, Primodil-amlodipine, Dehatacil-dexamethason…, trong đó phần ghi hạn sử dụng ở vỉ thuốc đã bị cắt bỏ, cho người dân ở xã Thạnh Phú, huyện Bình Long, tỉnh Bình Phước mà chúng tôi đã từng đề cập.

Gần đây nhất, ngày 18/10/2013, UBND xã Quỳnh Vinh, tỉnh Nghệ An có văn bản gửi 22 trưởng thôn trong xã, nội dung: Ngày 19/10/2013, Đoàn cứu trợ BV Đa khoa Nghệ An sẽ về  Trạm Y tế xã Quỳnh Vinh tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho các hộ gia đình có người bị bệnh trên địa bàn, và yêu cầu các trưởng thôn lập danh sách, chuyển cho Trưởng trạm Y tế xã Quỳnh Vinh.

Từ việc phát thuốc quá hạn...

Sáng 19/10, hàng trăm người dân có tên trong danh sách tập trung về Trạm Y tế xã. Một số người dân cho biết, họ đã được cấp miễn phí loại thuốc bổ mắt Sodobicom đã hết hạn từ 7 tháng trước. Sau khi bị phát hiện, CLB Thầy thuốc trẻ BV Đa khoa Nghệ An ngừng khám bệnh, cấp thuốc, khăn gói ra về cùng số thuốc Sodobicom chưa kịp phát hết mà không hề thông báo thu hồi.

Theo ước tính, đã có khoảng 1.000 viên Sodobicom quá "đát" đã được phát ra. Bên cạnh đó, còn có một loại thuốc tên Stada ghi con số 390812 - 230815 mà ngay cả người trong nghề dược, cũng không biết ngày sản xuất, ngày hết hạn là ngày nào?

Ai đọc được đơn thuốc này?

Hạn sử dụng của thuốc - thường được gọi là "đát" (date) - là thời gian hiệu lực được hãng sản xuất ấn định cho từng loại thuốc. Thí dụ một vỉ thuốc giảm đau Paracetamol, hạn dùng được ghi 31/10/2013 thì nghĩa là từ ngày 1/11/2013 trở về sau, thuốc không còn - hoặc còn rất ít tác dụng trong điều trị.

Theo Tiến sĩ, dược sĩ Đào Đại Cường, Đại học Y Dược TP HCM, thì: "Thuốc hết hạn sẽ không còn giữ được các tính chất cần thiết mặc dù bề ngoài, hình dáng, màu sắc của thuốc không có gì thay đổi. Nó không chỉ làm giảm hoặc mất tác dụng trong điều trị mà còn có thể gây độc, chẳng hạn như thuốc kháng sinh tetracyclin, nó rất độc cho thận nếu quá hạn dùng". Nguy hiểm hơn cả là thuốc quá hạn làm cho người uống có cảm giác "an toàn giả" vì họ tin rằng bệnh sẽ hết nhưng thực tế bệnh có thể nặng thêm.

Để xác định hạn dùng của một loại thuốc, trước khi tung ra thị trường, các hãng dược phẩm đều tiến hành nghiên cứu độ ổn định của thuốc bằng hai phương pháp "tức thì" và "dài hạn". Gọi là "tức thì" vì họ thử thuốc trong thời gian 3 tháng ở điều kiện môi trường khắc nghiệt với nhiệt độ lên đến trên 500C, độ ẩm 75% nhằm đánh giá sự thay đổi thành phần hoạt chất chính của thuốc cùng các tá dược - là những chất thêm vào để giữ cho thuốc không bị tan chảy nếu gặp nhiệt độ cao, khó vỡ vụn khi va đập, chống mốc…

Riêng phương pháp thử độ ổn định dài hạn, hãng sản xuất sẽ theo dõi thuốc trong điều kiện tồn trữ, bảo quản giống như ngoài thị trường cho đến khi thuốc bị giảm sút chất lượng để xác định thời gian. Tùy từng loại thuốc, thời gian theo dõi lắm khi kéo dài đến 5 năm.

Dược sĩ Nguyễn Văn Đạt, chủ một hiệu thuốc tây trên đường Phan Đình Phùng, quận Phú Nhuận, TP HCM nói: "Một số loại thuốc xài được nhiều lần có hai hạn sử dụng mà cụ thể là thuốc nhỏ mắt. Ngoài "đát" ghi trên hộp hoặc lọ thuốc - là hạn dùng kể từ khi thuốc chưa được mở ra - còn có hạn dùng tính từ lúc  thuốc đã được mở - thường là 15 ngày vì có nguy cơ nhiễm vi khuẩn, nhiễm nấm. Nhiều loại thuốc tuyệt đối không bao giờ dùng khi quá hạn hoặc gần ngày hết hạn, đó là các thuốc tim mạch, nhất là các thuốc trị cơn đau thắt ngực, các thuốc kháng đông máu,  thuốc chống động kinh, thuốc trị bệnh đái đường, các bệnh về tuyến giáp, bệnh hen suyễn...".

