Vụ người mẹ trẻ treo cổ con rồi tự sát: Hậu quả khôn lường từ tổn thương tâm lý

Thứ Bảy, 22/06/2013, 17:45

Không vượt qua được áp lực trong cuộc sống, nghĩ quẩn, người mẹ trẻ đã lừa cho con uống thuốc ngủ rồi tự tay treo cổ con trước khi tự sát. Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Lâm Thúy, hành vi mù quáng của người mẹ rất đáng trách nhưng suy cho cùng lại xuất phát từ tình thương yêu con, muốn mang con theo mình với hy vọng một cuộc sống tốt đẹp hơn ở thế giới bên kia… 

Mẹ nghĩ quẩn, con thiệt mạng

Những ngày qua, dư luận người dân thôn Nhật Tảo, xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, Hà Nội vẫn chưa hết bàn tán xôn xao về cái chết thương tâm của chị Nguyễn Thị Nhung (SN 1984) và cháu Nguyễn Khắc Quang (SN 2005). Thương chị Nhung hiền lành, xinh xắn nhưng sớm chịu cảnh chăn đơn gối chiếc, một mình nuôi con. Xót cháu Quang ngây thơ đã bị chính người mẹ trong giây phút hồ đồ nỡ lòng cắt đứt sợi dây sinh mạng của đứa con vô tội.

Sự việc đau lòng xảy ra vào ngày 7/6 vừa qua. Sẩm tối cùng ngày, không thấy hai mẹ con chị Nhung đâu, anh Nguyễn Thành Quỳnh (anh trai chị Nhung) cùng mọi người chia nhau đi tìm. Nào ngờ khi nhòm qua ô thoáng ngôi nhà gia đình xây cho chị Nhung ở ngay bên cạnh, anh Quỳnh rụng rời chân tay khi thấy cháu Quang bị treo cổ bởi một sợi dây thừng buộc trên thành cầu thang tầng 2. Mọi người tá hỏa phá cửa cứu cháu bé nhưng tất cả đã muộn. Kinh hoàng hơn, trên tầng 3, người ta phát hiện chị Nhung cũng trong tình trạng tương tự.

Cái chết của 2 mẹ con chị Nhung khiến mọi người bàng hoàng. Thế nhưng những gì để lại hiện trường cho thấy chị Nhung có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi quyên sinh cùng con trai. Mặc dù không để lại thư tuyệt mệnh nhưng trên  giường ngủ, chị Nhung đặt sẵn hai tấm ảnh của hai mẹ con phóng to làm ảnh thờ. Xung quanh có rất nhiều vỉ thuốc ngủ đã bóc vỏ và một chai nước ngọt C2.

Những người hàng xóm cho biết, mới  8 tuổi nhưng cháu Quang to khỏe hơn các bạn cùng lứa. Có lẽ vì sợ thằng bé kêu la, giãy giụa nên mẹ nó đã lừa cho thuốc ngủ vào chai nước ngọt cho con uống trước khi hành động. "Mẹ nó dại dột quá. Tội nghiệp thằng bé nào có tội tình gì mà nỡ ép uổng nó vậy. Nó trẻ con, phải để cho nó sống chứ" - một người hàng xóm xót xa pha lẫn trách móc. Bọn trẻ hàng xóm hay tin cũng kéo đến, ngẩn ngơ trước cổng nhà. Mới chiều hôm qua, chúng còn cùng bé Quang đùa nhau trong bể nước cao su trước sân nhà.

Chai nước C2 cùng rất nhiều vỉ thuốc ngủ bóc vỏ thu được tại hiện trường.

Quá đau đớn trước cái chết của con gái và cháu, bà Nguyễn Thị Hợp khóc ngất trong vòng tay của người thân. Chỉ trong một phút chốc, ông bà mất đi cả con và cháu. Có nỗi đau nào xót xa hơn đối với họ, khi lá vàng vẫn ở trên cây…

Ông Nguyễn Văn Tỵ, bố chị Nhung thở dài khi kể về duyên phận không may mắn của cô con gái. Nhung lấy chồng sớm. Anh Nguyễn Khắc Thiện, chồng Nhung vốn là bạn của anh Quỳnh, hơn Nhung gần chục tuổi. Nhà ở tận Thạch Thất nhưng anh Thiện ra Hà Nội làm thợ điện lạnh ở gần nhà ông Tỵ. Sau khi lấy nhau, nhà rộng nhưng anh Thiện giữ ý không ở rể nên hai vợ chồng Nhung thuê  trọ gần nhà bố mẹ vợ.

