Vụ thức ăn gia súc nhiễm dioxine: Đòn đau giáng vào nông dân Đức

Thứ Sáu, 21/01/2011, 20:40
Thông tin về các sản phẩm nông sản của Đức bị nhiễm chất gây ung thư dioxine đã nhanh chóng lan ra toàn thế giới khiến nhiều quốc gia nhập khẩu đã và đang ngưng nhập các mặt hàng này từ Đức. Trong khi đó, hàng nghìn nông trại chăn nuôi của Đức đã được lệnh đóng cửa để chờ xét nghiệm. Thiệt hại lớn nhất trong vụ bê bối này chính là sự mất lòng tin của người tiêu dùng thế giới đối với cái gọi là “tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm” khắt khe của châu Âu.

Những thông tin đầu tiên về vụ thực phẩm nhiễm độc dioxine tại Đức bắt đầu phát lộ từ ngày 3/1 vừa qua khi có khoảng 8.000 con gà đã bị chết sau khi ăn. Kết quả thử nghiệm sau đó cho thấy mức dioxine tìm thấy trong thực phẩm gia cầm bị nhiễm độc cao gấp 77 lần mức cho phép. Mức cao bất thường của việc nhiễm độc này được tìm thấy trong những sản phẩm nông nghiệp do Công ty Harles und Jentzsch sản xuất.

Công ty này sản xuất chất làm tăng mức dinh dưỡng cho thức ăn của gà và lợn. Ngay sau đó, Bộ Nông nghiệp Đức đã ra lệnh cho 4.700 trại chăn nuôi gia cầm và lợn, trong đó có 4.468 trại ở bang Nierdersachsen ngừng cung cấp sản phẩm và tạm thời đóng cửa.

Khi thức ăn gia súc và gia cầm nhiễm dioxine, người ta bắt đầu lo ngại trứng, sữa và thịt của những loại gia cầm này cũng bị nhiễm độc. Kết quả các xét nghiệm sau đó đã khẳng định lo ngại trên. Ngày 8/1, các giới chức thuộc Bộ Nông nghiệp Đức cho biết, tìm thấy mức dioxine cao gấp 2 lần bình thường trong thịt gà tại Đức.

Lúc này, người tiêu dùng Đức cũng như các đối tác nhập khẩu các sản phẩm nông sản trên của Đức bắt đầu lo lắng. Ngày 6/1, Ủy ban châu Âu đã thông báo lô trứng có khả năng nhiễm độc dioxine tại Đức, trong số 14 tấn thực phẩm cho người, có khả năng đã đi vào lãnh thổ Anh. Ngày 8/1, Hàn Quốc là nước đầu tiên tuyên bố ngưng nhập khẩu thịt lợn từ Đức. Chính phủ Nga cũng cảnh báo sẽ cấm nhập khẩu thịt lợn từ Đức nếu như không có được những thông tin chính xác trong những ngày tới. Slovakia cũng cho biết tạm ngừng mua trứng, thịt gia cầm của Đức.

Các biện pháp nói trên làm gia tăng lo ngại về một cuộc khủng hoảng an toàn vệ sinh thực phẩm đối với gia cầm và lợn của Đức, mặc dù những xét nghiệm đầu tiên về nguy cơ nhiễm độc chất dioxine tại nước này cho thấy tình hình “không đến nỗi bi đát”. Người phát ngôn của Ủy ban Y tế châu Âu cho rằng, chưa có bằng chứng nào chứng tỏ rằng trứng các loại gia cầm nuôi bằng thức ăn nhiễm độc, cũng bị nhiễm độc. Người tiêu dùng chỉ bị nhiễm độc khi ăn thật nhiều trứng và các chế phẩm từ trứng.

