Vụ trục lợi trong việc hiến xác tại trường đại học California

Thứ Hai, 10/11/2008, 17:00
Henry Reid, 58 tuổi, cựu Giám đốc Chương trình tự nguyện hiến xác cho nghiên cứu khoa học tại Trường đại học California ở Los Angeles (UCLA, Mỹ), đã nhận tội hôm 17/10 vừa qua. Theo Văn phòng Chưởng lý quận Los Angeles, vai trò của ông ta trong vụ bê bối là trục lợi trên các bộ phận cơ thể của những người tự nguyện hiến xác cho nghiên cứu khoa học.

Henry Reid thú nhận trong khoảng thời gian từ năm 1999 đến 2004 đã thông đồng để lấy trộm các bộ phận cơ thể trị giá hơn 1 triệu USD và giao cho một tay môi giới cơ phận là Ernest Nelson (49 tuổi). Người này sau đó bán lại các bộ phận cơ thể đó cho các công ty nghiên cứu về y và dược. Reid và Nelson hồi tháng 5/2008 từng bị một bồi thẩm đoàn luận tội công khai, và cả hai đã nhận thức được hành vi phạm tội của mình.

Ernest Nelson.

Theo một thỏa thuận chuộc lỗi, Reid sẽ hợp tác với các nhà điều tra trong việc luận tội Nelson. Luật sư Melvyn Sacks của Reid cho biết thân chủ của ông đã nhận thức được tội lỗi “tày trời” của mình và muốn chịu trách nhiệm về những hành vi sai trái đó. Reid nghĩ đơn giản rằng đã phạm lỗi phải biết sửa sai để cải tạo bản thân.

Lấy ví dụ trong bản báo giá của chương trình này, một cái xác nguyên vẹn có giá 1.000 USD, còn thân thể giá 500 USD. Marisa Zarate, Phó chánh Văn phòng Công tố quận Los Angeles, cho biết theo các kết quả điều tra, Henry Reid lập một tài khoản riêng tại ngân hàng và bán “tùy thích” các bộ phận cơ thể người chết theo giá do ông ta định ra.

Trong bản luận tội hồi tháng 5, bồi thẩm đoàn quận Los Angeles nêu rõ việc Reid cung cấp đều đặn các bộ phận cơ thể hiến tặng cho Nelson, sau đó tay buôn xác chết này bán lại cho các công ty và viện nghiên cứu y dược, nhiều nơi trong đó là tổ chức nghiên cứu hợp pháp. Cho đến trước khi bị bắt, Nelson đã có hơn 1 triệu USD qua việc sang tay các cơ quan và xác chết cho hơn 20 công ty nghiên cứu tư nhân. Trong các tội danh y sẽ phải đối mặt, nặng nhất có lẽ là hai tội danh trộm số lượng lớn  bộ phận cơ thể người chết và trốn thuế.

Ban lãnh đạo Trường UCLA bắt đầu nghi ngờ khi biết Nelson và Reid “qua lại” với nhau thông qua chương trình tự nguyện hiến xác này. Một nhà điều tra phát hiện có hàng trăm cái xác không được kiểm kê, và có quá nhiều túi chứa tay, chân, bàn tay và bàn chân mà lẽ ra nên được hỏa táng. Sau khi vụ bê bối được công bố vào năm 2004, UCLA tạm ngưng chương trình hơn 18 tháng trước khi hoạt động trở lại

Lệ Đào (tổng hợp)
.
.