Theo ông Tỵ, vợ chồng Nhung bắt đầu xảy ra chuyện khi bé Quang phát bệnh động kinh khi được khoảng 1 tuổi. Mỗi lần co giật thằng bé tím đen người lại. Đi khám bệnh, bác sĩ bảo mỗi khi thằng bé phát bệnh, phải khẩn trương đưa ngay vào viện cấp cứu vì diễn biến bệnh rất nhanh. Mỗi lần lên cơn co giật sau khoảng 20 phút mà không cắt được cơn thì thằng bé sẽ sống thực vật luôn. Chính vì thế nên trong nhà lúc nào cũng chuẩn bị bình ôxy. Thế nhưng  thằng bé đang nằm viện điều trị thì ông bà nội do mê tín, bảo rằng tại ở trên đất thánh nên bắt phải đưa thằng bé về quê.

"Cháu sốt cao, ông bà nội cứ giã gừng và lá ngải cứu đắp lên trán cháu. Cái Nhung không đồng ý với cách chữa bệnh trên vì càng đắp thì thằng bé càng tăng nhiệt độ. Bố mẹ chồng mắng nó. Đến lúc nhiệt độ tăng cao quá, cái Nhung xin bế thằng bé đi bệnh viện cũng không cho đi. Nó tức quá nên bế thằng bé về nhà ngoại".

Ông Tỵ bảo rằng, gia đình ông rất buồn vì sau khi ly hôn, nhà nội không được một lần gọi điện hỏi thăm sức khỏe cháu Quang. Bố nó cũng biệt tăm. Không hỗ trợ  kinh tế cho chị Nhung chăm con đã đành, anh Thiện cũng không qua lại thăm nom con. Nghe nói đã đi lấy vợ khác. Xảy ra chuyện này, ông mới có ý trách móc sự vô trách nhiệm của phía nhà nội. Chứ ông vẫn bảo, hồi lấy cái Nhung, con rể ông cũng là đứa hiền lành, chăm chỉ. Giá như thằng bé là đứa khỏe mạnh, bình thường như những đứa trẻ khác thì chuyện cư xử chưa tốt của người lớn, ông cũng không tính đến làm gì. Dẫu sao, gia đình ông có điều kiện kinh tế hơn người ta.

Ngoài thu nhập thuộc loại khá của xã từ nghề trồng rau, mấy năm nay được một khoản tiền lớn từ đền bù đất nên ông bà quyết định xây cho mẹ con chị Nhung một ngôi nhà 3 tầng rộng khoảng 60-70m2 ở cạnh nhà. Sợ hai mẹ con ở buồn, anh Quỳnh chủ động bảo em gái cho thuê nhà lấy tiền chi tiêu, còn hai mẹ con sang ở cùng vợ chồng anh và bố mẹ. Cách đây một tuần, người thuê trả nhà, chuyển đi nơi khác nên buổi trưa, mẹ con chị Nhung thường dẫn nhau sang đó ngủ.

Ngôi nhà nơi xảy ra sự việc đau lòng.

Về phần  bé Quang, ông Tỵ cho biết tuy thỉnh thoảng lên cơn động kinh nhưng thằng bé vẫn đi học bình thường. Cháu đang học lớp 2. Cuối năm học vừa rồi, cô giáo thông báo thằng bé học tiếng Anh rất khá, điểm toàn trên 9. Ông bà rất vui vì bệnh tình của cháu tiến triển theo chiều hướng tốt lên, những cơn động kinh cũng thưa dần. Chỉ hôm nào sốt cao, thằng bé mới bị lên cơn co giật.

Ông Tỵ bảo, nhà có điều kiện nên vợ chồng ông đã bỏ hẳn một khoản để dành cho thằng bé Quang sau này, kể cả trường hợp chị Nhung có đi bước nữa thì cũng không phải lo lắng vật chất nuôi con. Mấy năm trước khi cháu Quang cứng cáp, ông bà động viên để Nhung thi vào Trường cao đẳng Mẫu giáo Trung ương, có công việc làm cho khuây khỏa. Chỉ còn 2 tháng thực tập nữa là Nhung ra trường. Vậy mà không hiểu sao Nhung lại nghĩ quẩn.