Tuy nhiên, tất cả những ý kiến trấn an từ Liên minh châu Âu hay việc Đức trưng ra những kết quả xét nghiệm âm tính với dioxine giờ đây dường như chả có nghĩa lý gì. Lòng tin của người tiêu dùng đã tổn thương. Đúng vào lúc này, những công bố kết quả điều tra về việc tại sao lại có chất dioxine trong thức ăn chăn nuôi ở Đức lại giống như hành động đổ thêm dầu vào lửa. Ngày 9/1, Cơ quan Điều tra Đức phát hiện một số loại dầu dùng để sản xuất xăng có mặt trong kho dự trữ thức ăn cho gia súc của Công ty Harles und Jentzsch. Giới chức Berlin nhận định đây có thể là dấu hiệu một vụ án hình sự.

Theo chính quyền tiểu bang Nierdersachsen, nơi có phần lớn các nông trại bị ảnh hưởng, căn cứ vào nồng độ dioxine rất cao và số lượng lớn các sản phẩm bị nhiễm độc, chưa thể kết luận rằng, nguyên nhân chỉ đơn giản là một sai lầm trong sản xuất. Các loại mỡ công nghiệp đã được dùng để trộn với thức ăn gia súc và gia cầm. Viện Công tố Đức đã mở cuộc điều tra. Ngoài việc bị cáo buộc cung cấp nguyên liệu nhiễm độc, Công ty Harles und Jentzsch còn bị nghi ngờ có hành vi lừa đảo, trốn thuế.

Nghiêm trọng hơn nữa là vào ngày 8/1, công chúng mới biết rằng, ngay từ đầu năm 2010, đã có một xét nghiệm cho thấy liều lượng dioxine trong các thực phẩm này đã vượt quá mức bình thường ở mức độ hết sức cao. Vào thời điểm đó, doanh nghiệp sản xuất thức ăn gia súc Harles und Jentzsch đã không đưa ra bất cứ biện pháp khắc phục nào. Thông báo được công bố mới đây cho thấy: lượng dioxine trong các thực phẩm cho gia súc vẫn được thông báo cho công chúng biết thấp hơn nhiều so với xét nghiệm vừa mới được công bố. Phải chăng có những âm mưu tội ác đằng sau vụ bê bối này?

Thêm một câu hỏi được đặt ra: Có phải là do luật lệ về vệ sinh an toàn thực phẩm ở Đức và trong Liên minh châu Âu còn chưa chặt chẽ, hay việc thực thi luật lệ chưa được nghiêm cũng như việc kiểm tra thực thi luật lệ thiếu nghiêm túc nên để xảy ra vụ việc như vậy?  Lâu nay, châu Âu luôn khắt khe trước vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm mà giờ lại để chuyện xảy ra, làm phát sinh tâm lý nghi ngờ. Bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng luôn là vấn đề có tác động chính trị nội bộ sâu sắc. Vụ bê bối này cho thấy, không chỉ lợi ích của người tiêu dùng chưa được đảm bảo mà còn cả lòng tin của người dân trong châu Âu và đối tác bên ngoài đang bị tổn hại nghiêm trọng.

Ngày 9/1, giới chức Đức cho biết khoảng 3.000 trong số 4.700 trang trại bị đóng cửa đã được phép tiếp tục cung ứng sản phẩm. Thông báo được đưa ra sau khi kết quả phân tích khoa học cho thấy các sản phẩm do các trang trại này sản xuất không đe dọa sức khỏe người tiêu dùng. Những trang trại còn lại vẫn phải đóng cửa chờ kết quả của các xét nghiệm tiếp theo.

Phát biểu với báo giới Đức, Bộ trưởng Nông nghiệp nước này, Inse Aigner cho rằng, vụ thức ăn chăn nuôi nhiễm dioxine là một đòn đau giáng vào nông dân Đức, dẫn đến việc một số nước đã và đang xem xét cấm nhập khẩu trứng, thịt và sản phẩm gia cầm từ Đức. Bà kêu gọi cơ quan tư pháp Đức giám sát vụ việc chặt chẽ hơn nhằm giải tỏa những nghi ngại trên thị trường

Giang Khuê (tổng hợp)
.
.