Vẫn theo dược sĩ Đạt, thuốc quá hạn còn có thể có độc tính. Hoạt chất của thuốc sẽ chuyển sang một dạng chất hóa học khác, không giống với hợp chất ban đầu và những chất mới sẽ sinh độc tính cao. Về mặt lý thuyết, độc tính ấy còn nguy hiểm hơn cả căn bệnh mà người sử dụng thuốc đang mắc phải.

Atorvastatine chẳng hạn, nó có tác dụng làm giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim, giảm nguy cơ tử vong do một số bệnh tim mạch, làm chậm quá trình tiến triển xơ vữa động mạch vành và giảm nguy cơ gây ra biến cố mạch vành cấp tính. Nếu thuốc quá "đát", tất cả những tác dụng này hầu như không còn và người bệnh lúc gần chết vẫn tự hỏi vì sao mình thường xuyên uống Atorvastatine mà vẫn chết! Amlodipin cũng thế, ngoài hạ huyết áp, nó còn chống cơn đau thắt ngực. Một người cao huyết áp chẳng hạn mà được "từ thiện" thuốc Amlodipin quá "đát" thì nguy cơ tai biến mạch máu não là điều hiển nhiên.--PageBreak--

... đến từ thiện lừa

Không chỉ phát thuốc miễn phí, mà là thuốc quá hạn sử dụng, có người coi việc đi khám bệnh từ thiện là một chuyến đi du lịch, ăn ngủ không tốn tiền (vì đã có địa phương nơi họ đến khám, hoặc các nhà hảo tâm lo liệu). Từng tham gia nhiều chuyến công tác từ thiện của nhiều nhóm, chúng tôi nhận thấy có bác sĩ khi khám bệnh thì chỉ khám qua loa, hoặc viết đơn thuốc cẩu thả đến nỗi giá mà Hyppocrate - ông tổ của nghề Y sống lại cũng không đọc nổi. Chưa kể xã hội lại còn xuất hiện "từ thiện lừa", cụ thể là một nhóm người mạo nhận là bác sĩ, điều dưỡng thuộc BV Chợ Rẫy, TP HCM, đã đến huyện Phú Tân, tỉnh An Giang để "khám tầm soát bệnh tiểu đường, đo loãng xương miễn phí".

Theo bà Huỳnh Thị Thi, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Phú Hiệp, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang, thì sáng 24/8/2012 có người gọi điện thoại tới UBND xã, tự xưng là nhóm bác sĩ BV Chợ Rẫy TP HCM muốn liên hệ để tổ chức xét nghiệm, tầm soát bệnh miễn phí cho người dân địa phương. Lập tức, bà Thi báo cho lãnh đạo xã và được chấp thuận.

Thế rồi ngay trong buổi chiều cùng ngày, nhóm nói trên đến, đề nghị Hội Phụ nữ xã phối hợp trong việc xét nghiệm miễn phí, xét nghiệm giảm giá 20%. Bà Thi cho biết: "Họ đưa chúng tôi một chồng thư mời "nhân danh" UBND xã và Hội Phụ nữ xã để phát cho dân". Tin rằng đây là người thật việc thật, UBND xã và Hội Phụ nữ yêu cầu các ban ấp, các Chi hội Phụ nữ đi thông báo và phát tổng cộng 500 tờ.

Sáng 26/8/2012, nhóm người trên đến trụ sở UBND xã mượn một phòng để làm nơi xét nghiệm. Đến lúc này, bà Thi nhận thấy dù mang danh nghĩa BV Chợ Rẫy, nhưng chỉ có 2 nhân viên, đều không mang bảng tên, thiết bị chỉ gồm 1 máy vi tính, 1 máy in cùng mấy cái ống nghiệm. Trong các phiếu kết quả, họ đều ghi "Phòng xét nghiệm y khoa CR7" do nhóm bác sĩ, cử nhân, kỹ thuật viên BV Chợ Rẫy phụ trách với họ tên, đại loại như "cử nhân Nguyễn Thị Thu Hòa", "cử nhân Nguyễn Thị Kim Liên".

Hai loại thuốc quá "đát" được phát cho người nghèo ở xã Quỳnh Vinh.

Nghi ngờ, bà Thi hỏi "cử nhân Hòa", rằng có giấy công tác, chứng nhận gì không. Lúc đầu, "cử nhân Hòa" nói có nhưng sau đó, lại bảo rằng tranh thủ ngày nghỉ, nhóm đi làm từ thiện, vừa để có thêm thu nhập. Và mặc dù "tầm soát miễn phí" nhưng hầu như người dân ai cũng phải trả tiền, thậm chí có người phải trả hơn 1 triệu đồng để "kiểm tra tổng quát".

