Vụ sách “Thần thoại Hy Lạp”: Có “đạo văn” hay không?

Chủ Nhật, 18/09/2011, 19:45

Nhà giáo quá cố Nguyễn Văn Khỏa, nguyên cán bộ giảng dạy Văn học phương Tây, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (cũ) là tác giả của “Thần thoại Hy Lạp”. Đây là một cuốn sách nổi tiếng, đã và đang là niềm say mê của nhiều thế hệ bạn đọc.

Nhưng gần đây, sau khi hai nhà xuất bản (NXB) là NXB Văn học và NXB Văn hóa - Thông tin xuất bản cuốn “Thần thoại Hy Lạp” của nhóm tác giả Việt Thanh - Văn Trọng - Vương Đăng thì gặp phải sự phản ứng dữ dội của bà Nguyễn Thị Thìn (em ruột, đồng thời là người thừa kế hợp pháp của tác giả Nguyễn Văn Khỏa).

Vì sao?

Người thừa kế của tác giả Nguyễn Văn Khỏa: "Đó là một sự ăn cắp bản quyền rất trắng trợn"

Trong lá thư gửi Chuyên đề ANTG, bà Thìn viết: "Đã nhiều lần  các NXB liên kết với các nhà sách tư nhân in cuốn sách trên (cuốn "Thần thoại Hy Lạp" của tác giả Nguyễn Văn Khỏa - NV) mà không hỏi ý kiến gì gia đình tôi. Gần đây, tình cờ tôi phát hiện một cuốn "Thần thoại Hy Lạp" khác mang tên các dịch giả - nhà biên soạn là Việt Thanh - Văn Trọng - Vương Đăng. Vốn là một biên tập viên lâu năm (bà Thìn nguyên là biên tập viên của NXB Thế giới - NV), tôi đã đọc dò 2 cuốn sách - một của 3 dịch giả trên với cuốn thứ hai là của Nguyễn Văn Khỏa và đi đến kết luận: 90% cuốn sách này (tức cuốn của Việt Thanh - Văn Trọng - Vương Đăng - NV) chép nguyên văn cuốn sách của anh tôi. Đây là một sự ăn cắp bản quyền rất trắng trợn".

Kèm theo bức thư này, để chứng minh, bà Thìn cũng đã chuyển tới ANTG nhiều câu văn, thậm chí cả đoạn văn trong cuốn "Thần thoại Hy Lạp" của Việt Thanh - Văn Trọng - Vương Đăng giống y chang "Thần thoại Hy Lạp" của Nguyễn Văn Khỏa.

Cũng theo phản ánh của bà Thìn thì ngay sau khi phát hiện ra việc mà bà cho là nhóm tác giả trên đã "đạo văn", "ăn cắp bản quyền" của tác giả Nguyễn Văn Khỏa, bà đã viết 4 bức thư gửi tới cơ quan có thẩm quyền là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, yêu cầu được giải quyết 2 nguyện vọng. Thứ nhất, xác định và vạch mặt người mà bà cho là đã "xâm hại bản quyền". Thứ hai, phải đền bù thiệt hại về vật chất và tinh thần cho gia đình bà.

NXB Văn học: "Chúng tôi đã chủ quan, không kiểm tra sách…"

Trong một văn bản đề ngày 23/5/2011 do ông Nguyễn Văn Cừ - Giám đốc, Tổng Biên tập ký, NXB Văn học đã giải trình như sau: "Năm 2007, NXB Văn học có liên kết với Nhà sách Vũ Đức in cuốn “Thần thoại Hy Lạp”, phía liên kết là Nhà sách Vũ Đức đã trả nhuận bút cho bà Nguyễn Thị Thìn. Năm 2011, bà Thìn có phát hiện Nhà sách Vũ Đức lại in tiếp cuốn này mà không trả nhuận bút. NXB Văn học không cấp giấy phép và không cho Nhà sách Vũ Đức in lần này, đây là nhà sách cố tình in lậu, in nối bản”.