Nghe tôi hỏi chuyện thằng bé Quang bị bạn bè trêu "không có bố", ông Tỵ gạt đi bảo chuyện đó chỉ xảy ra vào năm lớp 1. Cô giáo biết chuyện đã can thiệp ngay, cấm cả lớp không được chọc Quang. Còn với chị Nhung, ông Tỵ cho rằng cũng đã quen với việc đó nên không ảnh hưởng gì. Mấy ngày trước khi Nhung tự sát, ông không phát hiện được biểu hiện khác thường của cô con gái nên cái chết của con đối với ông là quá bất ngờ và không thể biết chính xác lý do ngoài việc cho rằng Nhung "nghĩ quẩn".

Nhận định của ông Tỵ là vậy. Nhưng có thể, những diễn biến tâm lý trong cô con gái, ông không thể biết hết được. Bạn cùng lớp chị Nhung cho biết, thời gian gần đây Nhung tỏ ra rất buồn và có lần còn than rằng, sống thế này thì thà chết quách đi cho xong (?).

Điều trị tâm lý, vấn đề chưa được quan tâm

Trước hiện tượng thời gian gần đây xảy ra một số trường hợp mẹ giết con nhỏ rồi tự sát, chuyên gia tư vấn Nguyễn Lâm Thúy, Văn phòng Tham vấn gia đình và trẻ em VALA (Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam) cho rằng, người mẹ khi sinh ra đứa con với bao nhiêu khổ cực mà người ta chịu được mà cuối cùng lại phải xử lý với con như thế thì chắc chắn là có nỗi khổ khủng khiếp trong lòng. Ví dụ trường hợp chị Nhung, bản thân còn đang đi học, chưa tự lo cho mình, lấy chồng sớm, không may sinh ra một đứa con bệnh tật, lại không có tiền chạy chữa trong khi người chồng vô trách nhiệm, bỏ rơi vợ đã đành, lại bỏ rơi cả đứa con đang cần chữa bệnh hàng tháng, thì nỗi cơ cực khiến cô ấy không vượt lên nổi bản thân. Không vượt qua nỗi đau và sự thất bại của cuộc đời mình dẫn đến hành động tiêu cực.

Không tự giải quyết được những khúc mắc của bản thân, không nhìn thấy tương lai, và cũng thương cha mẹ, không muốn để lại gánh nặng cho cha mẹ già, cuối cùng vì thiếu tự tin khiến chị Nhung tự hủy hoại mình. Và cũng vì tâm lý lo cho đứa con, quá thương con mà sợ rằng con ở lại sẽ khổ hơn nữa nếu như mất mẹ nên chị Nhung muốn mang con theo để được tiếp tục chăm sóc, lo lắng cho con, hy vọng ở một thế giới mới thì cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn chăng,  chứ mục đích không phải để hại con. Ở đây, có trách chăng là trách người chồng vô tình, bạc nghĩa. Có thể anh ta không còn yêu vợ nhưng anh ta vẫn phải có trách nhiệm với đứa con, vì nó là dòng máu của anh ta, nó có tội tình gì đâu. Nhất là khi đứa con bệnh tật thì càng không thể đổ hết trách nhiệm lên đầu người vợ được.

Theo chuyên gia Nguyễn Lâm Thúy, những trường hợp mẹ sát hại con khác, như  vì thù chồng, thù nhà chồng mà nhất thời hồ đồ làm hại con, mục đích dùng hành vi đó để làm đau đớn người khác, nhưng họ không ngờ được chính họ sẽ đau đớn hơn vì sự ám ảnh hình ảnh của đứa trẻ khi bị hủy hoại. Họ sẽ bị nỗi đau ấy giày vò, dằn vặt suốt cuộc đời. Chỉ có điều người khác không nhìn thấy được những giằng xé, vật lộn trong tâm can người phụ nữ đó thôi.