Một người dân nghi ngờ nên đã gọi đến đường dây nóng của BV Chợ Rẫy thì nơi đây cho biết thời điểm ấy, không có đoàn công tác nào của BV Chợ Rẫy xuống An Giang. Nếu có, cũng chỉ làm miễn phí chứ không thu tiền. Khi người dân này quay ra chất vấn "nhóm từ thiện" thì họ nhanh chóng thu dọn đồ nghề rồi biến mất!.

Theo tìm hiểu  của chúng tôi, trước đó "nhóm từ thiện" CR7 đã tổ chức xét nghiệm miễn phí nhưng… thu tiền tại Trạm Y tế phường Vĩnh Mỹ, thị xã Châu Đốc vào ngày 19/8/2012. Trước sự việc này,  ngày 27/8/2012, BV Chợ Rẫy đã có văn bản gửi UBND huyện Phú Tân, khẳng định vào các thời điểm nêu trên, không có đoàn bác sĩ nào của BV đến An Giang khám bệnh và thu tiền như phản ảnh của người dân. Theo bác sĩ Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc BV Chợ Rẫy, tất cả tổ chức, cá nhân nào lợi dụng danh nghĩa của BV Chợ Rẫy để thực hiện các hành vi như trên phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Liên quan đến việc Câu lạc bộ Tình nguyện Sài Gòn phát thuốc cận date mà chúng tôi đề cập trong Chuyên đề ANTG số 1309 ra ngày 23/10, cần nói rõ rằng trong những phần thuốc bà con nghèo nhận được, có thuốc còn trong hạn sử dụng, có thuốc không thấy hạn dùng và có loại thuốc như glucosamin 250mg chỉ còn mươi ngày là phải hủy bỏ. Việc phản ánh này xuất phát từ tố cáo của bạn đọc và qua xác minh thực tế, chúng tôi nhận thấy rằng sự việc đúng như những gì bà con đã nói...

Theo giải thích của bà Thuận, căn cứ vào toa bác sĩ, bộ phận cấp phát đã cắt vỉ thuốc để chia cho đúng liều nên có vỉ không thấy hạn sử dụng! Trong khuôn khổ bài viết, chúng tôi không kết luận việc một tổ chức lớn như CLB TTSG lại để lọt thứ thuốc sắp phải hủy bỏ vào những gói thuốc cho người nghèo. Vấn đề đặt ra ở đây, nói như dư luận, rằng đó là sự vô tình hay cố ý của khâu cấp phát thuốc hay của cá nhân nào trong đoàn. Câu hỏi xin được gửi đến Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ Tình nguyện Sài Gòn.

Hành vi của nhóm "từ thiện lừa" ấy, đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các tổ chức chân chính. Tháng 7/2013, nhóm công tác xã hội của Công đoàn Khoa Y - Đại học Y Dược TP HCM - là nhóm có bề dày hơn 15 năm trong việc khám chữa bệnh từ thiện, gửi công văn cho một xã ở huyện Phú Tân, tỉnh An Giang, đề nghị địa phương chấp thuận cho nhóm tiến hành khám bệnh, nhổ răng, phát thuốc miễn phí, tặng quà cho 500 bà con nghèo. Tuy nhiên, có lẽ do đã gặp phải nhóm "CR7" nên Sở Y tế An Giang yêu cầu các bác sĩ tham gia khám bệnh phải… photo bằng cấp, có công chứng, nộp cho Sở.

Bác sĩ Nguyễn Cộng Hòa, giảng viên Bộ môn Ngoại gan mật - Đại học Y Dược TP HCM, Ủy viên Ban chấp hành Công đoàn Khoa Y, là trưởng nhóm, nói: "Mặc dù chúng tôi đã gửi công văn có đóng dấu của Đại học Y Dược, kèm theo danh sách họ tên, nơi làm việc của từng bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng, danh mục thuốc men và hạn sử dụng, nhưng yêu cầu phải photo bằng có công chứng của Sở Y tế An Giang đã khiến anh chị em trong nhóm bức xúc. Họ nói, họ đi làm từ thiện chứ có đi xin việc ở An Giang đâu mà phải nộp bằng". Hệ quả là cơ số thuốc trị giá 70 triệu đồng và 500 phần quà, mỗi phần 100 nghìn đồng do những nhà hảo tâm đóng góp, được nhóm chuyển đi Ba Tơ, Quảng Ngãi.

Đến nay, dù mặt bằng kinh tế chung của người dân cả nước đã khá lên, nhưng điều đó không có nghĩa là không còn những người nghèo khó, đang cần đến sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, những nhóm từ thiện. Vì thế, để phát hiện kịp thời những nhóm "từ thiện dỏm", địa phương nơi tổ chức khám, chữa bệnh, phát thuốc cần kiểm tra tính pháp lý của những tổ chức đến làm từ thiện tại địa bàn mình - nhưng cũng không nên quá máy móc. Bên cạnh đó, các nhóm từ thiện cũng nên danh chính ngôn thuận để tránh sự hiểu lầm bởi “con sâu làm rầu nồi canh”

Nhóm PV Thời sự
.
.