Về việc cho xuất bản cuốn sách theo bản dịch "Thần thoại Hy Lạp" của Việt Thanh - Văn Trọng - Vương Đăng, NXB Văn học, cho biết: "Đây là tác quyền của NXB Văn hóa - Thông tin. Đối tác liên kết liên doanh đã mua tác quyền bản dịch này và sử dụng theo bản sách đã công bố từ trước đó của NXB Văn hóa - Thông tin. NXB Văn học đã kiểm tra giấy phép cấp cho nhà sách theo bản dịch của Nguyễn Văn Khỏa vì vậy nên đã chủ quan không kiểm tra sách dẫn tới tình trạng đối tác liên doanh tự ý dùng bản dịch khác" (tức là bản dịch của Việt Thanh - Văn Trọng - Vương Đăng - NV).

NXB Văn học thừa nhận: "Đã không chọn lọc kỹ đối tác liên doanh, biên tập viên lỏng lẻo trong công tác theo dõi bản thảo, chủ quan trong việc sử dụng sách tái bản". Vì vậy, NXB "rất thành thật xin lỗi gia đình dịch giả và lãnh đạo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch".

NXB Văn hóa - Thông tin: "Về Thần thoại Hy Lạp có rất nhiều bản dịch…"

Giải trình về việc cho xuất bản cuốn sách "Thần thoại Hy Lạp" của Việt Thanh - Văn Trọng - Vương Đăng năm 2011, NXB Văn hóa - Thông tin khẳng định, cuốn sách này được xuất bản trên cơ sở từ cuốn “Thần thoại Hy Lạp” của Bùi Xuân Mỹ. Đây là cuốn sách được TS Nguyễn Văn Tân, tu nghiệp ở Liên Xô và Thạc sĩ Văn học phương Tây Bùi Xuân Mỹ, nguyên giảng viên Trường đại học Sư phạm Huế biên dịch từ tài liệu tiếng Nga và có tham khảo những bản dịch trước đó. Theo thông tin do NXB này cung cấp thì đây là hai dịch giả khá thân thiết với các NXB trong các công trình dịch thuật truyện cổ thế giới đã xuất bản và được bạn đọc đánh giá cao.

NXB Văn hóa - Thông tin cũng nhấn mạnh rằng, về "Thần thoại Hy Lạp" có rất nhiều bản dịch, các công trình biên soạn, khảo cứu của nhiều người và lấy minh chứng bằng 9 tác giả và nhóm tác giả trong đó có tác giả Nguyễn Văn Khỏa.

Sẽ có một phiên tòa?

Bà Nguyễn Thị Thìn cho biết, lời xin lỗi của NXB Văn học cũng như giải trình của cả hai NXB nói trên đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chuyển tới bà. Tuy nhiên, theo bà Thìn thì: "ông giám đốc không thể chỉ nói một lời xin lỗi" và cả hai nguyện vọng của gia đình bà đều chưa được giải quyết. Vì vậy mà bà quả quyết: "Sẽ nộp đơn kiện  lên tòa án về quyền tác giả", dù "biết rõ rằng việc này sẽ rất mệt mỏi, tốn kém thời gian, sức lực".

Tuy nhiên, theo bà Thìn thì chuyện bị ăn cắp bản quyền của nhà giáo Nguyễn Văn Khỏa không phải là trường hợp cá biệt mà đã có nhiều tác giả, dịch giả lâm vào nhưng "không ai muốn làm cho ra nhẽ". Bởi thế, việc  khởi kiện ra tòa, theo bà Thìn là: "Tôi muốn làm một việc cho nhiều người và trước hết là trước hương hồn anh trai tôi".

Vậy là sẽ có một phiên tòa, một phiên tòa không ai mong muốn kể cả gia đình nhà giáo quá cố Nguyễn Văn Khỏa. Nhưng nó sẽ diễn ra khi mà các nỗ lực tự giải quyết, tự thỏa thuận của hai bên không thành. Và, đó mới là điều đáng tiếc…

Tô Ngọc Huyền Thi
.
.