"Tôi cho rằng bất cứ người phụ nữ nào, khi đã yêu thương, đã đau đớn mới sinh ra được một đứa trẻ lại nỡ hành hạ, nỡ giết con, trừ khi họ bị dồn ép trong cuộc sống dẫn tới bệnh tâm lý. Lúc mà họ không còn minh mẫn, không còn là con người  thì thời khắc đó họ không còn tỉnh táo, làm những việc rồ dại" - bà Nguyễn Lâm Thúy nhận định.

Phân ra trong xã hội, những người có thể làm những việc rồ dại như vậy có 2 khả năng: Một là họ yếu đuối về tâm lý, bị tổn thương, không có khả năng chịu đựng áp lực của cuộc sống nên đứng trước áp lực quá lớn không tự tháo gỡ được, không ai giúp được thì họ chạy trốn cuộc đời bằng cách tự vẫn. Trường hợp thứ 2 là họ quá mạnh mẽ, quá liều lĩnh thì khi thù hận, họ tìm mọi cách để đạt được mục tiêu của họ, bất chấp thủ đoạn, có thể họ không nghĩ rằng đứa trẻ sẽ chết mà chỉ nghĩ rằng làm để đe dọa, trả thù người kia nhưng không ngờ quá tay, họ không khống chế được tình huống nên xảy ra kết cục đó.

Cũng theo chuyên gia Nguyễn Lâm Thúy, thực tế nhiều vụ án xảy ra cho thấy, một trong những nguyên nhân khiến người ta phạm tội xuất phát từ những tổn thương tâm lý kéo dài nhưng không được giải tỏa, điều trị đúng cách và kịp thời. Vấn đề điều trị tâm lý tuy không phải là mới mẻ nhưng hiện nay còn chưa được mọi người quan tâm bởi nhiều lý do.

Thứ nhất là người Việt Nam xưa nay có quan niệm "đẹp đẽ phô ra, xấu xa đậy lại", tư tưởng phong kiến "nói ra thì được cái gì", không muốn cho mọi người khác biết chuyện nhà vì nói ra nhỡ người ta biết, qua tai người này người kia chuyện sẽ bị phóng to, bóp méo đi, ảnh hưởng đến uy tín. Việc đi tìm người để chia sẻ chuyện riêng tư vốn không hẳn là thói quen của người châu Á, ngược với người phương Tây lại rất cởi mở trong những chuyện này. Do đó người châu Á có khuynh hướng  dồn nén những chuyện riêng tư trong lòng, những người nhẫn nhịn chịu đựng thì được khen, sau đó người ta như thế nào thì không biết.

Lý do thứ hai là  hệ thống công tác tư vấn tâm lý ở Việt Nam chưa được coi trọng nên chưa phát triển tương xứng để những người có áp lực tin cậy tìm đến chia sẻ. Thực tế hiện nay dịch vụ tư vấn tâm lý qua các đường dây tư vấn, rất tiếc là những người trực tiếp tư vấn không hẳn là những người thực sự có năng lực, có kinh nghiệm, mà nhất là tư vấn theo kinh nghiệm cũng rất dở. Cho nên các kênh tư vấn đó không thích hợp với những người có trình độ, mà mới chỉ là kênh xả stress cho một số người, nhất là thanh niên, chán đời, buồn bã thì buôn chuyện thế thôi. Còn những vấn đề tâm lý sâu sắc cần đến trung tâm, văn phòng tư vấn để giải quyết thì hơi ít.

Bên cạnh đó, không phải ai cũng nhận thức đúng về điều trị tâm lý. Một số người  chủ quan, quan niệm "việc của tôi tôi tự giải quyết được hết, chẳng cần ai tư vấn giúp đỡ". Nhưng giải quyết có triệt để không, có tích cực không thì lại là một lẽ khác bởi giải quyết tận gốc những vấn đề thuộc về tâm lý là rất khó. Cũng có người lại cho rằng tư vấn, điều trị tâm lý giống như một dịch vụ "xa xỉ phẩm", chẳng tội gì mà mất tiền, trong khi thực tế những tổn thất về tâm lý gây thiệt hại rất lớn cho họ, thậm chí dẫn tới việc người ta hủy bỏ cả sinh mạng của mình

Hương Vũ (huongvu.cand@gmail.com)
.
.